flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Thế giới đại đồng, mơ ước của con người

Ngày đăng: 15-02-2021 Lượt xem: 6646

Thế giới đại đồng là cụm từ thường được dùng để chỉ một tư tưởng từ thời cổ đại của Trung Quốc, là một thế giới lý tưởng mà con người có thể đạt tới, thể hiện cho ước muốn về một xã hội tốt đẹp trong tương lai của con người mà trong đó, con người yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, nhà nhà an cư lạc nghiệp, không có cách biệt, không có chiến tranh…

 

Người Trung Quốc từng lấy thời Nghiêu Thuấn làm cái chuẩn mực về một xã hội tốt đẹp, ở đó mọi người bình đẳng, gắn bó, yêu thương nhau, không phân biệt sang hèn, trên dưới… Thậm chí, một số nhà tư tưởng thời kỳ Xuân Thu còn từng đề nghị các quân chủ các chư hầu ra sức xây dựng đất nước theo hình mẫu đó. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đều hiểu rằng, Nghiêu Thuấn thực ra là thời kỳ cuối của chế độ cộng sản nguyên thủy, khi xã hội con người chưa có giai cấp và chưa có nhà nước, sự bình đẳng giữa các cá nhân có thể thể hiện rõ nhưng trong một điều kiện phát triển hạn chế về trình độ sản xuất. Đó có thể là một thế giới đại đồng theo hình thức sơ khai, ở trình độ phát triển thấp. Sau này, Khang Hữu Vi (1858 – 1927) đã sử dụng khái niệm “đại đồng” và giải thích nó với tư cách là một mong muốn về một thế giới tốt đẹp hơn trong tác phẩm Đại đồng thư, gồm mười vạn chữ, trình bày cặn kẽ về tiêu chuẩn thiện ác, nguyên nhân sự sướng khổ của con người, đặt điều trọng yếu để cải tạo xã hội vào việc hủy bỏ chế độ quốc gia, gia đình và tư hữu, đề cao chủ nghĩa tương trợ, tinh thần nhân ái giữa con người… Tư tưởng “đại đồng” cũng được thể hiện trong tư tưởng chính trị của Tôn Trung Sơn (1866 - 1925), được thể hiện qua lời ca của quốc ca của lãnh thổ Đài Loan hiện nay: “Tam dân chủ nghĩa, đảng ta đề cao, xây dựng dân quốc, tiến tới đại đồng”...

Dĩ nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu “đại đồng” theo nghĩa rộng hơn cách hiểu đó và nó hoàn toàn tiệm cận với cái đích đến của chủ nghĩa cộng sản.

Tuyên ngôn của đảng cộng sản do Marx (1818 – 1883) và Engels (1820 – 1895) soạn thảo năm 1848, tác phẩm được coi là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới và có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình phát triển của cách mạng thế giới, đã nêu mục đích, nhiệm vụ, những biện pháp cách mạng và lập trường, chiến lược, sách lược của những người cộng sản nhằm lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, thiết lập nền thống trị của giai cấp vô sản, tiến hành cải tạo xã hội tư bản và xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ hơn, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tuyên ngôn đã vạch rõ bản chất đích thực của chủ nghĩa tư bản; những quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và các mâu thuẫn nội tại không thể khắc phục trong lòng xã hội tư bản; phân tích sâu sắc lịch sử các cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình của giai cấp vô sản; trên cơ sở đó, chứng minh xã hội tư bản nhất định sẽ bị thay thế bằng xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tuyên ngôn đã khái quát bằng luận điểm có tính khoa học và cách mạng rất sâu sắc: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”, và “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”…

Điều đáng nói là Marx và Engels không tự vẽ nên một viễn tưởng về một xã hội mới mà các ông đã dự báo về sự hình thành của xã hội đó. Các ông cũng không phải đã tự nghĩ ra điều đó mà có kế thừa cách nghĩ – thực chất là mong muốn – của nhiều người khác. Trong số đó, có thể kể Thomas More (1478 – 1535), Saint Simon (1760 – 1825), Robert Owen (1771 – 1858), Charles Fourier (1772 – 1837), Jean Baptiste Goden (1817 – 1888)…, đây là những người đã đề xuất một học thuyết về xây dựng một xã hội mới, được gọi là chủ nghĩa xã hội không tưởng, dù rằng trên thực tế, quan niệm về xã hội này đã hình thành từ rất sớm mà “sự hoài niệm” của một số người về thời Nghiêu Thuấn ở Trung Quốc đã phản ánh ý tưởng đó. Sau này, Thomas More đã vẽ nên một cộng đồng, một xã hội gần như lý tưởng hoặc hoàn hảo về mọi mặt, trong tác phẩm nổi tiếng Utopia, viết năm 1516. Utopia là một hòn đảo giả định trên Đại Tây Dương, nơi mà con người liên kết với thiên nhiên, tạo nên một xã hội bình đẳng, thân ái, không có tư hữu, không có giàu nghèo, tất cả cùng lao động và cùng hưởng hạnh phúc…

