flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 44 NĂM RẠNG RỠ TÊN VÀNG

Ngày đăng: 02-07-2020 Lượt xem: 5819

Năm 1911, từ Thành phố Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc với tâm nguyện tìm kiếm con đường mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 05/6/1911, Sài Gòn ghi dấu một sự kiện có ý nghĩa như một trong những cột mốc khởi đầu đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam. Hơn 100 năm sau, càng thấy rõ hơn tầm vóc của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - miền đất “đi trước về sau” trong sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược, lại là miền đất vươn lên “đi trước và về đích trước” trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và có thể khẳng định rằng, xuyên suốt các chặng đường lịch sử, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh luôn thể hiện vai trò của một địa phương hết lòng “vì cả nước, cùng cả nước”.

Kể từ thời khắc lịch sử ngày 05/6/1911 đến ngày đại thắng mùa Xuân vang dội năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã trải qua những chặng đường sôi động; đấu tranh yêu nước và cách mạng để giành độc lập dân chủ; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành song song hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết của Quốc hội chính thức đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh do Chủ tịch Trường Chinh ký ngày 02/7/1976

Trải qua những giai đoạn bi hùng, gian khổ mà vinh quang và oanh liệt đó, Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và đáng tự hào trong những trang sử vàng của toàn dân tộc. Để ghi lại dấu ấn đặc biệt của vùng đất Sài Gòn - Gia Định cũng như đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân từ Bắc chí Nam, ngày 02 tháng 7 năm 1976 Quốc hội chính thức ra Nghị quyết với nội dung chính như sau: “Xét rằng nhân dân Thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người, xét rằng trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định: Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tên Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt cho Thành phố Sài Gòn - Gia Định là một vinh dự rất lớn nhưng đồng thời cũng đòi hỏi trách nhiệm cao của Thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự đòi hỏi nghiêm khắc của đất nước đối với Đảng bộ và nhân dân Thành phố, đòi hỏi người dân thành phố một tinh thần trách nhiệm cao, một bản lĩnh mới đầy năng động - sáng tạo, một bản lĩnh quản lý kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc với tư cách là người làm chủ tập thể trước mọi thử thách.

Trên thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị còn rất trẻ, vùng đất này cách đây hơn 300 năm vẫn còn là chốn “rừng thiêng nước độc”, nơi mà chỉ có sự tồn tại của cọp beo, thú dữ, nơi mà chỉ có sự khắc nghiệt của thiên nhiên, môi trường, nơi mà chẳng ai dám nghĩ rằng sau này nó sẽ trở thành một vùng trù phú như hiện tại… Tuy chỉ hình thành và phát triển hơn 300 năm, nhưng Thành phố là địa bàn luôn phải đối mặt với vô số những thử thách, trở ngại và khó khăn, chỉ tính riêng thế kỉ XX, chúng ta có thể thống kê được hàng ngàn những sự kiện lớn nhỏ mà ở đó, Thành phố đã chứng minh cho ta thấy được cái bản lĩnh kiên cường và ý thức sáng tạo đặc biệt của người dân nơi đây trong quá trình xây dựng, và bảo vệ Thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX, Sài Gòn trở thành một đầu mối quan trọng trong quá trình truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, trở thành nơi đầu tiên hình thành các tổ chức cách mạng theo khuynh hướng mới, chẳng hạn như tổ chức Công hội đỏ do Tôn Đức Thắng tổ chức; tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, Tân Việt cách mạng đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và nhiều tờ báo tiến bộ cũng đồng thời xuất hiện… điều đó cho thấy rằng, người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự tác động của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và những chuyển biến của tình hình cách mạng thế giới đã có những bước đi tiên phong vô cùng mới mẻ trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Tính năng động và sáng tạo của Thành phố ngày càng được bộc lộ rõ hơn từ khi có ánh sáng cách mạng của Đảng và sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ngày có Đảng, Đảng bộ Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh vững vàng hơn, có những bước đi tiên phong, dũng cảm hơn trong nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập tự do. Có thể kể đến các cuộc bãi công, bãi khóa, biểu tình, các buổi mít tinh, diễn thuyết diễn ra với nhiều hình thức khác nhau và vô cùng phong phú. Từ “Mặt trận báo chí thống nhất” chống chủ trương Nam Kỳ tự trị buổi đầu khởi nghĩa chống Pháp đến ngày “Ký giả đi ăn mày” chống chế độ Mỹ - Thiệu, từ phong trào học sinh yêu nước với Trần văn Ơn với nỗi uất hận, căm thù quân giặc cùng khẩu hiệu: “Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống, sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”, với Trần Bội Cơ năm 1950 ở Sài Gòn, đến các cuộc xuống đường thời chống Mỹ của sinh viên đánh Mỹ, đốt xe Mỹ ngay tại Sài Gòn, “hát cho đồng bào tôi nghe”, “kể chuyện tổ tiên anh hùng, liệt sĩ ngày xưa” trong những “đêm không ngủ”. Từ các phong trào “bảo vệ văn hóa dân tộc”, “bảo vệ văn hóa người phụ nữ”, đến những cuộc đấu tranh chính trị trực diện đòi Mỹ cút về nước, những ngọn lửa tự thiêu chống chế độ “bầu cử độc chiến”, “đòi hòa bình trung lập”… tất cả đều xuất phát từ Sài Gòn, từ những con người anh dũng, kiên trung, dám nghĩ dám làm mà ra.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Thành phố gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng đã có sự nhạy bén từ những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế xã hội, những lãnh đạo kiệt xuất của Thành phố như đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… với phong cách dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm đã cùng đảng bộ và nhân dân trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi cái mới để tháo gỡ ràng buộc của cơ chế cũ, từ đó chuyển mình góp phần không nhỏ thiết lập cơ chế quản lý mới, chống tập trung quan liêu bao cấp, tạo nên xung lực mạnh mẽ mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, ghép một mảnh ghép lớn trong quá trình đổi mới đất nước. Nổi bật nhất là những phong trào thi đua nổi bật, tạo tiếng vang cho cả nước, các phong trào góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng: “Xóa đói giảm nghèo”, Tuổi trẻ tình nguyện, Vượt khó vươn lên, 3 tương trợ 3 tiết kiệm, Nông dân sản xuất giỏi, Phong trào 3T, Mỗi cá nhân một sáng kiến, mỗi tập thể một công trình..., mạnh dạn cải cách hành chính với mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, đi đầu trong việc triển khai xây dựng Trung tâm phần mềm Quang Trung, khu Công nghệ cao…  

