Ngày đăng: 30-04-2022 Lượt xem: 1042
Trưa ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, đánh dấu một Mùa Xuân Đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong chiến công chung của nhân dân và lực lượng vũ trang cả nước, lịch sử mãi ghi nhận công lao của những người chỉ huy chiến dịch. Cùng với Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh, Phạm Hùng là Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch lịch sử này, người đã góp phần hết sức quan trọng đưa Chiến dịch đến thành công. Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4, tiến tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2022), bài viết này như một sự tri ân sâu nặng đối với Ông, người mà cả cuộc đời đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, còn có tên thân mật là Hai Hùng, Bảy Hồng, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh Ông còn có mật danh là Bảy Cường. Ông sinh ngày 11 tháng 6 năm 1912, tại xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng. Ngay từ những năm 1928 - 1929, Ông đã hoạt động trong phong trào thanh niên và học sinh, tham gia tổ chức "Nam Kỳ học sinh Liên hiệp hội" và "Thanh niên Cộng sản Đoàn". Năm 1930, Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động qua các cấp Chi ủy xã, Huyện ủy và Tỉnh ủy Mỹ Tho. Năm 1931, Ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình vì chính Ông đã tự tay bắn chết Hương quản Trâu, một địa chủ cường hào gian ác làm tay sai đắc lực cho Pháp. Sau dó, trong những ngày chờ hành quyết, kẻ thù lại đưa Ông lên Sài Gòn để nhận thêm một án tử hình nữa trong "Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương" gồm 120 chiến sĩ cộng sản bị bắt trong cuộc khủng bố trắng của chúng. Nhưng do phong trào đấu tranh ở trong nước và ở Pháp, đầu năm 1934 chúng phải hạ mức án đối với Ông xuống chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo. Ngay trước "vành móng ngựa" đối mặt với án tử hình, từ trong lao tù, trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, khí phách Phạm Hùng càng sáng rõ, đến mức không chỉ những đồng chí cùng bị giam mến phục, mà ngay cả những người tù thường phạm, những tay "anh chị" trong giới giang hồ bị giam cùng cũng bái phục, rằng "nếu cộng sản mà như ông Hai thì theo được!".
Sau hơn 14 năm trong nhà tù đế quốc, ngày 23 tháng 9 năm 1945, Phạm Hùng được đón từ Côn Đảo về đến bến Đại Ngãi (Sóc trăng), đúng vào lúc quân và dân Sài Gòn và Nam Bộ anh dũng đứng lên chống quân Pháp xâm lược. Từ miền Tây, Ông đã lên Sài Gòn. Tại đây, với trọng trách là một trong những người lãnh đạo hàng đầu của Xứ ủy Nam Bộ, Ông đã chỉ đạo gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang. Ông đặc biệt quan tâm củng cố và phát triển lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc. Ông cho rằng: Đảng phải trực tiếp lãnh đạo và xây dựng Quốc gia Tự vệ cuộc. Quốc gia Tự vệ cuộc chẳng những phải trấn áp bọn tình báo, gián điệp, nội gián, mà còn phải xây dựng lực lượng cách mạng và phát triển Đảng. Quốc gia Tự vệ cuộc phải biết dựa vào dân, giúp đỡ dân, phải biết làm công tác quần chúng, tuyên truyền giáo dục và động viên nhân dân tham gia kháng chiến, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân. Đó là tư duy hết sức nhạy bén, không những phù hợp với thực tiễn công tác an ninh ở thành phố Sài Gòn lúc đó mà còn góp phần cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng theo đường lối chiến tranh nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Phạm Hùng đảm đương các trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa II), Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ… Ông là một trong những người có công đầu trong chỉ đạo thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương trên chiến trường miền Nam tiến hành kháng chiến.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc, Ông lần lượt giữ các chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, khóa III, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Năm 1967, sau khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh qua đời, Ông được Bộ Chính trị phân công trở lại chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Với trọng trách là người lãnh đạo cao nhất trên chiến trường miền Nam, Ông đã chỉ đạo sâu sát phong trào cách mạng trên toàn Miền, phong trào ở các đô thị, đặc biệt là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ghi dấu ấn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.
Sau Mậu Thân, Ông đã cùng tập thể lãnh đạo duy trì, củng cố rồi phát triển lực lượng cách mạng, đặc biệt là củng cố, phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, đẩy mạnh ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận trên toàn miền Nam và ngay trong Thành phố.
