flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Tháng 7 tri ân

Ngày đăng: 27-07-2020 Lượt xem: 1209

Có một danh nhân đã nói đại ý rằng một dân tộc có nhiều anh hùng trong chiến tranh là một dân tộc đau khổ. Việt Nam có hơn 9 triệu người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... hiện đang được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Phải chăng dân tộc chúng ta là một dân tộc đau khổ? Sự hi sinh mất mát nào mà không chất chứa những khổ đau. Thế nhưng, chiến tranh cũng có hai loại là chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, dân tộc, bảo vệ  phẩm giá con người thì dù phải hi sinh lớn lao vẫn là điều không thể không làm.

1. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, lớp lớp những thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương đã ngã xuống vì nền độc lập của đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, cả 4 cha con anh hùng dân tộc Lê Lai đã hi sinh vì nước. Trong cuộc cần vương phò vua Hàm Nghi chống thực dân Pháp, cả gia đình Tôn Thất Thuyết đã hi sinh 16 người. Khi không bảo vệ được thành Hà Nội, Tổng đốc thành Hoàng Diệu đã tuẫn tiết tự tự theo thành, lấy thân mình đền nợ nước. Khi bị thực dân Pháp bắt, Nguyễn Tri Phương đã không chịu uống thuốc và ăn để tự kết liễu đời mình. Biết bao anh hùng nghĩa sĩ đã bỏ thân mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là những Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, những bậc đế vương đã từ bỏ ngai vàng để chịu chung số phận đau khổ với Nhân dân của mình. Đó là một Nguyễn Thái Học 29 tuổi bước lên đoạn đầu đài, trước khi bước lên máy chém vẫn còn ung dung đọc một bài thơ bằng tiếng Pháp:

“Chết vì Tổ quốc chết vinh quang

Lòng ta sung sướng trí ta nhẹ nhàng”

Đó là một Phó Đức Chính 23 tuổi trước khi bước lên máy chém của kẻ thù đã yêu cầu không được bịt mắt ông và phải để ông nằm ngửa để xem máy chém rớt xuống. Đó là một Cô Giang - Nguyễn Thị Giang, phu nhân của Nguyễn Thái Học đã chứng kiến toàn bộ cuộc hành quyết của giặc đối với chồng và các đồng chí của chồng rồi về quê chồng lạy tạ cha mẹ chồng rồi ra cây gạo đầu làng rút súng lục lúc sinh thời chồng tặng bắn vào đầu tự tử khi đang mang thai ở tháng thứ 7: “Xưa nay những đấng tài hoa/ Thác là thể phách còn là tinh anh” (Truyện Kiều)…

2. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lớp lớp những người con ưu tú của dân tộc tiếp tục nối tiếp nhau ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là một bộ trưởng, nguyên Trưởng ban Thường trực (Chủ tịch) Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã ngã xuống nơi chiến trường Việt Bắc. Đó là một Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã hi sinh ở chiến trường Tây Ninh. Đó là vị bác sĩ tài năng Nguyễn Văn Luyện, khi được tổ chức móc nối để đưa ra vùng an toàn đã tuyên bố hai con trai ông đều là chiến sĩ tự vệ thành, ông là bác sĩ, ông không thể bỏ chiến sĩ của mình được. Và rồi, cả 3 cha con ông đã hi sinh ngay những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Đó là một luật sư, đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Gia Định Thái Văn Lung đã ngã xuống những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.  Đó là một Võ Thị Sáu đã ung dung ngắt hoa cài lên mái tóc trên đường ra pháp trường. Đó là Hoàng Tam Hùng, một phi công tài năng, con trai độc nhất của Phó thủ tướng Hoàng Anh đã hi sinh trên bầu trời Hà Nội trong cuộc chiến 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội v.v…Biết bao lớp thanh niên đã xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Họ ra đi đâu phải vì không tiếc tuổi trẻ của mình. Họ ra đi bởi vì:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (Thanh Thảo).

Chiến tranh là mất mát, khổ đau, nhưng với phụ nữ và trẻ em, nỗi đau, mất mát phải nhân lên gấp nhiều lần. Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chồng, 09 người con trai, 01 con rể, 02 cháu ngoại là liệt sĩ. Cả mẹ và con gái của mẹ đều được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Má Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi có 08 con trai và 02 cháu ruột là liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Thập không những là nhà cách mạng nổi tiếng đã lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho, không những là vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với những dấu ấn đặc biệt xuất sắc, bà còn cống hiến cho đất nước người chồng và 02 con trai của mình. Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam cũng đã hiến dâng cho đất nước 03 người con trai yêu quý của mình…

Kể sao cho hết những hi sinh vô bờ bến của cả dân tộc. Ở khắp mọi nơi trên đất nước này, đâu đâu cũng ghi dấu những chiến công cùng những hi sinh mất mát:

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…” (Nguyễn Khoa Điềm).

3. "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam. Năm 1946, khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi": "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi".

Cuối năm 1946, trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội, người thanh niên Vũ Văn Thành, một chiến sĩ tự vệ của thủ đô đã bị thương rất nặng. Khi ấy, nếu không mổ thì anh không thể qua khỏi, nếu mổ thì không có điện, không có máu và thuốc cũng không đầy đủ. Khi ấy, tại căn hầm ấy chỉ duy nhất có bác sĩ Vũ Đình Tụng, một bác sĩ người công giáo cũng đang tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Điều trớ trêu, bác sĩ Vũ Đình Tụng lại chính là cha của chiến sĩ Vũ Văn Thành. Kết cục đau đớn xảy ra, ông đã không cứu được con trai của mình. Chiến tranh đã cướp đi của bác sĩ Vũ Đình Tụng người con trai thứ nhất sau tổng khởi nghĩa năm 1945 và giờ này lại cướp của ông người con trai thứ hai. Sau khi biết được tin buồn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho người gửi tới ông một bức thư với những lời lẽ chứa chan tình cảm và sự sẻ chia trước mất mát lớn lao này.

Kính gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng,

Tôi được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh, để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 1- 1947

HỒ CHÍ MINH”.

Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27-7-1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng một cuộc mít-tinh lớn tại Đại Từ, Thái Nguyên. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, đã hi sinh để đất nước nguyên vẹn hình hài hôm nay. “Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam…” (Nguyễn Phú Trọng).

                                                                                                                                     Vũ Trung Kiên