flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Những giai điệu thiêng liêng phải được cất lên đúng chỗ

Ngày đăng: 08-07-2020 Lượt xem: 1791

Thời gian gần đây, khi giải bóng đá V-League được cho phép tổ chức trên các sân cỏ từ Bắc chí Nam, khán giả đến sân và khán giả màn ảnh nhỏ lại có dịp thể hiện tình yêu trái bóng tròn của mình. Trong những màn cổ vũ đội nhà thi đấu, câu chuyện tiếng kèn, lời hát trên sân vận động đây đó còn những chỗ phải góp ý…

Không phải sân cỏ nào ở Việt Nam cũng có nhạc công thổi kèn chuyên nghiệp, nhiều cổ động viên hiện nay dùng loại kèn vuvuzela kết hợp với trống tạo ra những âm thanh rất khó nghe trên sân.

“Cầu hồn” trên sân vận động?

Chắc nhiều người hâm mộ bóng đá Việt đều đã nghe qua sóng truyền hình hoặc trực tiếp trên một số sân cỏ giai điệu kèn trompet thổi bài “Hồn tử sĩ” (nhạc: Lưu Hữu Phước) vang lên giữa trận đấu?

Vâng, cứ mỗi lần cầu thủ đội bạn phải té ngã nằm sân, những tiếng kèn trompet tấu bài “Hồn tử sĩ” ấy lại trỗi lên.

Đây là một đoạn nhạc mà dàn kèn thường hòa tấu trong các buổi tang lễ cấp nhà nước, cấp tỉnh và trong quân đội. Đấy là đoạn giai điệu mà chúng ta hay gọi là nhạc mặc niệm.

Thế nhưng đoạn nhạc thiêng liêng ấy lại được các nhạc công khai thác giữa sân vận động để gây cười, để “chọc quê” đối thủ.

Mà không chỉ có sân Lạch Tray, chuyện tấu kèn bài “Hồn tử sĩ” còn có ở cả sân Hàng Đẫy, sân Mỹ Đình. Và không chỉ có bài “Hồn tử sĩ”, cả giai điệu của bài “Dậy mà đi” ("Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi...") cũng được “vận dụng” vào trò chơi khi đối phương bị té nằm sân của các nhạc công cổ vũ này!

Cần nói ngay rằng, bài “Dậy mà đi” (nhạc: Nguyễn Xuân Tân) là ca khúc truyền thống trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh các đô thị miền Nam trong chống Mỹ; bài “Hồn tử sĩ” là ca khúc được chọn làm nghi thức mặc niệm, được tấu lên trong lễ tang, lễ truy điệu nhà nước, trong những không gian và thời gian quan trọng. Đem các giai điệu này ra để đùa như thế thật khó chấp nhận được, nhất là các trận bóng đá không chỉ diễn ra ở sân cỏ, mà còn được trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình trong và ngoài nước.

Bay lên nào và em bay qua rào?

Xem qua truyền hình các trận bóng đá trong khuôn khổ SEAgames 2019 tại Philippines cuối năm rồi khi có U23 Việt Nam đá, khán giả thỉnh thoảng bắt gặp một giọng nữ dùng loa phóng thanh hát to lời ca “chế”: “Bay lên nào và em bay ra ngoài!”. Có lẽ cô này là người đầu tiên đầu têu cái trò nhại một câu hát trong ca khúc thiếu nhi “Em bay trong đêm pháo hoa” để làm trò cổ động khi đối phương chuẩn bị sút phạt.

Tất nhiên, nếu đối thủ là các đội tuyển nước ngoài, chắc họ chả hiểu ý đồ “chọc quê” này vì không biết nội dung bài hát ấy. Nhưng vụ “bay lên nào” từ loa phóng thanh ở Philippines hiện nay đã “nhập khẩu” về nước trong mùa V-League 2020 với hình thức tấu kèn trompet hoặc thu clip âm thanh bằng nhạc cụ điện tử trước đó để phát “loa kẹo kéo” trên sân…

Âm thanh sống của kèn trompet hay âm thanh loa kẹo kéo trên sân đều có âm lượng lớn nên lọt vào micro của các bình luận viên truyền hình. Và giai điệu, lời ca “Bay lên nào và em bay qua rào” thực sự gây ra những ức chế nhất định cho không chỉ cho cầu thủ trên sân trước khi sút phạt mà còn gây khó chịu cho khán giả truyền hình cả nước.

Chọc quê, gây ức chế cho đối thủ không thể và không nên là hành động cổ vũ cho đội nhà trong thể thao chân chính. Cách cổ cũ này là tự làm hạ thấp giá trị của chiến thắng của chúng ta nếu có. Đối phương sút hay, đối phương có thể lực tốt mà không thắng được chúng ta thì thành tích ấy mới đáng để cổ vũ biểu dương, chứ “trù ẻo” người ta thì chiến thắng ấy vinh quang gì!

Người Việt Nam có niềm say mê môn bóng đá và đó là cơ sở để chúng ta hy vọng có thể xây dựng một hệ thống cổ động viên bóng đá chuyên nghiệp hơn. Ảnh: Độc Lập (Báo Thanh Niên)

Hy vọng về một sự cổ vũ chuyên nghiệp

Nhân đây cũng xin nói thêm: Do thiếu ca khúc cổ động bóng đá nên lâu nay, nhiều bạn trẻ đã chọn các ca khúc cách mạng có tiết tấu nhanh để cổ vũ bằng trompet. Này nhé, rất nhiều ca khúc “đỏ” được sử dụng để tấu trên sân cỏ vô tội vạ: Bão nổi lên rồi, Kết liên lại, Lên đàng, Tiến về Hà Nội, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Đời mình là một khúc quân hành, Kakalin, Dậy mà đi, Tiếng chày trên sóc bom bo… Thỉnh thoảng có một số bài hát sinh hoạt như: Bốn phương trời, Sài Gòn đẹp lắm, Vacilon chachacha… nhưng nhìn chung, kèn được sử dụng cổ vũ trên các sân cỏ rất ngẫu hứng, dễ dãi, thiếu chuyên nghiệp, nhiều khi bị lạc điệu do chênh.

Thực tế hiện nay chúng ta đã có nhiều ca khúc cổ vũ bóng đá nhưng nó mới dừng lại ở biểu diễn sân khấu, chưa có đời sống thực sự ở sân cỏ. Có thể do những ca khúc này chưa phổ biến hoặc quá khó để hát tập thể.

Bóng đá là môn thể thao được người Việt yêu thích. Tình yêu bóng đá của dân mình thể hiện ở sự cuồng nhiệt, mê say đến bất ngờ. Bóng đá luôn thu hút hàng triệu trái tim hâm mộ Việt đến sân cỏ, thậm chí, xuống đường đi bão để cổ vũ. Gần đây, trên cả nước, đã có nhiều hội cổ động viên bóng đá ra đời. Các hội này tổ chức những hình thức đồng phục cho thành viên, may đại kỳ, làm băng rôn, dựng vũ điệu, dạy hóa trang… để cổ vũ chuyên nghiệp. Hy vọng tình yêu bóng đá của người Việt sẽ là chất men để thúc đẩy phong trào chuyên nghiệp hóa cổ vũ bóng đá, góp phần đưa môn thể thao vua này phát triển hơn.

PHÚ TRANG