Ngày đăng: 09-02-2020 Lượt xem: 3237
Theo Bộ Công an, tính đến ngày 6-2-2020, cả nước đã có 170 cá nhân thông tin sai lệch về dịch corona bị triệu tập, xử lý. Như vậy, có thể còn có một số cá nhân khác thông tin chưa đúng về dịch bệnh nhưng chưa được phát hiện, triệu tập, xử lý. Dẫu vậy, con số 170 người cũng là khá nhiều, nhất là so với số người thực sự nhiễm bệnh. Trong số này, đáng tiếc là có cả những người nổi tiếng, người của công chúng. Bên cạnh một số người vô ý, nghe “loáng thoáng” thông tin đâu đó rồi phao lại thì cũng có người cố ý nhằm mục đích câu view, câu like, để bán hàng trực tuyến, thậm chí có cả người mang dụng ý phá hoại.
Dịch cúm corona có thể gây ra những hậu quả nặng nề về nhiều mặt, nhất là về kinh tế, đồng thời tạo ra những xáo trộn đáng kể trong đời sống xã hội. Dù người mắc bệnh ở nước ta chưa nhiều (trong đó có những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương) nhưng nguy cơ thì không hề nhỏ. Chỉ cần lơ là, thiếu cảnh giác thì dịch có thể bùng phát. Do đó, trên mặt trận truyền thông, bất kỳ thông tin nào sai lệch, không chính xác đều có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Các biểu hiện thông tin sai lệch đó có thể là:
- Thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, như số liệu người nhiễm bệnh, số người đã tử vong, địa bàn có người nhiễm bệnh… Loại sai lệch này dù ở phương diện nào cũng nguy hiểm: nếu nêu khống số người nhiễm bệnh, số người chết… có thể gây hoang mang cho cộng đồng, xã hội; nếu nêu sai nơi có người nhiễm bệnh có thể gây cảnh giác cao độ không cần thiết hoặc ngược lại là làm mất cảnh giác…
- Thông tin sai về nguy cơ nhiễm bệnh. Khả năng lây bệnh, cơ chế lây lan, khả năng đề kháng/miễn nhiễm… với nCoV đã được nhiều chuyên gia đề cập. Nếu ai đó thông tin không chính xác, có thể làm người khác tin theo và thực hiện việc phòng tránh không phù hợp thì đều bất lợi, nhất là ở tình huống lơ là, mất cảnh giác. Chẳng hạn, nếu đưa thông tin rằng nCoV có khả năng biến hình, có thể lơ lửng và tồn tại lâu trong không khí… thì trái với các kết luận của khoa học, đều làm người dân lo sợ. Hay việc quá đề cao hoặc hạ thấp vai trò của khẩu trang, nước rửa tay… trong việc phòng tránh nCoV đều có thể làm người dân hiểu sai vấn đề.
- Thông tin sai về khả năng chữa bệnh. Việc chữa bệnh cúm do nCoV gây ra hiện nay đã được thực hiện có kết quả tích cực, nhất là với các bệnh nhân được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, nếu các thông tin không đúng về điều này có thể gây ra những ngộ nhận nguy hiểm; chẳng hạn, cho rằng nếu cơ thể có sức đề kháng tốt thì dù nhiễm nCoV cũng có thể không mắc bệnh, có thể làm người dân mất cảnh giác, hoặc đã nhiễm nCoV mà không phát hiện kịp thời đều không thể chữa trị được…, thì chắc chắn sẽ làm người dân hoang mang…
- Thông tin sai lệch, mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, người một số quốc tịch, người đến từ một số vùng lãnh thổ… Hiện có một số trang facebook đậm nhạt tỏ thái độ kỳ thị người có quốc tịch Trung Quốc, người đến từ Trung Quốc. Dù bệnh dịch xuất phát từ Trung Quốc và người nhiễm bệnh phần lớn là người Trung Quốc thì đó không phải lỗi do họ mang quốc tịch Trung Quốc mà do họ vô tình có liên quan đến một vùng dịch mà nếu người bất kỳ quốc tịch nào đến vùng dịch hoặc tiếp xúc với nCoV đều có thể nhiễm bệnh. Do đó, trong lúc này khẩu hiệu “Kẻ thù là virus corona, chứ không phải người Trung Quốc hay châu Á” nên được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
- Thông tin sai về công tác ứng phó, phòng chống dịch bệnh. Công tác đối phó với dịch ở nước ta được thực hiện rộng khắp, khẩn trương, quyết liệt trong toàn xã hội. Trong lúc này, các luận điệu cho rằng các cơ quan chức năng lơ là, chậm trễ hay có các giải pháp không phù hợp có thể không phải là các phê phán thông thường mà là thông tin có dụng ý xấu, nhằm dẫn dắt dư luận đi đến nhận thức sai lệch…, cần phải được phản bác ngay lập tức.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thông tin sai lệch bất cứ khía cạnh nào của dịch cúm corona đều có thể gây ra những hệ lụy phức tạp. Hơn ai hết, chính người dân của nước ta sẽ gánh lấy hậu quả đó. Nên khi một ai đó dù với dụng ý gì mà thông tin sai lệch về dịch cúm cũng có thể dẫn đến tình trạng là chính người (của) ta hại người (của) mình!
Do đó, một mặt cần xử lý nghiêm những cá nhân đưa thông tin không có tính xây dựng, mặt khác cần tuyên truyền, động viên người dân chỉ nên tin ở các thông tin chính thức (thông tin từ các cơ quan báo chí, từ thông tin của các cơ quan chức năng, từ tờ rơi do cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương cung cấp, từ tin nhắn đến thuê bao di động của Bộ Y tế, từ các fanpage, trang cộng đồng có uy tín…). Khi có thông tin sai lệch, các cơ quan chức năng cần phản bác, giải thích ngay để tránh gây hiểu lầm, ngộ nhận. Những trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc.
Và dĩ nhiên, cũng cần cảnh giác với các thế lực xấu lợi dụng tình hình để công kích, xuyên tạc trong công tác ứng phó với dịch corona nói riêng và vai trò lãnh đạo nói chung của Đảng, của Nhà nước, về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, về việc ứng xử với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc…
Ngũ Yên