flag header

Tin tứcTin tức

Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khẳng định dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực chất, là ưu việt

Ngày đăng: 10-06-2022 Lượt xem: 1969

Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập vấn đề dân chủ. Đồng chí Tổng Bí thư đã soi chiếu nhiều khía cạnh của vấn đề dân chủ, có so sánh các biểu hiện dân chủ ở các chế độ chính trị khác nhau nhằm làm rõ tính chất ưu việt, thực chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên

chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phê phán dân chủ hình thức của phương Tây nhưng lại được nhiều người ủng hộ, đòi Đảng ta phải thực hành theo, Tổng Bí thư viết: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn”. Ở một số nước, có hiện tượng là một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào “99 chống lại 1” diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư phê phán: “Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”. Thực chất ở nhiều nước tư bản, sự thay nhau cầm quyền của các đảng phái, các thế lực chính trị nhưng hoàn toàn không tạo ra sự thay đổi căn bản về quyền làm chủ của nhân dân.

Vì vậy, theo Tổng Bí thư, chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi, trong suốt gần 8 thập kỷ qua và đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu các đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa: là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Đây thực sự là một định hướng tiến bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Trong các đặc trưng này, vấn đề dân chủ và các nội dung có liên quan được lặp lại khá nhiều lần.

Xét về bản chất, trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Cơ chế vận hành là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cách mạng Việt Nam, do đó không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo.

Về nguyên lý, Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Để đạt được mục tiêu đó, cần phải đồng thời thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một trong những minh chứng là việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bên cạnh việc lấy ý kiến trong Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể..., đồng thời công bố công khai toàn văn các dự thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện và được tổng hợp gửi về Trung ương. Các ý kiến đóng góp được tổng hợp lại thành 1.410 trang; báo cáo tổng hợp chung gần 200 trang. Trong quá trình soạn thảo các văn kiện, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng vừa phát huy dân chủ rộng rãi, bảo đảm tính khoa học, kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”.

Đại hội XIII đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm, trong đó có vấn đề dân chủ và thống nhất rằng, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cần phải thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Phải thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; làm tốt, có hiệu quả phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy, làm tốt vai trò làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Bên cạnh đó, “cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân”…

Đây thực sự là một định hướng lớn trong chỉ đạo chiến lược của Đảng, bởi không phát huy dân chủ, không gắn bó với nhân dân, không vì nhân dân thì các chủ trương của Đảng cũng khó mà thực hiện và sẽ không đem lại lợi ích thiết thực.

Trong tác phẩm này, đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương; thực hành dân chủ đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức... Đại hội XIII cũng đã nêu rõ, cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đồng thời, phải xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân…

Xuyên suốt trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tính thực chất, ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời đề cao vai trò của việc phát huy dân chủ trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, trên nền tảng “Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu mở rộng dân chủ trong tất cả các hoạt động, các lĩnh vực, các cơ quan, đơn vị để không ngừng phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trúc Giang