flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Quan điểm của đồng chí Hà Huy Tập về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân

Ngày đăng: 25-04-2021 Lượt xem: 1388

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, trở thành Tổng Bí thư trẻ nhất của Đảng ở tuổi 30. Trong 16 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã phải đối mặt với 6 án tù dưới sự tra tấn hết sức tàn bạo của địch và hy sinh khi còn quá trẻ.

Trước khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng (1936), được tôi luyện qua các phong trào yêu nước, đồng chí Hà Huy Tập về cơ bản đã nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, biết cách thâm nhập vào thực tiễn, vận dụng lý luận đã học để xem xét phong trào cách mạng tại Việt Nam. Dưới góc độ về mối quan hệ giữa Đảng và dân, đồng chí Hà Huy Tập đã có những bài báo, bài viết và những hành động thể hiện sự kiên quyết trong việc đề cao nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

Năm 1936, sau khi về nước, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã có những đóng góp rất lớn trên mặt trận lý luận, báo chí với luận điểm“Không có quần chúng thì không có cách mạng”[1]. Đồng chí cho rằng, sẽ không thể lật đổ bọn tư sản áp bức nếu không có sự ủng hộ của quần chúng, hoặc có sự ủng hộ nhưng chỉ dừng lại ở một bộ phận thiểu số.

Trong điều kiện như vậy, đội tiền phong vô sản (với vai trò tổ chức cách mạng xã hội chủ nghĩa) cần phải tăng cường công tác cổ động chính trị, nhân lên nhiều lần hình thức đấu tranh yêu sách và tăng nhịp độ tổ chức quần chúng, giải phóng họ khỏi những tổ chức của các Đảng khác, lôi kéo họ về phía mình, lôi kéo họ khỏi những ảnh hưởng tư tưởng tiểu tư sản và tư sản.“Chúng ta sẽ là một nhúm bọn quan liêu tức thời, nếu chúng ta muốn đẩy người khác ra làm cách mạng xã hội chủ nghĩa khi ngay chúng ta cũng chưa có đủ phương tiện thực tiễn và trực tiếp để làm cuộc cách mạng ấy”[2], đồng chí khẳng định.

Với đồng chí Hà Huy Tập, “Đảng là người chỉ đạo về đường lối”,“Đảng không có quyền và không nên đem mệnh lệnh áp đặt cho các hội quần chúng mà gián tiếp chỉ đạo thông qua đảng đoàn và các tổ chức quần chúng để giải thích và thuyết phục quần chúng theo đường lối của Đảng”; “Phải nêu cao sáng kiến của quần chúng”, biết tiếp thu và vận động quần chúng nhân dân phát huy tinh thần  quật cường, quật khởi trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc...

Sự ủng hộ của quần chúng chỉ có được khi Đảng tổ chức thành công những phong trào yêu sách, trong đấu tranh chống phản động thuộc địa, giành những quyền tự do, dân chủ và dần dần cải thiện từng phần đời sống của quần chúng nhân dân. Phải có những hành động kiên trì và có phương pháp này thì quần chúng nhân dân mới tin tưởng và đứng về phía Đảng, phía cách mạng, và khi được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân thì mới mong thoát khỏi chế độ tư bản bằng con đường cách mạng.

Đồng chí nhiều lần khẳng định “Không được cô lập giai cấp vô sản”, ông cho rằng không nên chỉ đặt Đảng ta vào phong trào công nhân mà quên đi nhiệm vụ giáo tục, tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân khác, quên bặt đi nhiệm vụ giải phóng dân tộc bởi những người Bônsêvích giành được chính quyền là nhờ họ biết tổ chức nông dân và các tầng lớp trung gian khác.

Trên thực tế, giai đoạn đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư (1936-1938), phong trào cách mạng tại Việt Nam đã có những bước tiến mới, với nhiều phương pháp đấu tranh phù hợp hơn trước, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta trong công tác vận động, lôi kéo, giác ngộ và thu hút và tổ chức lực lượng của các tầng lớp nhân dân đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều này chứng minh rằng ông đã đề chú trọng xây dựng và bồi đắp mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, mối quan hệ máu thịt, gắn kết.

Quan điểm của đồng chí Hà Huy Tập về mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân là một trong những điểm tương đồng và là sự gặp gỡ đối với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Họ là những người lãnh đạo, những người cộng sản có tầm nhìn, có sự tìm hiểu kĩ càng và nắm rõ đặc điểm, tính chất của dân tộc mình, thế cho nên mới có sự tương đồng trong suy nghĩ ấy. Ca ngợi công lao của Hà Huy Tập và các chiến sĩ cách mạng tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải nói theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

Ngày 1/5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, Ngày 28/8/1941, đồng chí bị địch xử bắn tại Ngã tư Giếng Nước ở Hóc Môn, Gia Định. Trước họng súng của kẻ thù, đồng chí vẫn bình thản hô vang: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động!”. Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã đi vào cõi vĩnh hằng, song niềm tin và khát vọng mãnh liệt của đồng chí vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng đã được các thế hệ tiếp theo biến thành hiện thực trên đất nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã hoàn thành xuất sắc trọng trách Đảng và nhân dân giao phó trong giai đoạn cách mạng đầy thử thách và nhiều biến động phức tạp, đặc biệt, ông đã có những cống hiến to lớn trong việc xây dựng nền tảng tư tưởng lý luận cho một Đảng cách mạng ở những buổi đầu thành lập, những ngày Đảng ta còn non trẻ. Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của đồng chí Hà Huy Tập, cùng nhìn lại cuộc đời hoạt động của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, một nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo tài năng.

Ngọc Huyền

 

[1] Báo La Lutte, số 148, ra ngày 13-5-1937, tài liệu lưu trữ tại thư viện Quốc gia.

[2] Báo La Lutte, số 148, ra ngày 13-5-1937, tài liệu lưu trữ tại thư viện Quốc gia.