Ngày đăng: 26-04-2020 Lượt xem: 2567
Hơn 3 tháng qua, đại dịch COVID-19 như cơn bão lớn càn quét toàn cầu, gây ra nhiều thiệt hại, tổn thất, làm đảo lộn nhiều giá trị, trật tự xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, giữa khốn khó, nguy cấp đó cũng nẩy sinh rất nhiều điều tốt đẹp. Đó là sự sẻ chia yêu thương, là tình người tương thân tương ái, là những nghĩa cử mỗi ngày được nhân rộng hơn, sáng tạo hơn bao giờ hết giữa người và người để an ủi, động viên nhau, truyền cho nhau năng lượng tích cực, mang đến hy vọng, niềm tin ở một ngày mai tốt đẹp hơn. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, giữa mùa dịch bệnh, thông tin về số người thiệt mạng rất nhanh khi nhiễm bệnh, tăng vùn vụt ở các nước trên thế giới, giữa muôn trùng nỗi sợ, lo lắng... lại xuất hiện thật nhiều nghĩa cử lan tỏa yêu thương trong cộng đồng được thể hiện đa dạng, đa chiều, đồng loạt xuất hiện ở mọi thành phần lao động trong xã hội, với muôn hình vạn trạng mà tất thảy đều tự nguyện, chân tình. Chưa bao giờ tình thương yêu được thể hiện một cách sâu nặng, ấm áp, lan tỏa đến vậy và chưa bao giờ người ta càng yêu thương nhau, càng muốn chia sẻ thì lại càng phải nghĩ mọi cách giữ gìn cho nhau, tìm mọi cách thông minh nhất, phù hợp nhất để tương trợ nhau, bảo bọc nhau.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã vào cuộc mạnh mẽ, bình tĩnh đương đầu với nhiều khó khăn thách thức, lãnh đạo Thành phố đã tổ chức việc phát động Nhân dân TPHCM tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực như quyên góp tiền bạc, hiến máu tình nguyện, tham gia xung phong giúp các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ người nghèo, người cơ nhỡ vượt qua giai đoạn khó khăn của mùa dịch…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu tiếp nhận bảng tượng trưng ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 từ Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP
Bên cạnh những chính sách an sinh xã hội tích cực, đầy tính nhân văn, nghĩa tình của lãnh đạo Thành phố thì chủ trương huy động sự đóng góp của xã hội cũng được thực thi mạnh mẽ. Dưới những chủ trương đó, các nhóm thiện nguyện xuất hiện ngày một đông, nhiều thành viên hơn, cùng xiết chặt tay, người có nhiều góp nhiều, kẻ có ít góp ít, người ra công, kẻ góp của. Họ thuộc đủ thành phần: trí thức, văn nghệ sĩ, thầy cô giáo, doanh nhân, bác sĩ, sinh viên, học sinh, bộ đội,... có cùng tâm thiện lành mong muốn góp phần làm nhẹ đi gánh nặng cuộc sống cho các đối tượng thuộc nhóm dân cư “dễ bị tổn thương”, có cuộc sống bấp bênh, không bền vững. Đó là người khuyết tật (về thể chất và tâm thần); người lao động nhập cư đến từ những vùng nông thôn và các thành viên trong gia đình đi cùng; người nghèo thành thị; người bệnh HIV/AIDS; người dân tộc thiểu số; nạn nhân buôn bán người,...,... Đi đầu trong số đó là nhiều cán bộ, đảng viên của Thành phố như đồng chí Vũ Chí Kiên, đảng viên, hội viên Chi hội 2C, Hội Cựu chiến binh phường Bến Nghé, Quận 1 đã đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố trao 2 tỷ 400 triệu đồng ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid -19, hay trường hợp đồng chí Lê Thị Văn, 90 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng (ngụ tại số 238/10/17, đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) đã ủng hộ 15 triệu đồng. Điều đặc biệt hơn là, phần đóng góp đáng quý trên là số tiền mà bà có được khi nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng vào năm 2019. Bà đã giữ nguyên số tiền này cho đến khi quyết định ủng hộ toàn bộ vào Quỹ Phòng, chống Covid-19 của thành phố Hồ Chí Minh….
Máy ATM phát gạo miễn phí được đặt tại số 204B đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP.HCM).
