Ngày đăng: 25-08-2021 Lượt xem: 1179
Từ ngày 23/8, lực lượng vũ trang của Bộ Tư lệnh TPHCM, Quân khu 7, Học viện Quân y và một số đơn vị khác đã hỗ trợ TPHCM và một số địa phương phía Nam thực hiện công tác chống dịch Covid-19 trong giai đoạn quyết liệt nhằm có thể kiểm soát được tình hình vào khoảng ngày 15/9/2021. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị được phân bổ về các địa phương phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tại chỗ thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ công tác tuyên truyền, lập chốt và tuần tra kiểm soát, xét nghiệm tìm các ca F0 trong cộng đồng, truy vết F0, F1, hỗ trợ điều trị các ca F0 tại nhà, tiêm vaccine, thăm khám và chữa bệnh cho người dân với các bệnh thông thường, chăm lo đời sống người dân trong các khu vực cách ly, phong tỏa, thực hiện “đi chợ giúp dân”...
Tại siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh), một số phường như 11, 15, 24
huy động bộ đội của Sư đoàn 5 để đi chợ, siêu thị mua hộ cho người dân.
Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề đối với các lực lượng nói chung và với quân đội nói riêng. Nhưng tất cả đơn vị quân đội tham gia đều được tập huấn kỹ, có cán bộ có chuyên môn hỗ trợ, được rèn luyện tính kỷ luật và bảo đảm thể lực, có tinh thần trách nhiệm cao… nên ngay những ngày đầu thực hiện đã thể hiện sự đồng bộ, nhịp nhàng và hiệu quả. Hình ảnh các chiến sĩ tham gia công tác vận động người dân chấp hành các quy định về phòng chống dịch, phối hợp lực lượng công an tuần tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông, khuân vác nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân… được lan truyền khá nhanh trên báo chí và mạng xã hội, tạo được ấn tượng và tình cảm tốt đẹp với mọi người. Điều đó càng khẳng định tinh thần đoàn kết quân dân keo sơn, gắn bó.
Thế nhưng, một số người có vẻ dư thì giờ nên đã rất chịu khó xét nét những việc không cần thiết hay có những bình phẩm lệch lạc. Như có người bảo thành phố đâu đâu cũng thấy quân đội, trông nặng nề quá; có người lại giễu cợt rằng bộ đội liệu có biết đi chợ mua đồ không; có người đi soi từng tấm ảnh chụp bộ đội mang quà hỗ trợ dân để méo mó hoạt động này; có người còn đùa bằng cách lấy hình ảnh người lính trên phim ảnh ở nước ngoài để so sánh với bộ đội của nước mình… Có trường hợp còn “sáng tác” câu chuyện nhờ bộ đội đi chợ với sự giễu cợt giọng nói, thể hiện sự kỳ thị vùng miền rất đáng phẫn nộ. Người khác còn đem tấm ảnh cũ ở bối cảnh khác để gán ghép cho việc chăm lo lực lượng vũ trang hỗ trợ TPHCM chống dịch còn hạn chế…
Tại Phường 11, quận Tân Bình lực lượng quân đội phối hợp cùng cán bộ địa phương phân loại rau xanh, củ quả để chuẩn bị đi hỗ trợ cho các hộ nghèo.
Trên thực tế, việc quân đội phối hợp với các lực lượng để tham gia phòng chống dịch là giải pháp cấp bách và quyết liệt trong bối cảnh thành phố cần phải thực hiện nghiêm các quy định giãn cách nhằm đạt yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó” để tránh lây lan, tán phát dịch bệnh. Đồng thời, quá trình đó kết hợp việc xét nghiệm rộng rãi để phát hiện các trường hợp F0 còn trong cộng đồng. Sự tham gia của quân đội thể hiện trách nhiệm của lực lượng vũ trang với các hoạt động nói chung của đời sống xã hội chứ không phải chỉ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Cũng như bộ đội từng tham gia giúp dân tránh lũ, gặt lúa chạy lụt, cứu hộ cứu nạn… Do đó, không thể nói sự hiện diện của quân đội trên đường phố là tạo ra tâm lý căng thẳng, nặng nề như một số người khéo tưởng tượng.
Còn những hoạt động khác của các cán bộ, chiến sĩ luôn có sự phối hợp với các cán bộ của địa phương để phát huy thế mạnh của từng lực lượng. Chẳng hạn, trong việc phân phối nhu yếu phẩm hỗ trợ đến các hộ dân, các cán bộ, chiến sĩ có thế mạnh về việc vận chuyển sẽ kết hợp với cán bộ ở khu phố, tổ dân phố vốn thông thuộc địa bàn... Tức là các hoạt động đều có sự phân công và gắn kết chặt chẽ chứ không phải có quân đội tham gia thì mọi thứ được “khoán trắng” cho quân đội.
Việc “nói cho vui” hay giễu cợt các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở các tỉnh thành khác là thái độ kỳ thị đáng lên án. Mỗi người dù là dân tộc nào, sinh sống ở đâu, có đặc điểm về giọng nói hay tập quán thế nào… thì cũng là người Việt Nam, đều là con Rồng cháu Tiên, đều đang gánh vác nhiệm vụ rất cao cả và nặng nề cho sự bình yên của mỗi người dân thành phố. Sao lại chế giễu, mai mỉa như cách nghĩ của người không tim óc?
Dù lực lượng vũ trang được tuyển chọn và huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm nhưng hiện là thời bình, các rủi ro trong hoạt động thực tiễn không nhiều. Giờ đây các cán bộ, chiến sĩ xung phong đi vào tâm dịch, rõ ràng là nguy cơ lây nhiễm là rất lớn – trên thực tế, thời gian qua đã có không ít cán bộ, chiến sĩ các công an, dân quân, bộ đội… đã bị nhiễm Covid-19, thậm chí hy sinh. Trong lúc mỗi người dân được yêu cầu ở yên trong nhà để bảo vệ cho sức khỏe và tính mạng của chính mình thì các cán bộ, chiến sĩ lại xông pha ở những nơi nguy hiểm nhất, với các nhiệm vụ khó khăn nhất. Đó là điều chúng ta cần chia sẻ, trân quý, yêu thương.
Giả sử các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch tại TPHCM là con em của mình thì chúng ta sẽ nghĩ sao? Hẳn chúng ta sẽ thấy xót xa, thương cảm vì sự nhọc nhằn đó, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy hạnh phúc, tự hào vì sự xả thân đó sẽ đem lại an lành cho nhiều người, là đang làm theo mệnh lệnh trái tim. Thì bây giờ, các cán bộ, chiến sĩ ấy, cũng là con em của đồng bào ta, mà quân đội nhân dân nói riêng, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung cũng đều từ nhân dân mà ra cả. Vậy nên dù ở góc độ quốc gia hay gia đình, ở tính chất xã hội hay cá nhân, ở khía cạnh lý hay tình thì chúng ta đều phải thực sự trân trọng và yêu quý sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ.
Thắm tình quân dân!
Nên hãy nhìn các cán bộ, chiến sĩ và tất cả các lực lượng tuyến đầu đang chống dịch như người thân của mình để cảm nhận, để cảm thông, để yêu thương mà từ đó nên tích cực hợp tác, nhiệt tình đồng hành, trách nhiệm sẻ chia với thành phố trong công tác phòng chống dịch. Có như vậy thì dịch bệnh mới sớm được đẩy lùi!
Trúc Giang