Ngày đăng: 24-07-2020 Lượt xem: 1299
Trước bối cảnh xã hội xuất hiện nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội có chiều hướng gia tăng thì công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội của báo chí chính thống (BCCT) có vai trò hết sức quan trọng, góp phần thống nhất nhận thức và hành động của toàn xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của thông tin xấu do mạng xã hội gây ra. Khi thông tin xấu độc tràn lan trên mạng, báo chí chính thống cần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đổi mới trong đấu tranh, tránh rơi vào tình trạng bị động, chạy theo giải thích.
Báo chí chính thống tránh rơi vào thế bị động trước thông tin xấu độc
Càng gần đến ngày diễn ra Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội càng gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi. Một số tổ chức phản động như Việt Tân, “Hội anh em dân chủ”; một số tờ báo phương Tây như BBC, RFA, VOA… đã tung lên các trang mạng xã hội đủ loại thông tin bịa đặt, bôi nhọ, suy diễn, đồn đoán về công tác cán bộ với nhiều mục đích xấu. Các thế lực thù địch lại ráo riết tung ra thông tin xấu độc. Đó là tin giả, tin đồn thất thiệt hòng bóp méo sự thật, xuyên tạc về cán bộ; kích động, chia rẽ nội bộ, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Họ đưa ra những luận điệu xuyên tạc rằng nội bộ Đảng đang đấu đá, tranh giành quyền lực trước Đại hội. Rồi việc tuyển chọn nhân sự đang bế tắc, không có tính dân chủ mà đã được chỉ định sẵn, nên không thể tránh khỏi tình trạng sắp xếp nhân sự, chạy chức, chạy quyền, bè phái, lợi ích nhóm. Dã tâm của những tổ chức, đối tượng này là tìm mọi cách chia rẽ Đảng với dân. Muốn dân quay lưng lại với Đảng. Những thủ đoạn trên không chỉ bây giờ mới có mà đã xuất hiện ở các kỳ Đại hội trước đây.
Bên cạnh các thế lực thù địch, phản động, bản thân trong nội bộ của chúng ta không phải là không có những cán bộ suy thoái, cơ hội chính trị, đầy tham vọng cá nhân. Họ tìm cách tiến thân nhưng không bằng sự đóng góp, cống hiến, không bằng uy tín của mình mà lại tìm mọi cách hạ uy tín đồng chí, đồng nghiệp. Bản thân họ sẽ tung tin sai sự thật, vu khống, gửi đơn thư nặc danh, mạo danh hoặc sử dụng mạng xã hội, “đi đêm” với các nhân tố mạng xã hội để tạo “sóng” trong dư luận, vì ý đồ và động cơ cá nhân thấp hèn.
Có người bao biện rằng: “Tôi có quyền tự do ngôn luận, tôi muốn nói, muốn viết thế nào là quyền của tôi”. Nhưng, tự do gì thì cũng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Không có thứ tự do ngôn luận nào muốn xúc phạm ai thì xúc phạm, muốn vu khống ai thì vu khống. Đó là hành động thấp hèn!
Nhà báo Thu Hà - Phó Trưởng Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng trước nguy cơ và thách thức của những thông tin xấu độc, sai sự thật tràn lan trên các mạng, kênh truyền thông xã hội, báo chí chính thống cần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phải chủ động đổi mới trong đấu tranh, tránh rơi vào tình trạng bị động đối phó, chạy theo giải thích những thông tin mà các thế lực thù địch bóp méo, xuyên tạc.
Nhà báo Thu Hà cho biết thêm công tác đấu tranh phản bác phải được thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống báo chí cách mạng với những phương pháp đấu tranh, đa dạng, toàn diện, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương, mô hình tốt được thể hiện một cách thuyết phục, có chiều sâu và có sức thu hút lớn là một giải pháp hiệu quả.
Theo nhà báo Thu Hà, các cơ quan liên quan cần tạo cơ chế thuận lợi để nhà báo được cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho các phóng viên chuyên trách trong lĩnh vực này.
