flag header

Tin tứcChống DBHB

Phòng và chống vấn nạn "chạy chức, chạy quyền"

Ngày đăng: 10-06-2020 Lượt xem: 1444

"Chạy chức, chạy quyền" là điển hình của việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, đe dọa trật tự kỷ cương, luật pháp; là một lỗ hổng, khiếm khuyết của công tác cán bộ; để lại những hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội nặng nề và làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội.

1. "Chạy chức, chạy quyền" là suy thoái

 "Chạy chức, chạy quyền" là tình trạng đưa vào quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ/quyền hạn cho những cán bộ chưa hoặc không đủ tiêu chuẩn, điều kiện được giấu dưới vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy định”. Vấn nạn này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" chỉ rõ và đó cũng là 1/27 biểu hiện của thực trạng suy thoái, không những không suy giảm mà ngày càng trở nên ung nhọt, phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.

"Chạy chức, chạy quyền" là một dạng tha hóa quyền lực; là việc người có quyền lực đã “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” trong công tác cán bộ. "Chạy" là những biểu hiện cụ thể, phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của những người “chạy” và cả người được “chạy”; đồng thời cho thấy, việc "chạy" - bao gồm "chạy chức, chạy quyền" không chỉ tạo ra lỗ hổng, khiếm khuyết trong công tác cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm triệt tiêu động lực phấn đấu của những người chính trực, gây tâm tư trong công tác tư tưởng, công tác cán bộ mà còn tạo “hiệu ứng cần chạy, phải chạy” trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương để được lên chức ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến địa phương.

 “Chạy chức, chạy quyền” không chỉ tạo ra một tiền lệ xấu trong công tác cán bộ, làm cho những người làm việc nghiêm túc, muốn trau dồi về mọi mặt và phấn đấu cũng dần tự ti vào năng lực bản thân để rồi “nhìn gương” đó để phát sinh tính láu cá, cơ hội, đầu cơ chính trị... mà còn làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng mà còn đe dọa sự tồn vong của Đảng cầm quyền và chế độ.

Sự “chạy” này vừa vô tình, vừa hữu ý đã làm cho bệnh cậy quyền, ỷ thế, độc đoán, chuyên quyền, tham lam, địa phương chủ nghĩa, tư túng, kéo bè kéo cánh, nể nang… trong đội ngũ cán bộ chủ chốt không bị ngăn chặn, kiểm soát kịp thời; làm cho công tác cán bộ trở nên bị động, bị vô hiệu hóa. Hệ quả của nó là, “chạy chức, chạy quyền” diễn ra trong tất cả các khâu của công tác cán bộ: chạy tuổi, chạy vào quy hoạch, chạy để được bổ nhiệm, chạy luân chuyển, v.v.., tạo thành một “làn sóng” khi trầm khi bổng, nhưng rõ nét nhất, sôi động nhất là trước mỗi kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.  

Soi rọi theo 23 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu về “Tư cách người cách mệnh” (tác phẩm Đường Cách mệnh, năm 1927), có thể thấy, những người tham gia “chạy chức, chạy quyền” và những người giúp cho việc vận hành “chạy chức, chạy quyền” chính là những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cả người "chạy" và người được "chạy" đều chưa hoặc không rèn luyện đạo đức cách mạng theo đúng những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu.

1) Họ đã chưa hoặc không “tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại. Chịu khó. Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật". Bởi vì “chạy”, cho nên họ không phải trải qua quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng, không phải bền gan phấn đấu mà đã được cất nhắc, bổ nhiệm. Bởi vì sớm có được chức vụ/quyền hạn dễ dàng nên họ đã sa vào cá nhân chủ nghĩa, tự cao, tự đại, tự mãn với những gì mình đang có, để rồi tiếp tục tạo điều kiện cho những kẻ “như mình, giống mình” chạy tiếp vào các vị trí khác.

2) Họ đã chưa hoặc không đối người phải: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”, vì, chức vụ/quyền hạn có được là do được nâng đỡ, cất nhắc bởi “chạy”, nên phần thì họ không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc; phần thì do “mặc chiếc áo quá rộng”, có chức, có quyền quá dễ dàng nên không thể nghiêm cẩn trong công việc, càng không thể “có lòng bày vẽ cho người”. Vì năng lực có hạn, lại lộng quyền, lạm quyền nên trong thực thi công vụ thì quan liêu, tham ô, tham nhũng, vòi vĩnh, gây bức xúc trong xã hội và trong quan hệ ứng xử với đồng nghiệp thì “nịnh trên, nạt dưới”, làm mất lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, vào công tác cán bộ.

3) Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cả tổ chức thực hiện, những kẻ do“chạy” được chức quyền và cả người được "chạy" cũng chưa hoặc không có tinh thần và phương pháp “làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”. Đó là những người không chỉ coi thường tổ chức, Điều lệ Đảng, pháp luật, công khai vi phạm các nguyên tắc tổ chức, làm suy yếu tổ chức đảng, mất uy tín của tập thể mà còn trở thành nhân tố gây ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, dẫn đến thao túng bộ máy lãnh đạo, thao túng công tác cán bộ. Với họ, những kẻ cơ hội, chăm lo đầu tư quan hệ để lấy lòng cấp trên sẽ được cất nhắc; còn những người có năng lực và đạo đức nhưng liêm chính, không cúi luồn “sẽ trượt từ vòng quy hoạch”.

