flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Thơ Tố Hữu rất người và rất thực…

Ngày đăng: 04-10-2020 Lượt xem: 3355

Lâu nay, một số người – nhất là những người có thành kiến với chế độ ta - hay rêu rao rằng thơ Tố Hữu thực ra chỉ là một công cụ tuyên truyền, nặng chính trị, ít đời thực. Có lúc, người ta lấy việc ông là một lãnh đạo trong hệ thống chính trị để phủ nhận tài năng thơ ca của ông, cho rằng sở sĩ thơ ông được phổ biến nhiều, được ca ngợi nhiều chẳng qua là vì ông là cán bộ cao cấp… Những ý kiến đó không chỉ nhắm riêng đến Tố Hữu mà còn một số cây bút khác.

Chẳng hạn, có người mượn bài Đời đời nhớ ông (tháng 5-1953) để mai mỉa nhà thơ ca ngợi Stalin “quá lời”. Hẳn nhiều người quên mất tính lịch sử cụ thể của hoàn cảnh ra đời bài thơ. Bấy giờ, không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước tiến bộ trên thế giới đều nhận thấy vai trò to lớn của Stalin trong chiến thắng phát xít trong Thế chiến II. Nếu cuộc chiến đó thất bại thì nhân loại thực sự rơi vào cảnh lầm than không thể kể xiết; chẳng những nước ta chưa thể giành được độc lập mà loài người phải chịu đựng nhiều tổn tất do các chính sách tàn bạo của các thế lực phát xít. Thì đây, trong bài thơ này, Tố Hữu đã nói rõ điều đã xảy ra trên thực tế: “Ngày xưa khô héo quạnh hiu/ Có người mới có ít nhiều vui tươi/ Ngày xưa đói rách tơi bời/ Có người mới có được nồi cơm no…”. Điều đó không chỉ đúng với chính Liên Xô mà còn với Việt Nam và nhiều nước thuộc địa khác. Mà đâu chỉ có Tố Hữu, trong dịp đó, Chế Lan Viên có bài Stalin không chết; Huy Cận thì có Nhớ đồng chí Stalin; Phan Khôi thì có Một vị học giả mác xít thiên tài – xin lưu ý, Phan Khôi là một học giả xuất thân Nho học! Trên tờ Văn nghệ số 40, tháng 3-1953, Lê Đạt xuất hiện như một phóng viên, ghi lại không khí một nhà máy trong rừng khi nghe tin Stalin mất; bài viết khoảng 3.000 chữ này kể chuyện cái tang của Stalin đã gợi lên niềm xúc động to lớn, từ đó đánh thức tinh thần lao động sáng tạo của cả một tập thể công nhân gang thép. Hẳn nhiều người còn nhớ đến Lê Đạt như là một nhân vật nổi bật trong vụ Nhân văn - Giai phẩm…

Hay một số người cũng nhắc đến những tác phẩm của Tố Hữu gắn với những sự kiện đặc biệt, những nhân vật đặc biệt và cho rằng nhà thơ chỉ nói tiếng nói của Đảng thông qua ngôn từ của mình. Sự thực thì nhà thơ nói bằng tiếng lòng của mình, thậm chí nói thay cho rất nhiều người khác. Như trong Bà má Hậu Giang (năm 1941), chính là tiếng kêu đau thương và phản kháng của bao lớp người bị áp bức cùng cực dưới chế độ thực dân – phát xít và gắn liền với cuộc khủng bố đẫm máu của kẻ thù sau Khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11-1940). Hay trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, có phải đâu chỉ là tiếng reo của những đảng viên, của các nhà lãnh đạo, mà chính là tiếng gào mừng bất tận của mấy mươi triệu đồng bào Việt Nam lúc đó, bởi “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...”, tức là những chiến thắng ở Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam… sẽ giúp hoa mơ lại nở, vườn cam lại sai trái trên xứ sở này, sau bao năm bị gót giày ngoại xâm giẫm nát. Còn trong Ê-mi-ly, con (viết ngày 7-11-1965) nào phải đâu là sự phẫn nộ của nhà thơ đối với nhà cầm quyền Mỹ mà chính là lời nói thay của hàng triệu người Việt Nam, Hoa Kỳ lẫn những người có lương tri trên thế giới, bày tỏ sự căm hờn đối với hoạt động gây chiến của Tổng thống Johnson và bè lũ, đến độ chính người dân Mỹ cũng không thể cam lòng…

Hay trong các bài thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có người nói những lời khó nghe về nhà thơ mà quên mất khả năng hấp dẫn, sự thuyết phục, tính truyền cảm hứng của vị lãnh tụ đối với mọi người, nhất là những người gần gũi với Người. Trong bài Sáng tháng Năm, viết tháng 5-1951, có lẽ những câu này được nhiều người nhớ đến lâu hơn cả: “Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà/ Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...”, bởi nhà thơ đã nói rất hàm súc về vị lãnh tụ: giản dị, gần gụi và đặc biệt luôn làm cho mỗi người dù ở gần bên thực sự hay chỉ gần bên về lý tưởng, về tình cảm đều thấy như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm… Hay trong bài Hồ Chí Minh, viết 26-8-1945, nhà thơ ngợi ca “người lính già” bất ngờ xuất hiện trên vũ đài chính trị Việt Nam, “đã quyết chiến hy sinh” để đem lại tự do, hòa bình, độc lập với “trăm trận trăm thắng”…; đó cũng là tiếng nói của rất nhiều người dân Việt Nam lúc đó chỉ nghe loáng thoáng cái tên Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh mà chưa biết rằng hai người ấy là một.

