Ngày đăng: 29-09-2020 Lượt xem: 6183
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.
Nhân dân Nam Bộ hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, 8/1945. Ảnh: Tư liệu
Ngay sau Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng, Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn cũng được thành lập, là một trong những đảng bộ được thành lập sớm trong cả nước (tháng 3 năm 1930), đảng số đông đảo (130 đảng viên trên tổng số 310 đảng viên của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam) và những đặc điểm riêng về tổ chức ngay sau khi hội nghị Hợp nhất các tổ chức Đảng; Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn đã góp vào pho sử quý bằng vàng của Đảng ta về kinh nghiệm tổ chức, truyền thống đoàn kết, tiên phong vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Sài Gòn với chế độ trực trị của thực dân Pháp cùng với vị trí chiến lược và vai trò trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hoá đối với cả nước đã dẫn đến việc hình thành những lực lượng xã hội mới. Bên cạnh số đông nông dân, thợ thủ công, tiểu tư sản, dân nghèo thành thị và tầng lớp tư sản đã xuất hiện giai cấp công nhân công nghiệp và tầng lớp trí thức tân học, yêu nước tiến bộ.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp tổ chức công việc vận động cách mạng trong nước. Tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tập hợp những người yêu nước Việt Nam; huấn luyện đào tạo cán bộ theo xu hướng cộng sản để đưa trở về nước hoạt động, gây cơ sở trong công nhân lao động ở ba kỳ chuẩn bị tiến tới thành lập một Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Đến cuối năm 1926, các cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được hình thành ở Thành phố. Sau khi tiếp nhận tổ chức Công hội bí mật của Tôn Đức Thắng, tổ chức Thanh niên này phát triển nhanh chóng tại Thành phố và lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam Kỳ. Lần lượt có thêm mấy đợt thanh niên yêu nước tiếp tục được chọn từ Nam Kỳ cử sang học ở Quảng Châu được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một số hội viên đủ tiêu chuẩn thì được tuyển vào Thanh niên Cộng sản Đoàn rồi được cử về nhận công tác ở trong nước. Trong những năm 1928 - 1929, Hội Thanh niên chủ trương cho hội viên đi “vô sản hóa” ở nhà máy, bến cảng, đi kéo xe… để tiếp xúc tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho công nhân lao động, đồng thời tự rèn luyện mình.
Bước sang năm 1929, về cơ bản Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và chuẩn bị những điều kiện, những tiền đề cho việc ra đời của một Đảng Cộng sản. Qua hai cuộc họp trù bị (tháng 1/1929 và cuối tháng 4/1929) đến Đại hội lần thứ nhất của Hội Thanh niên họp ở Hông Kông từ ngày 1 đến ngày 9/5/1929, việc thành lập Đảng Cộng sản đã không đạt được sự thống nhất ý kiến của các đoàn đại biểu Bắc, Trung và Nam Kỳ. Do vậy, đoàn đại biểu ở các kỳ đã có sự vận động, đấu tranh trong nội bộ và thành lập các tổ chức cộng sản Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đồng thời với quá trình thành lập, các tổ chức đảng đã chú trọng công tác phát triển đảng viên, mở rộng sự ảnh hưởng của tổ chức mình ở các xứ, đặc biệt ở Sài Gòn, Gia Định- một trung tâm kinh tế, chính trị- trung tâm sôi động các phong trào yêu nước- một đầu mối tác động, tiếp nhận, giao thoa các luồng tư tưởng mới vào Việt Nam.
Đông Dương Cộng sản Đảng
Ngày 1/6/1929, Đoàn Đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ ra tuyên ngôn ly khai tổ chức Thanh niên và sau đó lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hà Nội vào ngày 17/6/1929.[1] Hội nghị thành lập Đảng đã đề ra điều lệ, cương lĩnh, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời và hoạch định kế hoạch phát triển Đảng ra cả nước.
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, cuối tháng 7/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng rút ngay Bàng Thống[2], cử đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác như Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt); Lê Văn Lương; Nguyễn Trọng Nhã; Võ Phong… vô Sài Gòn hoạt động.
