flag header

Tin tứcChống DBHB

Toàn xã hội cùng tự giác cách ly

Ngày đăng: 01-04-2020 Lượt xem: 1423

(đôi điều về một cụm từ trong văn bản hành chính bị một số thành viên mạng xã hội cố ý xỏ xiên, thiếu thiện chí)

Hôm nay, 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện CÁCH LY TOÀN XÃ HỘI trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Khi Chỉ thị số 16/CT-TTg được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều facebooker đã lên mạng đặt vấn đề về hàm nghĩa của cụm từ “cách ly toàn xã hội”. Họ không chỉ dừng lại ở chuyện đặt câu hỏi để làm rõ một khái niệm mà thực chất là bắt bẻ cách dùng từ. Nếu đọc các lời bình từ những status trên, chúng ta càng thấy tính chất ác ý trong hành vi phân tích câu chữ của các ‘thánh soi” nhằm chê bai, mỉa mai chính quyền.

Trở lại với khái niệm “cách ly toàn xã hội”, cần phải nói ngay rằng, khi đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm đến nay trên toàn thế giới, hàng loạt những khái niệm mới, những tên gọi mới được Tổ chức Y tế thế giới đề xuất. Những khái niệm mới này ra đời xuất phát từ nhu cầu của xã hội cần phải định danh chủng vi rút mới hay xác lập một hành vi mới để phòng dịch. Cụ thể là, trong vòng gần một tháng qua, cụm từ "social distancing" và sau đó có thêm cụm từ “physical distancing” xuất hiện.

"Social distancing" là một giải pháp phòng dịch, theo đó, các thành viên của cộng đồng xã hội cần thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cụm từ mới này được báo chí và các cơ quan chức năng Việt Nam dịch là “giãn cách xã hội” / “cách biệt xã hội" / "giữ khoảng cách tiếp xúc" / "hạn chế tiếp xúc xã hội" / "cách ly xã hội"…

Công bằng mà nói, một khái niệm mới trong tiếng Anh không phải lúc nào có thể tìm ra ngay một cụm từ tương đương trong tiếng Việt để chuyển tải. Diễn đạt được đầy đủ nghĩa thì lại quá dài. Ngắn gọn quá thì không đầy đủ hàm nghĩa.

Từ “distancing” trong cụm "social distancing" mang nét nghĩa động từ, vì thế, dịch là “giữ khoảng cách”, “duy trì khoảng cách” hay “cách ly” đều thể hiện được tính chủ động của chủ thể thực hiện hành vi ấy. Nhưng có lẽ, “cách ly” ngắn gọn hơn.

Cụm từ “cách ly toàn xã hội” trong Chỉ thị 16/CT-TTg nêu trên cần được hiểu là toàn xã hội cùng tự giác tự cách ly theo tinh thần "social distancing".

Nếu “chẻ sợi tóc làm tư” theo kiểu chiết tự thì quả thật cụm từ ấy có thể diễn dịch ra cách hiểu khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông về dịch bệnh thời gian qua đậm đặc trên cách phương tiện thông tin đại chúng, trong bối cảnh cả hành tinh cùng hướng sự chú ý vào công cuộc phòng chống dịch bệnh, chẳng ai hiểu sai nội hàm của cụm từ ấy.

Một mẫu infographic của Thông tấn xã Việt Nam mô tả "Cách ly toàn xã hội"

Và, trong tiếng Việt hay trong bất cứ ngôn ngữ của dân tộc nào cũng vậy, có những cấu trúc mà xét về nghĩa nó thật… vô lý nhưng vẫn được cộng đồng chấp nhận. Ví dụ, người Việt nói “đi bác sĩ” nghĩa là “đi khám bệnh”, “khám bệnh”, “chữa bệnh”. Còn vì sao lại có cụm từ “đi bác sĩ” với nghĩa ấy rất khó giải thích. Ngôn ngữ có tính tương đối. Đó là quy ước của một tập thể, một cộng đồng. Ngôn ngữ còn có tính võ đoán của tín hiệu. Mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện là có tính võ đoán.

Mổ xẻ từ ngữ để đề xuất cách dùng hay hơn thì mới thực tâm xây dựng, đằng này, các “thánh soi” cố tình bé xé ra lớn, lái yếu tố ngữ nghĩa của vấn đề để số đông hiểu sai bản chất, nhằm gây mất uy tín cá nhân, tập thể… Đây là cách bình luận thiếu văn hóa, thiếu ý thức xây dựng.

 

Từ câu chuyện chữ nghĩa của khái niệm “cách ly toàn xã hội”, xin được mượn lời của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng để kết thúc bài viết này: “Các giải pháp về cách ly xã hội mới là dự lệnh, khuyến cáo, chưa phải lệnh cấm. Việc này cũng không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước!”

PHÚ TRANG