Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 993
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Liên Xô và thăm Trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ Putilov-Kirovskyi (tháng 3-1966)
Đầu tháng 6-2017, tôi đã thực hiện được mong ước của mình khi là thành viên trong đoàn cựu chiến binh Trung đoàn tên lửa phòng không 236 sang Nga tri ân đồng đội. Trong những ngày ở Nga, tôi như được trở về quê mẹ. Mọi cảnh vật và con người đối với tôi rất quen thân và gần gũi.
Người đón chúng tôi là ông Cô-le-xních Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích, người bạn Nga đã cùng chia lửa với chúng tôi trên trận địa tên lửa phòng không ở Việt Nam trong những năm 1965-1966.
Hiện nay ông là Chủ tịch Chủ tịch đoàn Tổ chức xã hội liên khu vực các chuyên gia quân sự Liên Xô đã công tác ở Việt Nam thời kỳ 1965-1974, gọi tắt là Hội Cựu chiến binh Xôviết ở Việt Nam (MOOBBB). Chúng tôi vô cùng phấn khởi và xúc động khi được gặp nhau, dường như chúng tôi đều trở về với kí ức cách đây hơn một phần hai thế kỉ.
Trong thời gian từ tháng 7-1965 đến tháng 3-1966, ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích là chuyên gia bệ phóng tên lửa của 2 Trung đoàn tên lửa phòng không 236 và 261.
Ông luôn sát cánh cùng các chiến sĩ bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam trong các trận đánh trả máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc Việt Nam, góp phần vào chiến công chung của 2 trung đoàn trong nhiệm kỳ công tác của ông đã bắn rơi 19 máy bay các loại của Mỹ.
Đặc biệt, sau hơn 1 tháng đến Việt Nam, ngày 21-8-1965, ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích với cương vị khẩu đội trưởng khẩu đội bệ phóng tên lửa đã trực tiếp tham gia trận đầu ra quân của Tiểu đoàn 61 Trung đoàn tên lửa phòng không 236 diễn ra tại xã Gia Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là trận phục kích của bộ đội tên lửa phòng không.
Tại trận đánh này, chỉ với 3 quả tên lửa, Tiểu đoàn 61 đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ trong đội hình máy bay hằng ngày đến trút bom xuống thị xã Phủ Lý, hòng cắt đứt đường tiếp viện vào chiến trường miền Nam của quân và dân ta.
Ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích đã trao cho tôi bài hồi ức về trận đánh đó và bản dịch ra tiếng Việt sẽ được đến với bạn đọc trong tuyển tập hồi ức của các chuyên gia quân sự Liên Xô có tên gọi Những người con Xôviết trong khỏi lửa ở Việt Nam do Nhà xuất bản CAND ấn hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại (7-11-1917 - 7-11-2017).
Khi mới về nước, tháng 3-1966, ông là thượng sĩ nhưng có may mắn và vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Liên Xô và thăm Trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ Putilov-Kirovskyi thuộc Quân khu phòng không Mát-xcơ-va.
Niềm vinh dự này làm ông luôn nhớ đến những ngày chiến đấu ở Việt Nam và ủng hộ Việt Nam bằng những hoạt động trong các tổ chức đoàn kết với Việt Nam. Từ năm 1967 đến nay, ông là hội viên Hội Hữu nghị Nga-Việt của Liên bang Nga. Đầu năm 1988, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Chủ tịch đoàn và từ năm 1994 đến nay là Chủ tịch Chủ tịch đoàn Hội Cựu chiến binh Xôviết ở Việt Nam.
Ở các cương vị này, ông có nhiều đóng góp vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết chiến đấu giữa cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh Xôviết, giữa quân đội và nhân dân 2 nước Việt Nam - Liên bang Nga.
Ông là người sáng lập và quản trị mạng diễn đàn điện tử mang tên www.nhat-nam.ru, đây là nơi tập hợp và giới thiệu nhiều thông tin và tư liệu quý về hoạt động của các cựu chiến binh Xôviết đã chiến đấu ở Việt Nam, về những hoạt động vì sự nghiệp củng cố và phát triển tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân 2 nước Việt Nam - Liên bang Nga.
