Ngày đăng: 06-08-2020 Lượt xem: 6993
Đặt vấn đề: Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930-01/8/2020), chiều 30/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ trong cả nước. Tại buổi gặp mặt này, Thủ tướng đã có bài phát biểu chào mừng, đánh giá công lao đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ đối với sự phát triển của đất nước. Trong bài phát biểu này đã có một số nhầm lẫn về nhân thân các nhà văn. Nhận ra sai sót này, Ban Tổ chức hội nghị đã chính thức lên tiếng xin lỗi về sự nhẫm lẫn đáng tiếc này. Tuy nhiên, một số người dường như đã đẩy sự việc đi quá xa khi lên tiếng chửi bới, mạt sát, quy chụp với những từ ngữ sặc mùi bạo lực, hạ cấp và mang tính chất đạp đổ.
Đọc qua những bài viết, qua các comment nhận thấy các ý kiến quy chụp này chủ yếu xoay quanh 04 nội dung chính, đó là:
1. Một là, các ý kiến ấy cho rằng điều này khẳng định một điều là các lãnh đạo Việt Nam hiện nay không bao giờ tự nói theo ý mình mà chỉ nhờ vào những thư ký, trợ lý viết sẵn. Rằng lãnh đạo Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ là đọc những gì đã được chuẩn bị sẵn như một cái máy (!?).
Có phải các nhà lãnh đạo thế giới thì không đọc các bài viết được thư ký, trợ lý viết sẵn?
Hầu như các nhà lãnh đạo của các quốc gia bao giờ cũng có một bộ máy tham mưu hùng hậu về các lĩnh vực, trong đó có những trợ lý, thư ký về báo chí, về viết diễn văn. Chỉ đơn cử nước Mỹ, các đời tổng thống đều có các nhân viên phụ trách viết diễn văn là những chuyên gia nổi tiếng. Có thể kể ra đây các tên tuổi nổi tiếng đảm nhiệm lĩnh vực này: Sorensen, người viết những bài diễn văn gây tiếng vang vượt thời gian cho Tổng thống John F.Kennedy; Jeff Shesol, một thành viên trong ê-kíp viết diễn văn Thông điệp Liên bang cho cựu Tổng thống Bill Clinton; Adam Frankel, cựu thành viên ê-kíp viết diễn văn của Tổng thống Obama; Cody Keenan, 33 tuổi, ngòi bút chính của Obama trong việc soạn thảo Diễn văn về Tình hình Liên bang. Có những lúc, Tổng thống Mỹ đương nhiệm có tới 09 người chuyên phụ trách viết diễn văn. Không những làm nhiệm vụ viết diễn văn cho tổng thống, một vài người trong số họ còn được giao soạn cả lời nói trước công chúng cho các đệ nhất phu nhân…[1]
Quay trở lại với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu trên, đương nhiên, cho dù có bộ phận tham mưu soạn thảo và qua nhiều khâu, nếu có thời gian Thủ tướng sẽ xem xét lại. Thế nhưng, trong những ngày ấy, chỉ cần theo dõi truyền thông, chắc hẳn mọi người đều biết Thủ tướng bận trăm công nghìn việc khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Một Thủ tướng Chính phủ chèo lái cả con thuyền kinh tế - xã hội của đất nước gần 100 triệu dân vừa lo chống dịch, vừa lo phát triển kinh tế, lẽ nào những công dân của đất nước không thể thể tất cho ông?
Và, đương nhiên, trong buổi gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ này Thủ tướng sẽ không thể phát biểu chỉ đạo mà phải đọc bài phát biểu, tức bài diễn văn chào mừng. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích: Diễn văn “bài phát biểu tương đối dài đọc trong các dịp long trọng[2]”.
Vậy thì, Thủ tướng đọc bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn có gì là sai?
2. Hai là, những ý kiến này cho rằng có một số nhà văn mà trong bài phát biểu nhắc tới là người xứ Quảng, Thủ tướng là người xứ Quảng mà ông không biết điều này là thể hiện sự kém cỏi (!?).
Trước hết, Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, ông không phải chuyên gia trên lĩnh vực văn học. Giả sử trước khi làm thủ tướng, ông có là một chuyên gia trên lĩnh vực văn học thì nếu có sai sót cũng là điều bình thường. Con người chứ không phải thần thánh để cái gì cũng biết. Vả chăng, có những nhà văn mang các bút danh khác nhau nên việc đọc mà không nhận ra cũng là chuyện bình thường.
Giả sử một thạc sĩ hay tiến sĩ văn học Việt Nam mà không nhận ra sai sót ấy thì mới đáng chê trách. Bây giờ nếu ai đó làm một cuộc test nhanh các thạc sĩ văn học Việt Nam hiện nay, ai dám đảm bảo rằng sẽ không có những người vẫn không thể không có những sai sót như trên.
Các lãnh đạo trên thế giới chắc không từng phát biểu sai?
