flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Tháng Tư Tri Ân

Ngày đăng: 23-04-2022 Lượt xem: 1073

Từ nhiều năm nay, cứ đến tháng 4, bên cạnh dòng chính với những cụm từ như “ngày giải phóng”, “ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “ngày tiếp quản”… chúng ta nghe đâu đó những cách gọi khá nặng nề, đầy hằn học như “tháng tư đen”, “tháng tư uất hận”; gắn liền với ngày 30-4-1975 thì có “ngày quốc hận”, “ngày mất nước”, “ngày quốc nhục”, “ngày Sài Gòn thất thủ”… Sự thật thì ngày 30-4-1975 đã đánh một cột mốc quan trọng của đất nước là giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến chống xâm lược, kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở nước ta sau gần 120 năm chống các thế lực phương Tây. Với hầu hết người Việt Nam, ngày 30-4 ấy đã đem lại hòa bình, hạnh phúc, đoàn tụ…, không còn cảnh nơm nớp bom rơi đạn lạc, không còn cảnh ly tán, chia lìa…

Nên ở dịp này, tác giả Nguyễn Quang Toản đã viết trong bài Ngày hội non sông: “Bắc Nam rực rỡ cờ hoa/ Nối tình ruột thịt, một nhà đoàn viên”. Còn Hồ Như trong Ký ức 30 tháng 4 thì viết: “Rợp cờ hoa nối từ Nam ra Bắc/ Mẹ đón con, vợ nắm chắc tay chồng/ Niềm vui vỡ òa cả dưới đất trên không/ Lòng náo nức của con Rồng cháu Lạc”. Tác giả Bằng Lăng Tím trong bài Tự hào tháng tư cảm động nghĩ đến những người đã anh dũng ngã xuống, “Cờ thấm máu bao con người đã ngã/ Dang vòng tay ôm cả đất mẹ hiền” và cũng không giấu được sự tự hào khi non nước thanh bình: “Mong hòa bình cho cuộc sống bình yên/ Ngày toàn thắng ba miền vui hạnh phúc”…

Đến nay, sau gần 50 năm hòa bình, thống nhất, chúng ta thật không vui khi nghe nhắc đến những cách nói còn thù hằn, cay cú. Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” có nêu: “Một số bà con vẫn còn giữ thái độ định kiến, mặc cảm; một số ít người còn có tư tưởng, hành động không phù hợp với lợi ích dân tộc”. Trên thực tế, cứ đến tháng 4, đến gần ngày 30-4 thì có một số tổ chức, cá nhân bày ra nhiều hoạt động “tưởng niệm” hoặc các hành động này khác than vãn cái gọi mà họ gọi là “mất nước”, nhân đó công kích chế độ hiện nay ở Việt Nam. Điều đáng mừng là các biểu hiện đó ngày càng nhạt đi bởi thành phần gắn chặt với chế độ cũ ngày càng ít đi, các thế hệ trẻ hơn có điều kiện nắm bắt thông tin nhiều hơn, có cơ hội về nước nhiều hơn nên đã ngày càng hiểu rõ tình hình trong nước, đã ít hưởng ứng các hoạt động mang tính hận thù của những thế hệ trước đó.

Đến những ngày tháng tư, cũng như nhiều dịp khác, chúng ta khép lại quá khứ nhưng vẫn không quên quá khứ, nhất là phải hiểu rõ cha anh chúng ta đã đấu tranh anh dũng như thế nào để có được độc lập, tự do, hòa bình như hiện nay, phải hiểu rõ kẻ thù của nhân dân ta là ai và đã có những hành động bạo tàn gì... Trong bối cảnh hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta có thể không nhắc nhiều đến các tội ác, các hành động trái với luật pháp quốc tế, đi ngược với lương tri nhân loại, đồng thời luôn chào đón mọi tổ chức, cá nhân muốn tham gia xây dựng đất nước, dù trước đó họ từng có những hoạt động chưa phù hợp. Và trong bối cảnh đó, chúng ta có thể nhắc đến tháng tư là tháng tri ân, một cách chân thành và trân trọng.

Trước hết, chúng ta phải biết ơn những người đã đổ xương máu vì nền độc lập, tự do của đất nước. Trong bài Nấm mộ và cây trầm, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã viết riêng cho một chiến sĩ tên Hùng nhưng cũng là lời chung cho tất cả các anh hùng, chiến sĩ: “Chết - hy sinh cho Tổ quốc” Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng… Hay sự hy sinh của người chiến sĩ trên đường băng Tân Sơn Nhất năm 1968 được tạc tượng thành Dáng đứng Việt Nam như thơ Lê Anh Xuân với lòng khâm phục và biết ơn: Tên Anh đã thành tên đất nước/ Ôi anh Giải phóng quân!/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân… Không có những người “ra đi đầu không ngoảnh lại” (thơ Nguyễn Đình Thi) thì đất nước ta không thể “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi).

