flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Tiếp tục phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày đăng: 23-08-2020 Lượt xem: 1899

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là truyền thống quý báu, là di sản vô giá được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước mà còn là nguồn sức mạnh nội lực, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học về tập hợp, củng cố và phát huy nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong 30 năm kiên trì thực hiện kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và 35 năm tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và ý nghĩa lớn lao.

1. Tập hợp mọi lực lượng để tiến hành thắng lợi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, có thể thấy, khát vọng về một dân tộc Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc chính là mẫu số chung, là điểm gốc để quy tụ mọi người dân/mỗi người dân Việt Nam yêu nước vào khối đại đoàn kết dân tộc. Hơn nữa, để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, thì sức mạnh của lòng yêu nước trong mỗi người dân phải được tập hợp lại, được xây dựng và củng cố để tạo thành nguồn sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết.

Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh việc: "Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến", “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”[1]… nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản".

Trong những năm lãnh đạo nhân dân tiến hành 3 cao trào cách mạng (1930-1931), (1936-1939), (1939-1945), Đảng đặc biệt chú trọng các hình thức Mặt trận (thay đổi phù hợp điều kiện cụ thể của lịch sử) để không chỉ tập hợp các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái… trong một mặt trận thống nhất, nhân nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn nhằm tập dượt quần chúng trong hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do; nhất là từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, tổ chức Hội nghị Trung ương 8(5/1941), chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, sáng lập Mặt trận Việt Minh để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ nguồn sức mạnh của quần chúng nhân dân cho mục tiêu giải phóng dân tộc.  

Đặc biệt nhạy bén trong việc xác định rõ mục tiêu và kẻ thù của cách mạng trong từng thời điểm cụ thể, ngay sau khi Nhật tiến hành đảo chính Pháp (9/3/1945), ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương đã ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Trong Chỉ thị, Đảng không chỉ kịp thời chỉ rõ: "Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương" mà còn quyết định đem khẩu hiệu “Đánh đuổi phátxít Nhật" thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp"; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung tuyên truyền, gắn khẩu hiệu đòi cơm áo, chống thu thóc, thu thuế với khẩu hiệu "Chính quyền cách mạng của nhân dân", mở rộng cơ sở của Mặt trận Việt Minh để đoàn kết mọi lực lượng nhân dân vào cao trào kháng Nhật cứu nước…

Thực tế, cao trào kháng Nhật cứu nước do Đảng lãnh đạo ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng khắp cả nước. Khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” được "đưa ra giữa lúc nạn đói khủng khiếp đang diễn ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng, do đó, đã thổi bùng ngọn lửa căm thù trong đông đảo nhân dân và phát động quần chúng vùng dậy với khí thế cách mạng hừng hực tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền”[2], không chỉ rất kịp thời, phù hợp tình hình mà còn có tác dụng tập hợp, đoàn kết và thúc đẩy, phát động quần chúng vùng lên đấu tranh. Cùng với đó, các khu căn cứ du kích cũng được mở rộng, khu giải phóng và chính quyền địa phương cũng đã được thành lập ở 6 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên)…đã cho thấy việc tâp hợp mọi lực lượng, đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh diễn ra từ nông thôn đến thành thị, ở miền núi lẫn đồng bằng,v.v.. đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Chiến tranh thế giới thứ II đi vào hồi kết, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh (14/8/1945). Ngày 14 - 15/4/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng và chiều ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào họp tại Tân Trào đã không chỉ khẳng định "cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới"[3] mà còn quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa để thống nhất chỉ huy và chiến đấu", "thành lập những ủy ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ"; thi hành 10 chính sách của Việt Minh; tuyên truyền và hiệu triệu nhân dân toàn quốc và các đoàn thể cách mạng vùng lên giành chính quyền, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng độc lập…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”[4], hơn 20 triệu dân Việt Nam đã nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra nhanh chóng, ít đổ máu và giành được thắng lợi ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8)… Sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân đã góp phần làm cho chính quyền cách mạng được thiết lập ở hầu khắp các địa phương trong cả nước chỉ trong vòng nửa tháng. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng thời khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập” và "toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

 2. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ (1930-1975)

Không lâu sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn; dần dần đánh chiếm lan rộng ra Nam Trung Bộ... Không dừng ở đó, thực dân Pháp cố tình bội ước Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9 và gây hấn ở nhiều nơi. Chiến tranh đã lan rộng ra cả nước. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Tinh thần và quyết tâm của cả dân tộc đoàn kết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”[5], đồng lòng kết thành một lực lượng mạnh mẽ không chỉ thêm một lần nhấ mạnh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xác định phương pháp cách mạng “dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng” trong chiến tranh nhân dân mà còn khẳng định rằng: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.

Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tập hợp trong Mặt trận Việt Minh tiếp tục được phát huy trong những năm cả nước kiên trì vượt mọi gian khó để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Trong hành trình 9 năm đó, nắm vững kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm của dân tộc, quy luật của chiến tranh cách mạng và tương quan so sánh lực lượng ban đầu giữa ta và địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phải trường kỳ kháng chiến. Khi địch dựa vào thế mạnh về quân sự, kinh tế để thực hiện đánh nhanh, thắng nhanh thì ta phải trường kỳ kháng chiến để tránh thế mạnh ban đầu của địch và từng bước chuyển dần lực lượng từ yếu thành mạnh, tiến tới đánh thắng địch. Vì thế, việc huy động sức dân, đảm bảo nguồn nhân tài, vật lực cho kháng chiến và phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, tiễu phỉ, trừ gian ở các địa bàn; đồng thời, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng…được thực hiện rất hiệu quả.

Mọi thành phần, lực lượng, lứa tuổi đều tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc (1947), Chiến dịch Sông Lô (1949), Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng (1949), Chiến dịch Biên Giới (1950), Chiến dịch Quang Trung (1951), Chiến dịch Hòa Bình (1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953), Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1954), Chiến dịch Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia (1954) và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)…

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20/7/1954. Tuy nhiên, Mỹ đã phá hoại Hiệp định, trực tiếp can thiệp vào miền Nam Việt Nam, vì thế, ở miền Bắc được giải phóng bắt đầu tiến hành công cuộc khôi phục, cải tạo kinh tế, văn hóa, xã hội…; từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Còn ở miền Nam, vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng  để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không chỉ là nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân cả nước mà còn làm cho sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước gắn kết chặt chẽ với chủ nghĩa xã hội; không chỉ tập hợp được mọi lực lượng của dân tộc vào việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược mà còn củng cố nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với đó, việc xây dựng, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất ở cả hai miền Nam, Bắc, với hình thức mặt trận khác nhau không chỉ thể hiện sự sáng tạo, độc đáo về tập hợp và tổ chức lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn khẳng định lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta"; đồng thời cho thấy Bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam "là ngọn cờ đại đoàn kết toàn thể nhân dân miền Nam để cùng nhau chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng".

Thực tế lịch sử đã ghi nhận, trong khói lửa ác liệt của chiến tranh, ở cả hai miền Nam, Bắc, các phong trào thi đua yêu nước đều được phát động sôi nổi và triển khai sâu rộng; nhất là, ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân phát triển mạnh ở nông thôn và ở khắp các đô thị. Các khẩu hiệu hành động: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, xâm lược”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... đã lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, góp sức để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sức mạnh đoàn kết đấu tranh sôi nổi và rộng khắp của nhân dân hai miền Nam, Bắc; của hậu phương lớn và tiền tuyến lớn đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau và phát huy cao độ, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; cả nước bắt đầu hành trình cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

3. Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước cũng chính là nguồn sức mạnh nội lực được tiếp bồi và phát huy để góp sức vào thành tựu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Do đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và để khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài,v.v..

Đi liền cùng đó là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 25-NQ/TW khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” về công tác thanh niên; Nghị quyết số 11-NQ/TW khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 09-NQ/TW khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,v.v.. nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong thời gian tới, để tiếp tục “phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[6] và khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy các cấp cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết. Trong đó, tăng cường công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền; chú trọng công tác mặt trận, vai trò phản biện xã hội; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với Nhà nước và xã hội…

Hai là, kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hướng đến “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên cơ sở tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung,v.v.. của mỗi người dân và kiều bào. Đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các giai tầng, các giới để cùng chung sức, đồng lòng, đồng thuận trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định, phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính gắn với nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp với tinh thần phụng sự và liêm chính. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và các Quy định về nêu gương… để tăng cường, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; chủ động phòng và chống sự tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.3

[2] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.47

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.424

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.596

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158-159.