flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Sai về nhận thức từ một câu hát

Ngày đăng: 01-07-2022 Lượt xem: 14971

Một ca sĩ từ nước ngoài về khi biểu diễn tại thành phố Đà Lạt đã hát một bài không có trong danh mục được cấp phép biểu diễn tại sự kiện này. Các cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý tổ chức và cá nhân có liên quan. Nhân việc này, nhiều người đã tranh luận về lý do vì sao khi hát ca khúc đó lại phát sinh sự cố như vậy. Từ đó, nhiều người bày tỏ ý kiến về nội dung bài hát, trong đó có người thể hiện sự lệch lạc về nhận thức khi đánh giá một vấn đề lịch sử thông qua một câu hát.

Ca sĩ Khánh Ly trình bày bài Gia tài của mẹ, một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép phổ biến

Trước hết, việc biểu diễn ca khúc không có trong danh mục được cấp phép là không đúng quy định của pháp luật về vấn đề này. Theo điểm a) khoản 2 Điều 11 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi “tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận” sẽ bị “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng”. Như vậy, việc ca sĩ trình bày ca khúc không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận là có dấu hiệu vi phạm, có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nêu về “Điều kiện tổ chức biểu diễn nghệ thuật”: “Có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục gồm: “Văn bản đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật” và “Kịch bản, danh mục tác phẩm gắn với tác giả, người chịu trách nhiệm chính về nội dung chương trình…”.

Khoản 1, Điều 13, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nội dung: “có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục gồm: “Văn bản đề nghị tổ chức cuộc thi, liên hoan” và “Đề án tổ chức cuộc thi, liên hoan”.

Với 2 căn cứ trên đây theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP thì việc biểu diễn ca khúc không có trong “văn bản chấp thuận” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hình thức xử phạt bổ sung với hành vi vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuận, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có thể là “Đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 6 tháng đến 18 tháng đối với người biểu diễn có hành vi vi phạm” và “Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm”.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn trong vụ việc này là ca khúc Gia tài của mẹ (do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965). Được xem là một ca khúc phản chiến, nội dung bài hát thể hiện tinh thần phản đối chiến tranh và khao khát hòa bình. Dù vậy, bài hát có một số câu chưa thực sự phù hợp về quan điểm, nhận thức và cả thái độ, tình cảm, không chỉ trong bối cảnh hiện nay mà còn ở thời điểm mới ra đời. Chẳng hạn các câu: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”; “Gia tài của mẹ, một rừng xương khô/ Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ; “Gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan”; “Gia tài của mẹ, nhà cháy từng ngàn”; “Gia tài của mẹ, một bọn lai căng/ Gia tài của mẹ, một lũ bội tình”…

Theo tác giả, sau nhiều năm chiến tranh, “gia tài của mẹ” đầy tang thương, mất mát, khổ đau với những tổn thất nặng nề, đầy hệ lụy… Điều đó không sai nhưng có lẽ không đầy đủ, nếu đặt vào bối cảnh khi đất nước hết chiến tranh, bên cạnh những hậu quả nặng nề thì niềm vui, sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước cũng thể hiện rõ. Dĩ nhiên, đòi hỏi điều đó ở hoàn cảnh xã hội năm 1965 thì có lẽ có phần khắt khe, nhưng cũng chính vì cái nhìn có phần hạn chế tính phát triển đã làm ca khúc mang đầy đau thương và dường như không thấy có “ngày mai”!

Điều đó có thể xuất phát từ nhận thức về cuộc chiến từ năm 1945 đến năm 1965 của tác giả hoàn toàn sai lầm, lệch lạc. Quãng thời gian 20 năm này được tác giả “gói gọn” trong cụm từ “nội chiến từng ngày” kỳ thực đây là cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân ta. Ở cuộc chiến đầu, từ năm 1945 đến 1954, nhân dân ta đã anh dũng chống thực dân Pháp ngay sau khi giành được độc lập.

Trong cuộc chiến đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phải chiến đấu với cả một số người Việt Nam lầm đường lạc lối, làm tay sai của giặc Pháp, gắn bó với các chính quyền thân Pháp. Ngày đó, bên cạnh các “Việt gian” rắp tâm bán nước, các “lính khố đỏ” (lực lượng vũ trang của chính quyền Pháp ở Đông Dương dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp), “lính khố xanh” (các đơn vị quân đội bản xứ do người Pháp tổ chức thành lập nhằm phụ trợ cho quân chính quy Pháp trong việc đánh dẹp, bảo vệ an ninh thời Pháp thuộc) có thể là người Việt bị cưỡng ép đi lính, nhằm phục vụ âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp. Việc tổ chức, sử dụng, lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng người Việt đều do Pháp thực hiện và phục vụ âm mưu của họ nên dù thế nào thì cũng hoàn toàn không có cái gọi là “nội chiến”.

Ở cuộc chiến tiếp theo, từ năm 1954 đến 1965, và kéo dài đến năm 1975, dù về hình thức có khác chút ít nhưng bản chất thì không thay đổi. Chính quyền miền Nam do Mỹ dựng lên và nuôi sống bằng viện trợ kinh tế, quân sự, kỹ thuật… nên xét cho cùng đó là chính quyền tay sai (bắt đầu từ chế độ Ngô Đình Diệm cho đến các chế độ sau này), có mối quan hệ chặt chẽ với đế quốc Mỹ. Khi người Mỹ không hài lòng ai đó thì họ tìm cách lật đổ hoặc “bán đứng” (điều mà sau này người đứng đầu chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã “than thở”!).

Do đó, cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta được bắt đầu bằng các cuộc chiến chống lại các “hình nhân” do Mỹ dựng lên. Sau đó, Mỹ thấy các “hình nhân” đó không đủ sức đương đầu nên trực tiếp đưa quân đội vào (ồ ạt từ năm 1965) và rồi cũng nhận lấy thất bại thảm hại. Mãi đến đầu năm 1973, Mỹ muối mặt cuốn cờ và để mặc “đồng minh” của mình “chịu trận” nhưng vẫn tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự. Rồi điều gì đến cũng phải đến, tháng 4-1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, điều đó cũng có nghĩa cả mô hình, công sức, ý tưởng, âm mưu… của người Mỹ đều sụp đổ theo. Và vì vậy, về hình thức, những năm tháng cuối cuộc chiến quân và dân ta đã chiến đấu với một chính quyền của người Việt nhưng không vì thế mà cho rằng đang có nội chiến, bởi chính quyền đó thực chất là sản phẩm còn sót lại, là tàn dư của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Nhận thức về nội chiến ở Việt Nam dù từ năm 1945 đến 1975 hay từ bất giai đoạn nào trong khoảng thời gian này đều không phù hợp với thực tế lịch sử, không phù hợp với niềm tin của tuyệt đại đa số người dân, và vì thế cũng không thể phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Không ai có thể nhân danh nghệ thuật hay bất cứ khía cạnh nào khác để “khẳng định lại” điều đó. Có chăng, chính là những người bị hổng kiến thức, mơ hồ về chính trị hoặc những kẻ “lật sử”!

NGŨ YÊN