Ông là tác giả - biên tập viên cuốn sách Chiến tranh Việt Nam là thế đó, là chủ biên cuốn sách Việt Nam không bao giờ bị lãng quên và là chủ biên nhiều tập hồi ức của các chuyên gia quân sự Liên Xô đã công tác ở việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích, Hội Cựu chiến binh Xôviết ở Việt Nam là đơn vị đồng tổ chức triển lãm ảnh có tên gọi Việt Nam chiến đấu, Chiến tranh 1961-1975 được tổ chức tại Mát-xcơ-va từ 28-3 đến 16-4-2017.
Theo lời kể của ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích và ông Lưu Công Niệm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở thành phố Mát-xcơ-va, triển lãm này trưng bày, giới thiệu với người xem trên 120 bức ảnh và tài liệu trong số hơn 10 nghìn kỷ vật vẫn được lưu giữ trong nhiều năm qua của các cựu chiến binh Xôviết ở Việt Nam và của gia đình những cựu chiến binh đã về cõi vĩnh hằng. Những tấm ảnh cũ đã ngả sang màu vàng vì thời gian đưa người xem quay trở lại những năm tháng và thời khắc chụp được những tấm ảnh đó.
Đoàn cựu chiến binh Trung đoàn tên lửa phòng không 236 đến thăm Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh và Quân nhân TP Mát-xcơ-va. Ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích đứng thứ hai từ phải qua.
Khi xem những vật trưng bày trong triển lãm này chắc chắn người xem sẽ xúc động mạnh bởi những hình ảnh các chuyên gia quân sự Liên Xô bên cạnh các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập và chiến đấu trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng họ rất lạc quan.
Người xem cũng xúc động bởi những hình ảnh các tầng lớp nhân dân Việt Nam hăng say lao động xây dựng trận địa tên lửa, góp phần không nhỏ vào chiến công chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong các cuộc gặp gỡ đó, ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích đều thay mặt các cựu chiến binh Xôviết đã công tác ở Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành những tình cảm thủy chung son sắt theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với các chuyên gia quân sự Liên Xô và hứa sẽ tăng cường các hoạt động ngoại giao nhân dân nhằm thắt chặt và phát triển mối quan hệ anh em truyền thống giữa hai nước.
Câu trả lời “Việt Nam không bao giờ quy phục” trong bài trả lời phỏng vấn ngày 2-6-2014 của ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích với phóng viên báo điện tử Gazeta.ru về tình hình Biển Đông thể hiện sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân Nga trong cuộc đấu tranh bảo vệ vùng trời và vùng biển của nhân dân Việt Nam.
Những ngày chúng tôi ở Nga để tri ân đồng đội, ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích đã tổ chức cho chúng tôi được gặp lại những cựu chiến binh Xôviết, những người vừa là thầy giáo, vừa là bạn chiến đấu của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn được tới thăm các tổ chức xã hội ở Nga, như Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh và quân nhân thành phố Mát-xcơ-va, thành phố Xanh Pê-téc-bua, Hội Hữu nghị Nga-Việt.
Cảm kích nhất là chúng tôi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga tặng huy chương kỷ niệm 100 năm Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại, một món quà vô giá với mỗi thành viên trong đoàn.
Với những cống hiến nêu trên, ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích từng được Chủ tịch đoàn Xôviết Tối cao Liên Xô tặng Huy chương Vì củng cố hợp tác chiến đấu, Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Công dân ưu tú và hàng chục huân, huy chương cao quý khác, trong đó có Huân chương Hữu nghị của Việt Nam do Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ký quyết định tặng vào tháng 2-2013 và được Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn tổ chức lễ trao tại Mát-xcơ-va.
Gặp lại người đồng chí, người bạn năm xưa, chúng tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích tâm sự, hai tiếng “Việt Nam” đã khắc sâu vào trái tim ông ngay từ ngày đầu sang Việt Nam.
2 tuần trôi đi nhanh quá, không đủ thời lượng để chúng tôi và những người bạn Nga nói hết những điều muốn nói. Trước khi chia tay, ông Ni-cô-lai Ni-cô-lai-ê-vích tặng tôi cuốn sách Việt Nam không bao giờ bị lãng quên bằng tiếng Nga và đề nghị tôi sớm chuyển ngữ sang tiếng Việt để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Tay nắm tay, chúng tôi tạm biệt nhau, quyến luyến, bịn rịn và hẹn ngày gặp lại.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Liên Xô và thăm Trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ Putilov-Kirovskyi (tháng 3-1966).
Ninh Công Khoát
Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/6GITHANG-Nguoi-con-XoViet-luon-huong-ve-Viet-Nam-463132/