flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỔ CHỨC CỘNG SẢN VÀ LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG ĐI ĐẾN THẮNG LỢI Ở MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Ngày đăng: 31-01-2020 Lượt xem: 2370

Miền Đông Nam bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, cư dân có truyền thống yêu nước và khảng khái trước mọi thế lực ngoại xâm. Trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và chống ngoại xâm bất khuất, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, sự tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin diễn ra một cách sâu rộng, nhạy cảm, các tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản ra đời sớm và nhanh chóng trở thành một lực lượng chính trị trọng yếu trong đời sống cách mạng ở Nam kỳ. Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam kỳ là lịch sử liên tục gây dựng, củng cố các tổ chức hệ thống Đảng để nắm lấy ngọn cờ cách mạng, dựa vào quần chúng, vượt qua những thử thách khắc nghiệt để dành thắng lợi.

Sự ra đời của tổ chức Cộng sản ở miền Đông Nam bộ

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung diễn ra sự biến đổi sâu sắc về chính trị, văn hoá, xã hội. Cùng với một số lực lượng xã hội khác, giai cấp công nhân ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Đông Nam bộ ra đời. Đặc biệt, từ sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp triển khai cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 với sự ra đời hàng loạt các đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ, lực lượng công nhân ở đây phát triển nhanh chưa từng thấy.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh 

Dưới chế độ trực trị của thực dân Pháp, phong trào đấu tranh dân tộc, dân chủ, dân sinh của các tầng lớp nhân dân ở Sài Gòn và miền Đông Nam bộ phát triển mạnh mẽ. Công nhân, nông dân, trí thức và các lực lượng yêu nước khác, từ trong thực tiễn của phong trào đấu tranh ấy, ngày càng xích lại gần nhau, thống nhất với nhau về quyền lợi và mục tiêu tranh đấu. Trong đó, giai cấp công nhân với tư cách là những người vô sản, ngày càng trở thành lực lượng trung tâm cùng với nông dân giương cao ngọn cờ dân sinh, dân chủ và độc lập dân tộc. Năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng, người kéo lá cờ phản chiến trên chiến hạm đội Bắc Hải đã thành lập tổ chức Công hội bí mật tại Sài Gòn. Công hội bí mật nhanh chóng phát triển, khắp hãng, xưởng, xí nghiệp, đồn điền, trở thành tổ chức chính trị lãnh đạo phong trào công nhân trong những năm của thập niên hai mươi.

Năm 1911, tại Bến Nhà Rồng - Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Người - với tên Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ đây, bằng nhiều con đường và nhiều hình thức khác nhau, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Quá trình tiếp thu, chủ nghĩa Mác - Lênin đã làm cho công nhân ý thức rõ vai trò lịch sử của mình đối với giai cấp và dân tộc. Yêu cầu khách quan đặt ra là giai cấp công nhân Việt Nam cần có chính đảng tiên phong của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Do sự thiếu thống nhất trong Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (ở Hồng Kông năm 1929), ở nước ta lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản có chung mục đích lý tưởng nhưng công tác tổ chức và chủ trương chính sách cụ thể khác nhau: An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng liên đoàn. Trước tình hình đó, tại Hồng Kông, được Quốc tế Cộng sản ủy nhiệm, đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi thư về nước triệu tập các tổ chức Cộng sản cử đại biểu họp hội nghị thống nhất.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Cộng sản trong nước, lập ra một Đảng cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chấp hành nghị quyết của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu các Đảng Cộng sản ở Nam kỳ đã thành lập “Ban Lâm thời chấp ủy” của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nam kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Từ đây, Ban lâm thời chấp ủy bắt đầu triển khai việc hợp nhất các tổ chức Đảng Cộng sản ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ.

