flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn từ những thành tựu nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 14-09-2020 Lượt xem: 2683

Trước tình hình trong nước và quốc tế luôn biến đổi, TPHCM đã và đang không ngừng thích ứng, đổi mới về bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Mặt khác, công cuộc đổi mới của Thành phố cũng đòi hỏi sự chủ động trong quản lý kinh tế vĩ mô, vi mô, không để cơ chế cản trở sự phát triển. Trong thực tiễn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM đã thực hiện rất tốt vai trò quản lý kinh tế, giữ nhịp độ phát triển và thậm chí tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng, Thành phố trở thành một đầu mối quan trọng trong tam giác phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đất nước.

Ảnh minh họa

Trong một nền kinh tế phát triển, ở các giai đoạn khác nhau, có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau. Từ chỗ sử dụng những lợi thế có sẵn của mình, TPHCM luôn nỗ lực tiếp tục tạo ra những lợi thế mới. Những lợi thế đó lại tác động tích cực đến sự phát triển chung của Thành phố. Sự phát triển kinh tế của Thành phố tạo ra nhiều cơ hội mới song cũng đi kèm với nhiều thách thức lớn, trong đó có vấn đề về xây dựng và phát triển kinh tế bền vững, mà một trong những chính sách hướng tới phát triển kinh tế bền vững là xây dựng các mô hình “kinh tế tuần hoàn”.

“Kinh tế tuần hoàn” được hiểu là một hệ thống kinh tế dựa vào các mô hình kinh doanh thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng với mục tiêu đạt được phát triển bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình mà quan điểm tái sử dụng những gì có thể, tái chế những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa, ngụ ý đảm bảo chất lượng môi trường tốt, sự thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội, đáp ứng lợi ích hiện tại và tương lai[1].

“Kinh tế tuần hoàn” mang lại cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ thuộc phạm trù các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn là để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế truyền thống, mang lại nhiều cơ hội mới trong kinh doanh. Đây là xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. 

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu cho sự phát triển kinh tế bền vững hiện nay

Năm 2018, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Nhưng cũng trong năm 2018, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN. Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong cuộc "đua xanh"[2].

Ngoài ra, trong hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn. Chúng ta mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, chưa mang lại lợi ích kinh tế nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường. Việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm nhà nước và doanh nghiệp hết sức quan trọng[3].

Theo đó, việc phát triển bền vững, tăng trưởng xanh thời đại công nghệ 4.0 đang là xu thế thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh và sâu rộng, tạo ra các cơ hội mới và thách thức mới cho tất cả các Quốc gia, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh... Tuy nhiên, song song với nó là sự biến đổi khí hậu gia tăng, sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức mới cho sự phát triển bền vững. Đây là thách thứ to lớn, thúc đẩy các quốc gia cần phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển của mình, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó, xu thế hình thành các thành phố thông minh ngày càng gia tăng, các mô hình kinh tế tuần hoàn cũng dần được xây dựng và triển khai. Trên thế giới, rất nhiều Quốc gia có bước nhảy vọt trong việc biến rác thành nguồn nguyên liệu đầu vào để tái tạo, tái chế thành điện năng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, nhiều đất nước đã thành công xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn như: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...,

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, số lượng rác thải thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Riêng TPHCM, theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay lượng rác công nghiệp tại TPHCM phát sinh hơn 4.000 tấn/ngày, còn lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 350-400 tấn/ngày. Đây là thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân Thành phố nói riêng và người dân cả nước nói chung. Hơn nữa, Thành phố còn đóng vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất, với mật độ dân số cao nhất cả nước, luôn phải chịu áp lực gia tăng dân số cơ học lớn nhất và đồng thời cũng là tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu mạnh nhất cả nước, do đó đã có những dấu hiệu cho thấy, TPHCM đang “thấm mệt”, điều này thể hiện rõ ở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông xuống cấp, tắc nghẽn cầu cống trầm trọng, ngập lụt khi có mưa lớn, ô nhiễm môi trường về không khí, nguồn nước… ngày càng gia tăng, đây là những vấn nạn vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của mỗi người dân Thành phố nếu không tìm được phương án hạn chế và giảm thiểu những gánh nặng do rác thải gây ra.

