flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Những bài học từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Ngày đăng: 17-02-2021 Lượt xem: 9351

Cách đây 42 năm, rạng sáng ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc đồng loạt tổ chức tấn công tại 26 điểm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của nước ta, kéo dài gần 600 km. Lực lượng của địch tham chiến khoảng 600.000 quân gồm 9 quân đoàn và 5 sư đoàn độc lập, cộng là 32 sư đoàn bộ binh, khoảng 550 xe tăng và xe bọc thép, gần 2.000 pháo các loại. Ngoài ra, địch còn tập trung chuẩn bị hơn khu vực biên giới gần 700 máy bay các loại, cùng nhiều tàu chiến đấu của Hạm đội Nam Hải[1].

Do phần lớn quân chủ lực của ta đang thực hiện cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và truy kích tàn quân Khmer Đỏ trên đất Campuchia nên phần lớn thời gian và đa số các mặt trận của cuộc chiến, lực lượng chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược chủ yếu là dân quân, du kích và bộ đội địa phương. Ngày 18-2, Trung ương cho điều quân từ Quân khu 3 lên tăng cường cho Quân khu I; ngày 19-2, Quân khu 4 cũng điều quân từ Nghệ An ra Bắc chi viện. Ngày 25-2, các đơn vị tăng cường đã đến được điểm nóng nhất là mặt trận Lạng Sơn. Từ 3-3, các đơn vị chủ lực đang tham chiến ở phía Nam cũng lần lượt được giao nhiệm vụ hành quân cấp tốc ra Bắc, bằng đường biển, đường bộ, đường sắt và đường không.

Ngày 4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Ngày 5-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước cũng ra lệnh tổng động viên trong cả nước. Ngay trong ngày này, phía Trung Quốc tuyên bố rút quân. “Với truyền thống nhân nghĩa và mong muốn củng cố hòa bình, hữu nghị giữa nước hai nước, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc được yên ổn rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước”[2].

Tuy nhiên, từ ngày 6-3-1979, quân Trung Quốc vừa rút quân, vừa đánh phá, gây nhiều thiệt hại người và của đối với đồng bào ta ở các tỉnh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Cao Bằng, Lạng Sơn… Nhiều nhà cửa, trường học, bệnh viện, cơ sở kinh tế… ở một số tỉnh biên giới, kể cả các công trình văn hóa, lịch sử…, đã bị địch tàn phá. Quân Trung Quốc vẫn ngoan cố đánh phá nên chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh… vào trung tuần tháng 3. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc mới chính thức rút hết khỏi Việt Nam dù vẫn tiếp tục chiếm đóng trái phép ở một số nơi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên.

Trong 30 ngày đêm chiến đấu tư ngày 17-2 đến 18-3-1979, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 62.000 tên, bắt 352 tù binh, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 17 tiểu đoàn và 7 đại đội (số bị loại khỏi vòng chiến đấu bằng 1/10 tổng số quân xâm lược); bắn cháy và phá hỏng 550 xe quân sự, trong đó có 200 xe tăng và xe bọc thép; phá hủy 115 đại bác và súng cối hạng nặng của địch…[3].

Sau này, phía Trung Quốc đã cay đắng nhận xét, xâm lược Việt Nam không đạt được kết quả như các mục tiêu đã công bố; không tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam; không chấm dứt được xung đột có vũ trang tại vùng biên giới; không buộc được Việt Nam rút quân khỏi Campuchia; không gây được ảnh hưởng lên Chính phủ Việt Nam trong vấn đề Hoa kiều… Tuy nhiên, hậu quả mà kẻ xâm lược gây ra cho nước ta cũng rất lớn. Có khoảng 50.000 bộ đội và thường dân Việt Nam bị chết và bị thương; các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn; 320/320 xã, 375/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp; khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân trong khu vực biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống…[4].

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là một chương bi tráng của lịch sử dân tộc. Dù diễn ra ngắn ngủi nhưng cuộc chiến này đã để lại nhiều bài học quý giá trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đó là:

Thứ nhất, luôn cảnh giác cao độ và nắm thế chủ động trong mọi tình huống. Có người cho rằng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ta đã chủ quan, mất cảnh giác nên bị Trung Quốc bất ngờ tiến công và thọc sâu vào lãnh thổ nước ta hàng chục cây số. Thực tế bấy giờ, Đảng và Nhà nước ta đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là phải chiến đấu chống xâm lược nên đã tích cực bố trí lực lượng tại chỗ, tổ chức nhiều phương án tác chiến, sơ tán dân và phương tiện, thiết bị quan trọng… Tuy nhiên, do lực lượng chủ lực của ta đang phải tập trung cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam nên với số lượng áp đảo và chiến thuật biển người, phía Trung Quốc bước đầu đã gây cho chúng ta nhiều khó khăn, thiệt hại. Dù vậy, chỉ sau vài ngày, quân dân ta đã bám sát trận địa, sử dụng chiến thuật tránh hỏa lực mạnh, đánh tập kích, lợi dụng địa hình… để dần làm chủ thế trận và giáng cho địch những đòn chí mạng.

