flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Quyết liệt phòng và chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Ngày đăng: 03-10-2022 Lượt xem: 805

TS. Văn Thị Thanh Mai

Xây dựng và chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong là một nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng thực hiện hơn 92 năm qua, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, thì “công tác xây dựng Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân”[1]. Trong khi đó, các thế lực thù địch đã, đang và vẫn tiếp tục tìm mọi cách, tăng cường phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhất là đánh thẳng vào hệ tư tưởng (chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; kích động, chia rẽ nội bộ Đảng và chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước và khoét sâu vào những hạn chế cần phải khắc phục, hòng làm tan rã Đảng và chế độ từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm

Vì thế, tại Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”[2]. Trong đó, một trong những vấn đề mà Tổng Bí thư yêu cầu chính là phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện gắn liền với việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ, với quyết liệt và kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm “trên trước, dưới sau', “trong trước ngoài sau”, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu để ngăn ngừa, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ sớm, từ xa...

1. "Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ

Hiểu một cách ngắn gọn nhất thì “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ chính là sự suy thoái từ bên trong. Đó chính là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, dẫn đến làm mất dần/thui chột dần các chuẩn mực của người đảng viên cộng sản, dẫn đến ngày càng xa rời những nguyên tắc, quan điểm, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; dẫn đến nhìn hiện thực không khách quan, gieo rắc hoài nghi và quy kết những hạn chế, bất cập… là do đường lối sai, sự lãnh đạo, quản lý yếu kém của Đảng và Nhà nước. Từ đó, đòi đa nguyên, đa đảng, thực hiện xã hội dân sự; thậm chí là tung tin và tin rằng trong Đảng có phe phái, tranh đấu quyền lực… để chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Quá trình “tự diễn biến” đó diễn ra khi âm thầm, lặng lẽ, khi “bùng lên” bên trong mỗi cá nhân, tổ chức, tùy thuộc vào sự “miễn dịch” của mỗi người và mỗi tổ chức. Song có một điều phải khẳng định chắc chắn là, khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, thậm chí bị tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa thắng thế, thì khi ấy, sự "tự diễn biến" đó sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hoá”. Và như vậy, sẽ không còn người cán bộ, đảng viên toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc và nhân dân, kiên định con đường đã chọn, mà thay vào đó là những người có suy nghĩ, hành động tuyên truyền, chống đối/chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của mỗi cán bộ, đảng viên đều liên quan chặt chẽ đến mỗi tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị (gọi chung là tổ chức). Cho nên, nếu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" không được ngăn ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa và triệt để thì tất yếu sẽ dẫn đến tổ chức bị mất đoàn kết, suy thoái và tự tan rã. Ở tầm vĩ mô, thì quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chính là nguy cơ chuyển hoá, chệch hướng từ “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” sẽ chuyển thành “con đường tư bản chủ nghĩa”. Thực tế, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ở Việt Nam nói chung, trong nội bộ Đảng nói riêng đang diễn biến vừa phức tạp vừa căng thẳng, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều mức độ khác nhau, song nguy cơ trước hết, cận kề của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và sự nguy hiểm của nó thật khôn lường.

Vì sự phức tạp và nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi con người, mỗi tổ chức liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, cho nên mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức, nhất là người đứng đầu mỗi tổ chức không thể thụ động cũng như xem nhẹ, e ngại hay thiếu khách quan khi nhìn nhận, đánh giá về sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của mỗi cán bộ, đảng viên và của tổ chức mình. Càng ở vào những thời khắc khó khăn (đối phó với đại dịch Covid-19; thực hiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sau khi đại dịch Covid-19 đã qua đỉnh; đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị…) càng phải đặc biệt chú trọng phòng và chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

2. Phòng và chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục, lâu dài

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, Đảng cũng là tổ chức của những con người cụ thể, dù cán bộ, đảng viên là những người tiền phong của giai cấp và dân tộc. Chừng nào mà mỗi cán bộ, đảng viên còn kiên định lập trường tư tưởng chính trị, giữ vững bản lĩnh trước mọi cám dỗ, còn thấm nhuần và luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì chừng đó trong mỗi người còn có sự miễn dịch, sức đề kháng trước sự “tấn công êm dịu” của vật chất đời thường, của sự đam mê quyền lực và lợi dụng, lạm dụng, tận dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân và nhóm lợi ích. Còn ngược lại, thì "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" sẽ đến rất gần.

Đất nước đang vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những bước đi đầy thách thức nhưng cũng “đầy cám dỗ vật chất” trên một hành trình phức tạp, mâu thuẫn quyết liệt rất dễ làm cho tính thực dụng, vụ lợi, hám danh, cá nhân chủ nghĩa trỗi dậy, thắng thế khiến người cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng sa vào đam mê quyền lực, háo danh, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, bè phái, mưu lợi ích nhóm; dẫn đến làm mất đoàn kết trong nội bộ và ngày càng quan liêu, xa dân, xa hoa, hưởng lạc, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống này nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi thì việc dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường. Mặc dù, những năm qua, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét, nhưng theo Tổng Bí thư thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, khi trong xã hội vẫn còn những yếu tố tiêu cực, sai lầm tác động vào tâm tư, tình cảm của mỗi con người; khi dân chủ tư sản vẫn luôn là “bẫy đường phèn”, là “mật ngọt quyến rũ”; khi các thế lực thù địch không ngừng sử dụng chiêu trò, thủ đoạn, thậm chí là tiền tài, vật chất để “dụ” những người nhẹ dạ cả tin, “dụ” những kẻ suy thoái, biến chất… thì nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ càng cận kề.

Vì thế, việc chủ động nắm bắt và làm công tác tư tưởng từ sớm, từ xa để sớm nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những bức xúc trái chiều trong mỗi cá nhân, mỗi tổ chức; để kịp thời giải quyết được từ gốc những vấn đề thuộc về tư tưởng của cán bộ, đảng viên trước sự tác động của bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước, ngăn chặn sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là hết sức quan trọng. Vì thế, để kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, thì  yêu cầu đặt ra đối với Đảng cầm quyền và mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên là:

Thứ nhất, quán triệt yêu cầu phòng và chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là yêu cầu vừa quan trọng, cấp bách vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài. Trong đó, thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương…

 Thứ hai, không ngừng, thường xuyên, liên tục rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, để phòng và chống sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…; để không chỉ nhận diện đúng và kiên định, chủ động đấu tranh, phản bác những thông tin trái chiều, những luận điệu xuyên tạc, bẻ cong sự thật, khoét sâu vào những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, mà còn đồng thời bảo vệ được tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Thứ ba, thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, sinh hoạt Đảng và kỷ luật phát ngôn của Đảng gắn liền với các nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát để không chỉ phòng, chống kẻ địch “nội xâm” mà còn ngăn chặn kẻ địch từ bên ngoài - chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch tác động vào. Cùng với đó, một vấn đề có tính nguyên tắc, không thể xao nhãng chính là phải nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, để vừa phòng vừa tránh được sự độc đoán, chuyên quyền, “cậy quyền, cậy thế” cũng như sự ỷ lại, thậm chí đổ lỗi cho tập thể khi có khuyết điểm, sai lầm.

Thứ tư, kiên quyết phòng, đấu tranh chống, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tinh thần tự soi, tự sửa để mỗi cán bộ, đảng viên đều là những người thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”[3] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn; để mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng đều đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; để sự thống nhất về tư tưởng và hành động của mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên đều hướng về cơ sở, về nhân dân, vì nhân dân phụng sự với tinh thần liêm, chính! 

 

[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.210

[2]Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.47-48

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.50