flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Nghĩ về ngày khai giảng năm học mới

Ngày đăng: 05-09-2018 Lượt xem: 4850

Với nhiều người, ngày khai giảng năm học 2018 – 2019 có lẽ để lại rất nhiều cảm xúc. Bởi lẽ, ngay từ khi chưa bắt đầu năm học mới, vấn đề dạy đánh vần trong cuốn sách công nghệ giáo dục, mặc dù đã được thí điểm khá nhiều năm, nhưng bây giờ lại gây nhiều tranh cãi. Hay các vấn đề liên quan đến việc quản lý, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là gắn với kỳ thi THPT quốc gia cũng được dư luận rất quan tâm… Nhưng cảm xúc lớn hơn cả là ngày khai giảng ở nhiều nơi trong cả nước, nhất là ở các tỉnh phía Bắc bị mưa bão, lũ quét hay ở các tỉnh miền Tây lũ về sớm, đã không diễn ra trọn vẹn.

Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với thầy cô trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt, Mai Sơn, Sơn La. (Ảnh: Nghiêm Huê)

Thực vậy, rất nhiều hình ảnh trên báo chí, trên các trang mạng xã hội đã “dội” vào tình cảm của người xem, người đọc. Bên cạnh cảnh rộn ràng, tươi vui của ngày khai trường ở nhiều nơi thì còn một số nơi, lễ khai giảng đã không thể diễn ra, do lũ quét làm hư hỏng trường lớp, mất mát sách vở của cả học sinh và giáo viên; một số nơi khác thì đường sá bị sạt lở, giáo viên và học sinh phải lội bùn mới đến được trường; vài nơi thì lễ khai giảng diễn ra bên cạnh trường do sân trường chưa được khắc phục sau lũ; có nơi, học sinh phải chui vào túi nylon để vượt suối đến lớp hay giáo viên phải dự lễ sau khi được xe máy xúc đưa qua chỗ sạt lở… Với những hình ảnh đó, có người đã bình luận rằng, sự khó khăn sẽ trở thành động lực để cả thầy và trò bắt đầu năm học mới đầy quyết tâm và nỗ lực; có người thì khen ngợi sự cố gắng của thầy và trò vì vẫn đến trường trong một hoàn cảnh rất ngặt nghèo; có người bày tỏ sự xúc động với hành trình đi tìm con chữ của những đứa trẻ vùng cao, hay khâm phục với việc gieo chữ của những người thầy ở nơi heo hút… Và cũng có những người thành tâm mong mỏi các cấp chính quyền và mọi người dân quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục, chăm chút hơn cho những mầm xanh tương lai của đất nước, hỗ trợ nhiều hơn cho những kỹ sư tâm hồn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Có lẽ không mấy ai nghe được sự than thở hay oán trách của những “người trong cuộc”, chắc bởi họ đã quá quen với điều kiện khó khăn vậy rồi, ấy vậy mà có những người ở thị thành, ngồi ở nhà, trong phòng máy lạnh, có sẵn máy tính, smartphone, có wifi, có 3G hoặc 4G và có sẵn thì giờ, đã rất “hồn nhiên” bày tỏ lòng oán thán, chỉ trích, thậm chí mạt sát. Họ cao giọng chê bai chính quyền các địa phương không lo cho công tác giáo dục, không tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh và giáo viên, mà quên mất rằng nhiều nơi, chính quyền đã huy động lực lượng vũ trang đến khắc phục thiệt hại sau thiên tai để có thể khai giảng đúng thời gian như quy định; họ công kích ngành giáo dục chỉ quan tâm đến việc in sách để bán, lo thăm “trường giàu” mà bỏ bê các trường khó khăn mà quên mất chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã lặn lội đến huyện Mai Sơn – Sơn La, nơi chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, để thăm hỏi, động viên thầy và trò một trường ở đây trước ngày khai giảng; họ mỉa mai Đảng và Nhà nước luôn nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng lại để những đứa trẻ học trong những mái trường rách nát hay phải vượt sông, vượt suối đến trường bằng bè, bằng mảng, bằng túi nylon mà không nhớ rằng chính quyền các cấp đã làm mọi cách có thể để trẻ có thể được đến trường trong điều kiện tốt nhất, và có những hình ảnh đau lòng vừa qua phần nhiều là do hoàn cảnh bất khả kháng của thiên tai…

Gần như mọi người đều quan tâm đến giáo dục, bởi đều ít nhiều có liên quan đến giáo dục. Ai cũng mong muốn nền giáo dục nước nhà dần tiến bộ, để đào tạo ra những thế hệ người góp công xây dựng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Rất nhiều người đã quan tâm bằng những việc làm thiết thực như chăm sóc việc học của con em mình cách tốt nhất, đóng góp ý kiến để bảo đảm việc học tập của các cháu được tốt hơn, vận động và trực tiếp hỗ trợ vật chất để động viên các cháu yên tâm học tập…

Thế nhưng, cũng có những “anh hùng bàn phím” cất “tiếng kêu lảnh lót” đầy vẻ ai oán, bi thương về nền giáo dục nước nhà hay than thở với những hình ảnh khó khăn của các cháu mà không có lấy một ý tưởng, một hành động gì cụ thể để giúp đỡ ai. Không chỉ ra rả giọng ta đây, họ còn “nâng quan điểm” thành những chỉ trích, công kích vào chế độ, coi những hình ảnh cá biệt kia là hình ảnh chung của nền giáo dục của chế độ này, coi nền giáo dục này là “đồ bỏ đi”, coi chế độ này đã “bỏ mặc” nhân dân trong nhọc nhằn, khốn khó…

Trên thực tế, với những hình ảnh giàu cảm xúc kia, hẳn rất nhiều người trong chúng ta thấy mình có trách nhiệm hơn với việc học tập của con em, với nền giáo dục, với tiền đồ của đất nước; những ai còn đang đi học hẳn có nhiều động lực hơn để học tập đạt kết quả tốt hơn, ngõ hầu có thể đóng góp được chút công sức nhằm khắc phục những khó khăn đó.

Có câu châm ngôn rằng: “Thà thắp lên một ngọn nến, hơn là nguyền rủa bóng đêm”. Hãy bớt nói mà nên hành động, hãy bớt chỉ trích mà nên động viên, hãy là người đóng góp xây dựng hơn là công kích, đả phá. Hãy cùng nhau thắp lên ngọn nến thay vì cứ chăm chăm nguyền rủa đêm đen, bởi có thêm một ngọn nến thì đêm đen sẽ bị đẩy lùi thêm một chút!

Trúc Giang