Đặc biệt, sâu lắng, tha thiết và tình cảm hơn cả có lẽ là bài Bác ơi, viết ngày 6-9-1969, chỉ vài ngày sau khi Bác đi về với thế giới người hiền. Có những câu thơ đã in đậm trong tâm trí của rất nhiều người và gần như mỗi lần nghĩ đến Bác Hồ, xem phim ảnh hay tư liệu về Bác Hồ hoặc đến viếng Bác ở Lăng Hồ Chí Minh…, ta đều ngâm nga: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...”, “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”, “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”, “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha…”, “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”... Những câu-thơ-tiếng-lòng ấy nào phải của riêng Tố Hữu mà như của hàng triệu người Việt Nam từng chứng kiến lễ tang đẫm nước mắt hồi tháng 9-1969 và hàng triệu người khác suốt hơn 50 năm qua.

Còn trong Theo chân Bác, viết tháng 1-1970, được thai nghén từ những ngày tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng có ý nghĩa như thúc giục người đọc tiến lên dưới cờ Đảng. Đó là các câu như: “Bác đi... Di chúc giục lòng ta/ Cho cả muôn đời một khúc ca/ Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn/ Và tình thương, ơn nghĩa bao la”, “Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác/ Nóng lòng mong đợi Bác vào thăm/ Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác/ Bác thường trăn trở, nhớ Miền Nam!”, “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa”... Đó đều là những câu thơ chứa chan tình cảm, không chỉ của riêng nhà thơ mà của rất nhiều người khác, không chỉ người Việt Nam mà còn người các nước.

Vậy đó, Tố Hữu viết về lãnh tụ bằng lòng yêu kính không của riêng ông mà còn của hàng triệu người Việt Nam khác. Nào đâu chỉ là thơ khẩu hiệu, thơ tuyên truyền như những kẻ chỉ buông lời phán mà không hề đọc!

Ở Tố Hữu, cách mạng, thơ đều là đời, vì làm cách mạng là để phục vụ cuộc đời, làm thơ cũng để phục vụ cuộc đời, mà cuộc đời thì: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (Bài ca mùa xuân 1961). Ý thơ này làm ta nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: Người viết: "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được"[1]. Cuối đời, quan niệm sống, lý tưởng cách mạng của ông vẫn nguyên vẹn trong các câu thơ của ông: “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất,/ Còn mấy dòng thơ, một nắm tro./ Thơ tặng bạn đường, tro bón đất,/ Sống là cho, chết cũng là cho” (Tạm biệt, năm 2002). Các câu thơ đó làm ta nhớ đến câu thơ nổi tiếng trong bài Một khúc ca, viết năm 1977: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, đến độ bây giờ đã được nhớ đến như một danh ngôn.

Hay những bài thơ mang tính triết lý của ông cũng không phải những câu chữ khô khan, nặng nề, khẩu hiệu. Trong bài Tiếng ru, gần như câu nào, khổ nào cũng chan chứa đời thực với những hình ảnh rất gần gũi, thực tế: “Núi cao bởi có đất bồi/ Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?/ Muôn dòng sông đổ biển sâu/ Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?”. Hay trong bài Tiếng chổi tre, có người bảo như một loại vè, thực ra các câu thơ ngắn là sự lặp lại từng tiếng chổi tre khoan nhặt của người lao công giữa khuya hè hay chiều đông, thấm đẫm nhân văn, điều mà có khi chính những người lướt qua chị lao công ấy cũng không cảm nhận hết…

Đâu phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu được xem là nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất Việt Nam thế kỷ XX, không chỉ số lượng tác phẩm, giá trị tác phẩm, sự phản ánh kịp thời diễn biến cách mạng trong suốt hơn 60 năm mà chính là sức hấp dẫn và tính vững bền của rất nhiều tác phẩm. Viết nhiều thể loại, nhiều cung bậc cảm xúc nhưng gần như tác phẩm của ông cũng rất người, rất thực, từ những bài hừng hực khí thế cách mạng như Từ ấy, Khi con tu hú… hay lãng mạn phảng phất miền cổ điển của Ly rượu thọ, Tiếng hát sông Hương… cho đến ngợi ca các nhân vật (Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trỗi, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt…) hoặc pha trộn giữa sự lãng mạn với chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong Việt Bắc, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Lá thư Bến Tre… Và, tính đời, tính thực ấy gắn liền với tính chiến đấu, tính cách mạng, bởi suy cho cùng, có chiến đấu, có cách mạng thì cũng vì cuộc đời, vì những con người!

TRÚC GIANG

 

[1] Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc với đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 17-6-1968, về việc xuất bản cuốn sách “Người, tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền, nêu gương những nhân tố tích cực.