flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Thành phố Hồ Chí Minh luôn bình tĩnh, tự tin, quyết tâm vượt qua đại dịch

Ngày đăng: 12-07-2021 Lượt xem: 3787

Thành phố Hồ Chí Minh đang vào đợt cao điểm của đợt 4 dịch COVID-19, đợt dịch này đã kéo dài 75 ngày (kể từ 27.4) lan rộng trên nhiều tỉnh, thành của cả nước. Riêng TP.HCM, từ 27.4 đến sáng 12.7 đã có hơn 11.934 ca nhiễm COVID-19. Hiện TP.HCM có hàng trăm điểm, khu vực tạm phong tỏa; hàng chục nghìn người đang cách ly tập trung, xuất hiện các chủng vi rút SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần (F1) lớn gây quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung. Do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại Thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng vi rút Delta, chủng vi rút được Tổ chức Y tế thế giới xem là chủng trội toàn cầu, có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.

Các giải pháp chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19

Nhằm chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung; Thành phố yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 theo công thức 14-14 (14 ngày cách ly tập trung, 14 ngày cách ly tại nhà) dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp chuyên môn trong tổ chức cách ly tại nhà cho đối tượng F1, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét việc triển khai tiếp theo. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà, người ở cùng nhà, cán bộ y tế và đơn vị liên quan phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. UBND TP.HCM yêu cầu các trung tâm y tế địa phương chỉ đạo, giám sát trạm y tế hằng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người dân cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly; hỗ trợ người cách ly đo thân nhiệt nếu người cách ly không tự đo được. Đồng thời, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà. 

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Trung ương, nhằm không được phép để đứt gãy các chuỗi sản xuất, đảm bảo duy trì mục tiêu kép, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra ngay các phương án sản xuất an toàn tại một số khu sản xuất, công nghiệp để kịp thời chia sẻ và phối hợp, tạo điều kiện cho DN vừa sản xuất vừa đảm bảo chống dịch; khẩn trương tham mưu UBND TP kế hoạch tổ chức cho một số DN vừa cách ly, vừa sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi sản xuất và bảo vệ sức khỏe người lao động. Đồng thời, thành lập 100 tổ kiểm tra hướng dẫn an toàn phòng chống dịch tại các điểm trên, đẩy mạnh lấy mẫu test nhanh tại doanh nghiệp. Thành phố cũng khuyến khích các DN điều chỉnh giờ làm việc để hạn chế tập trung đông người. Khi đưa đón người lao động và bố trí ăn trưa phải cố định vị trí để sẵn sàng truy vết khi có yêu cầu. Ngoài ra, các địa phương, Ban quản lý các KCX, KCN, KCNC tiếp tục siết chặt việc giãn cách tại các nhà máy, cơ sở sản xuất và các biện pháp phòng dịch theo Bộ tiêu chí an toàn tại DN do TP. Hồ Chí Minh ban hành và 100% nhà máy, cơ sở sản xuất phải được hậu kiểm để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Chuẩn bị sẵn phương án tổ chức cách ly tập trung bên trong KCN, KCX nếu xảy ra tình huống có ca dương, để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, lao động (có thể cách ly tập trung ở địa điểm khác và tổ chức đưa đón bằng phương tiện riêng đến nơi làm việc) …

Các chính sách an sinh xã hội của thành phố đến với nhiều đối tượng nhân dân

Để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, HĐND TP.HCM vừa thông qua một số chế độ chính sách đặc thù, phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 886 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách của TP.HCM. Việc chi gói hỗ trợ sẽ được thực hiện khẩn cấp, không cần thủ tục, thực hiện nhanh chóng trong vòng 3 tuần, trong tháng 7-2021. 

Theo kế hoạch đã được thông qua, đối với đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (tức lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19, TP.HCM quy định mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, áp dụng trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng. TP.HCM dự kiến có khoảng 230.000 lao động tự do được hỗ trợ.

Đồng thời, thành phố sẽ hỗ trợ cho lao động  tự do làm trong 6 nhóm công việc, gồm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM ngày 30.5.

Với đối tượng lao động tại các doanh nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; cơ sở giáo dục dạy nghề dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM)... bị ảnh hưởng bởi dịch, TP.HCM quy định điều kiện, mức hỗ trợ 1 lần mức 1,8 triệu đồng/người cho khoảng 80.000 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động (vẫn còn hiệu lực) từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1.5 - 31.12.2021 và đang tham gia đóng BHXH bắt buộc trước khi tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương... Hỗ trợ 1 lần mức 1,8 triệu đồng/người cho khoảng 20.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ 1.5 - 31.12.2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, TP.HCM sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/người với đối tượng đang mang thai; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng). TP.HCM cũng sẽ thực hiện chi hỗ trợ 1 lần 2 triệu đồng/hộ cho khoảng 10.000 hộ kinh doanh thành lập theo pháp luật doanh nghiệp (trừ hộ cho thuê nhà và mặt bằng) phải dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP để kiểm soát dịch Covid-19. 

