Ngày đăng: 25-04-2018 Lượt xem: 6208
Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, bên cạnh sự ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân ở các nước tư bản cũng rất quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam. Từ năm 1959, nhân dân thế giới đã lấy ngày 20-7, ngày kỷ niệm ký Hiệp định Genève, làm “Ngày ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh đòi thống nhất Tổ quốc”. Đặc biệt từ sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (ngày 20-12-1960), phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam càng trở nên mạnh mẽ và có hiệu quả. Phong trào này nổi lên mạnh mẽ ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, nhất là ở những nước đang đấu tranh giành độc lập, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Gần thì có có Lào, Campuchia, Miến Điện (nay là Myanmar), Malaysia, Indonesia, Ấn Độ…, xa thì có Algeria, Angola, Congo, Nicaragua, Giatemala, Venezuela… đều lên tiếng phản đối đế quốc Mỹ xâm lược đồng thời nhiệt thành ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Người dân Hà Lan biểu tình với khẩu hiệu đòi Hòa Bình ở Việt Nam, phản đối xâm lược Việt Nam.
Với sự phát triển của cách mạng miền Nam, thế giới ngày càng ủng hộ Việt Nam hơn. Năm 1961, nhân ngày Quốc tế ủng hộ Việt Nam, có 10 tổ chức thuộc 33 nước lên tiếng ủng hộ Việt Nam; năm 1963 có 342 tổ chức của 50 nước và năm 1964 có gần 400 tổ chức quốc tế và quốc gia thuộc 63 nước nói rõ lập trường chống Mỹ xâm lược Việt Nam. Tháng 11-1964, diễn ra “Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược” tại Hà Nội; hội nghị đã khẳng định: “Hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai nhằm giải phóng miền Nam, giành độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình và trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam anh hùng là một tấm gương sáng và là một nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với các dân tộc bị áp bức”[1]. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi tin chắc rằng: với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin, nhân dân tiến bộ Mỹ và các nước khác, đồng bào miền Nam chúng tôi sẽ chiến đấu mạnh mẽ hơn nữa chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng. Cuộc đấu tranh thiêng liêng để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam chúng tôi nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”[2].
Láng giềng của Việt Nam là Lào và Campuchia vốn có chung cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời kỳ kháng Pháp bây giờ cũng cùng chiến tuyến trong cuộc chiến chống Mỹ. Không chỉ ủng hộ bằng ngoại giao, chính trị, nhiều chính quyền Lào và Campuchia nối tiếp nhau (trừ chính quyền thân Mỹ) đã hỗ trợ cách mạng Việt Nam bằng cách tạo điều kiện để miền Bắc mở đường Trường Sơn trên đất bạn nhằm đưa nhân lực, vật lực vào chiến trường miền Nam.
Một quốc gia châu Á từng xâm lược Việt Nam là Nhật Bản cũng có phong trào chống Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam sớm và mạnh mẽ nhất trong các nước tư bản. Đầu năm 1965, 2 triệu công nhân toàn Nhật Bản bãi công trong 24 giờ; trên 100 nhà công nghiệp ở thành phố Sabo từ chối sản xuất vải đóng giày cho lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam; thủy thủ tàu Bunenmaru ở Okinawa không chở 1.100 tấn vũ khí sang Việt Nam… Nhân dịp này, hàng triệu người đã xuống đường tuần hành phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam; họ hô khẩu hiệu “Phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam”, “Noi gương thủy thủ tàu Bunenmaru không hợp tác với Mỹ”, “Không sản xuất, chuyên chở vũ khí và đồ tiếp tế quân sự cho Mỹ”… Sau đó, 5,5 triệu công nhân toàn Nhật Bản bãi công, gây tác động mạnh đến chính phủ Nhật và giới quân sự Mỹ.
Ngày 26-4-1965, phong trào “Liên minh thị dân vì hòa bình cho Việt Nam” (Beheiren) bắt đầu đi vào hoạt động và sớm tạo được tiếng vang ngay từ những ngày đầu nhờ sự tham gia rộng rãi của đông đảo người dân cũng như sự góp mặt của các nhân vật đồng sáng lập có ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản thời kỳ đó như nhà văn Makoto Oda (1932 – 2007), triết gia Shunsuke Tsurumi (1922 – 2015) và nhà văn Takeshi Kaiko (1930 – 1989). Beheiren tiến hành nhiều hoạt động phản chiến phong phú và liên tục nhằm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Ngày 15-6-1969, Beheiren đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh lớn nhất ở Tokyo với sự tham gia của hơn 70.000 người. Phong trào đã phát triển với 350 nhóm hoạt động trải rộng trên khắp Nhật Bản. Phương thức hoạt động và tổ chức của Beheiren tạo ảnh hưởng to lớn đối với các phong trào công dân về sau và trở thành một hình mẫu cho các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc cho các nước bị áp bức thời kỳ đó.
Từ Venezuela xa xôi, năm 1964, sau khi người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Sài Gòn bắt và kết án tử hình, lực lượng du kích Caracas đã tổ chức bắt cóc viên trung tá không quân người Mỹ Michael Smolen để đổi mạng cho chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi. Câu chuyện này đã đi vào thơ, vào nhạc: "Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu, vọng về nơi Venezuela cuồn cuộn sôi trong muôn con tim, người du kích châu Mỹ Latin" (Nguyễn Đức Toàn), hay: “Du kích quân Caracas đã vì anh/ Bắt được tên giặc Mỹ giữa đô thành...” (Tố Hữu). Cuối cùng, lực lượng du kích người Venezuela cao thượng thả Smolen để mong chính quyền Sài Gòn cũng làm như thế nhưng kẻ thù đã hèn hạ xử tử anh Trỗi, không làm cho cuộc đấu tranh dịu xuống mà lửa căm hờn càng thêm sôi sục. Còn những người tham gia hoạt động cao cả này ở Venezuela bị chính quyền thân Mỹ sát hại, giam cầm trong nhiều năm trời[3].
