Ngày đăng: 21-03-2021 Lượt xem: 1903
Một trong những nội dung gây chú ý và cũng gây tranh cãi nhiều nhất là luật cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc "thực hiện tất cả biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trái phép trên biển", tức là phía Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp họ cho là cần thiết. Dù không nêu cụ thể nhưng luật này dường như muốn đặc biệt ám chỉ đến việc sẽ sử dụng “biện pháp mạnh” trên biển Đông, nhằm vào tàu cá của ngư dân, các tàu thăm dò dầu khí…, không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Chắc chắn là luật này sẽ tác động cụ thể đến 3,7 triệu ngư dân đang sống dựa vào biển Đông và nhiều người khác có liên quan. Do đó, theo giới phân tích, động thái này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trên biển Đông, đồng thời làm cản trở các cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và trên thế giới.
Luật này còn cho phép hải cảnh Trung Quốc được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Hải cảnh Trung Quốc còn được trao quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào. Đây đều có thể là những tiền lệ nguy hiểm để nước tiếp tục gia tăng các biện pháp leo thang về mặt vũ lực để giải quyết các tranh chấp trên biển với các nước.
Luật Hải cảnh được thông qua sau khi Chính phủ Trung Quốc hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật dân sự trên biển để lập Cục Hải cảnh năm 2013 và chuyển về dưới quyền lực lượng Vũ cảnh trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào tháng 7-2018.
Nhìn tổng thể, với việc thông qua Luật Hải cảnh, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, với những điểm sai trái chủ yếu sau:
Thứ nhất, theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia đều có quyền ban hành các luật lệ và thực thi những luật này trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, chủ quyền của một nước chỉ giới hạn trong lãnh thổ của quốc gia đó và không được vượt ra ngoài các ranh giới đã được quy định theo luật pháp quốc tế. Trong trường hợp của Luật Hải cảnh Trung Quốc, rõ ràng đối tượng chịu tác động nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhất là khi nước này liên tiếp có yêu sách chủ quyền ở nhiều khu vực hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để khẳng định ở đó có chủ của họ, mà vùng biển trong đường 9 đoạn của Trung Quốc trên biển Đông là một thí dụ cụ thể. Cần nhắc lại yêu sách này bản thân nó đã không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ năm 2016.
Thứ hai, đây là thái độ bất tuân tiếp theo đối với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Là quốc gia ven biển, là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Trung Quốc đã thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm về vai trò và vị trí của mình trong việc bảo đảm tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế. Nói cách khác, Trung Quốc tiếp tục thể hiện mình là thành viên không gương mẫu trong việc chấp pháp và góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, một trong những quy tắc quan trọng nhất được đề cập trong UNCLOS, Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế nói chung là sử dụng các vùng biển, đại dương một cách hòa bình và không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong các ứng xử có tính quan hệ quốc tế. Tất cả các bên tham gia Công ước, trong đó có cả Trung Quốc phải duy trì nguyên tắc này và không sử dụng bất cứ biện pháp nào ngoài những biện pháp hợp pháp đã được nêu trong luật pháp quốc tế. Nhưng với Luật Hải cảnh, rõ ràng Trung Quốc đã đe dọa dùng vũ lực và trên thực tế đã nhiều lần sử dụng vũ lực để đối phó với ngư dân các nước đánh bắt trong vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền một cách mơ hồ và sai trái.
Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm có một số quy định được nêu rõ trong UNCLOS liên quan đến vùng biển chồng lấn chưa được phân định. Theo đó, trong giai đoạn chưa phân định biển, các quốc gia, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, phải nỗ lực hết sức mình để đạt được sự dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn mà không làm phương hại hay cản trở việc đạt được thỏa thuận phân định cuối cùng. Tức là, “các dàn xếp tạm thời” là giải pháp tối ưu mà Công ước yêu cầu các nước phải nỗ lực hết sức để đạt được trong khi chưa thống nhất về một thỏa thuận phân định vùng biển chồng lấn. Nhưng bằng hành động sẵn sàng sử dụng vũ lực thì rất có thể Trung Quốc sẽ tấn công ngay các phương tiện đi vào vùng chồng lấn, điều mà hoàn toàn có thể sẽ xảy ra bởi thực tế đã xảy ra không ít trường hợp, hơn nữa vùng chồng lấn trên biển giữa Trung Quốc và các nước là rất nhiều.
Thứ năm, với việc thông qua Luật Hải cảnh, Trung Quốc một lần nữa gia tăng tiềm ẩn "ngoại giao pháo hạm", bởi luật này cho thấy nguy cơ Trung Quốc sẽ lạm dụng lực lượng hải cảnh, vốn được quân sự hóa mạnh mẽ với nhiều loại vũ khí hiện đại, để phục vụ các yêu sách chủ quyền phi lý. Tức là Trung Quốc có thể sẽ gia tăng sử dụng vũ lực để làm áp lực cho các hoạt động ngoại giao, điều hoàn toàn đi ngược với xu thế hòa bình và ổn định hiện nay trên thế giới. Hẳn nhiên, điều đó cũng cho thấy sự khác nhau rất xa giữa lời nói và việc làm, trong khi nước này luôn rêu rao rằng họ đang “trỗi dậy hòa bình” thì hành động thì mang tính đe dọa vũ lực rõ nét.
Ngoài ra, Luật Hải cảnh có thể sẽ cản trở các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc bởi mục tiêu chính của tất cả các bên tham gia đàm phán là duy trì hòa bình và an ninh ở biển Đông. Trong khi đó, việc nước này đe dọa dùng vũ lực tại những vùng biển mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền cho thấy Bắc Kinh không có thiện chí đàm phán COC.
Trước giờ, Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các hành vi gây hấn ở biển Đông, đe dọa các quốc gia có chủ quyền trong khu vực và sử dụng vũ lực đối với các ngư dân đánh bắt trong ngư trường truyền thống của họ. Tháng 4-2020, tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 đã hoạt động gần tàu West Capella của Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) tại vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Cũng vào tháng này, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tháng 6-2020, tàu sắt của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã truy đuổi, tông và làm hỏng tàu cá của ngư dân Việt Nam, sau đó khống chế, đánh đập ngư dân bắt ký và điểm chỉ dấu vân tay vào biên bản do Trung Quốc viết, lấy nhiều ngư cụ, thiệt bị, hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu. Tháng 12-2020, Trung Quốc nối lại các hoạt động đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam bất chấp phản đối của các nước. Trung Quốc cũng gia tăng các cuộc tuần tra ở biển Đông, đặc biệt là tại khu vực bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là bãi cạn Panatag, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép)…
Đặc biệt, thời gian gần đây, khi thế giới đang bận rộn với việc phòng chống dịch Covid-19, Mỹ thì sa vào tranh cãi liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, Trung Quốc dường như được “rảnh tay” để có thêm nhiều hành vi sai trái trên biển Đông nói riêng và các khu vực đang có tranh chấp nói chung.
Về phía Việt Nam, phản ứng về đạo luật sai trái này, ngày 29-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã đề nghị các nước tuân thủ luật pháp, điều ước quốc tế trong ban hành luật biển, khi bình luận về luật hải cảnh mới của Trung Quốc. "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với UNCLOS và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.
Có thể nói, với Luật Hải cảnh, Trung Quốc dường như chưa muốn dừng lại cuộc leo thang căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước, đặc biệt là ở khu vực biển Đông. Do đó, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông có thể sẽ có thêm nhiều thử thách mới!
NGŨ YÊN