Khi Marx và Engels đưa tuyên bố về việc hình thành một xã hội mới tốt đẹp, xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai cấp tư sản đã hốt hoảng gọi đó là “bóng ma cộng sản” bởi họ dường như đã thấy trước sự diệt vong của mình, không phải là những tưởng tượng vu vơ nữa mà là những dự báo cho sự xuất hiện có tính tất yếu cũng như con đường đấu tranh của giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản đã điên cuồng tiêu diệt những người cộng sản, ở khắp nơi trên thế giới. Đến khi Cách mạng tháng Mười thành công ở Nga, 14 nước đế quốc đã lập tức xông vào tiêu diệt nhưng dân tộc Nga là một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik quang vinh mà đứng đầu là lãnh tụ thiên tài Lenin, cùng thế và lực của thời đại mới, thời đại mà nhân dân lao động đứng lên tự làm chủ vận mệnh của mình, cách mạng Nga đã thắng lợi trọn vẹn... Các sự kiện đó đã cổ vũ, khích lệ, truyền cảm hứng, mở đường cho rất nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Từ trước khi Cách mạng tháng Mười thắng lợi, những người cánh tả và những người cộng sản đã hát vang bài Quốc tế ca, một sáng tác vào năm 1871 của Eugène Pottier (1816 – 1887), trong đó có câu “C'est la lutte finale, Groupons-nous, et demain, L'Internationale Sera le genre humain” (Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai, L'Internationale sẽ là xã hội của loài người). L'Internationale có thể hiểu là một xã hội đại đồng mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa, xã hội mà con người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, không còn nhà nước, không còn tôn giáo, cũng không có bóc lột, áp bức, bất công...

Trong thế kỷ XX, thời kỳ mà chủ nghĩa tư bản đã dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt bất kỳ các mầm mống cộng sản nào thì vẫn có nhiều người tiếp tục đề xuất các ý tưởng về thế giới đại đồng trong điều kiện mới. Chẳng hạn, nhà văn Anh James Hilton (1900 – 1954) trong cuốn tiểu thuyết viết năm 1933, Lost Horizon, đã nói đến Shangri-La, một thung lũng huyền thoại, được coi như thiên đường hạ giới, gần như bất tử; đặc biệt, gắn với xã hội không tưởng Hymalaya huyền thoại - một vùng đất hạnh phúc vĩnh viễn, biệt lập với thế giới bên ngoài… Còn Marshall McLuhan (1911 - 1980) đã đề xuất tưởng về một “ngôi làng toàn cầu” (global village) trong các cuốn sách của mình (The Gutenberg Galaxy: The Making of Typographic Man (năm 1962) và Understanding Media (năm 1964)), nhằm khẳng định rằng, khi thế giới ngày càng hội nhập và gắn kết nhau thông qua phương tiện truyền thông liên lạc hiện đại thì sẽ hình thành lên một cộng đồng thế giới, nơi mà ranh giới giữa các quốc gia sẽ dần được xóa nhòa, các dân tộc sẽ chung sống hòa bình và hạnh phúc với nhau…

Hay trong âm nhạc, một tác phẩm có thể coi là tiêu biểu nhất của John Lennon (1940 – 1980), thành viên trụ cột của ban nhạc người Anh The Beatles, là Imagine, được viết năm 1971. Ca khúc có những câu: “Thử tưởng tượng thế giới không có thiên đường. Cũng chẳng có địa ngục. Trên đầu ta chỉ có trời xanh. Thử tưởng tượng tất cả mọi người đều sống cho hiện tại… Thử tưởng tượng thế giới không có quốc gia. Chẳng có gì để giết hoặc chết vì. Cũng chẳng có cả tôn giáo. Thử tưởng tượng tất cả mọi người đều sống trong hòa bình… Thử tưởng tượng thế giới không có sự tư hữu. Không cần phải tham lam hay thèm khát điều gì. Một tình bằng hữu của con người. Thử tưởng tượng tất cả mọi người cùng sẻ chia thế giới... Bạn có thể nói tôi là một kẻ mơ mộng. Nhưng tôi không phải là kẻ duy nhất. Tôi hy vọng rằng một ngày bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi. Và thế giới sẽ trở thành như một…”. Tức là John Lennon đang mơ ước về một thế giới mà mọi người sống chan hòa với nhau, không còn tôn giáo, cũng chẳng có quốc gia, không có tư hữu, chẳng chiến tranh hay giết chóc… Khi đó, thế giới trở nên như một, chẳng phải đó là thế giới đại đồng, là điều mà những người cộng sản đã nghĩ đến và đấu tranh đó sao? Và chẳng phải đó cũng là mơ ước của rất nhiều người đó sao?

Trong hàng ngàn năm qua, khi con người bước qua khỏi thời kỳ mông muội, đặc biệt là từ khi xã hội có giai cấp, con người đã mơ ước về một thế giới đại đồng, nơi là mọi người được sống tự do, hạnh phúc, bình đẳng. Con người cũng đã không ngừng tranh đấu vì điều đó, nhất là khi về mặt lý luận, một con đường để đi đến xã hội đó đã được vẽ ra rất rõ ràng, cụ thể. Có đi thì có đến, xã hội loài người đã trải qua các hình thái kinh tế - xã hội cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa - và con người được dự báo chắc chắn sẽ đi đến chủ nghĩa cộng sản với tư cách một cuộc cách mạng xã hội mang tính tất yếu. Bởi vì, suy cho cùng, đó là nguyện vọng chính đáng của loài người!

Trúc Giang