Ngày đăng: 24-03-2020 Lượt xem: 2141
Dịch Covid-19 đã diễn ra ở nước ta khoảng hai tháng, từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1/2020. Trong khoảng thời gian đó, dù có những xáo trộn, thay đổi đáng kể đến đời sống xã hội và sinh hoạt của người dân nhưng có nhiều hoạt động thể hiện sự thích nghi kịp thời với hoàn cảnh. Đặc biệt, có những sáng kiến, sáng tạo được áp dụng trong mùa dịch này, có những tác dụng tích cực, phục vụ cho nhiều người.
Từ sáng chế buồng khử khuẩn…
Ngày 22/3, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đưa buồng khử khuẩn toàn thân vào hoạt động, trở thành cơ sở y tế đầu tiên ở TP.HCM sử dựng biện pháp này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong môi trường bệnh viện. Đây là sản phẩm được ban giám đốc Viện Y dược học dân tộc TP.HCM hỗ trợ triển khai dự án, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ Trẻ phối hợp cùng đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia Trường đại học Bách khoa TP.HCM nghiên cứu thực hiện. Buồng khử khuẩn sử dụng công nghệ phun sương với hệ thống phun siêu âm 360, không gây ướt và giúp khử khuẩn toàn thân dễ dàng, chỉ trong 30 giây, không nặng mùi dung dịch khử khuẩn. Buồng được cấu tạo khá đơn giản, dễ dàng lắp ráp, di động nên thuận tiện di chuyển, có thể đặt tại bất cứ đâu, đặc biệt những nơi đông người như siêu thị, nhà ga, bến xe, trường học... và cũng không chiếm quá nhiều diện tích.
Buồng khử khuẩn toàn thân
Trước đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) kết hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng thiết kế một thiết bị có tính năng tương tự. Đây là những giải hữu hiệu và thiết thực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong cả nước.
Trong thời gian mới bắt đầu dịch, nhiều tổ chức và cá nhân đã pha chế thành công dung dịch sát khuẩn, theo các công thức khác nhau nhưng có cùng khả năng diệt khuẩn ở bàn tay, nhằm góp phần hạn chế lây nhiễm Covid-19. Đáng chú ý là nhiều người đã tự sản xuất để tặng người nghèo, các cơ sở y tế, cán bộ chiến sĩ công an, biên phòng phải trực chiến thường xuyên ở nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tại TPHCM, giáo viên CLB Thí nghiệm hóa học của Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7) đã hướng dẫn học sinh chế nước rửa tay diệt khuẩn theo công thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không chỉ có sản phẩm dùng trong nhà trường mà còn là bài học thực hành thú vị cho học sinh trong những ngày nghỉ học.
Ngoài ra, việc tổ chức may khẩu trang để tặng người nghèo và những người có nhu cầu trong bối cảnh khan hiếm khẩu trang y tế cũng được mọi người hưởng ứng. Chẳng hạn, tại phường Cầu Kho, quận 1, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường phát động các chị em lập nhóm tình nguyện may khẩu trang vải tặng tiểu thương, bà con nhằm giúp mọi người phòng dịch. Còn tại Bệnh viện quận 11, nhiều nhân viên hành chính và điều dưỡng cùng nhau ngồi may khẩu trang; sau khoảng 4 tuần may liên tục (từ cuối tháng 2), chị em đã may được hơn 8.000 chiếc, được đưa về kho lưu trữ của phòng vật tư trang thiết bị quản lý, để dùng trong bảo vệ trong lúc thiếu khẩu trang y tế.
Nhân viên y tế may khẩu trang trong giờ nghỉ
… Đến phong trào “giải cứu” mùa dịch
Những ngày đầu đợt dịch, một số loại nông sản xuất khẩu như dưa hấu, thanh long bị ứ đọng hoặc do sức mua giảm trứng, sữa… các tổ chức đoàn thể và cá nhân đã phát động “giải cứu” vừa sáng tạo, vừa mang tính nhân văn, tính cộng đồng sâu sắc. Trong đó, có người đã mua dưa từ các tỉnh về rồi tặng cho người nghèo và bà con đi đường. Hay một hoạt động hỗ trợ khác không mang tính “giải cứu” nhưng cũng có tính nhân văn cao là hỗ trợ giáo viên mầm non ở các cơ sở tư thục bị mất việc làm và thu nhập do học sinh nghỉ học tại quận Thủ Đức…
Cũng liên quan đến “giải cứu” nông sản, một số cơ sở đã tổ chức sản xuất các loại thực phẩm mới khá độc đáo, đó là bánh mì thanh long, bánh tráng thanh long, bún dưa hấu… Bước đầu, các sản phẩm này tạo được sự quan tâm và thích thú của người tiêu dùng, đồng thời có thể gợi mở việc sáng tạo ra những sản phẩm mới gắn với việc chế biến nhiều mặt hàng nông sản của nước ta vốn có đầu ra thường bị động.
Bánh mỳ thanh long, sản phẩm giải cứu thanh long
Trong giáo dục, trước tình hình phải nghỉ liên tục, nhiều trường đã đẩy mạnh việc dạy và học trực tuyến dưới nhiều hình thức. Trên thực tế, việc dạy trực tuyến (e-learning) đã manh nha nhiều năm trước nhưng chưa được tiến hành rộng rãi, do cả phía giáo viên và học sinh còn chưa quan tâm, trong còn có ý kiến khác nhau về hiệu quả của cách thức này. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, một số trường khuyến khích giáo viên dạy trực tuyến để giúp học sinh, sinh viên không rời lớp quá lâu và khắc phục phần nào việc chậm tiến độ theo kế hoạch. Cách thức này cũng mở ra một phương pháp dạy học mới, đòi hỏi sự tích cực, chủ động nhiều hơn của cả phía người dạy và người học, có thể áp dụng rộng rãi hơn cả sau dịch.
Ngoài ra, còn nhiều sáng kiến khác mang ý nghĩa nhất định giữa mùa dịch, bởi cũng đã giải quyết được một số nhu cầu thực tiễn. Để đối phó với tình trạng sử dụng rượu bia xong vẫn điều khiển phương tiện giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Sóc Trăng vẫn duy trì kiểm tra nồng độ cồn thông qua bong bóng đã được nhiều người hoan nghênh, bởi cho rằng dịch bệnh có thể chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng thì tai nạn giao thông vẫn có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào nên việc phòng chống vẫn cần được thực hiện nghiêm túc.
Còn tỉnh Lào Cai có sáng kiến tổ chức đội lái xe trung chuyển được trang bị phương tiện bảo hộ chuyên dụng để đưa hàng hóa thông quan qua cửa khẩu tại biên giới Việt - Trung, giúp phòng ngừa Covid-19, trong lúc hoạt động trao đổi hàng hóa vẫn được duy trì ở mức độ thích hợp. Tại TPHCM, TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - đã "cải tiến" chiếc đèn đội đầu khám bệnh bình thường thành mũ bảo hộ có thể che hết toàn bộ khuôn mặt và phần cổ bác sĩ, góp phần bảo đảm an toàn cho người thầy thuốc...
Có thể còn nhiều sáng kiến, sáng tạo khác trong điều kiện cụ thể của từng người, từng gia đình, từng địa phương trong mùa dịch này, góp phần giảm tác động, ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra. Suy cho cùng đó là những giải pháp “sống chung với dịch” trên tinh thần là dù xảy ra dịch thì vẫn cố gắng duy trì cuộc sống và sinh hoạt bình thường!
TRÚC GIANG