Tại tỉnh Gia Định, một tỉnh ủy lâm thời được chỉ định do đồng chí Lê Trọng Mân (tức Khôi) làm Bí thư. Đảng bộ tỉnh Gia Định xây dựng được các chi bộ hoặc nhóm đảng viên ở các xã Bình Lý, Tân Mỹ, Thới Thạnh, Tân Thạnh Đông, An Nhơn Tây, An Phú Xã, Tân Thông, Tân Phú Trung, Tân Thới Tứ, Tân Thới Tam, Tân Thới Nhì, Tân Thới Nhất, Tân Thới Tây, Tân Thới Trung, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng... Đến cuối năm 1930, đảng bộ tỉnh Gia Định có khoảng 25 chi bộ (trong đó Hóc Môn có 7 chi bộ, Gò Vấp 7 chi bộ) với gần 100 đảng viên. Tại tỉnh Chợ Lớn, từ đầu năm 1930 đã có hàng loạt chi bộ Đảng Cộng sản ra đời ở các địa phương. Tháng 11/1930, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Chợ Lớn được thành lập gồm 5 đồng chí Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Xuân Luyện và Nguyễn Văn Tốt do đồng chí Lê Quang Sung (tức Lê Hoàn) làm Bí thư.

Lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và khởi nghĩa Nam Kỳ

Vừa mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt tay lãnh đạo một phong trào cách mạng rộng lớn trong cả nước. Ở miền Đông Nam bộ, phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mở đầu bằng cuộc bãi công của hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Biên Hòa) và cuộc đấu tranh của 5.000 nông dân ở quận lỵ Đức Hoà (Chợ Lớn) do các đồng chí Châu Văn Liêm và Võ Văn Tần lãnh đạo; cuộc đấu tranh của 1.300 công nhân đồn điền cao su Michelin, công nhân đềpô xe lửa Dĩ An, nông dân quận lỵ Lái Thiêu (Thủ Dầu Một); công nhân nhà đèn Chợ Quán, công nhân làm đường Catinat, công nhân xưởng cưa Đông Á - Vĩnh Hội (Sài Gòn)…

Với khẩu hiệu đòi dân chủ, dân sinh, ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, kết hợp với khẩu hiệu chống thực dân đế quốc, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân miền Đông Nam bộ trong những năm 1930, 1931 phần lớn giành được thắng lợi. Điều này đem lại cho quần chúng lòng tin vững chắc vào sức mạnh cách mạng của mình, đồng thời kiểm nghiệm trong thực tế năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân trên con đường giải phóng công nông, giải phóng dân tộc.

Cảnh công nhân cao su bị bắt vì chống lại bọn chủ Tây. Ảnh tư liệu

Tháng 4/1932, tại Sài Gòn một số đồng chí lãnh đạo Đảng liên lạc móc nối lại, thành lập Xứ ủy Lâm thời, do đồng chí Hồ Văn Long làm Bí thư. Chỉ được 5 tháng, tất cả đều bị bắt. Đến tháng 5/1933, một số đồng chí họp lại thành lập Xứ ủy lâm thời mới do đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư, tuy nhiên chẳng được bao lâu lại bị bắt. Tháng 2/1934, một Xứ ủy mới lại được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư. Do một số tỉnh chưa đủ sức đứng ra thành lập Tỉnh ủy và do Xứ ủy không bao quát được đến các địa phương, Xứ ủy Nam kỳ chủ trương thành lập các đặc ủy để liên kết tổ chức Đảng và lãnh đạo phong trào ở từng vùng.

Trong thời điểm này, tại Sài Gòn hàng loạt báo chí công khai của Đảng và Mặt trận dân chủ xuất hiện bằng tiếng Pháp như L’avant Garde (Tiền Phong), Le Peuple (Dân Chúng), và tiếng Việt như Dân Chúng, Lao Động Sống, Tiến Tới, Thanh Niên, Mới… báo chí của Đảng trở thành nơi tuyên truyền công khai chủ trương chính sách của Đảng, tổ chức quần chúng đấu tranh nêu yêu sách với chính quyền phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa phát xít.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, thực dân Pháp đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, chúng ban hành lệnh tổng động viên và ra sức bắt người cướp của để phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc. Trước tình hình đó, tháng 11/1939, tại Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định), Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 quyết nghị “giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương. Chấp hành sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Trung ương Đảng, đầu năm 1940, Xứ ủy Nam kỳ cho lưu hành “Đề cương về cách mạng Nam kỳ”.