Chúng ta tri ân những người mẹ “hai lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” (Đất nước, của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn), những người vợ “Thế kỷ qua chờ đợi chồng về/ Không dám đứng mà lao mình ra trước/ Bới tóc thề lên nuôi quân tải đạn/ Vắt bờ ngực xuân đầy chăm chút những đàn con” (Hòn vọng phu – thơ của Trần Thị Hoàng Anh)… Trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, những người vợ, người mẹ, đại diện cho bao nhiêu người phụ nữ khác, đã thể hiện sự hy sinh vô bờ để đưa tiễn người thân ra chiến trường, bản thân ở hậu phương cũng “vững tay cày chắc tay súng”. Tại miền Nam, nhiều phụ nữ còn tham gia công tác binh vận, địch vận, đồng thời nuôi dạy con em để tiếp tục bổ sung cho chiến trường những chiến sĩ mới.

Chúng ta tri ân bao nhiêu người khác đã âm thầm cống hiến, đóng góp bằng nhiều hình thức với tinh thần “xe chưa qua nhà không tiếc” để góp chút công, chút của cho kháng chiến. Những “tía”, “má” ở vùng nông thôn, các vùng “lõm” ở đô thị, các “căn cứ” trong lòng dân… thực sự là thành trì để chở che cho bao thế hệ cán bộ cách mạng, chiến sĩ, nhờ đó có thể tổ chức các trận đánh, các đường dây đưa tài liệu, vũ khí, thuốc men, phương tiện… từ chiến khu vào thành và ngược lại. Không có các “căn cứ lòng dân” này thì e là nội hàm của cụm từ “chiến tranh nhân dân” khó mà diễn đạt được một cách trọn vẹn.

Chúng ta cũng tri ân nhiều người dân đã nhiệt tình tham gia các cuộc đấu tranh, hưởng ứng các phong trào do Đảng lãnh đạo, trước hết vì quyền lợi của họ, sau nữa vì nhận ra tính đúng đắn của các chủ trương, chính sách đó của cách mạng. Nhiều người vì hăng hái tham gia mà dũng cảm đương đầu với họng súng, lưỡi lê, đối diện với tù đày, đòn roi tra tấn… Trong số này có cả học sinh, sinh viên, trí thức, chức sắc tôn giáo; đặc biệt, có những người nếu cầu an thì với địa vị của mình, họ có thể sống an nhàn, sung sướng, nhưng vì hưởng ứng các cuộc vận động của cách mạng mà sẵn sàng xả thân, với mong mỏi góp phần sớm đem lại hòa bình cho dân tộc, thống nhất cho đất nước…

Dịp tháng tư này, chúng ta cũng không quên tri ân bao nhiêu người Việt Nam ở nước ngoài vốn rời đất nước ra đi từ sau ngày 30-4-1975, phần lớn vì “nghe theo” luận điệu tuyên truyền của chế độ cũ, sau này đã góp công sức, trí tuệ, tiền của để phục vụ đất nước. Hằng năm, hàng tỷ USD kiều hối chính là tấm lòng của kiều bào gửi về người thân trong nước, cũng là gửi về đất nước để cùng xây dựng nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, sự ủng hộ, động viên, giúp đỡ của kiều bào, người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới hướng về Tổ quốc với những hành động cụ thể, thiết thực, rất có ý nghĩa và nhờ đó góp phần đẩy lùi dịch bệnh, cứu giúp được nhiều người…

Và, hẳn chúng ta cũng không thể không nhớ ơn nghĩa của đông đảo bạn bè và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Trong bản Di chúc năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “(đến ngày kháng chiến thắng lợi hoàn toàn) tôi sẽ thay mặt nhân dân ta thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Sự giúp đỡ đó còn thể hiện rõ trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.

Tháng tư, chúng ta cùng nhau nhớ lại những chiến công hào hùng của cha anh trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại và nghĩ về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hùng cường của tất cả người Việt Nam. Tháng tư, chúng ta cùng nhau nghĩ đến lòng biết ơn của thế hệ đi sau với các thế hệ đi trước cũng như với tất cả các tổ chức, cá nhân đã đồng hành với nhân dân ta trong cuộc kháng chiến và khôi phục, phát triển đất nước. Tháng tư, chúng ta khép lại những quá khứ đau thương và cùng hướng về một tương lai tốt đẹp nhưng cũng không cho phép bất kỳ ai có thái độ vô ơn hoặc xuyên tạc về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tháng tư, chúng ta “vui sao nước mắt lại trào” trong bối cảnh “đất nước trọn niềm vui” nhưng sẽ sẵn sàng phản bác, đấu tranh với các luận điệu sai trái, bẻ cong lịch sử, xuyên tạc sự thật… Và tháng tư, chúng ta cùng nhau hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, để phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, như mục tiêu đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định.

TRÚC GIANG