flag header

Tin tứcChống DBHB

Phản bác một số luận điệu xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta

Ngày đăng: 26-04-2020 Lượt xem: 4130

Ngày 30-4-1975 là cột mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, ngày mà Tổ quốc Việt Nam thống nhất hòa bình. Cứ mỗi năm đến ngày 30-4, lại xuất hiện những luận điệu xuyên tạc ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các luận điệu đó cho rằng thực chất cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc bởi ý thức hệ, rằng miền Bắc đã xâm lược và cai trị miền Nam vì chế độ Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền v.v…Gần đây, nhân cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khi Hoa Kỳ viện trợ cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam chống dịch, một số ý kiến cho rằng nhận viện trợ của người ta mà đến 30-4 lại “chửi” người ta là “vô ơn”, rằng từ giờ khỏi nhắc lại chiến thắng đó đi (?!), rằng năm nào cũng nhắc lại chỉ là “ăn mày quá khứ” (!?). Trước việc Trung Quốc gây hấn ở biển Đông, Hoa Kỳ đã điều các tàu chiến đến khu vực, Hoa Kỳ cũng tuyên bố mạnh mẽ phản đối Trung Quốc trước các hành vi gây hấn này. Ngay lập tức, lại xuất hiện các luận điệu - không mới - rằng phải công nhận tính chính danh của chế độ Việt Nam Cộng hòa thì mới có thể đòi được biển đảo khi Trung Quốc xâm lấn, rằng Mỹ ủng hộ Việt Nam nên không nên nhắc tới cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nữa mà phải dựa vào Mỹ để chống lại Trung Quốc v.v…

Bài viết này sẽ lần lượt phản biện 4 nhóm ý kiến sau đây:

Một là, về ý kiến cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam thực chất là cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc bởi ý thức hệ, rằng miền Bắc đã xâm lược và cai trị miền Nam vì chế độ Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền v.v….

Hai là, về ý kiến cho rằng hãy bớt nhắc tới cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì nhắc tới sẽ gây thêm hận thù với nước Mỹ”. Nhận viện trợ của Mỹ để chống dịch mà chửi “Mỹ” là vô ơn (!?).

Ba là, Hoa Kỳ là nước luôn tuyên bố mạnh mẽ phản đối Trung Quốc trước các hành vi gây hấn ở biển Đông nên hãy nhân dịp này hãy tuyên bố dựa hẳn vào Mỹ để chống Trung Quốc.

Bốn là, muốn kiện Trung Quốc đòi Hoàng Sa thì phải công nhận tính chính danh của Việt Nam Cộng hòa.

1. Về quan điểm cho rằng “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam thực chất là cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc bởi ý thức hệ”, rằng “miền Bắc đã xâm lược và cai trị miền Nam vì chế độ Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền” …

Sai!

Theo Hiệp định Genève, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời và không được coi là ranh giới về lãnh thổ.

Lo sợ sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản nên ngay từ năm 1950, người Mỹ đã can thiệp vào tình hình Việt Nam và đẩy mạnh viện trợ cho thực dân Pháp xâm lược. Vào những ngày cuối của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, có lúc viện trợ của Hoa Kỳ chiếm 78% chiến phí chiến tranh Đông Dương của thực dân Pháp.

Năm 1954, sau khi thua trận ở Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Genève. Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Ngoài quy định về việc giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời và không được coi là ranh giới về lãnh thổ, Điều 17, 18, 19 của Hiệp định Genève quy định rõ ràng: Cấm không được đưa vào Việt Nam các thứ vũ khí nước ngoài. Cấm không được xây dựng cǎn cứ quân sự mới trên lãnh thổ Việt Nam. Cấm nước ngoài không được lập cǎn cứ quân sự ở Việt Nam. Cấm đưa binh lính, nhân viên quân sự và vũ khí đạn dược nước ngoài vào Việt Nam. Giới tuyến 17 là tạm thời, không phải là giới tuyến chính trị, hoặc giới tuyến lãnh thổ; Việt Nam sẽ thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do khắp cả nước vào nǎm 1956.

