Ngày đăng: 28-03-2020 Lượt xem: 2328
Ngay từ những bước đầu tiên để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy khả năng và vai trò của thanh niên với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô, học tập và hoạt động tại Quốc tế Cộng sản, lúc này Người đã dự kiến “tập hợp những phần tử dân tộc cách mạng; cố gắng đưa những thanh niên người bản xứ đi Mátxcơva; xây dựng đường dây liên lạc Mátxcơva - Đông Dương - Pari”[1].
Lớp học các bài lý luận chính trị của Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TLTĐ
Đến cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn và thuyết phục 8 người từ tổ chức Tâm Tâm Xã để thành lập Cộng sản đoàn - đây là tổ chức hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về sau. Tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) được thành lập dựa trên cơ sở nòng cốt của Cộng sản Đoàn. Từ giữa năm 1925 đến năm 1927, Hội đã mở 10 lớp huấn luyện, đào tạo được 75 hội viên yêu nước[2]. Năm 1928, Hội đưa hội viên về nước, gây dựng cơ sở cách mạng, đẩy mạnh vận động trong giai cấp vô sản. Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn thế hệ trẻ là các thanh niên để đào tạo cán bộ nòng cốt nhằm đẩy mạnh truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đây là bước chuẩn bị về con người, tổ chức và lý luận đã tạo tiền đề dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 26/3/1931 được quyết định lấy là ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản, đây là vườn ươm đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tương lai cho Đảng, là sự chuẩn bị và đào tạo đội ngũ thanh niên trẻ kế thừa của Đảng. Dưới sự giáo dục đào tạo lí tưởng nhận thức, sự tuyên truyền về Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng mà bao thế hệ thanh niên đã tiếp bước theo niềm tin, lí tưởng, giác ngộ thế giới quan, nhân sinh quan của Đảng; tham gia vào công cuộc cách mạng giải phóng, thống nhất đất nước và bảo vệ dân tộc, trở thành những cán bộ, đảng viên trung kiên như Lý Tự Trọng, Trần Phú, Châu Văn Liêm, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai…
Chính vì vậy, khi đề cập về thanh niên và công tác thanh niên, Đảng ta đã nêu rõ: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”[3]. Bên cạnh đó, nhiều văn bản, chỉ thị được đưa ra làm cơ sở pháp lý để giáo dục lí tưởng cũng như thực hiện công tác xây dựng nhận thức tuyên truyền thanh thiếu niên trong đoàn, đội; điển hình, Nghị quyết 25 khẳng định “Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước”[4].
Thời đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra cho chúng ta là thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong thời đại ấy, mỗi thế hệ người Việt Nam mà đặc biệt là thế hệ trẻ cần phải xác định lý tưởng cách mạng đúng đắn cho mình. Cho đến tận lúc đi xa, trong Di chúc, ngay sau khi nói về Đảng, Bác nói về đoàn viên, thanh niên: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[5]. Tiếp nhận sự kỳ vọng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chủ trương giáo dục lý tưởng, nhận thức cho thanh niên.
Trong thời kỳ kháng chiến, lúc này đội ngũ thanh niên Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã tổ chức những cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị công khai, đấu tranh vũ trang, xuống đường rầm rộ đòi dân sinh, dân chủ, phản đối chiến tranh, chống thực dân, đế quốc, phong trào đốt xe Mỹ - ngụy, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” hừng hực khí thế cách mạng sục sôi của tuổi trẻ. Một người ngã xuống, hàng vạn người đứng lên, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu. Đến khi hòa bình lập lại, giới trẻ Thành phố hôm nay lại cùng với nhân dân cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Trong suốt 14 năm (1976-1989), 189.890 người con của Thành phố đã lên đường bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia[6]. Ngày 11/3/1979, năm sư đoàn Thanh niên xung kích đã xuất quân xây dựng tuyến phòng thủ và giữ gìn trật tự nhiều nơi trong Thành phố; 23.000 chiếc bi đông đựng nước đã được tuổi trẻ Thành phố đóng góp chuyển đến chiến trường biên giới phía Bắc[7].
Không chỉ tham gia đấu tranh, trong công tác xây dựng và phát triển đất nước, cùng khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, hàng vạn thanh niên xung phong lên đường đến những miền hoang vu, khu kinh tế mới, đầm lầy gầy dựng cuộc sống mới, cải tiến kỹ thuật, sửa chữa máy móc, tăng năng suất lao động… Với tư cách là “đội dự bị tin cậy của Ðảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Ðảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc tự giác, thường xuyên của mỗi đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Việt Nam nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng.