Từ ngày 21 đến 27/7/1940, đồng chí Tạ Uyên thay đồng chí Võ Văn Tần (Bí thư Xứ ủy bị địch bắt ngày 21/4/1940) triệu tập Hội nghị toàn xứ tại Tân Hương (Châu Thành, Mỹ Tho). Dự hội nghị có 24 đại biểu thuộc 19 tổng trong tổng số 21 tỉnh Nam kỳ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và các nghị quyết của Xứ ủy được phổ biến sâu rộng đến từng chi bộ, không khí cách mạng sôi sục khắp các địa phương. Dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được ráo riết thực hiện: củng cố các tổ chức quần chúng cách mạng; thành lập Ban quân sự, Ban khởi nghĩa; thành lập các đội tự vệ chiến đấu, các đơn vị nghĩa quân tích cực sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự.

Đêm 22 rạng 23/1/1940 khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Cuộc giao tranh diễn ra quyết liệt ở Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, rồi Tây Ninh, Biên Hoà, Thủ Dầu Một. Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên lệnh khởi nghĩa không được thực hiện thống nhất, thực dân Pháp đã bố trí lực lượng và kế hoạch đàn áp từ trước. Hàng loạt cán bộ Xứ uỷ, Tỉnh ủy và các cấp bị bắt. Cuộc khởi nghĩa bị chìm trong biển máu.

Trước hành động khủng bố tàn khốc của địch, các đội nghĩa quân sau khi chiến đấu anh dũng đã buộc phải rút lui về các khu vực thuận lợi (Truông Mít - Tây Ninh, Tân Uyên - Biên Hoà, Rừng Sác - Chợ Lớn, Ba Làng và Mớp Xanh - Đồng Tháp Mười) … Ngày 21/12/1940, Trung ương Đảng ra Chỉ thị tiếp tục bảo toàn lực lượng và phát triển du kích Bắc Sơn, du kích Nam kỳ thành lực lượng quân sự trù bị tiến lên khởi nghĩa. Cuối năm 1940, đầu năm 1941, Xứ ủy Nam kỳ triệu tập liên tiếp hai hội nghị nhằm phân tích nguyên nhân thất bại và đề ra chủ trương mới trong giai đoạn sắp tới.

Hội nghị lần thứ hai (họp tại Đa Phước, Chợ Lớn, tháng 1/1941) bầu Xứ ủy mới và quyết nghị phân tán lực lượng để tránh tổn thất, củng cố lại tổ chức cơ sở và tổ chức quần chúng, tập hợp lực lượng chờ thời cơ mới. Tuy nhiên, nghị quyết hội nghị chưa kịp kịp phổ biến thì các Xứ ủy đều bị bắt, nhiều cán bộ, đảng viên khác bị bắt bớ, bắn giết, tù đày. Từ đây đến năm 1943, Đảng bộ Nam kỳ mất liên lạc với Trung ương.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 là bản anh hùng ca bi tráng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ, trong đó có Đảng bộ và nhân dân miền Đông Nam bộ. Một lần nữa, Đảng bộ miền Đông Nam bộ bị tổn thất hết sức nặng nề. Nó là bước thử thách khắc nghiệt nhất, qua đó các cán bộ, đảng viên ở miền Đông Nam bộ tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh đấu tranh trước khi bước vào cuộc vận động Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám.

Hoàng Minh

(Lược trích từ Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam bộ

lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ 1945-1975,

NXB Chính trị Quốc gia, năm 2003)