Một trong những phương án giải quyết hiệu quả những tình trạng nêu trên là xây dựng thật tốt các mô hình “kinh tế tuần hoàn”, điều này giúp hạn chế sự suy giảm tài nguyên, nâng cao ý thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế các mặt hàng tiêu dùng sử dụng một lần không cần thiết, nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất, thúc đẩy sự sáng tạo trong việc nghiên cứu và xây dựng các mô hình kinh tế một cách thông minh, biến chất thải thành nguyên liệu sản xuất, tăng thêm lợi nhuận.

Tiềm năng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại TPHCM

Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chưa có một mô hình “kinh tế tuần hoàn” nào là hoàn chỉnh, nếu xét về mặt bản chất và những điều kiện đòi hỏi cần phải có ở một mô hình “kinh tế tuần hoàn”. Tuy vậy, có thể tin chắc rằng TPHCM là thành phố có tiềm năng lớn nhất trong việc thí điểm xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn bởi những lý do sau:

Trước hết, TPHCM là thành phố nổi bật với truyền thống năng động, sáng tạo ngay từ những ngày “khai thiên lập địa”. Chỉ tính riêng giai đoạn sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến trước năm 1986 (trước khi đất nước bước vào thời kì đổi mới) cũng đủ để minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng của Đảng bộ và nhân dân Thành phố trước những khó khăn, thách thức mà lịch sử đặt ra. Sau năm 1975, Thành phố phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, chính trị… nhưng với phong cách dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, các đồng chí lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt đã cùng đảng bộ và nhân dân trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi cái mới để tháo gỡ ràng buộc của cơ chế cũ, từ đó chuyển mình góp phần không nhỏ thiết lập cơ chế quản lý mới, chống tập trung quan liêu bao cấp, tạo nên xung lực mạnh mẽ mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, tạo tiền đề để cả nước bước vào quá trình đổi mới đất nước. Nổi bật nhất là những phong trào thi đua đi trước tạo tiếng vang cho cả nước, các phong trào góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng: Xóa đói giảm nghèo, Tuổi trẻ tình nguyện, Vượt khó vươn lên, 3 tương trợ 3 tiết kiệm, Nông dân sản xuất giỏi, Phong trào 3T, Mỗi cá nhân một sáng kiến, mỗi tập thể một công trình…, mạnh dạn cải cách hành chính với mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, đi đầu trong việc triển khai xây dựng Trung tâm phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao… Những phong trào thi đua và công tác kể trên đã giúp TPHCM xây dựng đời sống văn hóa đô thị, lối sống thị dân đồng thời đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Để làm được những điều đó chứng tỏ Thành phố đã và đang sở hữu yếu tố vô cùng quý giá là “con người”, con người nơi đây không “tĩnh” mà luôn “động”, luôn có những tư duy nhạy bén, táo bạo và sáng tạo, người dân thành phố luôn đồng lòng hợp sức với nhau, cùng nhau tạo ra những thành tựu to lớn, quan trọng hơn hết tất cả đều vì mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ đất nước.

Yếu tố thứ hai không kém phần quan trọng chính là là vị trí địa lý, TPHCM nằm ở vị trí vô cùng đặc biệt trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đúng như Kiến trúc sư tài danh hàng đầu Nhật Bản, một cây đại thụ của kiến trúc thế giới Kenzo Tange đã từng nhận xét: “Châu Á chỉ có 3 thành phố có tầm quan trọng nổi bật đối với thế giới, đó là Tokyo, Thượng Hải và Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh chính là ngã ba đường lên Bắc xuống Nam, qua Đông sang Tây kể cả đường không và đường biển. Đây chính là nơi hội tụ và là nơi xuất phát của mọi yếu tố liên quan đến sự phát triển và tồn tại của toàn khu vực quan trọng này”. Thật vậy, đây là vùng đất khá đặc biệt của miền Nam Việt Nam, trung tâm thành phố cách biển khoảng 60km, sông Sài Gòn sâu nên tàu thuyền dễ dàng đi lại, vì nằm ở ngã 3 Quốc tế nên những tàu thuyền đi qua đây thường ghé lại Sài Gòn, do đó lịch sử phát triển của TPHCM gắn liền với thương cảng Sài Gòn, đây cũng là nguyên nhân khiến Thành phố sớm trở thành nơi tiếp xúc, giao lưu và hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, chính trị, nhiều sự biến động của thời cuộc. Chính vì nằm ở vị trí thuận lợi nên rất nhiều doanh nghiệp cả trong nước và ngoài nước đều dành cho TPHCM ưu tiên đặc biệt, là một trong những yếu tố quyết định thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tiếp xúc gần hơn với những Quốc gia đi đầu và thành công trong phát triển mô hình “kinh tế tuần hoàn”, có cơ hội tham khảo, học tập, nghiên cứu áp dụng lại những mô hình một cách hoàn chỉnh, phù hợp với doanh nghiệp của mình.

