flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Tổ quốc nhìn từ biển: một bài thơ đau đáu về chủ quyền biển đảo

Ngày đăng: 14-03-2022 Lượt xem: 1777

34 năm về trước (14.3.1988-14.3.2022), Trung Quốc đã tấn công sĩ quan, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Trong hồn, trong máu của mỗi người Việt Nam, Hoàng Sa - Trường Sa là một phần máu thịt, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, một vùng biển đảo yêu thương trong tâm thức của người Việt. Ngày 29-5-2011, Báo Thanh Niên đăng bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tác giả Nguyễn Việt Chiến. Ngay sau đó, bài thơ đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Bài thơ là tiếng lòng, là tiếng nói, là nỗi đau, là khát vọng của dân tộc, là một biểu tượng lừng lững về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Huyền sử của dân tộc kể rằng: Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra một trăm người con trai, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng ta là giống rồng, nàng là giống tiên không thể ở mãi cùng nhau, vì vậy nên chia ra một nửa đi về miền biển, một nửa đi về miền rừng: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”. Ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước đã bắt đầu từ đó. Trước khi ra đi, cha Lạc Long Quân có dặn lại rằng “khi nào có việc gọi cha, cha sẽ trở về”: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo/ Lạc Long cha nay chưa thấy trở về/ Lời cha dặn phải giữ từng thước đất/ Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi”.

          Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý, để bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc đã có hàng triệu triệu người Việt Nam chấp nhận hi sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Vậy nên, khắp mọi nơi trên đất nước thân yêu này đâu đâu “chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha” (Nguyễn Khoa Điềm). Thế nên, “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích/ Những đau thương trận mạc đã qua rồi/ Bao dáng núi còn mang hình góa phụ/ Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi”. Một dân tộc quyết sống mãi với kẻ thù xâm lược ấy lại là một dân tộc của những con người hiền hòa, nhân hậu, thủy chung: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi). Một dân tộc mà khi có giặc, gươm thiêng không thể nằm yên trong vỏ, nhảy ra khỏi bao, trèo lên đỉnh ngọn cây để cho người đánh cá năm xưa bắt được. Cũng thanh gươm ấy, khi đất nước trở lại thanh bình, rùa vàng đã nổi lên đòi lại. Bởi vậy, những người con ưu tú của Tổ quốc đang yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hẳn sẽ không thể yên lòng: “Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc/ Các con nằm thao thức phía Trường Sơn/ Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”. Và, mẹ Âu Cơ cũng không thể yên lòng khi đất nước chập chờn bóng giặc: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không”.

          Trong các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ta, có tới 10 lần quân thù xâm lăng bằng đường biển. Trong vị mặn của biển Việt Nam phải chăng có thêm vị mặn bởi máu, bởi nước mắt từ những người con yêu nước của dân tộc: “Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/ Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân”. Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả ấy sẽ gầm thét lên khi bóng giặc chập chờn để rồi mỗi khi có giặc xâm lăng, những ngọn sóng lại “hóa Bạch Đằng cảm tử” làm cho lũ Thoát Hoan phải “bạc tóc khiếp trống đồng”.

          Để có một đất nước hôm nay, đã có bao lớp cha anh không tiếc máu xương của mình. Bao những chàng trai ra đảo từ thời Lê, thời Nguyễn đến nay chưa trở về. Tổ quốc yêu thương bao mất mát ấy vẫn không bao giờ chịu khuất và vẫn sẽ như những con tàu vươn mãi ra khơi: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

                                                                                  Vũ Trung Kiên