flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Nghĩ về văn hóa tri ân

Ngày đăng: 30-08-2022 Lượt xem: 774

Người Việt Nam ta vốn trọng tình nghĩa, đậm tính tri ân. Đặc biệt, đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, cha ông ta từ trước đến nay đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc. Chẳng hạn, Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (hoặc Quốc giỗ) là một ngày lễ đặc biệt của Việt Nam, là ngày hội truyền thống của người Việt dù ở trong nước hay ngoài nước, khi tất cả đều tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 âm lịch tại tất cả các địa phương trong cả nước, kể cả ở một số nơi của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là dịp tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Hay Lễ hội gò Đống Đa diễn ra vào ngày mùng 5 Tết, để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn; trong dịp này, tại chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa, là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước…

Tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), ngày 25 tháng 2 âm lịch hằng năm, tại Đền thờ ở ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm, chính quyền địa phương và các đoàn thể của huyện đều tổ chức Lễ giỗ ông Phan Công Hớn và ông Nguyễn Văn Quá. Đây là dịp người dân tri ân công lao to lớn của hai ông, là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Thập bát phù viên (18 thôn Vườn trầu) vào năm 1885 - 1886 tại Hóc Môn - Bà Điểm... Hay mới đây, ngày 28-8-2022, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh, lễ giỗ các nguyên lãnh đạo Đảng như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến đã được tổ chức trang trọng; đoàn đại biểu thành phố đã đến dâng hương tại các di tích lịch sử huyện Hóc Môn. Tham dự lễ dâng hương có nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố…

Ở góc độ tự phát, người dân ở nhiều nơi cũng có hành động tri ân những người có công với nước. Như ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, hằng năm vào dịp giỗ Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định (ngày 20-8), từ nhiều năm qua, bà con quanh vùng có truyền thống đưa bàn thờ ra trước nhà với nhang đèn, di ảnh Trương công và bánh trái, hoa quả rất nghiêm trang. Dù là hoạt động mang tính riêng lẻ nhưng ngày càng có nhiều người dân tham gia, bàn thờ ngày càng được bày biện chỉn chu hơn. Hay trong dịp quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2018), khi đoàn xe tang đi qua, nhiều người dân ở Củ Chi đã ôm di ảnh ra đường đưa tiễn một nhà lãnh đạo tận tụy với nhân dân…

Gần đây, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, cụm từ “Tết tri ân” đã được được nhắc tới rất nhiều, thể hiện lòng biết ơn các lực lượng tuyến đầu, nhiều cán bộ, đảng viên, tình nguyện viên và người dân đã xả thân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong hơn nửa năm 2021. Từ nỗ lực đó, cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường nên toàn xã hội cần biết ơn những người đã quên mình trong một trận chiến khốc liệt, với những hành động cụ thể, thiết thực…

Tri ân vốn được thể hiện phù hợp với thực tế, được lặp lại nhiều lần và tạo nên một giá trị riêng, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, ngày càng thấm đẫm trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên với nhiều biểu hiện đa dạng, giàu tính nhân văn. Đối với từng cá nhân, đó là sự tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cùng những người đã giúp đỡ, sẻ chia… Đối với xã hội, đó là sự ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân, của các anh hùng liệt sĩ, của các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, của các thương bệnh binh…, cùng những người đã có đóng góp cho đất nước, cho cộng đồng. Tri ân luôn thể hiện vừa bằng hành động cụ thể, thiết thực vừa bằng những hoạt động mang tính biểu tượng để giáo dục nhận thức, tác động, lan tỏa đến nhiều chủ thể khác, nhất là giới trẻ. Tri ân vì thế còn mang một giá trị lớn lao, mà nhiều người gọi đó là “đáp đền tiếp nối” để các việc nghĩa, các hành động biết ơn tiếp tục truyền đến nhiều người khác, ở những không gian khác, vào những bối cảnh khác.

Với lịch sử hơn 320 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn – Gia Định xưa và TP.HCM hiện nay có nhiều hoạt động, di tích, ghi dấu của từng giai đoạn lịch sử. Trong đó, có những công trình đã trở thành tài sản chung của người dân, với giá trị cả vật chất và tinh thần, vừa có ý nghĩa lịch sử, văn hóa cụ thể vừa mang tính biểu tượng. Chẳng hạn, lăng Lê Văn Duyệt, nơi an táng Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832, người hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định, cai quản khu vực mà ngày nay ứng với phần đất Nam bộ), từ năm 1841 đã là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân; lễ giỗ của Tả quân đã được người dân trong vùng tổ chức trang trọng, thành kính trong suốt gần 200 năm qua vào ngày 1-8 âm lịch hằng năm (chánh giỗ). Với giá trị về lịch sử và văn hóa, lăng Lê Văn Duyệt được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988. Ngày 25-8 vừa qua, tại đây, chính quyền quận Bình Thạnh đã tổ chức lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt" của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Như vậy, không gian của Lăng hiện đã có các giá trị vật thể và phi vật thể mang tính quốc gia, tức là không chỉ riêng của TP.HCM mà còn của cả nước.

Suy cho cùng, các hoạt động tri ân hay sự thể hiện lòng tri ân là của tất cả mọi người, không phân biệt là người dân hay lãnh đạo. Tri ân trước hết là cho bản thân mình, sau nữa là cho cộng đồng, cho xã hội, cho thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai. Bởi có tri ân thì sợi dây lịch sử, truyền thống của công tác mới được duy trì và nối dài, để người đời sau hiểu rõ các việc của người đời trước và sự biết ơn tiếp tục được giữ gìn, phát huy bằng nhiều cách thức mới, phù hợp với điều kiện và bối cảnh mới.

TRÚC GIANG