Cuối cùng, yếu tố nội tại, là những nguồn lực mà Thành phố đang sở hữu, trong báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (dự thảo lần 2), kinh tế Thành phố tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trong nước địa phương tăng 8,3%/năm, hiện nay Thành phố đang có một nguồn nhân lực dồi dào “lao động thành phố là 4,7 triệu người vào năm 2020, chiếm 8,5% lao động cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước là 10,6%)” đây là thế mạnh của riêng Thành phố, suy cho cùng thì yếu tố con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của một chính sách bất kì. Tỷ trọng kinh tế Thành phố trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng cao, đến năm 2020 chiếm gần 23% GDP cả nước, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó còn có nguồn lực từ vốn đầu tư ngoài xã hội “tỷ trọng vốn đầu tư khu vực Ngoài nhà nước tăng từ 65,1% năm 2015 lên 74,5% năm 2020, tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài là 14%”, Thành phố hiện rất chú trọng đến khoa học - công nghệ, ban hành nhiều chính sách và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, do đó, TPHCM trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước…

Tuy chưa phải là “kinh tế tuần hoàn” nhưng từ trước Thành phố cũng đã xuất hiện những mầm mống hình thành với những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có khá sớm, từ các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, đơn cử như: Dịch vụ thu gom phế liệu, phế thải có giá trị đầu vào cho tái sử dụng, tái chế như sắt thép và kim loại khác đã có từ những năm 80 của thế kỉ XX; Nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại, đây là nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung đầu tiên trên địa bàn TPHCM, là cột mốc đánh dấu nỗ lực của thành phố trong việc gia tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn, hướng đến hoàn thiện nền kinh tế tuần hoàn; hoặc như Công ty nhà máy bia Việt Nam đã sử dụng lại chai và tái chế nắp chai cho làm cầu… và nhiều công ty khác không để lãng phí chất thải có thể tái sử dụng, tái chế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.

Tất cả những yếu tố trên là động lực cũng như là cơ sở để tin tưởng rằng Thành phố có khả năng trở thành một Thành phố thông minh trong tương lai, có tiềm năng rất lớn để khai thác và xây dựng các mô hình “kinh tế tuần hoàn”, và như đã nói ở trên, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển và tạo điều kiện việc làm cho hàng ngàn người lao động, cơ hội để cải thiện môi trường sống, cơ hội để đối phó với biến đối khí hậu, hiểm họa khôn lường của toàn nhân loại.

Năm 2020 - một năm vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân Thành phố khi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), trong đó, Thành phố đề ra mục tiêu phát triển tổng quát giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt nhấn mạnh Thành phố cần: “Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thức tư... không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước”, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ trong đó có: “đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghệ lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, khả năng cạnh tranh cao ở khu vực”[4].

Đặc biệt, Đề án “Thành phố Thủ Đức” với mục tiêu hình thành một vùng tăng trưởng mới, thông qua việc gộp ba quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức thành một thành phố trực thuộc TPHCM đã được Đảng bộ TPHCM khóa X đề xuất và đang trình xin ý kiến Trung ương. Dự kiến có diện tích 21.000ha và có hơn 1 triệu dân, thành phố mới đặc biệt này được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM thực hiện giấc mơ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ… mà gần 20 qua chưa thực hiện được. Và việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô như vậy cũng nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung… Đây cũng có thể xem là mô hình lý tưởng cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn của Thành phố.

Chính vì những tiềm năng mà Thành phố đang sở hữu, do đó cần phải chú trọng, khuyến khích và thúc đẩy khai thác tất cả các khả năng mà Thành phố đang có và sẽ có thể làm được, hướng tới mục tiêu chung của cả nước và của toàn nhân loại, vì một cuộc sống xanh - sạch - đẹp./.

Hoàng Nguyễn

 

[4] Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Dự thảo lần 2)