flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Sự ủng hộ của nhân dân cả nước và quốc tế trong Nam Bộ kháng chiến

Ngày đăng: 16-09-2020 Lượt xem: 2222

“3 giờ sáng chủ nhật 23/9/1945, trong khi thành phố Sài Gòn vắng ngắt vì lệnh thiết quân luật của quân đội Anh, một đội quân Pháp, trước là tù binh nay mới được quân đội Anh thả ra, ăn mặc cải trang, chia nhau đi lén lút hành động trong các phố. Trong lúc đó, quân đội Anh cố tình làm lơ. Nhưng dân quân ta đã sẵn sàng chuẩn bị nên nhận ngay được mưu mô đánh úp của chúng và lập tức đối phó. Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ, người dân Sài Gòn vùng dậy”.

Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam Bộ tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 24/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Sau sự kiện 23/9/1945, Ủy ban Nhân dân Nam Bộ tạm rời về một địa phương trong miền Tiền Giang để tiếp tục chỉ đạo kháng chiến, còn “Chi nhánh Việt Nam thông tấn tạm dọn lên Biên Hòa” bởi Đài vô tuyến điện Sài Gòn đã bị quân Anh chiếm quyền kiểm soát[1]. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam kêu gọi toàn thể đồng bào chống cuộc xâm lăng của giặc Pháp ở Nam Bộ vào ngày 26/9/1945, cả nước đã đoàn kết xung quanh Chính phủ và hăng hái đóng góp sức người sức của để chi viện cho chiến trường Nam Bộ.

Bài viết trên báo Cứu quốc mang tính chính luận đanh thép Sẵn sàng chiến đấu ủng hộ Nam Bộ được mở đầu bởi bản tin ngắn về một địa phương Nam Trung Bộ như sau: “Hôm 26/9/1945, 1.000 tự vệ, công an và cựu binh sĩ Quy Nhơn đã biểu tình phản đối phái bộ Anh và thề sẵn sàng chiến đấu ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Trong cuộc biểu tình có rất nhiều phụ nữ tham dự và mang vàng đến giúp nước”[2]. Đó là tinh thần và tấm lòng của đồng bào thành phố biển Quy Nhơn thuộc 10 tỉnh Bình Định, quê hương quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn và nữ danh tướng Bùi Thị Xuân trong quá khứ chưa xa.

Ủng hộ Nam Bộ cũng đồng nghĩa với việc bất hợp tác, ngăn chặn mọi mưu đồ chiếm đóng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của đế quốc Pháp trong phạm vi thực thi nhiệm vụ của quân đội Anh. Vào đầu tháng 10/1945, trong khi quân Pháp đang bị bao vây tại đô thị Sài Gòn và tìm cách đàm phán với lực lượng kháng chiến để chờ viện binh từ nước Pháp đưa sang, sự ủng hộ của nhân dân Trung Bộ và Bắc Bộ tiếp tục dâng cao.

Trong lĩnh vực báo giới, tinh thần kháng chiến của đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng không ngớt sục sôi. Tác giả CQ tuyên bố: “Kháng chiến! Kháng chiến! Phải kháng chiến khắp các mặt trận. Chỉ có kháng chiến mới giành được thắng lợi. Chính vì thế số báo này, chúng tôi cùng các bạn đồng nghiệp trích ra một nửa số tiền bán được đặng góp phần mua súng gửi vào Nam Bộ”. Tác giả Công Dân gào thét: “Máu đồng bào miền Nam đã đổ! Cái tin đó như một cơn cuồng phong làm bay cát bụi mù trời. Toàn thể dân chúng ở miền Bắc này nhao lên, tức tối. Như vừa bị một vết thương, cả thân thể cùng đau chung… Tất cả những dòng máu trong người muốn cùng chảy ở miền Nam để đổi lấy máu quân thù”[3].

Báo Cứu quốc ra số ngày 9/10/1945 đã nhận xét về phong trào toàn quốc ủng hộ Nam Bộ kháng chiến trong những ngày đầu này như sau: “Xét một cách tương đối, những cuộc biểu tình ủng hộ Nam Bộ tại Trung Bộ nhiều hơn Bắc Bộ. Có lẽ vì Bắc Bộ nhiều tỉnh ở xa, tin tức giao thông còn khó khăn. Khắp Trung Bộ, tỉnh nào cũng có những cuộc biểu tình ủng hộ kháng chiến của dân chúng toàn tỉnh. Tỉnh Thái Phiên (Quảng Nam) giữ kỷ lục, từ sau ngày 23/9 đã biểu tình tới bốn lần, lần nào cũng trên năm, sáu vạn người dự”.

