flag header

Tin tứcTin tức

Nên tự xây dựng các quy tắc khi tương tác trên không gian mạng

Ngày đăng: 15-12-2019 Lượt xem: 2560

Dù với một số người sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi”, nhưng trên thực tế để cuộc chơi đó đúng pháp luật và các quy định khác, không vi phạm thuần phong mỹ tục và thể hiện được tinh thần văn hóa, văn minh trong không gian mạng, rất cần những quy tắc nhất định.

 

Có một số người khi nói đến việc lập các quy tắc trong việc sử dụng mạng xã hội đã phản ứng khá tiêu cực. Họ cho rằng quy tắc suy cho cùng là để ràng buộc, là sự hạn chế quyền tự do. Nhưng trên thực tế, sự hạn chế tự do đó là để mọi người cùng được tự do, không để tự do (quá trớn) của người này làm ảnh hưởng đến tự do (đúng mực) của người khác. Bởi khi quá say sưa với quyền tự do của mình, một số người nào đó có thể xâm phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.

Ngày 24-12-2018, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, gồm 3 chương và 7 điều, trong đó Điều 1 nêu mục đích của quy tắc: “1. Quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo. 2. Quy tắc quy định những việc/điều cần làm và những việc/điều không được làm khi sử dụng mạng xã hội”. Ở phần quy định cụ thể, Quy tắc nêu Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội (Điều 3), Những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội (Điều 4). Rõ ràng các quy định này có tác dụng định hướng, nhắc nhở người làm báo Việt Nam khi sử dụng mạng xã hội phải có lưu ý để tránh vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật, nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và cơ quan báo chí mà mình đang công tác. Đặc biệt, với những người làm báo ít nhiều có những tác động đến xã hội khi đăng tải các bài viết, sự tuân thủ các quy tắc lại cần thiết hơn nhiều đối tượng khác.

Cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” với những tiêu chí: Tôn trọng - Trách nhiệm - Lành mạnh - An toàn. Theo đó, đối với người sử dụng mạng xã hội, tiêu chí Tôn trọng là phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư cá nhân. Tiêu chí Trách nhiệm là công khai sự xuất hiện của mình trên mạng xã hội bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức; có trách nhiệm phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu, độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực. Tiêu chí Lành mạnh là ứng xử, tương tác trên mạng xã hội phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, phong tục -  tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; luôn hành xử mang tính xây dựng, hướng về cái tốt, suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội; bảo đảm những gì đăng tải là sự thật. Không đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu, độc. Tiêu chí An toàn là không được tương tác trên mạng xã hội nội dung thông tin bí mật của Nhà nước, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác nhận; thông tin cá nhân và mật khẩu phải được bảo mật, không được chia sẻ cho cá nhân tổ chức khác…

Xét cho cùng, những quy tắc trên có thể áp dụng cho tất cả những người sử dụng mạng xã hội.

Trên thực tế, mỗi người có thể áp dụng các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội theo nghề nghiệp và tổ chức mà mình tham gia; các quy tắc này nên đồng thời hướng đến trách nhiệm của công dân.

Tuy nhiên, mỗi cá nhân có thể tự xây dựng cho mình quy tắc sử dụng mạng xã hội sao cho bảo đảm đúng pháp luật, có văn hóa, văn minh, không vi phạm các quy ước cộng đồng. Một số lưu ý trong việc xây dựng các quy tắc của bản thân trong quá trình sử dụng mạng xã hội có thể quan tâm:

Một là, điều mình nêu có lợi hay có hại cho ai. Bất kỳ điều gì mình đăng tải hay chia sẻ trên mạng xã hội phải luôn hướng tới có lợi hay có hại cho ai không, bằng một tinh thần, thái độ hết sức trung thực và khách quan. Điều lý tưởng sẽ là có lợi cho bản thân và cho nhiều người khác, điều ít nhất cũng phải bảo đảm là không có ai cho ai, kể cả những điều mà mình cho là vô thưởng vô phạt. Nếu có chi tiết hay yếu tố nào có thể gây hại cho ai đó thì cân nhắc có đăng tải hay không[1].

Hai là, điều mình nêu có đúng không. Bất kỳ thông tin nào muốn đăng tải sau khi xác định yếu tố có lợi hay không thì bản thân phải kiểm chứng để bảo đảm rằng đó là thông tin chính xác. Do đó, không nên tùy tiện, dễ dãi trong việc chia sẻ, dẫn lại các thông tin từ các trang khác mà chưa phối kiểm hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh. Cần lưu ý rằng, với các kỹ thuật hiện tại, việc ngụy tạo các thông tin, hình ảnh hoặc tạo ra các nguồn giống như thật là khá dễ dàng, nên không vội tin ngay bất cứ điều gì mình đọc được.

Ba là, bảo đảm các quyền cá nhân của người khác. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân khi đăng tải các thông tin, hình ảnh có thể làm lộ các thông tin cá nhân của người khác. Do đó, người dùng mạng xã hội không tùy tiện đăng hình ảnh, nêu các chi tiết về nhân thân, các vấn đề riêng tư của người khác, dù với dụng ý tốt. Bộ luật Dân sự Việt Nam có nhiều điều khoản quy định rõ quyền cá nhân về nhân thân và hình ảnh của mỗi cá nhân, kể cả trẻ em; nếu vi phạm có thể bị pháp luật chế tài.

Bốn là, thúc đẩy những điều tích cực. Là một công dân có trách nhiệm thì phải luôn thúc đẩy người sử dụng mạng xã hội và môi trường không gian mạng ngày càng lành mạnh hơn, tích cực hơn. Nếu chưa tác động đủ để người đọc, người xem có hành động tích cực thì cũng nên tạo cho họ có nhận thức, tình cảm tốt đẹp.

*

Gần đây, đã có nhiều người nêu lên cụm từ “sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm”, “sử dụng mạng xã hội thông minh”, đây thực sự nên là một phương châm của mỗi người dùng mạng xã hội. Bản thân mỗi người phải sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, tránh bị lợi dụng hoặc vô ý làm “tay sai” cho các thế lực xấu bằng sự thiếu hiểu biết của mình, cũng như luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về không gian mạng. Bên cạnh đó, trong điều kiện của mình, mỗi người nên cố gắng lan tỏa những điều tích cực, không vô tình hay cố ý phát tán các thông tin xấu độc, đồng thời phải mạnh dạn phê bình, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, các quan điểm sai lầm, các luận điệu xuyên tạc…

TRÚC GIANG

 

[1] Chính Facebook đã có tiêu chuẩn cộng đồng ở mục An toàn, với nội dung: “Chúng tôi cam kết xóa nội dung khuyến khích hành vi gây tổn hại trong thế giới thực, bao gồm (nhưng không giới hạn ở) tổn hại về thể chất, tài chính và tổn thương cảm xúc”.