flag header

Tin tứcTin tức

MỘT SỐ CÁCH HIỂU CHƯA ĐÚNG VỀ NGÀY 30-4

Ngày đăng: 02-05-2022 Lượt xem: 992

Ngày 30-4 hằng năm là dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là ngày giành thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, là ngày toàn thắng của công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, là ngày hoàn thành tâm nguyện của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Thế nhưng đó đây, trước giờ, vẫn có một số kẻ gọi ngày 30-4 bằng những cách nhìn khác chưa đúng, lệch lạc, thiên kiến, thậm chí mang tính hằn học, hận thù. Thực sự thì sao?

 

“Ngày mất nước”

Nhiều người hẳn nhớ đến lời phát biểu của ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa khi ông nhận xét về những phong trào chống Chính phủ Việt Nam của các nhóm người Việt lưu vong ở hải ngoại: “Nước Việt Nam có mất cho Tây cho Tàu đâu mà phục quốc?”. Chính ông ta cũng không nhìn nhận “mất nước” thì người nào “xứng đáng” hơn cho rằng ngày 30-4-1975 là ngày mất nước? Trong bộ phim The ten thousand day war (Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày), Nguyễn Cao Kỳ đã nhận xét: “Việt Cộng gọi chúng tôi là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ. Nhưng rồi chính nhân dân Mỹ cũng gọi chúng tôi là những con bù nhìn của người Mỹ, chứ không phải là lãnh tụ chân chính của nhân dân Việt Nam”. Nhiêu đó đủ nói lên tính chất của cái “nước” mà người ta cho là đã mất! Đã không có “nước” thì làm gì có chuyện “mất nước”!

Sự thật thì chế độ Việt Nam Cộng hòa đã được ra đời một cách không hợp pháp, không phù hợp với nguyện vọng nhân dân nên bị diệt vong âu cũng là lẽ thường tình. Bởi nó được đế quốc Mỹ dựng lên, rồi hà hơi tiếp sức bằng viện trợ kinh tế và quân sự, sau đó xé bỏ Hiệp định Genève, không thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử để đi đến thống nhất đất nước. Chính sự thống nhất của đất nước Việt Nam đã bị họ phá hoại chứ bản thân họ không tạo ra một đất nước mới, và vì thế không thể có chuyện mất nước!

Dĩ nhiên, chính thể Việt Nam Cộng hòa từng được một số quốc gia và tổ chức công nhận, nhưng không vì thế mà chúng ta coi đây là một “nước” thực sự với tính chất phù hợp với luật pháp quốc tế, với lòng dân và xu hướng vận động.

“Ngày quốc hận”

Đã không có chuyện mất nước thì không thể có chuyện quốc hận! Ngạn ngữ có câu: Của Ceasar trả lại Ceasar. Một thể chế không danh chính ngôn thuận, không hợp lòng dân, phải sống bằng sự bảo bọc của ngoại bang, xét về bản chất thể chế đó mang tính tầm gửi, sống bám. Do vậy, họ phải trả lại nhân dân những gì thuộc về nhân dân và những gì không thuộc về họ.

Dĩ nhiên, có một số người “ôm hận”. Họ là người người ôm chân đế quốc, có quyền lợi gắn chặt với đế quốc và chế độ tay sai, khi chế độ ấy sụp đổ, bọn đế quốc bị đánh đuổi thì họ bị mất quyền lợi nên tức tối. Họ chạy ra nước ngoài, tiếp tục gắn bó với kẻ đã xâm lược Tổ quốc, xét cho cùng họ không thể công khai tỏ ra vui vẻ với sự kiện chế độ Sài Gòn bị sụp đổ được! Ngay như ông Nguyễn Cao Kỳ, người từng chống Cộng rất quyết liệt, còn không cho là “hận” và ông thẳng thắn xin được trở về nước như một người Việt Nam bình thường!

Đến nay, những thế hệ sinh ra và lớn lên sau ngày 30-4-1975 đã nhạt dần với nhận thức về cái gọi là “ngày quốc hận”. Đây là một trong những yếu tố để thực sự thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc.

“Sài Gòn sụp đổ”

Nhiều người đồng nhất cụm từ “Sài Gòn sụp đổ” với ý nghĩa chế độ Sài Gòn, hay chế độ Việt Nam Cộng hòa, sụp đổ. Điều đó hoàn toàn đúng, bởi thủ đô của một đất nước, thủ phủ của một vùng đất, nơi đặt bộ máy đầu não của một chính quyền… thường được dùng với nghĩa đại diện cho chính quyền hay chế độ ở đó.

