Ngày đăng: 24-04-2018 Lượt xem: 7455
Những ngày vừa qua, nhiều cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đã phát thông tin cảnh báo về những hoạt động vi phạm pháp luật của “Hội thánh Đức Chúa Trời” ở các địa phương trên cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Trước thông tin cảnh báo này, Ban Biên tập Cờ Đỏ Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy đang xuất hiện tâm lý chủ quan, xem thường tác hại của tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời” trong một bộ phận thanh niên trên mạng xã hội Facebook. Sau đây chúng tôi cùng quý bạn đọc hệ thống lại thông tin về tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời”, từ đó đề cao cảnh giác, chủ động tuyên truyền cảnh báo cho người thân, bạn bè và gia đình.
1. “Hội thánh Đức Chúa Trời” có phải là tổ chức tôn giáo?
"Hội thánh Đức Chúa Trời" (còn gọi tên khác là "Đức Chúa trời mẹ) có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tổ chức này có khoảng 1,75 triệu tín đồ thuộc 1.200 hội thánh (trong đó ở Hàn Quốc có 400 hội thánh), có mặt ở hơn 150 quốc gia. Giáo lý của tổ chức này có một số nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với kinh thánh. Tổ chức "Hội thánh của Đức Chúa Trời" tuyên truyền phát triển vào Việt Nam từ năm 2001, do một số giáo sĩ Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và một số cá nhân, người lao động ở Việt Nam ở Hàn Quốc trở về. Đến nay, tổ chức này đã phát triển được trên 2.300 người trên phạm vi 20 tỉnh thành.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, trên địa bàn cả nước có một số nhóm mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời", bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên,... liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung. Hiện nay Ban Tôn giáo Chính phủ đang kiểm chứng về việc có hay không có vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng hoạt động tôn giáo Tin Lành.
2. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có “Hội thánh Đức Chúa Trời” hay không?
Theo tài liệu của cơ quan công an, ở phía Nam (chủ yếu ở TP HCM), tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời” có hoạt động nhưng tương đối ôn hòa, chưa phát hiện vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Để hướng tổ chức này hoạt động tuân thủ pháp luật, ngày 28 tháng 7 năm 2017, UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP HCM) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt đạo Tin lành cho điểm nhóm "Hội thánh Đức Chúa Trời" tại địa chỉ 352/5C đường Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP HCM). Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải lưu ý về những dấu hiệu hoạt động biến tướng của tổ chức này.
3. Những dấu hiệu nhận biết tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời” hoạt động biến tướng?
3.1. Hoạt động mê tín dị đoan theo kiểu đa cấp`:
Các đối tượng lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng đại diện, thành lập công ty, buôn bán hàng đa cấp, trung tâm trá hình... với mục đích tuyên truyền, phát triển tổ chức, gây nhiều phức tạp về trật tự, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tôn giáo.
3.2. Ép buộc tín đồ dâng hiến thu nhập:
Các đối tượng cầm đầu lợi dụng giáo lý, giáo luật, ép buộc tín hữu dâng hiến 1/10 thu nhập để trục lợi, thể hiện việc dâng hiến, quản lý việc thu, chi không rõ ràng, minh bạch; lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của các tín đồ, dùng các luận điệu như "ngày tận thế" để tác động, lôi kéo tín đồ. Nhiều tín đồ sẵn sàng nộp tiền dâng hiến, được cho uống nước thánh, bánh thánh, chỉ bảo không nghe theo lời khuyên của gia đình, xã hội, không thờ, ăn các đồ cúng tổ tiên, sẵn sàng từ bỏ gia đình, bỏ học để tham dự các buổi nhóm họp trái phép vào các ngày thứ ba và thứ bảy hàng tuần, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
3.3. Tập trung tiếp cận, lôi kéo thanh niên, sinh viên:
Các đối tượng lợi dụng tâm lý lập nghiệp, làm giàu của giới thanh niên, sinh viên để mời họ tham gia các lớp học, hội thảo kỹ năng mềm, qua đó mượn danh tuyên truyền về tổ chức, lôi kéo số người tham dự tham gia vào tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời”. Một số hình thức phổ biến:
- Cho các tín đồ đứng tại các tuyến đường, nơi có đông người như cổng trường, doanh nghiệp; tiến hành phát các phiếu thu thập thông tin cá nhân, tham khảo ý kiến, khảo sát thị trường, giới thiệu về tổ chức, mời gọi họ đến tham dự các buổi sinh hoạt của tổ chức này, qua đó lôi kéo họ tham gia vào tổ chức.
- Thông qua các chương trình hoạt động thiện nguyện như hiến máu, bảo vệ môi trường... để lợi dụng trà trộn, kết hợp cùng để tuyên truyền về tổ chức, lôi kéo nhiều tín đồ tham gia;
- Cho các tín đồ về lôi kéo các thành viên trong gia đình họ hàng, hàng xóm đi theo tổ chức; cho các tín đồ là cốt cán đến từng nhà dân để tuyên truyền về tổ chức, từ đó lôi kéo họ.
4. Quan điểm của cơ quan chức năng đối với tổ chức này?
Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho mọi người dân nhưng cũng nghiêm cấm hành vi xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội.
Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức trên và đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các cấp, ngành ở địa phương cần làm tốt công tác nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa mị về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc./.
Tháp Mười