Sức nặng của sự thật và uy tín của nhà báo
Vừa qua, trong diễn đàn trực tuyến của Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR) bàn về những thay đổi của xã hội và công chúng sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia trong ngành đã thảo luận, đưa ra những quan điểm đáng suy ngẫm và trái ngược như: “công chúng có vẻ đang tìm lại báo chí chính thống để có các nguồn tin đáng tin cậy”, hay “đặc thù của công chúng Việt Nam là hay quên” và “qua đại dịch Covid-19, công chúng thay đổi nhận thức, nhưng có thể chỉ là tạm thời và truyền thông xã hội sẽ lại thắng thế”…
Thế nên, báo chí truyền thống dường như sẽ áp lực hơn trong việc phát triển nội dung và tận dụng các nền tảng số hóa để đáp ứng xu thế cập nhật tin tức của người đọc mọi lứa tuổi. Làm thế nào để thông tin vừa được kiểm chứng, đáng tin cậy mà không khô khan, có tính “viral” (lan tỏa), giúp người đọc dễ dàng chia sẻ? Làm thế nào để bài viết trực quan trở nên sinh động hơn, chất lượng hình ảnh đẹp mắt hơn, nhưng không mất đi bản chất của bài báo mang lại thông tin hữu ích?
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ: “Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc...”. Trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong việc gìn giữ “mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”, bởi đây chính là “nền tảng cho sự ổn định chính trị, xã hội của nước ta”. Biểu dương, tôn vinh cái tốt, đẩy lùi cái xấu, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội tiến bộ hơn, đó chính là sứ mệnh cao cả của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Báo chí chính thống là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, khơi nguồn, tạo ra dư luận xã hội và định hướng việc tiếp nhận thông tin cho công chúng. Đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội thuộc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cách mạng.
Hằng ngày, người dân tiếp nhận khối lượng lớn thông tin từ nhiều nguồn, có cả thông tin không chính thống, thông tin không được kiểm chứng. Mặt khác, cũng có một bộ phận nhân dân “đói thông tin”, cần được cung cấp thông tin một cách có định hướng chính trị. Nếu báo chí chính thống bỏ trống trận địa này thì những tin xấu độc có cơ hội tồn tại và phát triển. Do đó, định hướng thông tin, định hướng nhận thức và dư luận xã hội là nhu cầu khách quan từ các cấp lãnh đạo, quản lý xã hội và cả từ phía nhân dân. Bởi vậy, các cơ quan báo chí cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời, giải thích, hướng dẫn nhận thức của nhân dân nhằm thống nhất nhận thức và hành động chung của cộng đồng, vì mục tiêu chung. Với bản lĩnh và nghiệp vụ của mình, nhà báo phải phân biệt được đúng - sai, thật - giả, phân tích, giải thích kịp thời cho công chúng, làm nguồn tin, chỗ dựa tin cậy cho công chúng trước một thông tin mà họ chưa biết thật - giả…
Trách nhiệm xã hội của nhà báo là cần lựa chọn, xử lý thông tin, đưa hay không đưa tin, đưa lúc nào, đưa như thế nào, liều lượng, mức độ đưa tin ra sao… để không tác động tiêu cực, không gây hậu quả xấu tới xã hội. Bởi trên thực tế, có những thông tin dù là đúng nhưng có thể gây sốc, tạo tâm lý hoang mang, mất lòng tin vào con người, vào đời sống… Do vậy, định hướng chính trị phải là định hướng cơ bản nhất của báo chí cách mạng nước ta. Định hướng chính trị tốt sẽ củng cố và tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Dù mạng xã hội có ưu thế nhanh, nhạy, tính tương tác cao, sức lan tỏa lớn và đang cạnh tranh quyết liệt với báo chí truyền thống, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, vai trò của báo chí chính thống không những không suy giảm, mà ngày càng quan trọng trong một xã hội bùng nổ thông tin. Ở đó, có một yếu tố “bất bại” mà mạng xã hội không bao giờ chạy đua được, đó là sức nặng của sự thật, uy tín của nhà báo - là những thứ không thể thiếu trong đạo đức nghề nghiệp của báo chí.
Khánh An