Thế nhưng còn có một sự thật khác là thành phố Sài Gòn không những không bị sụp đổ mà cơ bản còn được giữ nguyên vẹn. Có nhiều nguyên nhân về sự nguyên vẹn này. Trước hết, quân giải phóng đã tiến công rất thần tốc khiến đối phương chỉ vất vả chống trả rồi tháo chạy, một bộ phận đầu hàng, một số bị tiêu diệt, một số khác tan rã, hầu như không còn ai kịp nghĩ đến việc phá hoại thành phố. Thứ hai, lực lượng cách mạng bao gồm quân giải phóng, lực lượng chính trị tại chỗ, quần chúng nhân dân và những người ủng hộ cách mạng nằm ngay trong bộ máy chính quyền Sài Gòn đã phối hợp đồng bộ để kịp thời bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp… Thứ ba, sức mạnh kỷ luật của quân giải phóng có vai trò rất quan trọng trong việc sớm ổn định tình hình và góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động phá hoại. Thứ tư, về cơ bản, ý thức trách nhiệm của người dân thành phố Sài Gòn là rất tốt, dù cá biệt có một số việc chưa tích cực, nhưng nhìn chung người dân nhanh chóng chấp hành và thực hiện các biện pháp giữ gìn trật tự trị an của lực lượng cách mạng vào tiếp quản thành phố.

“Miền Nam đã bị cộng sản xâm chiếm”

Những kẻ chống Cộng hay những người bỏ nước ra đi sau sự kiện ngày 30-4-1975 thường rêu rao “miền Nam đã bị cộng sản xâm chiếm” hoặc “miền Nam đã bị cộng sản miền Bắc xâm chiếm”. Như trên đã nói, của ai trả về người nấy thì không thể gọi là xâm chiếm được! Hơn nữa, xâm chiếm là từ để nói đến kẻ ở ngoài lãnh thổ dùng vũ lực để tước đoạt quyền làm chủ của một đất nước, một vùng lãnh thổ, còn trong sự kiện ngày 30-4, những người tiến bộ, yêu nước, yêu chuộng hòa bình… ngay trong nước đã tiến hành cuộc đấu tranh trường kỳ để giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất cho đất nước, sao gọi là “xâm chiếm”?

Dù ở miền Nam, chính quyền về mặt hình thức đã chiếm phần lớn diện tích, quản lý được phần lớn dân số nhưng trên thực tế đa số lòng dân đều hướng về cách mạng, như chính chế độ này phải thừa nhận có nhiều người “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Ngay trong bộ máy cầm quyền của họ cũng có một bộ phận đáng kể những người bí mật làm việc cho cách mạng hoặc âm thầm giúp đỡ cách mạng, hay một số khác ăn lương của chế độ nhưng làm những việc đi ngược lại lợi ích của chế độ. Như vậy, cái gọi là quốc gia ấy ngay trong lòng tích tụ sự sụp đổ, không phải đợi đến các cuộc tổng công kích về quân sự hay chính trị.

“Bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”

Nếu nhìn nhận ở khía cạnh quân sự thì rõ ràng có “bên thắng cuộc” là lực lượng quân giải phóng. Nhưng nhiều người chỉ nhìn thấy ở khía cạnh đó mà ít hay không chịu nhìn ở khía cạnh khác. Chúng ta đều nhớ, sau ngày 30-4-1975, khi Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, ông nắm tay đưa lên cao, nói với giọng đầy cảm xúc: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Như vậy, đối với người Việt Nam, đây là một thắng lợi chung chứ không phải thắng lợi của ai đó và số khác bị thua cuộc. Nhìn lại suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hầu như gia đình ai cũng có mất mát. Có kết thúc chiến tranh thì họ mới hết mất mát.

Vì không có bên thắng cuộc nên cũng không có bên thua cuộc, họa chăng là số ít những người cứ bám víu lấy lợi ích của đế quốc ban phát. Nên sự kiện ngày 30-4 đã mở ra một trang mới có đất nước, cho dân tộc.

*

Hẳn còn nhiều điều liên quan đến ngày 30-4-1975 bị làm mờ đi cần phải được nói cho rõ ràng, cụ thể. Nhưng trải qua 47 năm dấu ấn tích cực của nó ngày càng được nhìn nhận và tô đậm, còn những ý kiến lạc lõng, xa lạ về sự kiện này cũng đã dần nhạt nhòa. Nên chỉ cần điểm qua vài yếu tố thôi để thấy rằng sự hận thù nhất định phải được thay thế bằng sự hân hoan, hạnh phúc với ngày thống nhất đất nước, ngày hòa hợp dân tộc!

NGŨ YÊN