Đông Dương Cộng sản Đảng đi ngay vào những nơi có công nhân như bến cảng, Hãng dầu Nhà Bè, FACI, Nhà Đèn Chợ Quán, Đêpô xe lửa Sài Gòn, Đêpô xe lửa Dĩ An, Đêpô xe điện; rồi giới bồi bếp, giới thợ may… Đồng chí Ngô Gia Tự cũng quan tâm đến công nhân các đồn điền cao su xung quanh Sài Gòn và mấy tỉnh miền Đông, bước đầu xây dựng ngay được một chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Đồn điền Phú Riềng do đồng chí Trần Tử Bình làm Bí thư Chi bộ; đồng thời lợi dụng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho để đi phát triển cơ sở Đảng ở một số nơi thuộc tỉnh Mỹ Tho.
An Nam Cộng sản Đảng
Đoàn Đại biểu Thanh niên Nam Kỳ về Sài Gòn - hầu hết đều ở trong Tổng bộ mới như Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, đồng thời cũng ở trong Hội trù bị thành lập Đảng - đã bắt tay ngay vào việc phổ biến Nghị quyết Đại hội, tiến hành cải tổ tổ chức Thanh niên. Xu hướng chung của hội viên tổ chức Thanh niên, kể cả Tân Việt, lúc này rất mong muốn được chuyển thành đảng viên cộng sản.
Đầu tháng 7/1929, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm và một số hội viên đã bí mật họp tại đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm - quận 1) để thông báo chủ trương cải tổ Thanh niên và lựa chọn những người ưu tú trong số hội viên Thanh niên để chuyển thành đảng viên cộng sản. Đúng lúc này, Pháp mở rộng việc truy lùng bắt những người cách mạng khiến cho hầu hết những thành viên trong Kỳ bộ mới của Thanh niên Nam Kỳ đều bị bắt, trong đó có cả Phạm Văn Đồng; riêng Châu Văn Liêm thoát được.
Cuối tháng 9 đầu tháng 10/1929, các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liêm cùng một số đang ở Trung Quốc và trong nước chạy ra, tất cả khoảng 20 người, cùng nhau họp bàn thành lập chi bộ đầu tiên của An Nam Cộng sản Đảng, ra Thông cáo giải thích rằng Hội trù bị thành lập Đảng Cộng sản không còn mấy người, nên nghị quyết thủ tiêu Hội trù bị đi mà tổ chức ra một chi bộ ở Trung Quốc lấy tên là Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng.
Trở về Sài Gòn, vào khoảng tháng 11/1929, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập một hội nghị tại “Phong cảnh Khách lầu” ở góc đường Bonard Filippini (nay là góc đường Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, quận 1) gồm các đại biểu đã được chọn ở các tỉnh để tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Các đại biểu dự hội nghị trở thành đảng viên, được giao nhiệm vụ chọn người phát triển Đảng và thành lập các chi bộ theo hệ thống An Nam Cộng sản Đảng.
Cũng trong tháng 11/1929, Lâm thời Chấp uỷ (Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời) của An Nam Cộng sản Đảng được cử ra do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư.
Ở Sài Gòn, An Nam Cộng sản Đảng tích cực hoạt động, xuất bản tạp chí Bônsêvich; tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin trong công nhân, nông dân; đã xây dựng được chi bộ hoặc phát triển được đảng viên ở Xưởng Ba Son, Hãng FACI, Đêpô xe lửa Dĩ An, Hãng Charner, Nhà đèn Chợ Rẫy; Hãng xây cất Brossard - Mopin, trong thợ thủ công, cắt tóc, kéo xe…
Đặc biệt tại Sài Gòn, An Nam Cộng sản Đảng đã lập được Tổng Công hội Nam Kỳ bao gồm nhiều công hội xí nghiệp, công hội thợ thủ công.
Đông Dương Cộng sản Liên đoàn
Đảng Tân Việt được thành lập ở ngoài Bắc, trụ sở cơ quan lãnh đạo ở miền Trung, hoạt động chủ yếu ở Trung Kỳ và đã mở rộng hoạt động vào Sài Gòn và một số tỉnh ở Nam Kỳ.
