Ngày đăng: 22-09-2019 Lượt xem: 3086
Lâu nay, có không ít người cho rằng vì nhiều lý do, thế nào rồi người Pháp cũng sẽ trao trả nền độc lập cho Việt Nam (cũng như với các nước thuộc địa khác, và các nước thực dân, đế quốc khác cũng làm điều tương tự với các thuộc địa của họ!). Do đó, không cần đấu tranh, không cần kháng chiến. Họ cũng dẫn ra chuyện một vài “mẫu quốc” đã “tự giác” trả lại độc lập cho thuộc địa của họ mà cố tình lờ đi cuộc tranh đấu dài lâu của người dân ở các nước ấy. Đó thực sự là ảo tưởng của những kẻ có “căn tính nô lệ” hoặc những người tỏ ra tin tưởng vào sự “rũ lòng thương” của kẻ xâm lược! Nhìn lại sự kiện Nam bộ kháng chiến một lần nữa cho ta thấy quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm.
Dân quân Nam bộ năm 1945 – Ảnh: Tư liệu
Trước hết, xin điểm lại sơ nét về tình hình ở Nam bộ từ ngày 2-9-1945. Ngày 2-9, trong lúc hàng vạn nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn tổ chức mít tinh mừng độc lập thì những tên lính Pháp phản động từ tầng cao ở một số tòa nhà đã nổ súng khiêu khích làm nhiều người chết và bị thương. Lập tức, tự vệ thành phố bắn trả và bắt giam một số. Vu cáo chính quyền nhân dân không giữ được trật tự, phái bộ Anh (đại diện cho lực lượng Đồng minh tại Đông Dương) lệnh cho lính Nhật tước vũ khí và đòi chính quyền nhân dân giải tán các đơn vị tự vệ, cấm nhân dân biểu tình. Ngày 20-9, quân Anh thả số tù binh Pháp bị quân Nhật bắt giam từ ngày Nhật đảo chính và đóng cửa tất cả báo chí Sài Gòn. Ngày 21-9, quân Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát quận 3, thả tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho chúng, đồng thời ra lệnh thiết quân luật, cấm nhân dân biểu tình, hội họp, đem theo vũ khí và đi lại ban đêm. Tối 22, quân Anh chiếm đài vô tuyến điện. Đến 0 giờ ngày 23, quân Anh làm ngơ cho quân Pháp đánh úp một loạt mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn.
Như vậy, chỉ 3 tuần lễ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam bộ, đã quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn. Chúng rắp tâm chiếm Nam bộ làm bàn đạp để chiếm lại cả Việt Nam và Đông Dương.
Sáng 23-9, Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh Nam bộ họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn). Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, kiên quyết bảo vệ nền độc lập.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp chủ trương đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài Bắc. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào miền Nam khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, chính phủ và nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc. Người nêu cao lẽ sống “thà chết tự do hơn sống nô lệ” của nhân dân ta. Người khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng...”. Và trong giờ phút quan trọng ấy, nhân dân Nam bộ đã dũng cảm đứng lên đánh trả kẻ thù với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…