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những phát triển vượt bậc, kinh tế thành phố luôn giữ mức độ tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trong nước địa phương (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3/năm, lực lượng lao động lên đến 4,7 triệu người, tỷ trọng kinh tế Thành phố trong kinh tế cả nước liên tục tăng, đến năm 2020 chiếm gần 23% GDP cả nước, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực cũng như trong cả nước; phong trào quần chúng ở các giới, các tổ chức chính trị - xã hội luôn sôi nổi, thiết thực cùng với Đảng bộ, chính quyền chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với nước, người nghèo; từ một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho những hộ dân đang sống trên và ven kênh, rạch với 7.266 căn, cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới 221 chung cư, nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, phát triển các đô thị mới; xây dựng và hoàn thiện nhiều khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ mới (đốt rác phát điện), các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải y tế đạt quy chuẩn Việt Nam về môi trường, hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp nước sạch cho thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố rất quan tâm đến khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới xây dựng Thành phố thông minh, các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế xã hội, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, là cái nôi của cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Ngoài ra, Thành phố đã và đang tập trung xây dựng và triển khai các Trung tâm như: Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố… Những phong trào thi đua và công tác kể trên đã giúp Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đời sống văn hóa đô thị, lối sống thị dân đồng thời đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc Nhân dân

Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, đặc biệt năm 2020 - năm diễn ra sự kiện quan trọng là tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Thành phố đề ra mục tiêu phát triển tổng quát giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thức tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa của cả nước và khu vực Đông Nam Á[1].

Đã 45 năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng, 44 năm ngày thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, có thể khẳng định rằng Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện rất tốt việc kế thừa và phát huy truyền thống năng động sáng tạo của lớp người đi trước, biến truyền thống năng động và sáng tạo ấy trở thành thuộc tính đáng quý của Thành phố, tuy nhiên, trong thời đại mới hôm nay, Thành phố đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”, với kinh nghiệm và bản lĩnh được tôi luyện, với tri thức trách nhiệm và dưới ánh sáng dẫn đường của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, có thể tin rằng những thách thức lớn mà Thành phố phải đối mặt trong thời gian tới sẽ là cơ hội để Thành phố khẳng định rõ hơn bản lĩnh trong sự năng động, sáng tạo của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố ngày càng phồn vinh, văn minh, hiện đại, hướng tới mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống cả tinh thần lẫn vật chất của toàn dân. Mãi mãi xứng đáng là thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Thành phố Anh hùng.

Nguyễn Huyền

 

[1] Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Dự thảo lần 2).