Bước vào kỷ nguyên mới, vận hội mới, tuổi trẻ Thành phố lại đối diện với những thách thức to lớn. Với đặc điểm dân số trẻ và hết sức năng động, thế hệ trẻ Thành phố có điều kiện tiếp xúc nhiều với các thành tựu khoa học công nghệ hơn thế hệ trước rất nhiều. Một trong những chuyển biến lớn của đời sống xã hội Thành phố giai đoạn này là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Kết quả điều tra xã hội của Thành Đoàn tiến hành trong độ tuổi thanh niên 15-35 tuổi cho thấy 91% người tham gia khảo sát có điện thoại thông minh, 96,2% đều có sở hữu ít nhất 1 tài khoản mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp giới trẻ Thành phố dễ dàng kết nối với bạn bè quốc tế, tiếp thu nhiều thành tựu của khoa học công nghệ, tri thức mà thế giới số mang lại, mà còn tiếp cận với những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái của các thế lực chống phá, xuyên tạc. Trong đó, mỗi đoàn viên thanh niên phải xác định là lực lượng đi đầu, tích cực tham gia đấu tranh bằng việc chuẩn bị cho mình nền tảng kiến thức, lý luận chính trị vững vàng, lan tỏa những thông tin chính thống phản bác các luận điệu sai trái, thực hiện tốt chương trình “Mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp”, kịp thời lan tỏa những câu chuyện đẹp, nhân văn, những tấm gương tốt, yếu tố tích cực trong cuộc sống…
Trao tặng Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Người cộng sản trẻ”
Đối với cán bộ, đảng viên trẻ, công chức trẻ phải thực hiện có hiệu quả việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đảng viên trẻ khi tham gia mạng xã hội vừa là một thành viên, vừa phải thực hiện được vai trò nêu gương đạo đức của mình. Các tổ chức cơ sở Đoàn cung cấp thông tin định hướng, tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về sử dụng mạng xã hội, nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Thành Đoàn Thành phố đã thành lập và phát triển mô hình câu lạc bộ “Lý luận trẻ” nhằm định hướng, chia sẻ những thông tin, vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm. Điều này giúp cán bộ, đảng viên, công chức trẻ nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hình thái phát sinh trên không gian mạng.
Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên hiện nay luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, điều này đã thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII:“Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ. Có cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thu hút rộng rãi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tham gia các tổ chức do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt và phụ trách”[8].
Trong dòng chảy thông tin trên mạng Internet hiện nay, chúng ta cần phải thường xuyên nắm bắt kịp thời những nhu cầu, suy nghĩ, diễn biến tư tưởng được giới trẻ “bày tỏ” trên không gian mạng. Có những nhận thức “lệch chuẩn” do bị tác động hoặc do nắm bắt, hiểu biết chưa đầy đủ về thông tin, nhưng cũng không loại trừ có những suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ được hình thành sau khi bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc. Như vậy, cần xây dựng mạng lưới nắm bắt thông tin trên mạng Internet dưới các hình thức như khảo sát trực tuyến, hình thành đội ngũ cộng tác viên nắm bắt thông tin trên internet. Việc phân tích, khảo sát, xây dựng báo cáo phản ứng dư luận và tác động xã hội bằng phương pháp phân tích “Big data - Dữ liệu” về các vấn đề quan trọng, nổi cộm được dư luận xã hội, và giới trẻ quan tâm sẽ nắm bắt thực trạng tư tưởng và hành động của đội ngũ này, từ đó đề ra giải pháp tốt nhất.
Đồng thời, các tổ chức đoàn chủ động xây dựng, điều hành các diễn đàn, trang thông tin điện tử, kênh Youtube, Fanpage, Group Facebook, Zalo... để thu hút, tập hợp được đông đảo đoàn viên, thanh niên. Thông qua các diễn đàn này có thể giáo dục, định hướng nhận thức cho đoàn viên thanh niên trước những tác động của các luồng thông tin sai trái, góp phần tham gia bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa trên không gian mạng.
Tóm lại, lý tưởng cách mạng đúng đắn chỉ dừng lại ở trình độ lý luận mà quan trọng nhất là năng lực hành động cách mạng phù hợp, đối với mỗi thanh niên quá trình đó phải đi từ nhận thức, tình cảm cho đến hành động thực tiễn. Quán triệt sự phát triển nhận thức cách mạng của lực lực thanh niên đòi hỏi phải giáo dục có cơ sở và nền tảng, mang lại động lực hành động cách mạng. Do đó, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nội dung giáo dục quan trọng nhất đối với các thế hệ thanh niên Thành phố hiện nay.
Hoàng Minh
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, tr.221.
[2] Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 135.
[3] Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
[4]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Nghi-quyet-25-NQ-TW-nam-2008-tang-cuong-su-lanh-dao-Dang-cong-tac-thanh-nien-140308.aspx
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Tập 15, 2011, tr.622.
[6] Đinh Xuân Thu, Những cuộc vận động “Vì tuyến đầu Tổ quốc, vì biên giới, biển đảo” ở TPHCM dấu ấn khơi dậy tiềm năng, phát huy tối đa nội lực, khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế (1975-2015), Thành phố Hồ Chí Minh 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, Nxb Tổng hợp TPHCM, 2015, tr.685.
[7] Thành Đoàn, Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh (1975-2012), Nxb Trẻ, 2012, tr.43.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.162.