Ngày đăng: 27-12-2021 Lượt xem: 1218
Vụ kit test Việt Á được phát hiện mới đây thực sự rất đáng tiếc và có thể coi là một vụ việc ít nhiều làm giảm uy tín của ngành y tế, nhất là sau một số trường hợp tiêu cực khác có liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Dù vậy, ở góc độ tích cực, đây là một nỗ lực của Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc đưa ra ánh sáng các hành vi sai trái nhằm trừng trị đích đáng những kẻ trục lợi trên sức khỏe và tính mạng của người dân và giữ vững kỷ cương, pháp luật. Và do đó, vụ việc này không thể là “mồ chôn uy tín của Đảng và Nhà nước” như một số kẻ cơ hội rêu rao và nhân đó công kích vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Xuyên suốt các đợt dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, đội ngũ y bác sĩ nói riêng và toàn bộ lực lượng y tế nói chung đã gồng mình chống dịch và được gọi bằng từ “tuyến đầu” như cách trước giờ vẫn gọi những người trực tiếp chiến đấu với quân thù. Trong cuộc chiến chống dịch, vốn được coi như chống giặc, lực lượng y tế đã không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm, hy sinh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, trong nhiều trường hợp trực tiếp cứu chữa người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh. Nhiều người đã tạm gác cuộc sống riêng tư rất đỗi bình thường như gần gũi với người thân, được nghỉ ngơi sau giờ làm việc, được làm những điều mình muốn… để xông pha nơi tiền tuyến. Một số người đã nhiễm bệnh và vẫn thực hiện những công việc trong điều kiện sức khỏe của mình lúc đang dưỡng bệnh với tinh thần hỗ trợ tối đa cho đồng nghiệp, chăm sóc hết sức cho người bệnh. Có người đã không may ra đi giữa lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và đồng nghiệp thì đang cần người giúp sức…
Trong lúc cao điểm của dịch và hiện nay, đã có nhiều hình ảnh, câu chuyện, đoạn phim ghi lại sự tất bật của các y bác sĩ, khắc lại vết hằn trên khuôn mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục, phản ánh chân thực sự nhọc nhằn và hy sinh… Báo chí, mạng xã hội đã lan tỏa những điều đó và hầu hết chúng ta đã hơn một lần lắng lòng, xúc động. Từ đó, chúng ta càng thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc tự bảo vệ bản thân và gia đình, càng tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cũng như tình nguyện tham gia một số hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong công tác này, nhằm “chia lửa” cho tuyến đầu và hỗ trợ những người yếu thế…
Dịch bệnh đã bộc lộ những hạn chế nhiều mặt trong đời sống xã hội, trong đó có những khiếm khuyết của ngành y tế, như lực lượng quá mỏng so với nhu cầu trong một bối cảnh đặc biệt, y tế dự phòng và tuyến cơ sở còn quá nhiều bất cập, tình trạng thiếu thốn thiết bị, phương tiện diễn ra ở hầu hết các địa phương, kể cả tâm thế sẵn sàng để ứng phó với những tình huống mang tính thảm họa của ngành và một bộ phận y bác sĩ cũng chưa đầy đủ… Thực trạng này có những yếu tố khách quan, như chúng ta chưa từng phải đối phó với một thảm họa mang tính khẩn cấp và rộng khắp như vậy, do điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế nên việc bố trí nhân sự đủ và trang bị hiện đại, ngay cả việc hỗ trợ của quốc tế trong bối cảnh cả thế giới đều phải chống dịch cũng khó thực hiện được như mong đợi…
Dù vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận có những hạn chế, yếu kém mang tính chủ quan. Trong đó, đáng nói nhất là sự tham lam, ích kỷ (vốn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành “chủ nghĩa cá nhân”) cũng như sự suy thoái, thiếu tu dưỡng, thiếu bản lĩnh của một số ít người, nên đã không vượt qua được cám dỗ của lợi ích vật chất, nhất là trong lúc cả hệ thống đang nỗ lực chống dịch, sự giám sát, kiểm tra của tổ chức có phần lơi lỏng. Đáng nói là có cả những người vì thiếu kiên quyết, không đủ trách nhiệm với cộng đồng, chưa đủ lòng nhân ái trước nỗi đau của đồng bào, đã bị gian thương dẫn dắt, lôi kéo, mua chuộc và sa vào cạm bẫy của lợi ích. Vì lý do gì, trục lợi bất chính khi bản thân là thầy thuốc, khi người dân đang chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh cũng là hành vi không thể chấp nhận, vừa trái với đạo lý vừa trái với pháp luật.
Có thống kê cho thấy, chỉ riêng trong năm 2021, có ít nhất 25 cá nhân ở ngành y tế trong các vụ án lớn bị khởi tố, bắt giam, trong đó có một số vụ liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống dịch. Có vụ gây bức xúc không nhỏ trong xã hội, bởi tính chất nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với ngành nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Tuy nhiên, so với vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực khác và so với tổng số cán bộ, nhân viên của ngành thì các con số này có thể không phải quá nhiều. Suy cho cùng, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có những cá nhân suy thoái, biến chất, dù chúng ta không chấp nhận người thầy thuốc lại thiếu lương tâm, vô đạo đức nhưng điều đó cũng không hoàn toàn tránh khỏi. Nhìn nhận như vậy để thấy rằng các vi phạm trong ngành y tế vừa qua tuy rất đáng trách nhưng cũng có thể lý giải được.
Chúng ta luôn mong muốn cán bộ ngành y tế phải luôn thể hiện tinh thần “lương y phải như từ mẫu”, cũng như người thầy giáo thì “phải như mẹ hiền”, nhưng không vì thế mà hoàn toàn không có các cá nhân tiêu cực, hư hỏng. Cũng không vì một số vụ việc như thế mà phủ nhận toàn bộ các nỗ lực và đóng góp của ngành trong hoạt động thực tiễn, nhất là suốt trong các đợt dịch vừa qua. Chúng ta tin tưởng quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, nhất là qua “chiến dịch đốt lò” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, với việc xử lý nhiều trường hợp cán bộ cấp cao vi phạm. Do đó, những “con sâu” trong ngành y tế chắc chắn sẽ bị phát hiện và trừng trị thích đáng.
Ngành y tế nói riêng và hệ thống chính trị nói chung hẳn cần những ý kiến hiến kế, đề xuất giải pháp để khắc phục những hạn chế mà qua dịch đã bộc lộ rõ. Những ý kiến đó cần tính xây dựng hơn là chỉ phê phán, công kích và nhất là không a dua theo những luận điệu thổi phồng, xuyên tạc của những kẻ xấu, hòng bôi đen toàn bộ nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng chống dịch nói riêng và trong tất cả các hoạt động nói chung.
Theo Website Thành ủy
https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/mot-so-vu-viec-tieu-cuc-khong-the-phu-nhan-toan-bo-dong-gop-cua-nganh-y-te-1491888800