Năm 1928, Kỳ bộ Tân Việt đóng tại Sài Gòn gồm Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Trần Phạm Hổ, do Nguyễn Đình Kiên làm Bí thư; Đào Xuân Mai làm Bí thư mật (dự bị Bí thư).[3]
Năm 1929, xu hướng cộng sản nổi lên tác động mạnh đến một số cốt cán của Tân Việt ở Nam Kỳ, nhưng nội bộ Trung ương của Tân Việt lại không thống nhất. Những người lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt phản đối việc lập Đảng Cộng sản. Số cốt cán của Tân Việt ở Nam Kỳ đã họp bàn bầu ra một Ban Chấp ủy mới gồm Trần Hữu Chương; Lê Trọng Mân; Nguyễn Hoàng; Nguyễn Khoa Văn; Trần Hữu Duyệt, và đòi lập Đảng Cộng sản, nếu không được sẽ ly khai Tổng bộ.[4]
Lúc bấy giờ Đông Dương Cộng sản Đảng đã phát triển ở cả ba kỳ, số người tích cực trong Tân Việt muốn gia nhập, nhưng trở ngại là Đông Dương Cộng sản Đảng chủ trương chỉ kết nạp từng cá nhân chứ không thâu nhận cả tổ chức.
Tháng 8 và tháng 9/1929, số người tiên tiến trong Tân Việt họp bàn việc lập Đảng Cộng sản và phát đi một “Tuyên đạt” kêu gọi các đảng viên giác ngộ cộng sản trong Đảng Tân Việt lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn,[5] nhưng chưa có tổ chức, chưa có cương lĩnh, chưa có Ban Lãnh đạo.
Đến cuối tháng 12/1929 và ngày 1/1/1930, 8 đại biểu của Đảng bộ ba Kỳ cùng họp bàn nhất trí thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn[6] và cũng đúng vào ngày 1/1/1930 tất cả 8 người nói trên đều bị mật thám Pháp bắt tại Bến đò Trai (Hà Tĩnh).
Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi chính là hậu phương, là căn cứ của Xứ ủy Nam kỳ
Như vậy, cuối năm 1929, tại Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, đã có 3 tổ chức cộng sản, cùng chung mục đích lý tưởng, nhưng trong công tác tổ chức, trong chủ trương, chính sách cụ thể còn những điểm khác nhau, cộng thêm ý kiến cá nhân xen vào làm cho quan hệ giữa các tổ chức cộng sản này thêm phức tạp. Sự tồn tại biệt lập cùng một lúc ba tổ chức cộng sản và có những hoạt động công kích lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng, tranh giành quần chúng, dẫn đến một sự chia rẽ lớn rất bất lợi cho công cuộc vận động cách mạng đang đòi hỏi phải có một Đảng Cộng sản thống nhất. Hội nghị hợp nhất đã họp vào đầu năm 1930 vào dịp Tết Canh Ngọ tại một địa điểm trong xóm thợ trên bán đảo Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu (tức Chi), Nguyễn Đức Cảnh (tức Trọng) đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm (tức Việt), Nguyễn Thiệu (tức Nghĩa) đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng; Hồ Tùng Mậu đại biểu ngoài nước. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không có đại biểu vì đã bị bắt hết tại Bến đò Trai (ở Hà Tĩnh) như đã nói ở trên.