Theo Hiệp định, những người kháng chiến Việt Nam và thân nhân (nếu đi cùng) sẽ tập kết ra ngoài vĩ tuyến 17. Quân Pháp và Quân đội Quốc gia của Bảo Đại lui về trong vĩ tuyến 17 để đợi tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo quy định của Hiệp định Genève.

Ngay sau khi Hiệp định Genèva được ký kết, trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoán trước Mỹ sẽ tìm cách phá bỏ Hiệp định để chia cắt Việt Nam: "Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc. Đồng thời, chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương cùng Đông Nam Á”. Ngày 22-7-1954. Chủ tịch Hồ Chí minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ"., và khẳng định: "Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng".

Sử gia nổi tiếng người Mỹ Cecil B. Currey trong cuốn sách “Chiến thắng bằng mọi giá (Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp)” cho biết năm 1956, Allen Dulles, người đứng đầu của Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu bầu cử ở Việt Nam diễn ra theo quy định của Hiệp định Genève thì “thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi". Ngô Đình Diệm chỉ có một lối thoát là tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Được Mỹ khuyến khích, Ngô Đình Diệm kiên quyết từ chối tuyển cử. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tồn tại ở miền Nam Việt Nam, bất kể chính phủ đó có tôn trọng nền dân chủ hay không”.

Đúng như tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chế độ Việt Nam Cộng hòa vào năm 1956. Việt Nam Cộng hòa tiếp tục theo đuổi chính sách của Quốc gia Việt Nam là từ chối tổng tuyển cử với lý do "nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc". Tháng 7 năm 1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, Hà Nội yêu cầu các đồng chủ tịch hội nghị Genève tổ chức một cuộc hội nghị mới, yêu cầu này lại được lặp lại vào tháng 8. Các yêu cầu đàm phán với chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục được gửi vào tháng 6 và tháng 7 năm 1957, tháng 3 và tháng 12 năm 1958, tháng 7 năm 1959, và tháng 7 năm 1960, nhưng đều bị từ chối.

Từ năm 1961, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, bằng cách xây dựng quân đội Sài Gòn mạnh với vũ khí, trang bị và cố vấn Mỹ, tiến hành “bình định” và lập “ấp chiến lược”, nhằm tiêu diệt các lực lượng vũ trang miền Nam. Nhưng âm mưu bình định và dồn dân trong các chiến lược không đạt kết quả, buộc Mỹ phải tăng dần lực lượng. Nếu như năm 1965 mới chỉ có 18.000 quân Mỹ ở Việt Nam thì đến tháng 4 năm 1968, số quân Mỹ đã lên tới 543.000.

Để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân của nước Mỹ, 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt nam, cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất Mỹ trực tiếp phục vụ chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn huy động quân đội các nước đồng minh của họ tham chiến tại Việt Nam như: Thái Lan, Philippines, Australia, New Zealand và Hàn Quốc với quân số lúc đông nhất lên tới 70.000 cùng khoảng 600.000 lính Quân đội Sài Gòn (lúc đông nhất). Kể từ năm 1961 đến năm 1974, đã có hơn 57.000 lính Mỹ bị thiệt mạng ở Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều loại vũ khí tối tân nhất, ném bom Việt Nam nhiều nhất đặc biệt là khi leo thang ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Tài liệu Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh cho biết mỗi người dân miền Bắc phải chịu 45,5kg bom đạn, 1km2 phải chịu 6 tấn. Trong chiến tranh thế giới thứ Hai, nước Đức phải chịu 27kg/người, 5,4 tấn/km2; Nhật 1,6kg/người và 0,43 tấn/km2.