Cùng thực hiện gói hỗ trợ của TPHCM, TPHCM cũng bắt đầu triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ vừa ban hành ngày 1-7. Nguyên tắc là những người nào chưa nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM thì sẽ nhận hỗ trợ theo diện quy định theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Hoặc, trường hợp nào đã nhận hỗ trợ mà mức hỗ trợ theo Nghị quyết 09 thấp hơn Nghị quyết 68 thì sẽ được TPHCM hỗ trợ thêm khoản chênh lệch, bằng với quy định tại Nghị quyết 68.

Về nguyên tắc, các gói an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 sẽ được thực hiện với thủ tục đơn giản nhất để người dân, doanh nghiệp thuận lợi và kịp thời tiếp cận chính sách hỗ trợ của TPHCM, đảm bảo ý nghĩa chia sẻ: một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Người dân Thành phố cần bình tĩnh, tự tin, quyết tâm vượt qua đại dịch

Qua những chỉ đạo và việc thực hiện quyết liệt của hệ thống chính trị Thành phố nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 bước đầu đã có những hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, trên không gian mạng lại xuất hiện rất nhiều thông tin tiêu cực, thậm chí xấu độc về dịch bệnh COVID-19 với mục đích nhằm tạo hoang mang lớn trong người dân, xuyên tạc các chủ trương chính sách của Nhà nước, của thành phố trong hỗ trợ nhân dân chống lại COVID-19, nói xấu và chê bai lãnh đạo thành phố trong các chủ trương đẩy lùi dịch bệnh…

Khi tìm hiểu thì mới phát hiện nguồn phát tán thông tin này lại từ một số người lợi dụng vị trí của mình là bác sĩ, là nhà báo, nhà khoa học… thay vì sử dụng kiến thức của mình đồng lòng hỗ trợ Thành phố hiến kế các giải pháp đẩy lùi dịch bệnh thì lại đưa các quan điểm, suy nghĩ chủ quan, cá nhân tiêu cực của mình lên không gian mạng. Số khác lại tích cực lan truyền các thông tin giống như chỉ đạo của cơ quan chức năng nhưng trôi nổi vô thừa nhận trên không gian mạng Những thông tin xấu độc này đang gây ra những tác động khôn lường đến kinh tế và đời sống. Ở Thành phố đang xuất hiện việc một số người dân mất bình tĩnh, tin theo những thông tin tiêu cực, xuyên tạc sự thật, chống đối những chủ trương, chính sách của Nhà nước và Thành phố, tạo sự mất bình tĩnh, mất niềm tin của một số đông người dân. Sự mất bình tĩnh này đã tạo nên một loạt phản ứng dân chuyền. Hoảng loạn – tích trữ – giá tăng – đồng tiền mất giá – kinh tế lũng đoạn. Và nguy cơ tệ hại nhất là tinh thần của mọi người xuống dốc sẽ tạo một xã hội rối loạn.

Để chống lại những hệ lụy của sự rối loạn về niềm tin của người dân Thành phố trước những thông tin xấu độc về dịch bệnh COVID-19, trước hết cần có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị của Thành phố trong việc thể hiện sự chăm lo, bám sát thực tế của nhân dân. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phó chiều ngày 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, TPHCM đã đi đúng hướng và quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19; mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân. Đồng thời, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm; triển khai tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 bình đẳng với mọi người dân theo thứ tự ưu tiên mức độ nguy cơ của các vùng, địa điểm, không để xảy ra tiêu cực gây mất trật tự an toàn xã hội; quyết tâm không để cuộc sống người dân đảo lộn nhiều và không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để các thông tin xấu độc là một giải pháp thường xuyên. Hệ thống cơ sở cần nhanh chóng rà quét, nắm bắt các thông tin xấu độc, sai lệch và lên phương án xử lý ngay. Đối với những thông tin không rõ nguồn gốc thì cần phải cảnh báo ngay cho người dân để họ không tự phát lan tỏa. Cần liên tục tuyên truyền đề người dân hiểu về những tác hại của thông tin giả, tin xấu độc, tin không có nguồn để cảnh giác và không chia sẻ.   

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Vắc xin có sẵn của người Việt Nam là tinh thần vượt khó, đoàn kết, sự kiên cường, càng khó càng mạnh mẽ, càng tiến lên”. Cả nước luôn mong chờ, tin tưởng và hướng về TPHCM cùng vượt qua đại dịch COVID-19.

Cờ đỏ TP. Hồ Chí Minh