Câu chuyện các nhà lãnh đạo trên thế giới phát biểu có những sai sót là điều không hiếm.
Nhìn vào danh sách các phát biểu “lỡ lời” nêu trên, đa phần là những nguyên thủ có đội ngũ tham mưu, thư ký, trợ lý hùng hậu về viết diễn văn. Xem thế đủ thấy việc sai sót là bình thường.
3. Ba là, có những ý kiến cho rằng từ sai sót này, từ nay trở đi Thủ tướng không nên đến phát biểu những gì mà Thủ tướng không nắm chắc.
Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, là người lãnh đạo hệ thống hành chính Nhà nước theo quy định tại Điều 98, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Tất cả các hoạt động quản lý Nhà nước trên đất nước này đều thuộc trách nhiệm của Thủ tướng.
Điểm g, Khoản 2, Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định Thủ tướng có quyền: “Ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ[3]”. Giả sử trong câu chuyện này, nếu Thủ tướng ủy quyền cho một Phó thủ tướng tới dự và phát biểu vẫn không trái với Luật, song ai dám đảo bảo rằng sẽ lại không có những chê trách như tại sao một buổi gặp mặt long trọng với đội ngũ tinh hoa của đất nước như thế này mà Thủ tướng lại không tới dự và phát biểu chào mừng? Ở Việt Nam, tâm lý chung là bao giờ cũng mong muốn các hội nghị lớn, long trọng được đón các nhà lãnh đạo cao nhất tới dự và phát biểu chào mừng bởi điều đó thể hiện sự quan tâm, trân trọng đối với nơi mà các lãnh đạo cao cấp tới.
Tổng thống Poroshenko lại ‘lỡ lời’ phát biểu ‘ủng hộ’ kẻ thù của Ukraine
4. Bốn là, họ cho rằng có những người soạn thảo bài phát biểu cho Thủ tướng, nhưng Thủ tướng là người đọc nên sai sót Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, Thủ tướng phải đứng ra xin lỗi chứ Ban Tổ chức xin lỗi là không phù hợp.
Không phải Thủ tướng đã không từng xin lỗi khi sai. Còn nhớ vào mùa hè năm 2016, xe chở Thủ tướng đi vào phố cổ Hội An, nơi chỉ dành cho người đi bộ khiến dư luận xã hội “dậy sóng”, Thủ tướng xin lỗi công khai và nhận bản thân đã sơ suất. Lần ấy, rõ ràng đoàn xe đi phía sau khi ông đã đi bộ "vào trước hàng cây số rồi" là điều ông "không biết", nhưng ông vẫn nhận "khuyết điểm, trách nhiệm". Đó có thể là một sự lắng nghe và một sự nhún nhường hiếm có. Từ đó đến nay, sự việc như trên đã không hề tái diễn.
Trong sai sót lần này, rõ ràng ban tổ chức hội nghị đã không cẩn trọng và để xảy ra sai sót đáng tiếc này. Thủ tướng là người đọc bài diễn văn này nên dù ai làm sai thì Thủ tướng cũng đã rất phiền lòng. Việc Ban tổ chức buổi gặp mặt này đứng ra xin lỗi đã là một hành động rất kịp thời và cầu thị.
Kết luận:
Có là thánh sống cũng thể biết hết mọi chuyện, huống chi là Thủ tướng.
Từ sai sót không đáng có này đặt ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm và giải quyết. Đó là những người giúp việc, các cơ quan giúp việc phải thật sự trách nhiệm hơn nữa trong công việc được giao. Thủ tướng có thể không phải cái gì cũng biết nhưng các trợ lý, thư ký trên các lĩnh vực nhất thiết phải là các chuyên gia am hiểu lĩnh vực phụ trách.
Và, cũng từ câu chuyện này, thấy rằng với những sai sót nhưng nếu được người khác góp ý, phản biện một cách chân thành bằng những lời lẽ thật sự công bằng và thuyết phục sẽ giúp những người, cơ quan được góp ý cẩn trọng hơn. Ngược lại, với những ai chỉ lợi dụng những sơ hở này để chửi bới, mạ lỵ bằng những lời lẽ tục tĩu, hạ cấp, vô văn hóa thì có đáng nên làm hay không? Nhất là những lời lẽ ấy được phát ra từ miệng những người được xem là “trí thức dấn thân”, là những người “đấu tranh cho dân chủ” là vân vân và vân vân…
Xem thêm tại các link:
https://baoquocte.vn/nhung-cu-lo-mieng-noi-tieng-74631.html
https://thanhnien.vn/the-gioi/lanh-dao-my-trung-lo-loi-trieu-tien-tung-thuoc-trungquoc-828420.html
https://dantri.com.vn/the-gioi/nhung-lan-lo-mieng-cua-cac-nguyen-thu-the-gioi-20160513115152666.htm
https://thukyluat.vn/news/lich-su/nhung-lan-lo-mieng-cua-cac-nguyen-thu-the-gioi-13071.html
Quang Tuyến
[2] Hoàng phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2011, tr. 344