Cuối tháng 8 năm 1974, cùng lúc Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang tập trung cho ý kiến về kế hoạch tác chiến chiến lược, Phạm Hùng và Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền gửi ra Ban Chấp hành Trung ương và Quân ủy Trung ương bản Kế hoạch hoạt động tác chiến mùa khô 1974 - 1975 với quyết tâm giành thắng lợi quyết định, hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Hai bản kế hoạch, một do Bộ thống soái tối cao chỉ đạo, một được xây dựng ngay trên chiến trường, chứng tỏ cả phía trước và phía sau đều thống nhất quyết tâm giành thắng lợi trong vài ba năm[1]. Sau đó, trong khi Bộ Chính trị chuẩn bị họp bước 2 để chờ ý kiến từ chiến trường, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã chỉ đạo mở đợt hoạt động mùa khô 1974 - 1975. Trên chiến trường Đông Nam Bộ, sau thắng lợi của các Trung đoàn 16, Trung đoàn 205 (thuộc Bộ Tư lệnh Miền) tại khu vực núi Bà Đen, Suối Đá và của sư đoàn tại Long An, Kiến Tường, quân địch ở Đông Nam Bộ tuy số lượng đông nhưng bị căng kéo, kìm giữ khắp nơi. Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền nhận định: nếu ta tập trung lực lượng lớn, đánh dứt điểm từng khu vực thì sẽ gây nhiều khó khăn cho địch. Từ nhận định đó và trên cơ sở kế hoạch tác chiến được Bộ Tổng Tham mưu xác định, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Đây là chiến dịch có tầm quan trọng đối với toàn chiến trường, do vậy ta rất thận trọng, với phương châm vừa đánh vừa thăm dò khả năng và phản ứng của địch. Đêm 13 rạng ngày 14 tháng 12 năm 1974, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Trong lúc chiến dịch được triển khai, Bộ Chính trị họp để tiếp tục thảo luận về quyết tâm giải phóng miền Nam. Tham dự cuộc họp mở rộng này Chiến trường Nam Bộ có đồng chí Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng. Hội nghị theo dõi sát chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Đồng chí Phạm Hùng thường xuyên chỉ đạo tác chiến, nắm tình hình và nghe báo cáo từ chiến trường. Khi hai đồng chí Phạm Hùng và Trần Văn Trà đề nghị cho Quân đoàn 4 sử dụng xe tăng, pháo 130mm để đánh thị xã Phước Long, đồng chí Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý. Chiều ngày 6 tháng 1 năm 1975, Phước Long được giải phóng, chiến dịch toàn thắng. Mặc dù Phước Long ngay sát nách Sài Gòn, nhưng phản ứng của Mỹ rất yếu ớt, Chính quyền Sài Gòn khẳng định không tăng viện hoặc lấy lại Phước Long vì không có máy bay và quân dự bị. Chiến thắng Phước Long thật sự là một đòn trinh sát chiến lược. Sau chiến thắng này, Bộ Chính trị khẳng định kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Có thể nói, Phạm Hùng đã có đóng góp hết sức quan trọng vào quyết sách chiến lược của Bộ Chính trị với tư cách vừa là Ủy viên Bộ Chính trị, vừa là người trực tiếp tổ chức hoạt động thực tiễn ở chiến trường, đem thực tiễn sống động ấy vào ngay trong thời khắc quyết định.
