Ngày đăng: 22-04-2021 Lượt xem: 1162
1. Cử tri và trách nhiệm công dân
Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận qua tất cả các bản Hiến pháp của nước ta. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã qui định cụ thể các phương thức thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực này.
Ở nước ta, nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Bằng dân chủ trực tiếp, ngày 23-5 này người dân sẽ dùng lá phiếu của mình để quyết định ai là người thay mặt và đại diện cho mình.
Dân chủ gián tiếp, người dân sẽ thông qua đại biểu của mình để đề đạt nguyện vọng, lợi ích chính đáng. Vì lẽ ấy, cử tri có quyền quyết định ai sẽ là đại biểu đại diện cho mình và cử tri cúng là người có quyền truất phế đại biểu nếu đại biểu ấy phản bội lại lợi ích của người dân đã bầu ra họ.
Dân chủ đại diện, người dân thông qua đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vẫn là hình thức phổ biến, vì lẽ ấy, bầu cử để chọn ra đại biểu xứng đáng càng hết sức quan trọng. Dân chủ đại diện chỉ thật sự phát huy tác dụng và hiệu quả khi các đại biểu do người dân bầu ra thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hình thức này sẽ không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả không rõ rệt khi các đại biểu do dân bầu ra thay mặt nhân dân nhưng lại không làm tròn nhiệm vụ. Bởi vậy, lá phiếu mà mỗi cử tri cầm trên tay đi bầu vào ngày 23-5 tới là rất “nặng nề”. Với bất kỳ một nền chính trị nào, người dân có quyền bầu cử tự do thì đã đạt được một trong những tiêu chí dân chủ, với cuộc bầu cử này, cử tri sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau bởi số dư của ứng cử viên là không ít. Trước cuộc bầu cử, mọi cử tri đã được tiếp xúc với ứng cử viên, đã được cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ về ứng cử viên. Đây sẽ là những “kênh” thông tin vô cùng quan trọng để cử tri quyết định bầu ai, gạch ai.
Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật bầu cử qui định mọi công dân đều có quyền bỏ phiếu, bất kể giới tính, dân tộc, tôn giáo. Là một cuộc bầu cử tự do, mọi lá phiếu của mỗi cử tri đều có giá trị như nhau, lá phiếu của một người công nhân cũng có giá trị như lá phiếu của ông Chủ tịch nước.
Bầu cử là quyền của công dân. Là quyền, người dân có thể thực hiện quyền đó và cũng có thể không thực hiện – bởi đó là quyền. Thế nhưng, với một công dân có trách nhiệm, quyền phải luôn đi cùng với nghĩa vụ. Vì lẽ ấy, mỗi người dân khi được thụ hưởng hưởng những thành quả chung của đất nước thì cũng đồng nghĩa với việc có trách nhiệm để xây dựng đất nước. Đi bầu cử vì vậy không chỉ là quyền mà trở thành nghĩa vụ của mọi công dân.
Khi tham gia bầu cử đầy đủ và có trách nhiệm, mỗi người dân đã góp phần mình trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, tham gia vào quá trình quản lí đất nước. Những thùng phiếu đã sẵn sàng để đón nhận những lá phiếu đầy trách nhiệm của những công dân trách nhiệm.
2. Ứng cử viên và vận động tranh cử
Theo cuốn sách “Hỏi – Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” do Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức biên soạn thì chậm nhất là ngày 23 tháng 4 năm 2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình đến Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Trên cơ sở danh sách giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở từng đơn vị hành chính lập và công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình theo từng đơn vị bầu cử chậm nhất là ngày 27 tháng 4 năm 2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).
Trên cơ sở quyết định của các Ủy ban bầu cử, Tổ bầu cử có trách nhiệm niêm yết ngay Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở khu vực bỏ phiếu mà mình phụ trách kèm theo tiểu sử tóm tắt của từng người chậm nhất là ngày 03 tháng 5 năm 2021 (20 ngày trước ngày bầu cử) để cử tri nắm được thông tin.
Như vậy, trên cơ sở danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương gửi đến, Ủy ban bầu cử các cấp phải lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử. Khi chuyển danh sách cho Ủy ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phải bảo đảm những người trong danh sách đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, làm cơ sở cho Ủy ban bầu cử lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Ủy ban bầu cử không có thẩm quyền loại bớt người đã có tên trong danh sách hoặc bổ sung người không có tên trong danh sách do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển đến, trừ trường hợp phát hiện ra người ứng cử thuộc đối tượng bị xóa tên do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu hoặc trường hợp người ứng cử chết hay vì lý do khác không thể tiếp tục ứng cử được nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các ứng cử viên sẽ bước vào vận động tranh cử.