Trở lại với luận điểm các nước đế quốc sớm muộn gì cũng trao trả tự do, độc lập cho người dân bản xứ, xét ở điều kiện nước ta, mà bắt đầu từ Nam bộ, nếu người Pháp có ý định đó hẳn họ không núp bóng quân Anh để trở lại nước ta. Họ cũng sẽ không liên tục khiêu khích và đưa ra yêu sách bất hợp lý đối với một đất nước đã tuyên bố độc lập. Họ cũng sẽ không ra sức đánh nống từ Sài Gòn ra các vùng phụ cận, khi mà lực lượng kháng chiến đã dần chuyển ra khỏi trung tâm thành phố. Họ cũng sẽ không đưa quân ra Bắc và đòi hỏi Chính phủ Hồ Chí Minh những điều không thể đáp ứng của một chính phủ độc lập, tự chủ. Họ cũng sẽ dễ dàng thỏa thuận được với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những điều khoản có lợi cho cả hai dân tộc chứ không phải rất khó khăn với ký được Hiệp định Sơ bộ 6-3 rồi Tạm ước 14-9 mà sau đó người Pháp đều phá vỡ. Họ cũng sẽ không khiêu khích, công kích để Chính phủ Hồ Chí Minh và nhân dân ta không còn cách nào khác là buộc phải thực hiện “toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946…
Dã tâm của thực dân Pháp – một kẻ xâm lược – trước và sau năm 1945 có lẽ không có gì khác nhau, có chăng là các cách thức thể hiện. Đó là họ muốn giữ nước ta vẫn là một thuộc địa để khai thác tài nguyên, khai thác sức người sức của và phục vụ các nhu cầu kinh tế, chính trị khác để làm lợi cho mẫu quốc. Nên ngoài Đông Dương, thực dân Pháp còn tiếp tục xác lập và duy trì quyền cai trị ở Madagascar, Cameroon, Morocco, Tunisia, Algeria… Mãi đến khi không thể duy trì được quyền ấy, họ buộc phải trao trả nền độc lập cho các dân tộc, mà nguyên nhân quan trọng và có tác động trực tiếp là chiến thắng lịch sử ở trận Điện Biên Phủ, mở đầu cho sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa và chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Một trong những cột mốc quan trọng là “Năm châu Phi” gắn liền với việc 17 nước châu Phi giành được độc lập: Cameroon (tháng 1), Togo (tháng 4), Mali, Senegal, Madagascar, Cộng hòa Dân chủ Congo (Zaire, tháng 6), Dahomey (Benin), Niger, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Chad, Trung Phi, Cộng hòa Congo, Gabon (tháng 8), Sudan (tháng 9), Nigeria (tháng 10), Mauritania (tháng 11).
Trong quá trình đấu tranh giành độc lập, có một số quốc gia không gặp phải chiến tranh nhưng cũng đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Chẳng hạn, Ấn Độ giành được độc lập từ năm 1947 sau nhiều năm đấu tranh theo hình thức bất hợp tác, bất bạo động suốt trong gần nửa thế kỷ và dù vậy, cũng đã có hàng triệu người chết trong cuộc tranh đấu này. Khi người Anh không thể tiếp tục cai trị Ấn Độ, họ một mặt “tuyên bố trao trả độc lập” nhưng chia tách đất nước này thành 2 nước mới là Ấn Độ (ngày nay) và Pakistan. Nhưng bản thân Pakistan cũng bị tách biệt thành 2 lãnh thổ cách rất xa nhau là Tây Pakistan và Đông Pakistan, liên tục xung đột với nhau và với Ấn Độ nằm giữa. Đến năm 1971, Đông Pakistan tuyên bố ly khai và trở thành nhà nước Bangladesh hiện nay. Như vậy, từ một quốc gia rộng lớn, dưới sự cai trị của người Anh, Ấn Độ bị chia rẽ sâu sắc về mặt văn hóa, tôn giáo, sắc tộc và cuối cùng là chia rẽ về mặt lãnh thổ. Không chỉ vậy, hiện nay, quan hệ giữa các quốc gia thuộc Ấn Độ trước đây cũng còn nhiều tồn tại phức tạp, đặc biệt mà giữa Ấn Độ và Pakistan về vấn đề Kashmir.
Kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến, chúng ta cùng ôn lại tinh thần quật cường của nhân dân Nam bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Và vì lẽ đó, chúng ta không bao giờ được mơ hồ hay ảo tưởng về cái gọi là nền độc lập mà bọn thực dân có thể dễ dàng trao trả cho các dân tộc thuộc địa. Nền độc lập ấy chỉ có được bằng cách đánh đổi bằng máu và nước mắt!
TRÚC GIANG