flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Thành phố tôi yêu - Thành phố nghĩa tình, dù trong gian nan, dù trong đại dịch

Ngày đăng: 26-09-2021 Lượt xem: 1908

Hôm nay, ngày 26-9-2021, như vậy là TP. Hồ Chí Minh đã trải qua 160 ngày gian nan trong chống dịch kể từ khi phát hiện những ca FO từ nhóm truyền giáo từ ngày 26-5-2021. 160 ngày hành trình gian nan ấy cũng là bằng ấy thời gian người dân Thành phố cùng dìu nhau vượt qua gian khó. Cũng trong những ngày gian khó ấy, cả Thành phố đã nhận được biết bao ân tình của người dân cả nước.

“Thành phố tôi yêu - Thành phố nghĩa tình, dù trong gian nan, dù trong đại dịch”. Đó là dòng cảm xúc trên trang cá nhân một người bạn của người viết khi chị thông báo về việc được giao đứng ra làm đầu mối để mua sữa Nuti, gối chặn chống méo đầu giành cho các bé sơ sinh có mẹ đang là FO ở Bệnh viện Hùng Vương. Những phần quà thiết yếu giành cho các bé, theo chị là sự gửi gắm của những anh chị em làm công tác tuyên giáo ở Thành phố đã nghỉ hưu. Đó chỉ là một trong muôn ngàn câu chuyện về những hoạt động, những chương trình của những con người đã và đang ngày đêm âm thầm đóng góp, thầm lặng cống hiến trong những ngày Thành phố chống dịch cam go…

Truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau của người Việt đã được hình thành từ buổi hồng hoang của lịch sử. Người Việt quan niệm cùng sinh ra từ một nguồn cội, vì vậy mà người Việt gọi nhau bằng hai chữ “đồng bào”. Trong tâm khảm của người Việt bao giờ cũng thường trực suy nghĩ “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nam Bộ là vùng đất mới hình thành, TP. Hồ Chí Minh là vùng đất mà người Việt, trong cuộc thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam đã đặt chân tới đây và xem đây như một bàn đạp để đi tiếp. Ở thời buổi mà “Tới đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu phải sợ, cá vùng phải kinh” nên những người đến trước luôn giang rộng vòng tay để cưu mang những người vào sau: “Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây thì về”. Ở cái thuở mà nước ngọt là “vàng”, những lưu dân đặt chân lên trước đã làm những bè lợp lá thả nước trên sông để những người đi lại có nước ngọt uống. Chính việc làm đầy nhân văn ấy mà chúng ta có địa danh Nhà Bè hôm nay. Đó cũng chính là khởi nguồn của những con người nghĩa tình, khởi nguồn của một thành phố nghĩa tình.

Nhớ lại, khi Thành phố bình an, khắp mọi nẻo đường là những bình nước mát miễn phí, những quán cơm giành cho người nghèo có mặt ở khắp nơi…Chính bởi chất nghĩa tình ấy mà Thành phố đã thu hút số lượng lớn người dân trong cả nước tìm về đây để mưu sinh, lập nghiệp. Chính họ đã tạo nên diện mạo đa sắc màu của Thành phố, chính họ đã giúp cho đời sống của Thành phố sôi động hơn, chính họ - với những gánh hàng rong len lỏi từng con phố nhỏ - đã giúp cho người nghèo tiếp cận được hàng hóa với giá cả phải chăng hơn v.v…Và rồi, cơn lũ quét Covid-19 ập tới, biết bao con người vốn xem đây như quê hương thứ 2 của mình đã gạt nước mắt lên đường về quê tránh dịch. Hình ảnh những người dân Quảng Trị với gương mặt giàn giụa nước mắt chia tay Thành phố về quê giữa những ngày dịch giã khốc liệt đã làm rơi nước mắt bao người.

TP. Hồ Chí Minh là một siêu đô thị, vì vậy khi khi phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh chắc chắn sẽ gặp khó khăn gấp bội phần. Với nguồn lực còn hạn chế, chính quyền sẽ không thể nào có thể bao quát hết, bởi vậy, chính cỗ máy nhân ái của người dân Thành phố chạy không ngừng nghỉ 160 ngày qua đã giúp giảm áp lực cho chính quyền, giúp chính quyền tập trung hơn cho việc ứng phó với dịch bệnh. Giữa những ngày dịch bệnh phức tạp, khốc liệt, khi mà nước xa chưa kịp cứu lửa gần thì chính truyền thống nhân ái nghĩa tình của người dân Thành phố đã phát huy hết công suất khi mọi người cùng nhau san sẻ yêu thương. Mỗi người chia sẻ cho nhau những gì mình có từ lọn hành, bó rau, con cá, củ khoai, quả bí…Những mô hình sáng tạo giúp đỡ lẫn nhau của người dân Thành phố hoạt động không ngừng nghỉ như các mô hình ATM ô xy, tủ lạnh không đồng, cơ, bánh mỳ lướt ống v.v…

Dịch bệnh đã làm cho chúng ta mất mát quá nhiều, đã gây ra biết bao đau khổ, nhưng rồi dịch bệnh cũng làm cho mỗi chúng ta “nhìn rõ mặt người” để biết ai ân tình, ai thủy chung, ai tốt, ai xấu… 160 ngày được đánh giá là khó khăn nhất trong mấy mươi năm qua, những người dân TP. Hồ Chí Minh đã hiểu “tận lòng” những tình cảm nghĩa tình mà người dân cả nước đã giành cho Thành phố. Những gương mặt trẻ măng của những người lính công an, bộ đội, những gương mặt với bảo hộ kín mít của các bác sỹ, nhân viên, sinh viên y tế từ khắp mọi nơi trên cả nước về giúp Thành phố chống dịch chắc chắn sẽ là những hình ảnh không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của người dân Thành phố. Những con cá, củ khoai, lọ muối, bó rau v.v…từ bà con miền Tây, miền Đông, từ đồng bào miền Bắc, miền Trung, từ đại ngàn Tây Nguyên gửi tặng để góp sức cùng người dân Thành phố chống dịch sẽ mãi mãi được nhắc nhớ không quên…

Những bước chân ai đã phải rời xa Thành phố về quê tạm thời tránh dịch xin hãy luôn nhớ về Thành phố nghĩa tình này, Thành phố sẽ lại giang rộng vòng tay đón chờ đồng bào như truyền thống ông cha thuở trước. Trong bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy có lời thoại rất hay rằng: “Thăng Long (Hà Nội) có gì để mà thương, mà nhớ?”. Nay chúng ta cũng có thể nói rằng: TP. Hồ Chí Minh có gì để mà thương, mà nhớ? Thành phố này có nhiều lắm: có những con người đôn hậu, chất phác, thủy chung; có những con người sẵn sàng sẻ chia, san sẻ yêu thương, nghĩa tình dù trong gian nan, dù trong đại dịch…

                                                                                       Trung Kiên