Cùng với chương trình hành động, vận động tranh cử là “kênh” thông tin quan trọng để cử tri cân nhắc và lựa chọn đại biểu cho mình. Luật bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND năm 2015 quy định có hai hình thức vận động bầu cử là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức và qua phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương nơi đại biểu ứng cử. Có những hình thức vận động tranh cử mà pháp luật không cấm như diễn thuyết, tranh cử thông qua facebook…Tuy nhiên, cho dù vận động tranh cử theo hình thức nào các ứng cử viên cũng phải gương mẫu tuân thủ theo quy định của pháp luật, đó là dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật.
Trong cuộc bầu cử lần trước ở đâu đó đã râm ran những câu chuyện về việc có những ứng cử viên trong khi vận động tranh cử đã hứa hẹn tặng quà, tặng tiền, xây dựng các công trình công cộng cho địa phương nơi mình ứng cử. Những việc này nếu làm sau khi trúng cử là vô cùng có ý nghĩa. Song nếu hứa hẹn, vận động trước bầu cử thì chính là việc dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo cử tri. Trong số những ứng cử viên đâu phải ai cũng giữ trọng trách và có thẩm quyền để có thể quyết cho nơi này, nơi khác ngôi trường, cây cầu. Không phải ứng cử viên nào cũng là chủ doanh nghiệp hay “đại gia” để có thể tặng tiền, quà cho cử tri. Vì vậy, những hành vi này – nếu có – của ứng cử viên nào đó sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa các ứng cử viên.
Người xưa đã đúc kết rất hay rằng “một người lo bằng kho người làm”. Cử tri mong mỏi những đại biểu của mình phải là những người có năng lực, trình độ, luôn đau đáu và thao thức với những trăn trở, suy tư, ước vọng, mong muốn chính đáng của người dân để có thể thay mặt cử tri cất lên tiếng nói tại những diễn đàn quan trọng.
Vì lẽ ấy, ứng cử viên cần phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cần am hiểu đặc điểm tự nhiên, kinh tế. văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo …nơi mình ứng cử. Khi trúng cử rồi, người dân mong mỏi đại biểu giành công sức, thời gian cho nhiệm vụ người đại biểu nhân dân để tham gia giám sát, quyết định những vấn đề mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Đó là những điều cử tri mong mỏi chứ không phải cứ hứa cho cố vào khi vận động tranh cử, nhưng trúng cử rồi thì “lâu lâu mới nghe, lâu lâu mới hiểu”. Mong lắm thay!
3. Lựa chọn đại biểu của dân
Vậy là ngày 23-5-2021, cử tri cả nước sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Lá phiếu của cử tri sẽ quyết định ai sẽ là người đại diện cho mình.
Các ứng cử viên đã được đưa vào danh sách đều là những người đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Thế nhưng đủ tiêu chuẩn không có nghĩa là giống nhau. Công việc sàng lọc các ứng cử viên đã được tiến hành kỹ trong suốt thời gian qua, nhưng danh sách bầu luôn có số dư cao, nhiều nơi một chọi một. Vì lẽ ấy, lá phiếu của cử tri càng quan trọng trong việc quyết định ai sẽ là đại biểu của mình. Người dân cần nghiên cứu kỹ các ứng cử viên, kể cả giám sát những hành động, việc làm của các ứng cử viên để có quyết định lựa chọn đại biểu đại diện cho mình.
