Ngày đăng: 23-03-2019 Lượt xem: 2902
Năm 2019, TP.HCM xác định là năm đột phá về cải cách hành chính. Trong đó, để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, cải cách hành chính sẽ được đo lường bằng kết quả ở từng phường/ xã, sở/ngành.
Đột phá cải cách hành chính từ công nghệ 4.0
TP.HCM là đô thị lớn của cả nước với hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động. Nhu cầu về giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày đối với các cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi người dân về dịch vụ hành chính công tại UBND quận Bình Thạnh (Ảnh: SSGP)
Theo đó, năm 2019, TP.HCM xác định đây là năm đột phá về cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính. Các quận huyện, phường xã phải công khai thủ tục hành chính, phấn đấu giải quyết 30 - 40% thủ tục hành chính cấp độ 3 - 4 qua mạng internet, phấn đấu 90% trả hồ sơ đúng hạn cho người dân, doanh nghiệp.
Tại buổi tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Sĩ cho biết thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả. Riêng việc thay đổi thư mời họp giấy bằng email, tin nhắn SMS đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian. Trong đó, Văn phòng UBND thành phố tiết kiệm được 15 tỷ đồng trong hai năm. Cụ thể, năm 2017 tiết kiệm gần 7 tỷ đồng, năm 2018 hơn 8 tỷ đồng.
Năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư theo quy định như từ 15 ngày còn 10 ngày, 10 ngày còn 7 ngày, 7 ngày còn 5 ngày... Năm 2019, Sở sẽ đề xuất việc xin ý kiến các sở/ngành, quận/huyện bằng thư điện tử và lấy ý kiến trực tiếp để rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư.
Một mô hình cải cách hành chính tại quận Bình Thạnh, là triển khai thành công phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” ghi nhận các phản ánh của người dân, được triển khai hiệu quả. Quận đã tiếp nhận, xử lý hơn 7.300 thông tin, phản ánh của người dân về việc xả rác, lấn chiếm lòng lề đường và vi phạm xây dựng. Ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” đã phát huy hiệu quả và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều quận/huyện khác trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, có đơn vị thuộc quận cũng triển khai mô hình “ghi nhận sự không hài lòng của người dân” để khắc phục. Mô hình này cũng tạo sự lan tỏa tích cực đến các đơn vị khác cùng ngành, tạo sự chuyển biến tốt trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Từ tháng 9/2018, các cán bộ phường 4, quận Tân Bình đã trực luôn ngoài giờ làm việc, không kể giờ hành chính rất được hài lòng. Với cách làm này, nhiều trường hợp gấp rút như sao y, chứng thực, giấy chứng tử, tư vấn pháp luật… đã được UBND phường giải quyết rốt ráo cho người dân. Việc bố trí linh hoạt thời gian giải quyết thủ tục hành chính giúp cho người dân chủ động hơn trong công việc; tiết kiệm được ngày giờ, công lao động; hạn chế tình trạng nhũng nhiễu dịch vụ cò hồ sơ, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng thực hiện cải cách hành chính dịch vụ công trên địa bàn. Đặc biệt, lệ phí thực hiện các dịch vụ không thay đổi so với mức lệ phí thực hiện trong giờ hành chính.
Hay các trang fanpage “Thông tin cần biết” (của Phòng Tư pháp quận Tân Phú), “Hội Luật gia quận Tân Phú”, “Phòng Tư pháp quận Gò Vấp”, “Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia quận 7”... cũng đăng nhiều bài viết hữu ích giới thiệu hoặc chia sẻ các quy định mới của pháp luật. Tuy hoạt động thời gian ngắn, những trang này thu hút hàng ngàn người quan tâm, chọn chế độ theo dõi trang để nhận thông báo mỗi khi trang có bài viết mới. Ngoài ra, trên các fanpage này không chỉ tuyên truyền một chiều mà còn có kênh phản biện những ý kiến không đúng, phân tích những điểm phi logic, sai sự thật của bình luận mang tính xuyên tạc.
Có thể nói, cải cách hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, để đưa TP.HCM phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thu hút nhân tài, khuyến khích tinh thần làm việc qua việc chi thu nhập tăng thêm; đo lường sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước.
Khảo sát sự hài lòng của người dân
Tại cuộc họp tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra 3 đột phá trong cải cách hành chính. Đột phá đầu tiên là phải làm triệt để, đồng bộ và tăng tốc; Đột phá thứ 2 là phải sâu sắc, xuất phát từ trái tim người cán bộ và chạm đến trái tim người dân; Đột phá thứ 3 là phải coi sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo của mình.
Người dân đánh giá chất lượng phục vụ tại UBND Quận Bình Thạnh
Vì thế, chính quyền TP.HCM kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thực hiện nghiêm việc xin lỗi khi hồ sơ trễ hạn. Và nếu trễ hạn sẽ xác định rõ nguyên nhân, số lần trễ hạn và đánh giá cụ thể trách nhiệm cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai khảo sát sự không hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chủ động tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và tổ chức, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém. Đồng thời, tăng cường khảo sát sự hài lòng trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng, tài nguyên, môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký cư trú, hộ tịch, quản lý trật tự đô thị; kiểm tra thường xuyên đột xuất tối thiểu 30% cơ quan đơn vị về cải cách hành chính. Xây dựng quy chế với từng ngành, từng địa phương, quyết tâm đổi mới tinh thần làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, không né tránh, đùn đẩy.
Những năm qua, TP.HCM đã tổ chức khảo sát sự hài lòng của người dân đối với bộ máy chính quyền bằng phiếu nhưng từng quận/huyện, phường/xã chưa trả lời được người dân hài lòng bao nhiêu phần trăm. Trong đó, yêu cầu các sở/ngành, quận/huyện phải công khai hóa tất cả thủ tục, quy trình hành chính.
“Người dân mong muốn được trả hồ sơ đúng hạn nên quy trình liên sở/ngành, quận/huyện phải có thời hạn và phấn đấu 90% đạt đúng hạn - đây là một thách thức, nếu không đạt yêu cầu thì không thể gọi là đột phá được", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo đó, cải cách hành chính là phải đẩy mạnh phong trào thi đua về giải pháp, sáng kiến hiệu quả vì người dân và doanh nghiệp. Mỗi quận, huyện, sở, ngành phải bám sát, làm quyết liệt với mục tiêu các thủ tục hành chính giải quyết bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 40%; riêng hoạt động liên quan lĩnh vực kinh tế thủ tục giải quyết qua mạng đạt 20%, đăng ký kinh doanh phấn đấu 80% thực hiện qua mạng.
Cùng với đó, các quy trình hành chính từ sở/ngành, quận/huyện phải công bố thời hạn kết thúc, phấn đấu từng loại nhóm thủ tục phải đạt 90%; những thủ tục liên quan đến đầu tư phải thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông; những nội dung liên quan đến nhiều sở, ngành, quận, huyện phải xây dựng quy trình phối hợp liên sở, liên ngành và có thời hạn kết thúc.
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy trình rút gọn về đền bù, tái định cư, bàn giao mặt bằng để làm thí điểm. Mặt khác, xác định mức độ hài lòng đối với công tác phục vụ của cơ quan công quyền, trong đó chuẩn hóa việc các quận, huyện, phường, xã dùng phương pháp gì để ghi nhận sự hài lòng. Ngoài ra, thực hiện quyết liệt việc ủy quyền, phân cấp công việc của UBND thành phố cho các sở, ngành, quận, huyện.
Hoàng Minh