Tháng 6 năm 1961, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm gửi công hàm nhờ Chính phủ Mỹ giúp đỡ để chống lại di kích của lực lượng kháng chiến. Cũng năm này, tổng thống Mỹ J.F.Kennedy đã ký sắc lệnh cho rải các hóa chất khai quang - diệt cỏ lên miền Nam Việt Nam. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61 phần trăm là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26 nghìn thôn bản ở miền Nam Việt Nam với diện tích 3,06 triệu ha.

Năm 1984, 9 năm sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.McNamara đã thừa nhận: "Chúng ta đã sai lầm, sai lầm một cách tồi tệ. Chúng ta nợ các thế hệ tương lai câu giải thích tại sao?". Sau đó, hồi ký “Nhìn lại quá khứ tấn thảm kịch và bài học về Việt Nam” đã chỉ ra 11 nguyên nhân chính gây ra thảm họa của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã chỉ ra 11 nguyên nhân thất bại của người Mỹ ở Việt Nam: 1. Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai khi đó (và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị của các đối thủ... và chúng ta đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ. 2. Chúng ta xem xét nhân dân và lãnh đạo của miền Nam Việt Nam chỉ bằng trải nghiệm của chúng ta... Chúng ta đánh giá sai hoàn toàn những lực lượng chính trị trong đất nước đó. 3. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ. 4. Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ. 5. Chúng ta đã thất bại khi đó (và từ đó đến nay)  trong việc nhận ra những hạn chế của khí tài, lực lượng và học thuyết quân sự công nghệ cao, hiện đại... Chúng ta cũng thất bại trong việc điều chỉnh chiến thuật quân sự của chúng ta cho phù hợp với nhiệm vụ thu phục nhân tâm của người dân thuộc một nền văn hoá hoàn toàn khác biệt. 6. Chúng ta đã thất bại trong việc lôi kéo Quốc hội và nhân dân Mỹ vào cuộc thảo luận toàn diện và cởi mở, tranh luận những điều nên và không nên xung quanh việc đưa quân đội tham chiến trên diện rộng... trước khi chúng ta lên kế hoạch hành động. 7. Sau khi sự việc diễn ra và những sự kiện không như dự đoán khiến chúng ta đi chệch đường lối đã hoạch định... thì chúng ta đã không giải thích đầy đủ những điều đang diễn ra và tại sao chúng ta lại phải làm như đã làm. 8. Chúng ta không chịu thừa nhận rằng kể cả nhân dân lẫn lãnh đạo của chúng ta đều không thông suốt mọi sự. Đánh giá của chúng ta về cái gì là lợi ích tốt nhất của  đất nước và dân tộc khác cần phải được đưa ra sát hạch thông qua bàn luận cởi mở tại những diễn đàn quốc tế. Chúng ta không được Thượng đế ban phát quyền nhào nặn mỗi dân tộc theo hình ảnh của chúng ta hay theo cách mà chúng ta lựa chọn. 9. Chúng ta không tuân thủ nguyên tắc về việc hành động quân sự của Mỹ, chỉ nên được thực thi trong sự phối hợp với lực lượng đa quốc gia được cộng đồng quốc tế ủng hộ hoàn toàn (về thực chất, chứ không chỉ nhìn từ bên ngoài). 10. Chúng ta đã không chịu thừa nhận rằng trong các vấn đề quốc tế, cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống, có thể có những vấn đề không tìm được giải pháp tức thời... Đôi khi chúng ta phải sống trong một thế giới không hoàn hảo, không ngăn nắp. 11. Những sai sót căn bản trên khiến chúng ta không tổ chức được bộ máy chóp bu của chính quyền hành pháp trong việc xử lý hữu hiệu tổng thể những vấn đề chính trị và quân sự bất thường.

Như vậy, từ bản chất, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến đấu vì chính nghĩa để chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai nhằm giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Đó hoàn toàn không phải là cuộc nội chiến vì ý thức hệ, cũng không có chuyện miền Bắc xâm lược miền Nam.

2. Về ý kiến cho rằng hãy bớt nhắc tới cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì nhắc tới sẽ gây thêm hận thù với nước Mỹ”. Nhận viện trợ của Mỹ để chống dịch mà chửi “Mỹ” là vô ơn (!?)

