flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Nguyễn Phương Hằng bị bắt - “hồi chuông cảnh tỉnh” cho việc vi phạm pháp luật trên không gian mạng

Ngày đăng: 26-03-2022 Lượt xem: 6496

Ngày 24/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 190-01/QĐ về việc khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự; đồng thời ra Quyết định số 300-50/QĐ về việc khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 300-04/LB và Lệnh khám xét số 300-07/LKX đối với Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi như trên. Theo cơ quan điều tra, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của mình, tổ chức nhiều buổi livestream có nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bà Hằng sử dụng những ngôn từ "mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" của những người liên quan. Quá trình điều tra, bà Hằng bị cho là không hợp tác, "coi thường pháp luật", nhiều lần tập trung người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự tại TP HCM và các địa phương.

Hành vi của bà Hằng thể hiện tính chất của “giang hồ mạng”

Việc Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt theo điều 331 Bộ luật hình sự là cái kết đã được báo trước, bởi từ tháng 3/2021 bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi của bà Hằng trên internet trước hết đã ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của cá nhân, tổ chức bị nhắc tên, tiếp đó là làm ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội, thuần phong mỹ tục.

Bà Phương Hằng đến tìm nhà báo Hàn Ni tại nhà riêng

Việc phạm tội của bà Hằng đến nay là đúng 1 năm với tính chất liên tục và gia tăng về mức độ, tính chất: từ xúc phạm danh dự, nhục mạ, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng như đe dọa giết người thông qua việc sử dụng 12 kênh phát ngôn trên mạng internet, facebook, youtube cho đến việc trực tiếp lôi kéo nhiều người đến tận nhà, tận cơ quan nạn nhân để uy hiếp, xúc phạm; hành vi của bà Hằng nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở, khuyến cáo, thậm chí xử phạt hành chính (Ngày 16/4/2021, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Phương Hằng số tiền 7,5 triệu đồng do thông tin sai sự thật việc tỉnh Bình Thuận bao che cho ông Võ Hoàng Yên). Quá trình điều tra, xác minh các đơn thư tố cáo người người dân, từ tháng 2.2022 Công an TP.HCM đã 4 lần mời bà Nguyễn Phương Hằng trong các ngày 18.2, 7.3, 9.3 và 16.3 để cảnh báo, răn đe và yêu cầu bà Hằng chấm dứt hành vi vi phạm. Thế nhưng bà Nguyễn Phương Hằng cố tình né tránh, không chấp hành.

Những cách thức bà Hằng và đồng phạm đã sử dụng mạng internet để đe dọa, xúc phạm nhân phẩm của cá nhân, tổ chức, có nhiều dấu hiệu cho thấy việc manh nha xuất hiện loại tội phạm mới đang xuất hiện nhiều – tạm gọi là “giang hồ mạng” với biểu hiện là sử dụng mạng xã hội và lan ra cả đời thực để xúc phạm, uy hiếp người khác, coi thường pháp luật

Bà Hằng bị xử lý theo Điều 331 Bộ luật hình sự là không oan

Lợi dụng việc bà Hằng bị bắt, một số cá nhân phản động mượn gió bẻ măng, theo trào lưu nhảy vào xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chế độ, nhắc lại yêu sách đòi xóa Điều 331 Bộ luật Hình sự, “mổ xẻ” và gán ghép với các ngôn từ tiêu cựcĐiều 331 của Bộ luật Hình sự là một quy định mơ hồ, nên việc viện dẫn nó để bắt giam công dân là điều đáng lo ngại đối với một nhà nước pháp quyền mà hiến pháp hiện hành xem là nền tảng”, “Do đó, đa số những người bị bắt với cáo buộc vi phạm điều 331 và một số điều khác liên quan đến an ninh quốc gia, thực tế chỉ do việc họ ‘gõ bàn phím’, chứ không có hành vi nào thực sự gây nguy hại cho an ninh quốc gia như cáo buộc của cơ quan nhà nước” và yêu cầu “Trước khi bắt ai đề nghị làm rõ thiệt hại theo điều 331”. Một số fanpage của các nhà báo và một số báo chí nước ngoài đưa tin, nhấn mạnh “Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt theo điều 331”; xuyên tạc: “Bản chất sự việc là bản thân pháp luật Việt Nam đã là nồi cám lợn. Cuồn Cuộn không chỉ có một mà còn có nhiều ai đó chống lưng..chế giễu “Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam theo điều 331 Bộ luật HS. Cái kết đã được báo từ trước. Lúc này trong phòng tạm giam, không biết chị Hằng nghĩ gì? Ts luật Đặng Anh Quân nghĩ gì khi tư vấn để đẩy Phương Hằng vào tù?”...

Phải thấy rằng đây là âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch khi lợi dụng việc bà Hằng bị bắt theo điều 331 để kêu gọi, hướng lái dư luận vào mục đích đòi Nhà nước ta hủy bỏ ba điều luật 109, 117, và 331 của Bộ luật Hình sự 2015. Cho các điều luật này là “mơ hồ”, “không chứng minh được thiệt hại”, “đi ngược lại với những quy định trong Hiến pháp, đi ngược lại Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia ký kết.” (?!?), liên hệ với hàng loạt nhân vật chống đối nhà nước ta mới bị xử lý theo các điều luật này để tạo nên “dàn hợp ca” chống đối.

Các hành vi và phương thức phạm tội của bà Hằng đã được cơ quan chức năng phân tích, làm rõ một cách đầy đủ căn cứ pháp lý, yếu tố cấu thành tội phạm, chủ thể, khách thể, mặt khách quan và chủ quan của hành vi theo Điều 331 Bộ luật hình sự: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là một tội trong nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. "Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm". Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn đang tiếp tục điều tra, làm rõ để truy tố bà Hằng thêm một số hành vi vi phạm pháp luật khác như “vu khống”, “làm nhục người khác”, “đe dọa giết người”. Hành vi phạm tội của bà Phương Hằng đã tạo sự bức xúc rất lớn trên không gian mạng, có thể thấy rõ Điều 331 không hề “mơ hồ” hay “không chứng minh được thiệt hại” như các đối tượng xấu đang rêu rao.

Có thể nói rằng, việc khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang cố tình lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi chống đối lại chế độ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định và chế tài để xử lý bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Minh Nghi