flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là thể hiện chủ trương đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực của cả đất nước

Ngày đăng: 30-05-2022 Lượt xem: 692

Một trong những vấn đề đang "nóng" trên mạng xã hội những ngày gần đây là những luận điệu xuyên tạc về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh). Trong khi, từ cơ sở lý luận và thực tiễn đều cho thấy việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là cần thiết, đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, thì các phần tử phản động, cơ hội, các thế lực thù địch lại suy diễn, quy chụp việc thành lập cơ quan này bằng những luận điệu hết sức phản động.

Cụ thể, chúng cho rằng, do công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không đạt được như mong muốn và việc “việc đốt lò không như ý”, nên mới phải tổ chức thêm một cơ quan ở cấp tỉnh. Với "chế độ độc đảng cầm quyền như hiện nay, thì càng đấu tranh càng xuất hiện nhiều tham nhũng và tham nhũng càng khủng". Việc thành lập thêm một cơ quan như thế này càng cho thấy sự bất lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phòng và chống tham nhũng, tiêu cực; thực tế đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là hình thức, để mỵ dân…

Trước việc các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, gây phân tâm trong xã hội bằng những thông tin tiêu cực, sai trái, xuyên tạc, suy diễn này, cần phải khẳng định rằng:

Đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực là để làm trong sạch hệ thống chính trị

Nhận thức sâu sắc những hệ lụy từ tham ô, tham nhũng, tiêu cực - những tệ nạn nguy hiểm/là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân có tác động không nhỏ đến sự trong sạch của Đảng cầm quyền nói riêng, của cả hệ thống chính trị nói chung, từ khi bắt đầu xây dựng nền cộng hòa dân chủ cho đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đều chú trọng công tác phòng và đấu tranh chống những vấn nạn này. Có thể thấy, những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mang trong mình những những tật bệnh tham ô, tham nhũng, tiêu cực này chính là những người suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, đã là những người “hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”[1]. Đó là những người luôn ỷ thế vào quyền lực/quyền hạn/trách nhiệm được trao tại các cơ quan công quyền để lợi dụng/lạm dụng quyền lực mưu cầu lợi ích cho mình/nhóm mình/dòng họ/địa phương mình mà không màng đến lợi ích của Đảng, và của nhân dân. Đó là những người vì mục đích cá nhân mà suy nghĩ, hành động vụ lợi, dẫn đến vi phạm các nguyên tắc, kỷ luật của Đảng và sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Vì thế, công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực luôn gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Càng ở vào những thời điểm bước ngoặt, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực càng được đẩy mạnh. Kể từ khi được thành lập, đặc biệt là từ khi quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo Trung ương) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban (từ năm 2012 đến nay), công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến đột phá; nhất là đã giải quyết một cách kịp thời những vấn đề cả xã hội đang quan tâm cũng như những hiện tượng còn tồn đọng, gây bức xúc trong dân…

Những kết quả đạt được đó không chỉ khẳng định việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mà còn góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; thiết thực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; được cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như dư luận quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là vô cùng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm; không chỉ là vấn nạn ở Việt Nam mà tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bất kể là theo thể chế chính trị nào (tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa). Ở Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, thực trạng tham ô, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội vẫn chưa được khắc phục triệt để; có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn và chúng được che đậy bằng những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp.

Thực trạng này không phải chỉ diễn ra ở cấp Trung ương mà còn xảy ra từ tỉnh đến huyện và xã. Càng ở các tuyến dưới, nhất là ở các địa bàn cơ sở, các hiện tượng tham ô, tham nhũng, tiêu cực "vặt" càng đa dạng và hệ lụy từ các hiện tượng đó thì không nhỏ, không "vặt" chút nào. Trong đó, việc các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền của hệ thống chính trị lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công hoặc buộc/gợi ý doanh nghiệp, người dân phải lo lót, bôi trơn… vì mục đích vụ lợi cá nhân đã không còn là hiện tượng đơn lẻ.

Vì thế, Đại hội XIII của Đảng; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và nhiều Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) thời gian gần đây đã nhấn mạnh trọng tâm phải đẩy mạnh phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong cả hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung gắn phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực với phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị. Đi liền cùng đó là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát hiện, xử lý tham ô, tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở; khắc phục tình trạng trên nóng, dưới lạnh…

Vì thế, trên tinh thần vừa kế thừa kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương, vừa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương và nhất là để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ được xem là “cánh tay nối dài của Trung ương” để sâu sát hơn, kịp thời hơn trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, bức xúc trong dân ở địa phương mà còn thiết thực làm cho công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo, tiến hành thống nhất, liền mạch, chặt chẽ theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sẽ mang lại kết quả tích cực 

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Kết luận 10), công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến tích cực; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn… Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời. Tại các cấp, vẫn còn những vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, những biểu hiện tiêu cực trá hình có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp, không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận 10 tuy đã được triển khai thực hiện, song vẫn còn chậm và hiệu quả chưa cao…

Vì thế, ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Thông báo Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Kết luận 12). Trong đó, những yêu cầu được nêu trong Kết luận 12 là phải khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Đi liền cùng đó là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… để tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; để xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Việc Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là thể hiện chủ trương đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, không ngừng, không nghỉ; là thể hiện quyết tâm không khoan nhượng, không bao che với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, bảo đảm cho công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thông suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trên tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang sáng suốt” để đạt được hiệu quả cao nhất.

Cho nên, có thể khẳng định rằng, bất chấp sự suy diễn, quy chụp, xuyên tạc, bôi đen của các thế lực thù địch, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là một minh chứng cho thấy, chưa bao giờ công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như hiện nay. Cũng chưa bao giờ, những chủ trương đúng đắn, những chỉ đạo sát sao và những dấu ấn nổi bật trong công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam lại tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội; lại góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước như hiện nay

Với sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chắc chắn công cuộc phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực dù diễn ra gay go, ác liệt, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, song nhất định sẽ thắng lợi. Tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân./.

Mai Luân

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.20