Hội nghị hợp nhất Đảng đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời. Hội nghị có đề cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc giữ cương vị Tổng Thư ký (Tổng Bí thư), nhưng do đồng chí bận nhiều nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản giao phó nên Hội nghị đã cử đồng chí Trịnh Đình Cửu. Hội nghị cũng đã quy định kế hoạch về nước làm việc của các đại biểu dự Hội nghị như sau: Đại biểu ở đâu thì trở về nơi ấy hoạt động, cụ thể là có trách nhiệm tổ chức hợp nhất các Đảng bộ bên dưới từ cấp Kỳ xuống cấp Tỉnh cho đến các chi bộ cơ sở ở các xí nghiệp; các hội quần chúng cũng tổ chức thống nhất theo điều lệ mới; đồng thời có kết nạp thêm những nhóm chưa từng ở trong An Nam Cộng sản Đảng hay Đông Dương Cộng sản Đảng và đều thống nhất mang danh nghĩa thay mặt cho đại biểu quốc tế (đồng chí Nguyễn Ái Quốc) có toàn quyền hành động để hợp nhất các cấp bộ Đảng, chỉ định người thành lập các Ban Lâm thời Chấp ủy của các cấp bộ Đảng và chọn người để giới thiệu thêm vào Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đủ số lượng 7 người.[7]
Hội nghị cũng có chỉ định một số đồng chí chịu trách nhiệm tổ chức họp đại biểu tất cả các Đảng phái như Tân Việt, Thanh niên, Quốc dân Đảng, Đảng Nguyễn An Ninh để thành lập mặt trận phản đế.[8]
Tại Nam Kỳ, hai đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu sau khi về tới Sài Gòn vào cuối trung tuần tháng 2/1930 đã bắt liên lạc ngay với các đồng chí trong Ban Lâm thời Chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng và cùng với đồng chí Ngô Gia Tự (tức Bách) - đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tại Nam Kỳ - bí mật nhóm họp tại một căn nhà cơ sở trong xóm lao động Khánh Hội (trên địa bàn quận 4 ngày nay) để thành lập Ban Lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Trụ sở của Ban Lâm thời Chấp ủy đặt tại đường Kitchener (góc Kitchener và Grimau - nay là đường Nguyễn Thái Học và đường Phạm Ngũ Lão, quận 1).
Theo yêu cầu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, ngày 24/2/1930, hai đồng chí Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu thay mặt đồng chí Nguyễn Ái Quốc - người đại diện Quốc tế Cộng sản - với hai đồng chí Ủy viên Trung ương Lâm thời là Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) và Phạm Hữu Lầu cùng đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư Lâm thời Chấp ủy Nam Kỳ mở Hội nghị và ra Nghị quyết rằng: Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cử một người tham gia Lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Nghị quyết này do đồng chí Ngô Gia Tự nhân danh Bí thư Lâm thời Chấp ủy Nam Kỳ thay mặt cho Đảng Cộng sản Việt Nam ký.
Tiếp sau đó, Ban Lâm thời Chấp ủy tiến hành việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Sài Gòn và các tỉnh cho đến tận các chi bộ cơ sở và các hội quần chúng theo cách các nhóm cộng sản giới thiệu đảng viên và tổ chức của mình cho Ban Lâm thời Chấp ủy và chịu sự lãnh đạo của Ban Lâm thời Chấp ủy, nếu cơ sở nào có nhiều chi bộ hoặc nhóm cộng sản thì thống nhất thành một chi bộ.
Việc hợp nhất các tổ chức cộng sản[9] và thành lập các chi bộ mới của Đảng bộ tại Sài Gòn đã được thực hiện trong vòng tháng 3 năm 1930. Một Ban Lâm thời Chấp ủy của Đảng bộ Thành phố Sài Gòn cũng được chỉ định gồm 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Lợi (Hữu Dũng) làm Bí thư.
Sau khi thống nhất, Đảng bộ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn có các chi bộ ở Xưởng Ba Son, Hãng FACI, Đêpô xe lửa Dĩ An, Đêpô xe lửa Sài Gòn, Nhà đèn Chợ Quán, Nhà đèn Chợ Rẫy, Hãng rượu Bình Tây, Hãng dầu Nhà Bè, Hãng xây cất Brossard Mopin, Hãng buôn Charner, Hãng xe điện và ô tô buýt, Bến cảng, có cơ sở Đảng trong các giới thủy thủ, thợ máy, bồi bếp, xe kéo, cắt tóc, học sinh, dân phố v.v… Tổng cộng khoảng 20 chi bộ với tổng số đảng viên chừng 130 người (trong tổng số 310 đảng viên đầu tiên của cả nước).