Trong bối cảnh hiện nay, dù ở quan hệ kinh tế, chính trị hay quân sự, yếu tố đề cao cảnh giác trước mọi hình huống vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt trong quan hệ với các nước, “đối tác” để hợp tác cùng có lợi và “đối tượng” để đấu tranh trong các trường hợp cần thiết vẫn phải luôn song hành.

Thứ hai, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường cả ở cấp độ địa phương đến cả nước. Trong cuộc chiến 1 tháng của năm 1979, chính tinh thần tự chủ các địa phương đã quyết định thắng lợi của quân dân ta. Gần như suốt cuộc chiến, phía xâm lược không nhiều lần trực tiếp chiến đấu với lực lượng chủ lực của ta (nhưng đã thua xiểng niểng!), có nghĩa là lực lượng tại chỗ đã chiến đấu rất anh dũng, thiện chiến, linh hoạt và hiệu quả.

Ngày nay, để đất nước phát triển, từng địa phương phải thực sự phát triển, làm động lực và truyền cảm hứng cho các địa phương khác, không được có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của Trung ương. Như trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, các địa phương phải luôn chủ động và tích cực thực hiện 5 tại chỗ (lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh khiết tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ) và địa phương nào thực hiện tốt hơn các yêu cầu này thì công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao hơn. Ở cấp độ quốc gia, nước ta đã và đang thể hiện rõ điều đó, luôn xác định tinh thần tự chủ, tự cường trong các lĩnh vực, các khía cạnh, không thể trông đợi vào sự “hào phóng”, “tốt bụng” của bất kỳ quốc gia nào, bởi suy cho cùng không có lợi ích nào lớn hơn lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thứ ba, luôn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, trong cả nước, phát huy tinh thần toàn dân đánh giặc. Trong tình thế “lưỡng đầu thọ địch” vào đầu năm 1979, chính tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong Đảng, trong nhân dân đã góp phần quan trọng vượt qua thử thách. Khi có lệnh tổng động viên, gần như thanh niên cả nước đã hăng hái tòng quân, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, cháy bỏng. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới phía Bắc đã vượt qua được âm mưu ly gián, chia rẽ của địch, đã sát cánh bên nhau để chiến đấu chống kẻ thù chung.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện đường lối đổi mới và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trong đó xuất phát từ tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, giữa Đảng với nhân dân. Hay trong cuộc chiến chống Covid-19, tinh thần đoàn kết cũng là nhân tố quan trọng để giúp nước ta đạt được những kết quả tích cực từ khi bắt đầu cuộc chiến này đến nay; đó là “chống dịch như chống giặc”, phát huy tinh thần toàn dân chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài…

Thứ tư, nhanh chóng khôi phục hậu quả chiến tranh bằng mọi khả năng có được. Dù phải hứng chịu hậu quả rất nặng nề của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân ta đã xây dựng lại quê hương mình như chưa từng xảy ra hậu quả đó. Giờ đây, đến thăm các tỉnh biên giới phía Bắc, chúng ta gần như chỉ còn nghe các ký ức bi tráng chứ không thấy được các vết tích về cuộc chiến. Tinh thần khôi phục hậu quả chiến tranh đã giúp nhân dân ta xây dựng đất nước thực sự “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác Hồ đã căn dặn, không chỉ trong cuộc chiến này.

Tinh thần đó vẫn tiếp tục được duy trì trong các cuộc khôi phục, khắc phục khác, như sau thiên tai thảm khốc, sau các đợt dịch bệnh hoành hành. Ở người Việt Nam chúng ta, tinh thần vươn lên nghịch cảnh, lạc quan trước thử thách khắc nghiệt luôn được thể hiện rõ nét, đó là “còn da lông mọc, còn chồi lên cây”.

Thứ năm, sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng các nước xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, phát triển trong khu vực và trên thế giới nhưng không bao giờ xóa bỏ lịch sử, lật lại lịch sử. Chỉ một thời gian ngắn sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị… Đây cũng là điều mà chúng ta đã thực hiện với các “kẻ thù” khác như Mỹ, Pháp, Nhật Bản… Nhưng hướng tới tương lai không có nghĩa là bỏ quên hay xóa bỏ quá khứ.

Trên thực tế, trước các quốc gia từng là đối thủ của Việt Nam, một số người lại có nhìn nhận chưa thực sự khách quan và thẳng thắn. Có người quá thành kiến với quốc gia này mà lại quá ưu ái với quốc gia kia, có người còn biến cựu thù thành đồng minh mà bất chấp tội ác họ đã từng gây ra cho nhân dân ta, thậm chí có người còn quên mất có quốc gia đã từng gây đau thương ở đất nước ta mà chỉ nhìn thấy các “đóng góp” (?!) của họ! Do đó, chúng ta không quên cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, luôn giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu ngoan cường của cha anh, luôn tri ân những người đã ngã xuống, đã hy sinh một phần xương máu, luôn nhớ các bài học từ cuộc chiến đó để vận dụng trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay!

Ngũ Yên

 

[1] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Sơ thảo Giáo trình lịch sử quân sự, tập II, ấn hành tháng 4-1986, tr.289.

[2] Trần Nam Tiến, Bài ca tháng Hai, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2017, tr.50-51.

[3] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, sđd, tr.292.

[4] Nhiều tác giả, Ở mặt trận Cao Bằng, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, 2017, tr.128-129.