Thực tiễn Mùa Xuân 1975, sau Phước Long chiến thắng, quân và dân ta liên tục giành thắng lợi trong các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo sự phát triển của tình hình. Bộ Chính trị quyết định: Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất.. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm[2]. Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định để tập trung thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm này. Theo quyết định đó, Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Chiến dịch. Việc Bộ Chính trị giao Phạm Hùng làm Chính ủy Chiến dịch thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối đối với Ông, một người cộng sản kiên cường, mưu trí, sáng tạo, biết phát huy trí tuệ tập thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, dày dạn kinh nghiệm trong cả quá trình giữ chức Chính ủy Lực lượng Vũ trang giải phóng. Mặt khác, Chiến dịch này có vị trí đặc biệt quan trọng, diễn ra trên địa bàn thành phố thủ phủ của chính quyền Sài Gòn, nơi mà kẻ thù đang ra sức kêu gọi thực hiện tử thủ, đòi hỏi phải huy động toàn bộ sức mạnh của các lực lượng quân sự, chính trị, của ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy giành quyền làm chủ của quần chúng nhân dân. Với tư cách là Chính ủy Chiến dịch, đồng thời là Bí thư Trung ương Cục, Phạm Hùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngay khi thành lập, Ông đã cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch họp bàn quyết tâm và phương án tác chiến cụ thể với phương châm kết hợp tiến công quân sự với quần chúng nổi dậy; xác định mục tiêu cần tiến công, phương thức tác chiến chiến dịch với yêu cầu cao nhất là nhanh chóng giải phóng Sài Gòn và giữ được thành phố nguyên vẹn. Ông đã cùng Trung ương Cục chỉ đạo hoạt động phối hợp của các địa phương trong toàn Miền; riêng với Sài Gòn - Gia Định, phân công hai đồng chí Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và phát động quần chúng nổi dậy, đặc biệt lãnh đạo và chỉ huy lực lượng đặc công, biệt động, lực lượng vũ trang địa phương, phối hợp các tổ chức quần chúng, phối hợp với lực lượng và công tác binh vận…, kể cả chỉ đạo các hoạt động của thành phố ngay sau giải phóng.
Với tư cách là Chính ủy Chiến dịch, Ông đã cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn đề nghị Bộ Chính trị và được chấp thuận để Chiến dịch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, một quyết định hết sức sáng suốt, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, toàn quân, động viên tinh thần và ý chí quyết tâm của bộ đội và nhân dân cả nước, khẳng định vị trí có ý nghĩa đặc biệt của Chiến dịch này.
Với kinh nghiệm dày dạn trong lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường, kinh nghiệm về tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, Ông ban hành nhiều Chỉ thị về công tác đảng, công tác chính trị gửi đến các đơn vị tham gia chiến dịch, chỉ đạo chặt chẽ về công tác tư tưởng, xây dựng và phát huy khí thế tiến công, đoàn kết hiệp đồng; chấp hành chính sách dân vận, chính sách với tù hàng binh…, chuẩn bị nhân sự và phương án hoạt động của Ủy ban Quân quản khi thành phố được giải phóng. Khoảng 9 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh đề nghị với phía cách mạng ngừng bắn để thương lượng, Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã phát ngay bức điện hỏa tốc gửi thủ trưởng các đơn vị trên chiến trường: "Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!
Ký tên: Phạm Hùng"[3]
Chính ủy Phạm Hùng đã cùng Tư lệnh Văn Tiến Dũng tổ chức, chỉ huy thực hành chiến dịch tiến công như vũ bão, giải quyết đúng đắn sự phối hợp giữa hoạt động tác chiến của các quân đoàn chủ lực trên các hướng với hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang địa phương, nhất là đặc công, biệt động, dân quân du kích, tự vệ; giữa tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân trên các địa bàn trọng yếu; phối hợp hết sức hiệu quả ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng chỉ trong thời gian chưa đầy 4 ngày, không những giải phóng thành phố, bắt nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng mà còn giữ gần như nguyên vẹn cả một thành phố rộng lớn, ổn định ngay cuộc sống nhân dân trong hòa bình.
Sau ngày đất nước thống nhất, Phạm Hùng đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc khôi phục kinh tế, ổn định chính trị, xã hội trên phạm vi cả nước. Ông là con người suốt đời trung thành, tận tụy, cống hiến cho Nhân dân, cho Đảng. Ông đã từng nói: Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu[4]! Ông đột ngột từ trần ngày 10/3/1988 trong lúc đang đi chỉ đạo công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, làm việc căng thẳng nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách về đời sống của nhân dân cả nước.
Cuộc đời của Ông, những cống hiến của Ông được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Ông sống mãi trong tâm khảm bao thế hệ cán bộ chiến sĩ, trong quần chúng nhân dân, nhất là mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng 30/4, mỗi lần nhắc đến chiến công vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử./.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
[1] Xem: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, tập VIII: Toàn thắng, NXB CTQG, H., 2013, tr. 200.
[2] Xem: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, tập VIII: Toàn thắng, NXB CTQG, H., 2013, tr.406
[3] Xem: Phạm Hùng - Người Cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo có uy tín lớn. NXB CTQG, H., 2012, tr.52.
[4] Xem: Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng