Ngày đăng: 17-04-2022 Lượt xem: 1161
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (cuốn sách của Tổng Bí thư) do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt bạn đọc ngày 9/2/2022 bao gồm 29 bài viết, bài phát biểu (được tuyển chọn) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (kể từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho đến nay) không chỉ có ý nghĩa to lớn nhân dịp Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của bạn đọc, của giới nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
Cuốn sách là một công trình khoa học có tầm lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; khẳng định bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa xã hội và con đường để đưa đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đến phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc; đồng thời trở thành tài liệu quan trọng phục vụ việc học tập, giáo dục lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và hệ thống chính trị về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
1. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam
Nội dung xuyên suốt trong cuốn sách của Tổng Bí thư không chỉ khẳng định rõ: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của lịch sử mà còn phân tích biện chứng, luận giải thấu đáo những vấn đề cơ bản về cách mạng Việt Nam, về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng, trên cơ sở lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm thực tiễn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kết luận, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc và đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý mà còn đồng thời khẳng định: "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh"[1].
Toàn cảnh lễ ra mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, đó chính là "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Việc gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong Cương lĩnh không chỉ khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh; không chỉ là cống hiến to lớn, đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc thành lập Đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp cách mạng mà còn cho thấy sự lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam phù hợp xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Trong suốt những năm tháng sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã từng bước trở thành hiện thực sinh động ở Việt Nam. Đồng thời, việc trả lời những câu hỏi: "Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”[2]... cũng đã được Tổng Bí thư phân tích thấu đáo, luận giải cặn kẽ trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của Việt Nam (thông qua những bài viết trong cuốn sách này).
Cụ thể, từ sự phân tích bản chất của chủ nghĩa tư bản, những giá trị đạt được và những hạn chế của chế độ tư bản chủ nghĩa trong mối quan hệ khách quan, vận động và phát triển không ngừng, Tổng Bí thư đã khẳng định, chủ nghĩa xã hội (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản) với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta lựa chọn đúng đắn từ năm 1930. Đó là một chế độ xã hội luôn "hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội"[3] đã, đang và sẽ tiếp tục được phấn đấu thực hiện ở Việt Nam. Đó thực sự là một chế độ xã hội phát triển vì con người, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai được xây dựng trên một quốc gia hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất. Đó cũng đồng thời là một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; trong đó, quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản… và đó cũng chính là xu thế phát triển tất yếu của nhân loại theo lý luận về hình thái kinh tế xã hội của học thuyết Mác - Lênin.
Thực tế, ở Việt Nam, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: "Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc"[4], việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong 9 thập niên xây dựng và phát triển, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945); tiếp tục kiên trì tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1945-1975); đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975).
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì thế, vào thập niên 1990, mặc dù trên thế giới, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn (Liên Xô và Đông Âu); hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn và phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, song Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì con đường đã chọn, đó là "tiếp tục vững bước và sáng tạo trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể và đặc điểm của Việt Nam"[5]. Cụ thể, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 khẳng định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vẫn là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ với nhau". Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”…
2. Lan tỏa nội dung, giá trị cuốn sách của Tổng Bí thư, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Thực tế, trước sự biến động của tình hình quốc tế và trong nước với nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc phức tạp phải giải quyết, việc "toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động"[6] được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài viết nhân Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và chuẩn bị tiến hành thật tốt đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương (trước khi Đại hội XIII diễn ra) đã tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo tham quan gian trưng bày cuốn sách tại buổi lễ ra mắt
Tiếp đó, tại Đại hội XIII của Đảng, việc Tổng Bí thư khẳng định: "Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"[7] đã chứng minh hiện thực ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng cho thấy, Việt Nam đã tìm thấy con đường để đưa đất nước đến phát triển nhanh, bền vững từ chính sự lựa chọn đúng đắn, kiên định của mình và đã, đang và sẽ là minh chứng phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội về những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam (từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội).
Điều đó cũng có nghĩa là, việc Tổng Bí thư khẳng định tại Đại hội XIII: "Đảng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"[8] chứng tỏ rằng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - sự lựa chọn đúng đắn từ năm 1930 không chỉ là kết tinh trí tuệ, kết tinh giữa ý Đảng và lòng Dân đã góp phần vào những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ vững chắc và phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn được thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong Văn kiện 13 kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Điểm lại một số vấn đề như vậy để thấy rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư đã thêm một lần khẳng định việc lựa chọn, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam là phù hợp xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Sự lựa chọn đó kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển đi theo dòng chủ lưu của cách mạng thế giới nhất định sẽ thành công, bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, của các phần tử nhân danh dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó cũng chính là minh chứng chứng tỏ rằng không phải Đảng Cộng sản Việt Nam “lạc hậu, bảo thủ, trì trệ”, mắc “sai lầm nghiêm trọng” trong việc xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng; không phải Đảng đã lựa chọn con đường phát triển của dân tộc "mù mịt" trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mà chính là bản lĩnh/là kiên định một sự lựa chọn đúng đắn để đưa đất nước phát triển đến phồn vinh, hạnh phúc trong tương lai.
Bạn đọc là cán bộ, đảng viên, người dân, các bạn sinh viên hay nhà khoa học, chính khách người nước ngoài… muốn tìm hiểu, nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một đất nước cụ thể như Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đều có thể tìm thấy trong cuốn sách của Tổng Bí thư sự trình bày, phân tích, minh chứng khách quan, khoa học về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong đó, sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam từ thập niên 1930 về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự kiên định con đường đã chọn của Đảng, nhân dân Việt Nam trong hơn 90 năm qua (dù phải trải qua nhiều khúc ngoặt đầy khó khăn, thử thách) chính là con đường để đưa đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đến phồn vinh, hạnh phúc.
Thêm một lần, đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và nhân loại tiến bộ trên thế giới tìm thấy từ cuốn sách này câu trả lời cho tương lai của loài người và của dân tộc Việt Nam; đồng thời, đều thấy đây là một tài liệu quý, cần thiết để đọc, để hiểu đúng hơn, sâu sắc về những gì mà dân tộc Việt Nam đã trải qua và tiếp tục đi tới trên những chặng đường tiếp theo. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chắc chắn là con đường đi đúng đắn và giá trị trọn vẹn của độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh… - của những quyền làm người cao cả nhất hiển hiện trong xã hội xã hội chủ nghĩa cũng chính là đích mà nhân loại đang trên hành trình tiến đến. Vì thế, có thể nói cuốn sách của Tổng Bí thư không chỉ dừng lại ở những khát khao, mong mỏi và niềm tin đồng chí, của mỗi cán bộ, đảng viên và của mỗi người dân về tương lai của đất nước mà còn đồng thời chỉ ra cách thức, chỉ ra lộ trình để đưa đất nước đến tương lai dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cần được lan tỏa rộng rãi, vì rằng: Cuốn sách của Tổng Bí thư không chỉ mang đến cho người đọc/nghiên cứu nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng cảm nhận được về nhận thức, tư duy, trí tuệ cũng như bản lĩnh chính trị của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường cách mạng Việt Nam; sự tâm huyết, kiên định và quyết tâm chính trị của đồng chí về mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - con đường đi duy nhất đúng, phù hợp xu thế thời đại của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mà còn truyền cảm hứng cho mọi người dân Việt Nam yêu nước chân chính hiểu được rằng khát vọng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ và giàu mạnh chỉ có thể trở thành hiện thực khi Việt Nam kiên định, kiên trì và vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đoàn kết muôn người như một của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại!
TS. Văn Thị Thanh Mai
[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.22
[2] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.17
[3] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.28
[4]Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.22
[5] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.219
[6] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.264
[7] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.34
[8] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.69