Ngày đăng: 07-05-2020 Lượt xem: 1668
* Người sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển đất nước
Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch vững mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và chăm lo phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng luôn “trung với nước, hiếu với dân”, v.v.. và lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn là Người sớm thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển đất nước.
Là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm thế giới quan và phương pháp luận để xây dựng nền văn hóa Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Văn hóa - nghệ thuật cũng là một mặt trận, và cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Người quan niệm: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, vì vậy “văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng”.
Ngay từ khi nước nhà mới giành độc lập, Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thực hiện chiến dịch tiêu diệt “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đã cổ vũ và động viên nhân dân xây dựng “đời sống mới”, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, biến đổi phong hóa, cải tạo con người, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: nâng cao dân trí, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân lao động sẽ giúp nhân dân ta có điều kiện đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, phát triển dân chủ, thiết thực đánh thắng mọi kẻ thù. Cũng theo Người, nhiệm vụ cao cả của những người làm công tác văn hóa - nghệ thuật là “phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Người cũng đồng thời lãnh đạo sự nghiệp kiến quốc, sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi, nên “có 4 vấn đề phải chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Không chỉ mẫu mực thực hiện, vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần và căn dặn những người cán bộ đảng viên rằng: trong mọi lĩnh vực, trên mọi trận tuyến rằng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Suốt đời, Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng, song cũng là người cầm bút, “chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái, mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói lên được điều lớn, bằng chữ nhỏ”. Không chỉ nói: Chính phủ là công bộc của dân, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi”, Người cùng Đảng và Chính phủ đã làm để mang lại cho nhân dân ta một đời sống vật chất, và tinh thần ngày càng phong phú. Tư tưởng ấy thấm đẫm trong bản Di chúc lịch sử, với những lời dặn lại để “ích quốc, lợi dân”, để chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa - giáo dục, bảo vệ môi trường, v.v.. nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động sau những năm dài chiến tranh.
Tinh thần khoan dung văn hóa, hiện thân của văn hóa hòa bình, tấm gương nỗ lực học tập và phấn đấu vươn lên của Hồ Chí Minh trong hoạt động và sáng tạo văn hóa là những minh chứng sinh động khẳng định: “Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hoá vào một nền văn hoá Việt Nam duy nhất. Người đã làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hoá khác nhau. Người đã hoàn thành được nhiệm vụ này, và trong việc làm và lời nói của Người, ta có thể nhìn thấy rõ hình ảnh, tư tưởng của nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ sĩ dân ca, những người đem lại nguồn cảm xúc cho nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam. Cuộc đời của Người mang ảnh hưởng của những giá trị và truyền thống dân tộc, có những đóng góp vào việc sáng tạo nên một nền văn hoá Việt Nam hiện đại”.
Hồ Chí Minh không chỉ là nhà văn, nhà thơ tinh tế, viết bằng nhiều thứ tiếng; là nhà báo có ngôn ngữ súc tích, mẫu mực; là người có trái tim bao la như vũ trụ, có lòng yêu thương vô hạn đối với con người; là tấm gương về đức tính giản dị trong tất cả các mặt và chỉ tự coi mình là một “nhà hoạt động cách mạng”, mà Người còn kết hợp được những phẩm chất của cá nhân mình với những phẩm cách, cốt cách của tâm hồn Việt, cùng lương tri và phẩm giá của thời đại để “đạt tới sự hài hòa giữa cá nhân, dân tộc và nhân loại”. Người là hiện thân của “một vị thánh, một người thầy, một người tiêu biểu cho cuộc kháng chiến, một nhà văn, một nhà tuyên truyền chính trị, một nhà nghiên cứu văn học sắc bén và một nhà thơ giàu tình cảm”.
Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng, sự nghiệp và di sản văn hóa của Người để lại cho thấy: “Trong khi chiến đấu cả đời mình chống lại ách thống trị thực dân, Người vẫn là một nhà nhân văn chân chính trong tư tưởng và hành động”, vì rằng “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông và với cả thế giới ông là hiện thân của một cuộc cách mạng”.
30 năm sau khi UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất, và Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2020), mỗi người dường như vẫn thấy: tư tưởng và sự hiểu biết văn hoá rộng lớn, trí thông minh, những hoạt động phi thường và lòng yêu thương con người, thiên nhiên của Hồ Chí Minh đã làm cho uy tín và lòng tin của nhân dân đối với vị Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn lao không có gì so sánh nổi. Người đã đi xa nhưng không thuộc về quá khứ; Người không còn theo nghĩa "vật chất" nhưng cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách của vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân, vì nhân loại khổ đau vẫn còn sống mãi trong hiện thực và tương lai. Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, hà văn hoá chân chính, hòa bình của tương lai được UNESCO vinh danh, vì “Người làm cách mạng và làm cách mạng không chỉ giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột mà cái cao quý nhất là để giải phóng con người thoát khỏi nền văn hoá nô dịch và xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc” luôn đồng hành cùng nhân loại, dù thế giới có đổi thay. Non sông Việt Nam đã sinh ra Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng danh dân tộc ta, đất nước ta, đồng thời trở thành một biểu tượng của “văn hoá tương lai”, dù đã từ biệt cõi nhân sinh, trở về với thế giới người hiền đã hơn nửa thế kỷ./.
TS.Văn Thị Thanh Mai