Không chỉ người Việt bất hợp tác mà ngay cả một bộ phận Pháp kiều cũng lên án chính sách thực dân của Chính phủ nước mình. Báo Cứu quốc thông tin: “Hôm 10/10 có một cuộc biểu tình lớn do vài trăm đàn bà, trẻ con Pháp tổ chức để phản đối thái độ bất nhân của quân đội Pháp. Họ đã trưng lên những khẩu hiệu ‘Trả lại độc lập cho người Việt Nam’, ‘Nước ta bị Đức đô hộ bốn năm đã chịu bao nhiêu sự đàn áp, tại sao nay ta còn muốn đô hộ người Việt Nam?’. Bọn cầm quyền Pháp đến đàn áp và đã bắt nhốt các đồng bào họ biểu tình”.

Một trường hợp khác, bao gồm người Pháp và người Mỹ: “Một đặc phái viên của Hãng thông tấn Mỹ United Press International qua đây để xem xét tình hình ở Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng ngoại ô, hôm vừa rồi đã tiếp chuyện đại biểu Ủy ban Nhân dân Nam Bộ. Ông ta tỏ ý rất bất bình và phẫn uất vì đã chứng kiến những thủ đoạn dã man, vô nhân đạo của bọn Pháp về sự cướp bóc và tàn sát đàn bà trẻ con vô tội. Ông ta lại cho hay có một gia đình kiều dân Pháp ở đây, trước những hành vi tàn bạo của bọn giặc Pháp, cũng lấy làm bất mãn và đã xin được đáp phi cơ về nước”[4].

Bản tin về Nam Bộ trên báo Cứu quốc số 84 cũng cho biết một trường hợp đặc biệt về tình hữu nghị quốc tế trong cuộc chiến ở Nam Bộ: “Có tin cho hay rằng phi công Pháp Sauteray)vẫn chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám để chống với bọn thực dân Pháp đã bị tử trận. Phi công anh hùng đó thực đã biểu dương đúng với cái tinh thần cách mạng 1789 của dân tộc Pháp”[5].

Đáng lưu ý là nhằm khích lệ tinh thần kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, một bộ phận đứng đầu hoàng tộc và hoàng triều trong hệ thống chính quyền Nam triều cũ cũng đã lên tiếng tuyên thệ bất hợp tác với thực dân Pháp. Thông tin cho biết: “Ngày 11/11/1945 các quan lại cao cấp của triều đình cử đã hội họp tại Nha Thông tin Tuyên truyền Trung Bộ dưới quyền chủ tọa của ông Phó Ủy trưởng Thông tin Tuyên truyền và đã ký một bản Tuyên ngôn như sau đây: “Chúng tôi thay mặt cho tất cả các hàng quan lại của triều đình cũ xin một lòng ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hòa nước Việt Nam do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chúng tôi xin đem hết tinh thần và năng lực để hợp tác với Chính phủ trong tất cả các phương diện và xin cương quyết chống ngoại xâm. Chúng tôi thề nhất định không hợp tác với bọn thực dân”[6].

Cuối năm 1945, thực dân Pháp càng ráo riết trong mưu đồ thôn tính Nam Bộ thì sự ủng hộ của nhân dân khắp nơi đối với cách mạng ngày càng phấn khích. Báo Quốc hội đưa tin từ Hà Tĩnh: “Hôm 19/12, trong cuộc tuyển một số Tự vệ chiến đấu huyện Can lộc để cho vào Nam Bộ đánh giặc Pháp, ai cũng đòi đi cho được. Nhiều người đang cày cấy ngoài đồng nghe tin, vội vàng quẳng cày bỏ trâu, đâm bổ về làng nằng nặc đòi đi, nhưng số được tuyển chỉ có hạn, những người không được dự đều phẫn uất lắm”[7].

Thậm chí, trường hợp ở một địa phương Trung Bộ khác càng nêu cao tinh thần ái quốc trong những ngày sôi sục này: “Một người hành khất tên Nguyễn Thăng ở Quảng Ngãi, cụt một chân, hôm vừa rồi đến yêu cầu Ban chỉ huy chiến khu 5 ưng thuận cho một việc như sau: ‘Tôi cụt một chân - lời người hành khất - tự xét rằng không giúp ích gì cho ai, lại ăn hại đồng bào. Vậy xin lãnh một quả bom cho vào bị, tôi sẽ đến xin ăn tại những nơi có quân địch đông, rồi sẽ thừa dịp ném ra để tiêu diệt quân thù. Như thế dù tôi có chết cũng vui lòng vì đã được hy sinh cho tổ quốc, và đồng bào cũng sẽ đỡ phải nuôi một phế nhân”. Ban chỉ huy cám ơn nhưng không nhận lời yêu cầu ấy. Người hành khất ấy liền về nhà cổ động anh em hành khất trong hạt, quyên được số tiền 20 đồng đem giúp quỹ Độc lập…”[8].