Đảng bộ được thành lập trên nền tảng là địa bàn có nhiều tổ chức đảng hoạt động, số lượng đảng viên lớn, và còn cự ly trong quan điểm tiếp nhận, hợp nhất các tổ chức đảng trên địa bàn; do vậy, sự ra đời trong tháng 3 năm 1930, chỉ sau thời điểm thành lập của Đảng chỉ chưa đầy một tháng, là kết quả của quá trình nỗ lực vì sự nghiệp cách mạng của các bậc tiền bối, trách nhiệm cao với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giai cấp.
Kể từ năm 1930, Đảng bộ Thành phố thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương 20 năm (1930 - 1950); thuộc Đảng Lao động Việt Nam 10 năm (1951 - 1961). Từ lúc Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Đảng bộ Miền Nam được quyết định mang tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam, một tổ chức thành viên của Mặt trận. Công tác tổ chức của Đảng bộ Thành phố từ năm 1962 đến tháng 4 năm 1975 là theo Điều lệ của Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam. Tuy có quá trình diễn biến như vậy, nhưng về thực chất thì Đảng bộ Thành phố lúc nào cũng chỉ là một bộ phận của Đảng Cộng sản ở Việt Nam do Bác Hồ sáng lập.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Bộ Chính trị chụp ảnh chung với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh - một Đảng bộ dạn dày, kiên trung; 90 năm hoạt động, chiến đấu, trưởng thành dưới lá cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Thành phố luôn vững bước trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã chọn. Trong chặng đường 90 năm, Đảng bộ Thành phố đã trãi qua 45 năm kiên cường đấu tranh, góp phần xứng đáng vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ngay trong sào huyệt, hang ổ của kẻ thù; dẫu gặp nhiều gian nan, thử thách nhưng quyết không lùi bước, kiên định mục tiêu, lý tưởng cộng sản; 45 năm năng động, sáng tạo, đạt được những thành tựu to lớn, cơ bản và toàn diện trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố.
Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng là Thành phố được vinh dự mang tên của Bác Hồ kính yêu - Thành phố Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ Nguyễn Võ Cường
(Trưởng phòng LLCT- Lịch sử Đảng)
[1] Theo một số tư liệu thành văn khác, Đảng Cộng sản được thành lập ngày 17/6/1929 được gọi ngay là Đảng Cộng sản Đông Dương (xem bài của tác giả Trần Giang trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 3/1994, tr.42).
[2] Bàng Thống bất mãn thoái hoá, về Cà Mau, tiếp tục công kích An Nam Cộng sản Đảng. sau này Bàng Thống trở lại Sài Gòn và sống suốt thời kỳ Pháp tái chiếm và thời kỳ Mỹ cai trị miền Nam.
[3] Đào Xuân Mai có ở tù Côn Đảo; sau ngày 9/3/1945 ở Vinh đã tổ chức nhóm thân Nhật lấy tên là Ủng hộ Việt Nam độc lập Đoàn.
[4] Vì số cũ như Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai, Nguyễn Khoa Hiền, Nguyễn Duy Trinh…thì bị bắt; Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh; Trần Phạm Hổ… qua Trung Quốc rồi đi Liên Xô học.
[5] Xem “ Các tổ chức tiền thân của Đảng” do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản năm 1977, tr. 289.
[6] 8 người dự họp gồm có Trần Hữu Chương, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) đại biểu cho Nam Kỳ; Ngô Đức Đệ đại biểu cho Tứ Định; Lê Tiềm, Nguyễn Xuân Thanh (Chắt Bảy), Nguyễn Tốn, Trần Đại Quả đại biểu cho Lục Hoan (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và 3 tỉnh Lào); Ngô Đình Mẫn đại biểu Bắc Kỳ.
[7] BCHTW Lâm thời gồm 7 ủy viên: Trịnh Đình Cửu – Tổng Thư ký Lâm thời của BCHTW Lâm thời; Trần Văn Lan; Nguyễn Văn Hới; Nguyễn Phong Sắc; Hoàng Quốc Việt; Phạm Hữu Lầu; Lưu Lập Đạo.
[8] Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 2, tr. 13.
[9] Thời điểm thành lập Đảng, tại Sài Gòn có ít nhất là 3 tổ chức, nhóm cộng sản.