Tại Thụy Điển, “từ năm 1965, hàng triệu người thuộc mọi đảng phái, tầng lớp xã hội khác nhau đã có những hành động phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, đặc biệt là việc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Kể từ thời điểm này cho đến khi kết thúc cuộc chiến, phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, đoàn kết ủng hộ Việt Nam với tên gọi “Phong trào Việt Nam” từng bước được hình thành, phát triển từ tự phát đến có tổ chức, từ một vài địa phương nhanh chóng lan ra khắp đất nước Thụy Điển”[4]. Một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của phong trào này là Olof Palme (1927 – 1986). Ngày 21-2-1968, Palme (lúc đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) tham gia một cuộc tuần hành phản đối Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam ở Stockholm, cùng với Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô Nguyễn Thọ Chân, do Ủy ban Thụy Điển vì Việt Nam tổ chức. Ngày 23-12-1972, Palme (lúc này là Thủ tướng) đọc bài diễn văn trên Đài Phát thanh quốc gia Thụy Điển, so sánh việc Mỹ đang ném bom đánh phá Hà Nội với một số hành động tàn bạo trong lịch sử, trong đó có việc tiêu diệt người Do Thái của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Vì tuyên bố này mà Chính phủ Mỹ quyết định đóng băng quan hệ ngoại giao với Thụy Điển kéo dài trên 1 năm.
Ngay tại Mỹ, phong trào chống chiến tranh Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ. Tổng cộng có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh xâm lược ở trên khắp các bang ở Mỹ, 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại bất hợp pháp” vì chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Từ năm 1965 – 1971, Viện Gallup, tổ chức điều tra xã hội học nổi tiếng của Mỹ, đã tiến hành lấy ý kiến công chúng để xem thử mức độ ủng hộ cuộc chiến. Những người tham gia cuộc trưng cầu ý kiến được hỏi: "In view of developments since we entered the fighting in Vietnam, do you think the U.S. made a mistake sending troops to fight in Vietnam?" ("Theo như sự leo thang từ khi chúng ta tham chiến ở Việt Nam, bạn có nghĩ Mỹ đã phạm sai lầm khi gửi quân đến Việt Nam?"). Tỉ lệ người ủng hộ cuộc chiến này có xu hướng giảm dần, 52% vào tháng 8-1965, 59% vào tháng 3-1966 nhưng từ đó trở đi chỉ có tỉ lệ thấp hơn và đến tháng 5-1971 chỉ còn 28%.
Sau này, cựu Tổng thống Mỹ Nixon đã thú nhận: “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ không phải chỉ thua trên chiến trường mà còn thua ngay trên nước Mỹ, ở các hành lang của quốc hội, trong phòng ăn các công ty, trong các phòng giám đốc của các tổ chức nghiên cứu, chủ bút của các tờ báo và của hệ thống vô tuyến truyền hình, trong các hội trường ở George Town, các phòng khách của “những người đẹp” ở New York và trong các lớp học của các trường đại học lớn. Đó là những tầng lớp đã đưa lại sức mạnh, bảo đảm thắng lợi cho Mỹ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, nhưng đã làm cho Mỹ thất bại một trong những cuộc chiến đấu trọng yếu nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, đó là Việt Nam...”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã được thế giới ủng hộ mạnh mẽ bằng nhiều hình thức, trong đó có rất nhiều hoạt động diễn ra ngay ở các nước tư bản. Tính chung, có hơn 10 ủy ban quốc tế đoàn kết với Việt Nam của các tổ chức dân chủ, tôn giáo và tổ chức xã hội trên toàn thế giới; hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam; hơn 30 hội nghị quốc tế về Việt Nam và nhiều hội nghị quốc tế khác đã dành thời gian thảo luận bàn biện pháp để ủng hộ Việt Nam; một ủy ban quốc tế và hơn 20 ủy ban quốc gia điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương đã được thành lập; hàng trăm nước có mít tinh, biểu tình, bãi công chống Mỹ xâm lược Việt Nam; hơn 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam; hơn 160 triệu người ở nhiều nước ghi tên tình nguyện sang Việt Nam đánh Mỹ; 16 nước có phong trào hiến máu ủng hộ Việt Nam; 48 người ở 4 nước tự thiêu (trong đó có 16 công dân Mỹ) để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam; 83 cơ quan đại diện Mỹ ở các nước bị người dân đập phá, cờ Mỹ bị nhân dân ở 73 nước đốt để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam[5]…
Điều đó có thể nói, cuộc chiến xâm lược của Mỹ tại Việt Nam gần như là một cuộc chiến chống lại loài người và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống Mỹ cũng là một cuộc chiến vì nhân loại!
Trúc Giang
[1] Trần Hữu Đính, Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, in trong cuốn Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều tác giả, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.277.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.343-344.
[3] Xem thêm bài Đi tìm người du kích châu Mỹ Latin của nhà báo Hùng Thuật, Báo Tuổi trẻ ngày 15-8-2005.
[4] TS. Nghiêm Thị Hải Yến, Thụy Điển với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10-4-2015.
[5] Quỳnh Như, Nhìn lại “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”, Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 15-4-2005.