Thực tế, viện binh từ các nơi đã giúp quân dân Nam Bộ kéo dài thời gian giam chân giặc Pháp. Tờ Sự thật dẫn tin từ Mỹ cho biết vào ngày 21/12: “Một bản thông cáo hôm nay cho hay rằng các đạo viện binh Việt Nam từ phía Bắc kéo xuống làm ngăn trở các cuộc hành binh của Pháp ở Nam Bộ (Rơ tơ)”[9]. Trên một hướng tác chiến khác, quân đội Việt Nam được sự bổ sung quân số từ một số công dân của nước bạn láng giềng đã tạo nên hiệu quả chiến đấu rõ rệt, đẩy lùi cuộc tiến công của đối phương.

Cao điểm của phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến có lẽ là sự kiện thành lập Phòng Nam Bộ tại thủ đô Hà Nội, do bác sĩ Huỳnh Bá Nhung, đại biểu thanh niên và là thủ lĩnh của đảng Thanh niên Tiền phong phụ trách. Báo Cứu quốc thông tin ngày 26/12 như sau: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ tự hơn một tháng nay đã lập Phòng Nam Bộ… có ba nhiệm vụ chính: 1. Quân sự, 2. Nội trị, 3. Tuyên truyền”[10]. Tiếp đó, báo Quốc hội đăng tải Tuyên cáo của Bộ Nội vụ về việc thành 36 lập Ủy ban ủng hộ kháng chiến Nam Bộ, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký ngày 28/12 với nhiều nội dung.

Không chỉ dừng lại ở đó, qua đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện Việt Minh, còn hứa sẽ đề đạt nguyện vọng chi viện một lực lượng tình nguyện khoảng hai đến ba ngàn quân đến Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hải Thần, đại diện Việt Nam Quốc dân đảng[11]. Tuy vậy, do thái độ thiếu thiện chí của đảng hợp tác, lời đề nghị đã không được thông qua.

Một hoạt động kỷ niệm khác cũng được tiến hành nhằm khếch trương tinh thần vì Nam Bộ cứu nước. Với nhan đề Nhân ngày kháng chiến thứ 100 nghĩ đến tinh thần đoàn kết của đồng bào Nam Bộ, tạp chí Sự thật số ra ngày 6 - 9/1/1946 khẳng định: “Và từ đêm 23/9/1945, tất cả các đảng phái, từ Cao Đài, Phật giáo, Gia tô đến Việt Nam Quốc gia đảng, Thanh niên ái quốc và Thanh niên Tiền phong, đều sát cánh nhau chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo duy nhất của Hồ Chủ tịch, của Chính phủ Lâm thời và Ban Chấp hành Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ… Sự đoàn kết ấy, cùng với sự đoàn kết mới đây giữa các đảng phái miền Bắc nhất định sẽ đưa toàn thể dân tộc tới thắng lợi trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[12].

Đặc biệt, trong dịp năm mới Bính Tuất 1946, báo Độc lập số 70 có trích đoạn bài thơ Mừng báo Quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân sự kiện ra đời tờ nhật báo Quốc gia này, với hai câu chúc như sau: “Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc Những người chiến sĩ ở phương xa[13]. Đó cũng chính là tấm chân tình của nhân dân cả nước dành cho tập thể cán bộ và chiến sĩ đang tận hiến xương máu cho cuộc chiến tranh vệ quốc ở nửa đầu phương Nam của tổ quốc.

75 năm qua, tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến đã luôn là động lực to lớn, cổ vũ đồng bào Nam Bộ nói riêng và toàn dân tộc ta vững bước vượt qua những thử thách của lịch sử. Kế thừa và phát triển tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến lên một tầm cao mới đã giúp quân dân ta viết lên bao trang sử hào hùng./.

HM (Lược trích)

 

[1] Báo Cứu quốc, số 52, ngày 27.9.1945.

[2] Báo Cứu quốc, số 53, ngày 28.9.1945

[3] Báo Cứu quốc, số 62, ngày 9.10.1945

[4] Báo Cứu quốc, số 66, ngày 13.10.1945

[5] Báo Cứu quốc, số 84, ngày 6.11.1945

[6] Báo Cứu quốc, số 84, ngày 6.11.1945

[7] Báo Quốc hội, số 6, ngày 22.12.1945

[8] Báo Cứu quốc, số 126, ngày 26.12.1945

[9] Tạp chí Sự thật, số 7, ngày 27.12.1945

[10] Báo Cứu quốc, số 126, ngày 26.12.1945

[11] Báo Quốc hội, số 10, ngày 28.12.1945

[12] Tạp chí Sự thật, số 10, ngày 6-9.1.1946

[13] Báo Độc lập, số 70, ngày 1.2.1946