Ngày đăng: 24-06-2019 Lượt xem: 4389
Là một nhà báo có nhiều kinh nghiệm, Hồ Chí Minh có sự tôn trọng và có mối quan hệ rất tốt đẹp với các nhà báo. Chỉ tính từ ngày đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam DCCH, Người đã có khoảng 150 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn các nhà báo(1). Ngay ngày 7-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp các phóng viên báo chí trong nước. Trả lời câu hỏi của các nhà báo về tiểu sử và hoạt động cách mạng của mình, Người nói: “Từ khi ra đời, tôi đã thấy nước mình bị nô lệ. Không muốn sống cảnh nô lệ nữa, ngay từ thuở thiếu niên, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Có lẽ đó là công lao duy nhất của tôi”. Nội dung của cuộc gặp gỡ này đã được đăng tải trên Tạp chí Tri Tân số 205 ngày 20-9-1945 và báo La Republique số 9, ngày 2-12-1945(2).
Đối với Hồ Chí Minh, tiếp xúc với báo chí là một cách để giới thiệu đường lối, chủ trương đúng đắn của mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Qua đó, lên án chính sách hiếu chiến của kẻ thù, những sự phá hoại của các thế lực chống phá. Người đã gặp gỡ, tiếp, thăm, trả lời phỏng vấn (cả trực tiếp và qua điện tín) của phóng viên nhiều nước trên thế giới, cả Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Liên Xô, Trung Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Indonesia, Uruguay, sau này còn có Cuba, CHDC Đức, Hungary… tất nhiên có cả các nhà báo trong nước. Bên cạnh nhiều trường hợp các nhà báo xin được gặp Bác để phỏng vấn thì cũng có không ít lần Người chủ động đến các tòa soạn thăm hoặc mời các phóng viên đến để thông tin. Có thể thấy, thái độ của người đối với các nhà báo là cởi mở, thân tình và cũng hết sức khéo léo.
Cuối tháng 12-1945, Hồ Chí Minh trả lời phóng viên các báo hàng ngày và hàng tuần của Việt Nam. Phóng viên hỏi: “Tại sao có 70 ghế đặc cách (dành cho Quốc dân đảng) trong Quốc hội?”, Người nói: “Vì anh em Quốc dân đảng không ra ứng cử”. Phóng viên hỏi: “Sao lại trái nguyên tắc dân chủ vậy?”. Bác đáp: “Muốn đi tới dân chủ nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh”(4). Cách trả lời ngắn gọn mà hết sức thuyết phục, không chỉ giải quyết ngay vấn đề mà các phóng viên đặt ra mà còn hàm chỉ một vấn đề khác: muốn có hòa bình, bên cạnh những cách hòa bình, đôi khi phải dùng đến sức mạnh của vũ lực. Nhà báo còn “vặn vẹo”: “Cần làm trái dân chủ? Thế sao cụ không tự chỉ định cụ ra làm Chủ tịch Việt Nam, cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?” Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, Bác đáp đầy hàm ý: “Vì tôi không muốn làm như vua Louis thập tứ”. Những ai biết lịch sử nước Pháp đều không lạ gì Louis XIV (1638 – 1717), người giữ ngôi hoàng đế nước Pháp những năm 1664 – 1715, là một ông vua chuyên quyền, độc đoán. Chỉ bao nhiêu đó cho ta thấy tầm trí tuệ, sự nhạy bén của Người như thế nào.
Cũng bằng sự tư duy ấy, trong buổi tiếp nhà báo Pháp Jean Michel Hetrich cuối năm 1945, Hồ Chí Minh nói: “Nước Pháp thật là một xứ sở kỳ lạ. Nước Pháp đã sản sinh ra những tư tưởng tuyệt diệu, nhưng khi xuất cảng, chẳng bao giờ nước Pháp cho đưa ra những tư tưởng ấy”(5).
