Ngày đăng: 04-10-2021 Lượt xem: 1002
Những ngày qua chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn người dân miền Tây, từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai ào ạt đổ về quê hương khi giãn cách ở các tỉnh này được nới lỏng sau ngày 30/9.
“Em chờ 4 tháng rồi”, “hết trụ nổi rồi”, ”về quê thôi, có gì cha mẹ gần bên”, hay thậm chí “có chết cũng được chôn ở miếng đất sau nhà”… Những lời bộc bạch ấy cũng là cái tình, cái nghĩa của người miền Tây đối với quê hương bản quán đã sâu vào tâm khảm. Hình ảnh hàng đoàn xe về quê không khác mấy với cảnh đoàn xe về quê khi Tết đến, Xuân về. Nhưng lần này, những vòng quay bánh xe không còn có thể chở những niềm vui.
Quê hương ai cũng muốn về, 4 tháng trời khổ cực, dịch bệnh tại xứ người lại càng muốn về hơn.
Nhưng yêu quê hương, nhớ quê hương thì cũng xin nghĩ cho quê hương. Việc về ồ ạt, trốn tránh cách ly, không khai báo vì “nghèo”, “sợ tốn tiền” sẽ thành ra hại quê hương! Các tỉnh miền Tây, mà đa số đều là tỉnh nghèo, đa số phải nhờ ngân sách Trung ương, sẽ không đủ sức, đủ chỗ để đón, để cách ly miễn phí hàng chục ngàn người về quê như vậy.
Chúng ta hãy nhìn tỉ lệ tiêm vắc xin của 12 tỉnh miền Tây mà sợ, mà lo. Ngay cả bây giờ, nếu tiêm đủ liều ngay lập tức cho 90% dân số, thì phải 14 ngày sau, vắc xin mới có hiệu lực bảo vệ. Con SARS-CoV-2 thì không đợi đến 14 ngày, có thể nó đã theo chân đoàn người về đến quê rồi!
Hàng chục ngàn người về quê, chỉ cần 1 người trốn cách ly, 1 người mang virus thôi là không thể tưởng tượng nổi viễn cảnh ấy sẽ như thế nào. Nếu dịch bệnh bùng phát, các tỉnh sẽ không thể đủ tiền để chạy chữa, cấp gói an sinh cho dân như TPHCM đã làm thời gian qua.
“Quê hương nếu ai không nhớ…”. Nhưng nhớ quê, thương quê, thì hãy nghĩ cho quê hương mình.
Tháp Mười.