Sai!

Thế giới đã chứng kiến hàng trăm ngàn cuộc chiến tranh từ cổ chí kim, đặc biệt là thời gian gần đây. Nước Đức phát xít của Hitle đã tấn công xâm lược gần như từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, phần lớn Đông Á và Đông Nam Á, đã giết hại gần 70 triệu người, trong đó có hai mươi mấy triệu người dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Hàng năm, nước Nga và nhiều nước đồng minh chiến thắng phát xít đều tổ chức lễ kỷ niệm mừng ngày chiến thắng. Việc các nước tổ chức kỷ niệm mừng chiến thắng không phải để gây lòng hận thù với nước Đức hiện nay, bởi nước Đức hiện nay vẫn là nước Đức, nhưng chính phủ Đức hiện nay đâu phải chính phủ phát xít. Chả lẽ nước Đức hiện nay trở thành bạn bè thân thiết của nước Mỹ, nước Anh thì các nước này, đến ngày chiến thắng sẽ không nên nhắc lại nữa?

Sau khi đội quân Quan Đông của Nhật Bản đầu hàng đồng minh, chiến tranh thế giới lần thứ Hai đã đi tới giai đoạn kết thúc. Vào những ngày ấy, Hoa Kỳ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật Bản gây ra cái chết cho hàng trăm nghìn người. Từ đó đến nay, hàng năm Nhật Bản đều tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện thảm khốc này. Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm này để nhắc nhớ về một sự kiện đau buồn đã từng xảy ra trên đất nước Nhật Bản và cũng để làm tiếng chuông cảnh tỉnh nhắc nhở nhân loại hãy cảnh giác để điều đau buồn ấy không bao giờ lặp lại. Nhật Bản tổ chức đâu phải để nhân dân Nhật căm thù người Mỹ. Bởi nước Mỹ hôm nay vẫn là nước Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, nhưng chính phủ Mỹ hôm nay đâu phải chính phủ Mỹ của 75 năm trước.

 

Hàng năm, Trung Quốc kỷ niệm ngày chiến thắng chống lại phát xít Nhật. Việc Trung Quốc kỷ niệm này là để nhắc nhở người Trung Quốc về một giai đoạn đau thương, yếu hèn của đất nước Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa khi bị phát xít Nhật đô hộ. Hẳn nhiên, sẽ chả có người Trung Quốc nào dự lễ kỷ niệm này xong rồi căm ghét người Nhật hiện nay. Bởi một lẽ đơn giản, nhiều người Nhật hiện nay có thể là con cháu những quân nhân phát xít Nhật đã xâm lược và cai trị Trung Quốc trước đây, nhưng họ đâu phải là người gây ra những đau thương ấy cho người Trung Quốc. Vì vậy, không có bất cứ lý do gì để người Trung Quốc hiện nay căm ghét người Nhật Bản hiện nay về việc này.

Khi đô hộ Việt Nam, phát xít Nhật, bằng những chính sách độc ác đã gây ra nạn đói khủng khiếp cho dân tộc chúng ta, làm hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói. Gần 80 năm đã trôi qua, những người còn may mắn sống sót trong thảm trạng kinh hoàng ấy của dân tộc vẫn không kìm nén nổi xúc cảm nghẹn ngào. Thế nhưng, nếu hỏi họ rằng họ có căm thù người Nhật Bản hiện nay hay không, có thể đoán chắc câu trả lời là không. Những đau thương ấy là do phát xít Nhật gây ra chứ đâu phải do nhân dân Nhật Bản hiện nay, cũng chẳng phải do chính phủ Nhật Bản hiện nay gây ra.

Còn nhiều, rất nhiều các minh chứng không thể kể hết. Nói như vậy để thấy rằng kỷ niệm, nhắc nhớ các thế hệ hôm nay về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có gì là không nên.

(Còn nữa)

TRUNG THÀNH