Chưa bao giờ xã hội lại lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp như thế. Chính nhờ hệ thống truyền thông mạnh mẽ và nhanh nhạy đã góp phần chuyển tải những thông điệp yêu thương, như ươm những mầm xanh đầy nhựa sống đâm chồi ra khắp chốn nhân gian. Từ việc một chủ nhà trọ giảm giá, rồi miễn tiền thuê phòng trọ cho công nhân, sinh viên nhẹ bớt gánh lo, sau đó hàng loạt chủ nhà trọ cũng đồng lòng tự nguyện theo gương người tốt việc tốt; từ hành động đẹp của một cụ bà hơn 80 tuổi chăm chỉ ngày đêm cắt may khẩu trang để tặng bà con chòm xóm trong mùa dịch, lan tỏa đến các nhà may chuyên nghiệp, vận động thợ, kẻ cắt người may, mỗi ngày ráp nối vài trăm khẩu trang gửi ra ủy ban nhân dân, hội phụ nữ quận phân phát cho người dân địa phương, cho khách du lịch; một gia đình ngày ngày gói ghém nhiều phần quà, gồm gạo, mì gói, nước tương, đường,... đặt trước cửa nhà với một bảng chữ “Nếu bạn khó khăn cứ nhận một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” - nghĩa cử đáng trân trọng không chỉ giúp người qua cơn ngặt nghèo mà có ý nghĩa giáo dục lòng tự trọng, cho dù cuộc sống quá khốn khó cũng không nên giành phần nhiều về mình, nghĩa cử đó cũng lan tỏa đến nhiều gia đình khác chọn cách làm từ thiện ấm áp và thẳng thắn này. Còn nhiều nữa, hàng trăm thùng bánh mì miễn phí dành cho người nghèo, hàng loạt quán cơm miễn phí, những hàng cháo nóng hổi, thơm tho được mở ra, được đưa đi, trao tận tay người lang thang cơ nhỡ, thiếu ăn; từ sáng kiến mở một cây ATM gạo cho người nghèo tại TPHCM đến nhận đã lan tỏa thành hàng trăm cây ATM gạo ở khắp các tỉnh thành. Có nơi trương bảng chữ “Cần thì lấy, có thì cho” - đã tạo thành một điểm hẹn của những tấm lòng hữu hảo đến tặng hàng trăm, hàng ngàn kí gạo, để nối dài thêm dòng người đến nhận, trật tự và bình an, khi đến là mừng vui, lúc về thì ấm áp trong phần được san sẻ cho mình. Và, mới đây nhất Công ty Apec Group cùng các đơn vị doanh nghiệp đồng hành đồng loạt mở 18 chuỗi “siêu thị hạnh phúc không đồng” trên cả nước, với 3 gian hàng lương thực, thực phẩm; quần áo và sách truyện. Mỗi khách hàng sẽ được chọn 5 sản phẩm khác nhau với tổng giá trị cho mỗi lần đến siêu thị là 100 ngàn đồng và được đến nhận 2 lần trong một tháng. Mô hình đầy tính nhân văn này nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng và các nhà hảo tâm cùng chung sức đóng góp. Nhiều người hy vọng mô hình không chỉ hoạt động trong mùa dịch mà còn có thể được duy trì một thời gian sau mùa dịch bệnh, giúp người nghèo giảm bớt khó khăn.
TPHCM phát gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ người nghèo, người làm nghề tự do gặp khó khăn
Dưới những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và TPHCM, còn nhiều, nhiều nữa các hình thức tặng, trao, chia sẻ trong thời gian qua. Nghĩa cử nào cũng đáng trân trọng, món quà nào cũng thật ý nghĩa. Thật xúc động khi biết có khá nhiều công nhân lao động, sinh viên nghèo, mặc dù thu nhập còn hạn hẹp, đời sống khó khăn, nhưng cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, bằng những việc làm giản dị phù hợp với điều kiện của mình... công tác từ thiện dường như là một nhu cầu ai cũng có. Làm từ thiện trước hết là giúp đỡ người khó khăn, nhưng sâu xa chính là đang giúp mình có cơ hội chia sẻ, làm điều thiện lành, làm người tốt, bản thân trở nên hoàn thiện hơn. Và, trong xã hội của chúng ta, ngày càng nhiều những người như thế: âm thầm cho đi vô điều kiện, không mong cầu phước báo, không cần được cảm ơn, không cần được thông tin ghi nhận,...
Có thể nhắc lại rằng, từ lâu, nghĩa tình đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là một động lực quan trọng tạo nên sự đồng lòng, hiệp lực, nhất là trong những lúc khó khăn. Phẩm chất nghĩa tình của nhân dân Thành phố luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố, thể hiện trong mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, và đang thể hiện rất rõ nét, dưới nhiều hình thức phong phú trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19 này. Nghĩa tình - đặc tính vốn có của chính quyền và người dân ở thành phố này, tin rằng sẽ mãi đầy lên, nhiều hơn và lan tỏa sâu hơn trong mọi hoàn cảnh.
Nguyễn Thị Thu Hoài
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh