Ngày đăng: 30-03-2019 Lượt xem: 2040
Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã thử nghiệm mô hình cấp cứu cơ động bằng xe gắn máy tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TP.HCM). Mô hình này mang lại hiệu quả khi trong hoạt động cấp cứu ngoại viện khi điều kiện giao thông của thành phố thường xuyên xảy ra ùn ứ, ách tắc.
Dịch vụ cơ động, nhanh chóng, chuyên nghiệp
Mô hình cấp cứu bằng xe máy là đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân, trước tiên là tại quận 1, địa bàn đông dân cư, nhiều khách du lịch.
Đội ngũ cấp cứu y tế bằng xe máy của bệnh viện đa khoa Sài Gòn
Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp tăng hiệu quả cấp cứu người bệnh trong bối cảnh giao thông ùn tắc, nhiều hẻm nhỏ... mà ôtô cứu thương không thể tiếp cận nhanh chóng. Sau khi sơ cứu, xử trí ban đầu, nếu bệnh nhân ổn thì không cần đưa đến viện, trường hợp bệnh nhân phải đến bệnh viện thì bác sĩ sẽ liên hệ xe cứu thương đến đưa đi.
Trước đó, Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế TP.HCM đã thẩm định và góp ý kế hoạch triển khai sản phẩm sáng tạo này, thay vì xe tay ga phân khối lớn hay được sử dụng tại các nước phát triển, Hội đồng nhất trí với đề xuất của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn là chọn loại xe tay ga có động cơ 100-125 phân khối vừa chi phí thấp vừa giúp cho y, bác sĩ dễ dàng vận hành, nhất là nhân viên nữ.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết, trong vòng 20 ngày đầu thử nghiệm, đã có 67 trường hợp xuất xe ngoại viện, trong đó có 26 ca cấp cứu bằng xe máy. Người gọi cấp cứu đa dạng từ người già, thanh niên, sản phụ, trẻ em với đủ loại bệnh tăng huyết áp, thiếu máu não, rối loạn tiêu hóa, tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh non... Khi tiếp cận bệnh nhân, các bác sĩ đều thực hiện các thao tác hạ áp, hỗ trợ hô hấp, giảm đau, truyền đường, nẹp cố định... rồi tiếp tục chuyển đến bệnh viện điều trị hoặc cấp toa thuốc điều trị tại nhà.
Sau khi trải nghiệm dịch vụ cấp cứu bằng xe máy, đa phần bệnh nhân đều hài lòng. Một số người dân cảm thấy hơi ngỡ ngàng vì mô hình cấp cứu khá lạ. Song nhiều người rất tin tưởng, mừng rỡ khi nhóm cấp cứu của bệnh viện có mặt kịp thời. Bởi quy trình cấp cứu bằng xe máy cũng tương tự quy trình của cấp cứu ngoại viện và những quy định thực hiện cấp cứu 115. Đối với cấp cứu ngoại viện, điều quan trọng đầu tiên là phải xác định địa chỉ cần cấp cứu, sau đó đến tình trạng của người cần cấp cứu. Đây là hai yếu tố cần thiết nhằm tìm cách tiếp cận người bệnh một cách nhanh nhất để kịp thời xử lý trong thời gian vàng.
Để triển khai mô hình này, bệnh viện phải trang bị kỹ càng thiết bị y tế, cơ sở vật chất và thuốc. Hai xe máy được trang bị theo yêu cầu của Hội đồng Khoa học kỹ thuật công nghệ của Sở Y tế thành phố và của Trung tâm cấp cứu 115. Xe được trang bị hai “tủ thuốc” với đầy đủ các loại thuốc, trang thiết bị cần thiết cho một ca cấp cứu khẩn cấp như máy hút đờm, máy đo điện tim, máy đo đường huyết tại chỗ, máy đo nồng độ oxy, máy sốc điện, kim tiêm, thuốc an thần, dung dịch truyền, thuốc chống loạn nhịp... Đội ngũ cấp cứu bằng xe máy của bệnh viện hiện có 24 người, gồm 5 bác sĩ, 13 điều dưỡng và 4 tài xế, hoạt động 24/24.
Đội ngũ cấp cứu y tế bằng xe máy của trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS
Nhân rộng mô hình
Thống kê của Trung tâm cấp cứu 115, có khoảng 30% trường hợp khi ôtô cứu thương đến, người bệnh đã được đưa đi bệnh viện. Chính vì thế, việc phát triển thêm các mô hình cấp cứu mới, điển hình là cấp cứu bằng xe máy, tại TP.HCM, được cho là rất cần thiết.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay, ngành y tế thành phố đã bố trí hai trạm cấp cứu vệ tinh 115 trên địa bàn quận 1 tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn và Bệnh viện quận 1. Về xe cứu thương là tạm đủ để vận chuyển bệnh nhân nhưng đôi lúc xe cứu thương gặp khó khăn khi tiếp cận hiện trường do những yếu tố khách quan như kẹt xe, tắc đường, hẻm nhỏ; đồng thời trong những trường hợp cấp cứu bệnh nhân, nhân viên y tế phải tiếp cận càng nhanh càng tốt để kịp thời can thiệp tại chỗ.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, Sở Y tế thành phố thực hiện triển khai thí điểm một loại hình xe cấp cứu cơ động hơn, đó là xe máy 2 bánh, với mong muốn đội cấp cứu sẽ tiếp cận bệnh nhân nhanh hơn. Trong đó, Sở Y tế lưu ý luôn giữ mối liên lạc giữa nhân viên y tế đi cấp cứu và bệnh viện và sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhóm đi cấp cứu bằng xe 2 bánh và nhóm thường trực xe cứu thương. Khi có yêu cầu cần chuyển bệnh nhân về bệnh viện thì xe cứu thương sẽ kịp thời đến để vận chuyển bệnh nhân sau khi đã được sơ, cấp cứu trước đó.
Đây là mô hình mới được triển khai tại Việt Nam, mặc dù được chuẩn bị kỹ nhưng vẫn phải làm thử để hoàn thiện quy trình. Phải làm sao để người dân gọi nhân viên y tế đến sớm nhất cũng như sự phối hợp sao cho hiệu quả giữa xe máy cấp cứu với ôtô cứu thương ở bệnh viện. Quan trọng nhất là đưa xe đến sớm để kịp thời xử trí. Những trường hợp nào cần nhập viện, nhân viên y tế đi bằng xe máy sẽ liên lạc ôtô cứu thương ở bệnh viện, bác sĩ Thượng cho biết.
Tiếp nối hiệu quả từ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, ngày 30/1/2019, Bệnh viện quận 2 chính thức gia nhập mạng lưới cấp cứu bằng xe hai bánh. Đây là trạm cấp cứu thứ hai được Sở Y tế chọn để thử nghiệm loại hình xe cấp cứu hai bánh.
Tuy cùng một loại hình cấp cứu nhưng hai đơn vị này có sự khác nhau về không gian cấp cứu. Trong khi Trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn nằm ở quận 1 đông khách du lịch, địa bàn dân cư có nhiều hẻm nhỏ thì Trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện quận 2 nằm ở địa bàn có nhiều trục lộ chính thường xuyên tắc nghẽn với nhiều xe vận tải cỡ lớn, và đối tượng cần cấp cứu khẩn cấp nhiều nhất là do tai nạn giao thông.
"Việc bổ sung phương tiện xe cấp cứu hai bánh này nhằm tiếp cận người cần được cấp cứu nhanh nhất, khi mà xe cứu thương cổ điển chưa tiếp cận được người dân bị tai nạn giao thông do tắc đường. Bên cạnh đó, bệnh viện còn kỳ vọng sẽ cấp cứu cho người dân mắc các bệnh nội khoa, nhất là ở người cao tuổi, nhanh chóng và hiệu quả hơn", bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện quận 2 nói.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng đánh giá cao Bệnh viện quận 2 chủ động và nhiệt tình tham gia thử nghiệm phương tiện xe cấp cứu hai bánh, đồng thời lưu ý trong giai đoạn thử nghiệm đảm bảo sự phối hợp tốt giữa hai loại phương tiện cấp cứu người bệnh.
Sau đợt thí điểm, một số bệnh viện như Bệnh viện quận Thủ Đức, 1, 2, 4 cũng đã được Sở Y tế thành phố được triển khai mô hình cấp cứu ngoại viện bằng xe máy.
Hoàng Minh