Trong khi tiếp xúc với các nhà báo, Hồ Chí Minh luôn chủ động, thẳng thắn, không để người hỏi cuốn vào ý đồ của họ. Cách trả lời của Người luôn dứt khoát, rõ ràng, sắc sảo. Ngày 20-2-1946, Pháp và Trung Quốc (của Tưởng Giới Thạch) ký hiệp ước Hoa – Pháp, Pháp đã có những nhượng bộ cho Quốc Dân đảng Trung Quốc tại Việt Nam, để tiến tới độc chiếm Đông Dương. Ngày 23-2, các nhà báo đã gặp và phỏng vấn Hồ Chí Minh. Có nhà báo đã hỏi: “Có phải nước ta không cho nước Trung Hoa đủ những quyền lợi về kinh tế như Pháp đã cho Trung Hoa nên mới có bản hiệp ước Hoa – Pháp?”. Bác trả lời: “Vấn đề đó không thành câu hỏi”. Nói câu này, Người có hàm ý không bằng lòng. Rõ ràng, nếu không phải người có ý đồ “gài bẫy” thì câu hỏi này cũng cho thấy người hỏi “non” về chính trị. Vì vậy, trong phần trả lời tiếp theo sau đó, Người ca ngợi chủ nghĩa tam dân của Trung Quốc, khẳng định quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc mà không đả động gì đến nội dung chính của câu hỏi(7).
Ngày 12-7-1946, trả lời các nhà báo tại Pháp, trả lời câu hỏi “Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm gì?”, Hồ Chí Minh nói: “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Basques, người Breton không nói tiếng Pháp vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất đất nước Việt Nam?”(8). Đây là quan điểm nhất quán: Nam bộ là đất Việt Nam, như Người đã từng tuyên bố. Không dùng đao to búa lớn để trả lời ý “Chủ tịch sẽ làm gì?”, Hồ Chí Minh dùng những lý lẽ không thể bác bỏ được để đập tan ý đồ chia rẽ Nam bộ khỏi Việt Nam bằng cái gọi là Nam Kỳ quốc tự trị.
Trong chuyến thăm Indonesia tháng 3-1959, trả lời các nhà báo nước bạn, Hồ Chí Minh có những lời đáp rất tế nhị. Chẳng hạn, có nhà báo hỏi: “Xin Chủ tịch cho biết ý kiến của Chủ tịch về tình hình chính trị ở Indonesia?”, Người hỏi ngược lại: “Tôi đến đây mới ba ngày. Làm thế nào tôi có thể có ý kiến về tình hình ở đây được?”. Một nhà báo khác hỏi: “Giữa Chủ tịch và Tổng thống Soekarno có cuộc thảo luận chính trị nào không?”, Người trả lời rất chặt chẽ về ngôn ngữ: “Có thể nói là có. Nhưng chúng tôi gọi đó là cuộc trao đổi ý kiến chứ không phải là cuộc thảo luận. Chúng tôi nói chuyện với nhau một cách thân mật, anh em”(9). Những câu trả lời này vừa thể hiện sự dí dỏm mà cũng hết sức thông minh, khéo léo của Người đối với những vấn đề quan hệ ngoại giao…
Lược qua những cuộc trao đổi giữa Hồ Chí Minh với các nhà báo, ta dễ dàng nhận ra một Hồ-Chí-Minh-chính-khách đầy quyết đoán, sắc sảo với một Hồ-Chí-Minh-nhà-báo luôn quan tâm, thông cảm và cũng hiểu rõ những thủ thuật của các phóng viên. Với Hồ Chí Minh, sử dụng ngôn ngữ trên báo chí đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao, cả khi Người viết hay trả lời phỏng vấn.
Ngũ Yên
(1) Thống kê theo Biên niên hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, in trong quyển Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2004.
(2) Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam, sđd, trang 437.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, sđd, trang 125.
(5) Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam, sđd, trang 439.
(7) Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí, NXB Thanh niên, Hà Nội, năm 2007, trang 25 – 26.
(8) Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí, sđd, trang 30.
(9) Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí, sđd, trang 170 – 172.