flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Những “Kình ngư” cứu hộ - cứu nạn

Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 364

(Codotphcm) Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/LCT quy định Quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy. Đây là văn bản đầu tiên, ghi dấu lịch sử quan trọng đối với công tác PCCC. Ngày 31/5/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Chỉ thị số 175-CT về công tác PCCC; trong đó quy định lấy ngày 04/10 hằng năm là “Ngày truyền thống toàn dân Phòng cháy, chữa cháy”.
Nhân dịp ngày truyền thống Toàn dân Phòng cháy, chữa cháy 04/10, xin mời cùng Cờ Đỏ TP.HCM tìm hiểu câu chuyện về Trung úy Võ Thành Công - cán bộ Phòng Cứu nạn - Cứu hộ, thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hồ Chí Minh – người được mệnh danh là “Kình ngư cứu hộ - cứu nạn”.
Trung úy Võ Thành Công - cán bộ thuộc Phòng Cứu nạn - Cứu hộ, Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hồ Chí Minh.
8 năm tìm thấy hơn 100 thi thể
Năm 2008, anh Võ Thành Công mới hoàn tất khóa huấn luyện chiến sĩ mới. Những ngày tháng rèn luyện quân trường, anh Công được các bậc đàn anh trong nghề kể những câu chuyện chiến đấu với khói lửa, xông vào các hiện trường nguy hiểm để cứu người. Càng hiểu rõ sự gian khổ, nguy hiểm của công việc, anh càng quyết tâm xin vào công tác tại Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hồ Chí Minh.
Trong suốt quá trình công tác, Trung úy Võ Thành Công đã tham gia vào hàng trăm vụ việc từ cháy, nổ đến các sự cố sụp hầm, chìm tàu; trực tiếp vớt hơn 100 thi thể người bị nạn; cứu sống hàng chục nạn nhân đuối nước, nhảy cầu tự tử; tìm kiếm và cung cấp cho cơ quan cảnh sát điều tra nhiều vật chứng quan trọng của các vụ án… Nhưng khi trò chuyện với mọi người, anh Công ít khi chịu nhắc đến những thành tích của mình mà cho rằng đó là thành quả chung của toàn đội và là trách nhiệm của người chiến sĩ. Khi được hỏi về hàng chục vết sẹo lớn, nhỏ để lại sau lúc làm nhiệm vụ, anh Công xem những vết sẹo đó như là những bài học để gợi nhớ lại những lần thiếu kinh nghiệm xử lý của bản thân.
Tuy nhiên, qua lời kể của đồng đội Anh cho thấy: Trung úy Công luôn là một trong những người xuất hiện đầu tiên tại các điểm xảy ra sự cố tai nạn nghiêm trọng. Điển hình như:
 
Vụ lặn tìm thi thể 15 nạn nhân chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn (2011), vụ sập công trình xây dựng nhà CR4 trên đường Tôn Dật Tiên (khu Phú Mỹ Hưng, quận 7) (2008). Đó là: vụ cứu 14 nạn nhân sập hầm tại Công trường quốc tế, quận 3 (2008), chìm tàu trên sông Nhà Bè (2012), sập công trình thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) (2014). Đó là: vụ giải cứu 13 thuyền viên kẹt trên tàu trong sự cố chìm tàu trên sông Soài Rạp (Cần Giờ) (2015)…
 
Với những thành tích xuất sắc cùng phẩm chất đạo đức của mình, Trung úy Võ Thành Công được đồng đội, nhân dân yêu mến, cảm phục, đặt cho Anh biệt danh “kình ngư cứu hộ - cứu nạn”; Anh được vinh danh là Chiến sĩ chữa cháy cứu nạn tiêu biểu năm 2015, nhận được nhiều bằng khen vì những thành tích xuất sắc, là 1 trong 80 gương mặt trẻ tiêu biểu của phong trào thi đua “Vì an ninh tổ quốc”; đồng thời, là 1 trong 6 gương mặt công dân trẻ tiêu biểu của thành phố lần thứ 10 – năm 2015.
Luôn giữ vững tâm niệm “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”, Anh Công vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc với nghề, vẫn kiên định trong cương vị người lính cứu nạn, cứu hộ thuộc lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP.HCM.
 
Trước làn ranh sinh – tử
Những việc làm bình dị, cụ thể nhưng vô cùng thiết thực, gắn với thực tiễn công tác, nếp sinh hoạt thường ngày của Trung úy Võ Thành Công là điển hình cho phương thức học tập và làm theo một cách hiệu quả nhất Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh.
 
Cháu Phạm Hữu Phát, con trai Đại úy Phạm Phi Long với theo òa khóc khi linh cữu anh được đưa đi
 
Trong lĩnh vực PCCC&CNCH, vấn đề cốt lõi là phải làm sao ngăn chặn không cho tai họa xảy ra, chứ không phải là chờ đến khi phát sinh cháy, nổ, các sự cố tai nạn mới huy động lực lượng và phương tiện để cứu chữa, khắc phục hậu quả.
 
Gần đây, sự việc đồng chí Đại úy Phạm Phi Long, Cán bộ Đội chữa cháy chuyên nghiệp Khu vực 2 thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận Bình Tân, TP. HCM đã hy sinh khi tham gia chữa cháy ở độ tuổi 31, để lại Bà Nội già yếu, Cha Mẹ lớn tuổi, con trai nhỏ 02 tuổi và người Vợ đang mang thai ở tháng thứ 8, đã lưu lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người thân, đồng chí, đồng đội; niềm cảm phục trong lòng nhân dân thành phố; đó cũng là sự mất mát không gì có thể bù đắp được đối với gia đình, người thân, của đồng đội và của ngành PCCC&CNCH.
 
Tấm gương của Đại úy Phạm Phi Long, Trung úy Võ Thành Công là điển hình cho biết bao tấm gương thầm lặng của các chiến sĩ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ - luôn anh dũng chiến đấu, bất chấp hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ sự yên bình cho từng gia đình trong xã hội.
 
Hưởng ứng ngày Toàn dân Phòng cháy chữa cháy, mỗi cán bộ, công chức, người lao động cần nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác trong mọi hoạt động tại cơ quan, cũng như gia đình nhằm chủ động phòng, ngừa cháy, nổ, tai nạn phát sinh; đó là hành động thiết thực, góp phần mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

 

Ngọc Phạm