Thực trạng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo rất sớm, trong một số bài viết ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tuy nhiên, ung nhọt này dường như chưa có “kháng sinh” đặc trị. Cùng với thời gian Đảng cầm quyền, vấn nạn này ngày càng “lở loét”, “lan nhanh” dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “là con đẻ” của “chạy chức, chạy quyền” đã mặc nhiên coi “chạy” là con đường tiến thân hiệu quả nhất, để rồi “lan vòi bạch tuộc” của mình, tiếp tục dung dưỡng, bảo kê cho những người có “nhu cầu chạy” đến được với những người “cần phải chạy”, để tạo thành đường dây, phong trào “chạy chức, chạy quyền”.

Những năm gần đây, thông tin về việc những quan chức lạm dụng chức vụ/quyền hạn được giao phó kéo bè, kéo cánh, đưa người thân, cánh hẩu vào giữ các vị trí tại các cơ quan công quyền, tạo tiền đề hình thành “nhóm lợi ích” đã cho thấy câu chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan đã không còn là hiện tượng đơn lẻ. Hiện tượng này xảy ra từ Bắc vào Nam: Hà Giang, Mỹ Đức (Hà Nội), An Dương (Hải Phòng), Kim Thành (Hải Dương), Bắc Ninh, Quảng Trạch (Quảng Bình), Hiệp Đức (Quảng Nam), Bình Định, Cần Thơ,v.v.. dẫn đến tình trạng một gia đình hoặc một dòng họ “cát cứ”, “thao túng”, “chi phối” công tác cán bộ nói riêng, quyền lực chính trị, kinh tế của địa phương nói chung, gây bức xúc trong nhân dân.

Ung nhọt và căn bệnh trầm kha này đã được Đại hội XII của Đảng chỉ ra: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”[1]; được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII nêu rõ: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi…Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”[2],v.v.. và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở, nhấn mạnh: “Chạy chức, chạy quyền, tệ tham nhũng đã chi phối tới nhiều khâu trong công tác cán bộ, từ lựa chọn đối tượng đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, đến quy hoạch, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm, nên mới “có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”.

2. Phòng và chống “chạy chức, chạy quyền” để xây dựng Đảng

Để phòng và chống “chạy chức, chạy quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải chú trọng, thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát. Người cũng nhấn mạnh:  người làm công tác cán bộ và cả việc lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm cũng cần “phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó”[3]. Đó phải là những người thường xuyên, “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”…

Trong thực tế, việc “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương” theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và việc “các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm” theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được triển khai nghiêm túc. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.

 "Chạy chức, chạy quyền" vẫn âm ỉ ở nhiều nơi và hệ lụy của nó là “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên lên chức do “chạy” đã không đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ được giao phó. Tự coi mình là những “ông vua con”, “cha mẹ dân”, những con sâu mọt đó đã không chỉ coi thường tổ chức, kỷ luật, pháp luật mà còn luôn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền để cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu cấp dưới, vòi vĩnh nhân dân. Sự hư hỏng bởi ham hư danh, mong muốn được “vinh thân phì gia” của những kẻ “chạy” và sự tha hóa bởi những đặc quyền, đặc lợi của những cán bộ, đảng viên hư hỏng “được chạy” cho thấy cần phải kiên quyết hơn, quyết liệt hơn trong việc kiểm soát quyền lực để phòng và chữa “chủng bệnh” này hiệu quả.

Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, phòng và chống "chạy chức, chạy quyền", nhất là trong bối cảnh các cấp ủy đã và đang chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy khóa mới, cho Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức của mỗi cấp ủy, người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng đối với sự sống còn của Đảng, của chế độ. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua hằng năm đối với cán bộ, đảng viên nói chung, đối với công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nói riêng theo ý kiến: “Đừng bị đánh lừa bởi những động tác giả. Nhiều người khéo lắm, dễ đề cao thành tích, che dấu khuyết điểm… Phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một ê kíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Hai là, trong thực thi công tác cán bộ nói chung, công tác chuẩn bị nhân sự nói riêng, các cấp ủy phải thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Quy định số 205-QÐ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/9/2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” để kiên quyết loại trừ nạn “chạy chức, chạy quyền” của những kẻ cơ hội - một ung nhọt đang được cả xã hội quan tâm và loại trừ sự cấu kết của những kẻ cơ hội đang nắm quyền lực chính trị để lũng đoạn, trục lợi - một di chứng của công tác cán bộ đang gây bức xúc trong nhân dân, nhằm không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đừng nghĩ đến người quen, đừng nghĩ đến người thân hay gia đình của mình, hay địa phương của mình. Ngày xưa hy sinh cho Tổ quốc còn không sợ, mà hy sinh lợi ích làm gì phải khổ sở thế. Hy sinh một tí tình cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc thế mới là đảng viên. Và lại càng thế mới là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị. Ta phải thống nhất với nhau tinh thần thế”.

Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông gắn với sự giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, người đừng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng về đạo đức, lối sống; về năng lực và phương pháp công tác; tinh thần phấn đấu vươn lên về mọi mặt; đồng thời, phát huy vai trò tự giác nỗ lực rèn đức, luyện tài của mỗi cán bộ, đảng viên - coi đó là những kênh thông tin quan trọng trong đánh giá, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ để không chỉ xóa bỏ tệ nạn chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên mà còn nhằm khắc phục hữu hiệu tình trạng "thấy đỏ tưởng chín", “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”… trong công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự.

TS. Văn Thị Thanh Mai 

 

[1]Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2016, tr. 194

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII - Nghị quyết số 26 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ngày 19/5/2018

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.4, tr.21