Thời gian qua, chúng ta đã nghe nói nhiều đến thực trạng đại biểu ít gắn bó với nhân dân, nhất là nơi đã bầu mình ra gánh vác trọng trách. Có những cử tri không biết đại biểu của mình là ai bởi họ chỉ “xuân thu nhị kỳ” mỗi năm vài lần họp. Trách nhiệm của một đại biểu dân cử không hề đơn giản, kể cả đại biểu HĐND cấp xã. Đơn cử một vài ví dụ, giả sử cán bộ chính quyền ở một địa phương nào đó gây khó khăn cho người dân về quy trình cấp phép xây dựng, người dân có thể gặp trực tiếp đại biểu HĐND của địa phương để trình bày và nhờ đại biểu HĐND có ý kiến với chính quyền. Giả như có con đường nào đó đi vào khu dân cư bị xe chở đất làm hỏng hóc, mưa ngập lầy lội, người dân đã kiến nghị nhiều lần, nhưng vì nguyên nhân nào đó mà chính quyền địa phương chưa tìm cách khắc phục, khi ấy, người dân có thể gặp đại biểu của mình kiến nghị, phản ánh, đề đạt để đại biểu của mình sẽ có kiến nghị, kể cả gây áp lực để cơ quan chính quyền có giải pháp thực hiện sớm. Một quán caraoke luôn làm náo loạn khu phố kể cả những lúc đêm khuya, đã bao nhiêu lần kiến nghị mà chính quyền vẫn không ra tay giải quyết, khi ấy, nơi người dân cần kiến nghị chính là đại biểu của mình v.v…Như vậy, vị trí, vai trò của những đại biểu dân cử là rất nặng nề chứ đâu phải chỉ để “giơ tay”.
Để các cơ quan dân cử phát huy được vị trí, vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình, điều kiện đầu tiên cần phải có là phải lựa chọn được những đại biểu thật sự có trí tuệ, bản lĩnh, phải là những người thật sự đại diện, người bảo vệ cho quyền lợi của người dân, nói lên tiếng nói của người dân ở những diễn đàn quan trọng. Cơ cấu là một nội dung quan trọng của lựa chọn đại biểu, nhưng cơ cấu không phải là tất cả mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng của đại biểu đó chính là trách nhiệm, dũng khí của đại biểu trước những vấn đề quốc kế dân sinh. Cử tri trong các cuộc tiếp xúc vận động tranh cử của các ứng cử viên tới đây cần yêu cầu các ứng cử viên ngoài trình bày chương trình hành động cần công khai email, công khai số điện thoại để nếu trúng cử người dân có thể gọi điện, gửi tin bất cứ lúc nào.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV đang đến rất gần. MTTQ Việt Nam các cấp và Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã tiến hành hiệp thương để chọn những người xứng đáng giới thiệu để nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội. Người dân cả nước đang mong mỏi những người được giới thiệu sẽ là những đại biểu thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Điều 79 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước”. Như vậy, trọng trách và vinh dự của đại biểu Quốc hội là rất to lớn. Đại biểu Quốc hội không chỉ là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nơi bầu mình ra mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Dấu ấn mà các đại biểu Quốc hội khóa XIII để lại sẽ còn rất sâu đậm với những cái tên đã trở thành quen thuộc với nhiều người: Dương Trung Quốc (Đồng Nai); Trương Trọng Nghĩa (Tp. Hồ Chí Minh); Lê Thị Nga (Thái Nguyên); Bùi Thị An, Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội); Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) v.v…
Điều 80 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định”. Trên diễn đàn Quốc hội của nhiệm kỳ vừa qua, đã có nhiều đại biểu “theo đến cùng” các nội dung chất vấn. Đại biểu quốc hội là người đại diện cho nhân dân, vì vậy, những phát biểu hay chất vấn trên diễn đàn quốc hội về những vấn đề mà cử tri quan tâm thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải giải trình theo quy định của Hiến pháp. Nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, với việc sửa đổi và ban hành Hiến pháp 2013 thì cùng với đó là việc Quốc hội đã thông qua một khối lượng khổng lồ các bộ luật. Đất nước ngày càng đổi thay và phát triển, đi cùng với đó là biết bao những bề bộ của cuộc sống đặt ra cần chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong đó coa vai trò đặc biệt quan trọng của các đại biểu Quốc hội. Ở nước ta, khi mà số đại biểu Quốc hội là chuyên trách luôn chiếm tỷ lệ lớn cũng là hạn chế trong hoạt động nghị trường. Quốc hội đương nhiên là cơ quan làm luật và các đại biểu Quốc hội am hiểu và có trình độ, kiến thức về luật pháp là điều đáng mừng. Song đáng mừng hơn là các đại biểu ấy phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phải nói lên được tiếng nói, nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Hãy tin, nhân dân đủ sáng suốt để lựa chọn những đại biểu thật sự xứng đáng. Nhưng để nhân dân lựa chọn được những đại biểu như mong muốn cần sự chuẩn bị và giới thiệu sáng suốt từ phía các cơ quan có trách nhiệm.
Hãy sáng suốt để lựa chọn những đại biểu thật sự xứng đáng đại diện cho mình.
Trung Kiên